Đe dọa hạt nhân và tấn công mạng từ Bắc Triều Tiên phủ bóng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn
Tác Giả : Minh Phương Nguồn: RFI Ngày đăng : 2024-08-19
Quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc hôm nay, 19/08/2024, bắt đầu các cuộc tập trận chung thường niên. Seoul cho biết các cuộc tập trận mới này nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên trên tất cả các lĩnh vực từ vũ khí hạt nhân đến tấn công mạng.
Binh sĩ Hàn Quốc luyện tập sử dụng pháo tự hành K-9, ở Paju, Hàn Quốc, gần vùng biên giới với Bắc Triều Tiên, ngày 19/08/2024. © AP - Ahn Young-joon
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, cuộc tập trận mang tên “Lá chắn Tự do Ulchi” kéo dài đến ngày 29/8, với các bài tập được thiết kế để "phản ánh các mối đe dọa thực tế trên mọi lĩnh vực", bao gồm cả tên lửa, vũ khí hủy diệt hàng loạt và hoạt động gây nhiễu tín hiệu GPS của Bắc Triều Tiên. Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết thêm rằng cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của khoảng 19.000 binh sĩ Hàn Quốc trên bộ, trên biển và trên không, cũng như trong lĩnh vực không gian mạng, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về sự tham gia của phía Mỹ.
Song song với tập trận quân sự, Seoul đồng thời tiến hành các cuộc diễn tập phòng thủ dân sự nhằm đối phó tốt hơn với các hành động thả bóng bay mang theo rác hay những cuộc tấn công bằng drone của Bình Nhưỡng. Hãng tin AFP trích lời chính quyền thành phố Seoul, nhấn mạnh : “Chúng ta hiện đang phải đối mặt với những hành động khiêu khích và đe dọa liều lĩnh và phi lý nhất của Bắc Triều Tiên”.
Về phần mình, Bình Nhưỡng đã chỉ trích cuộc tập trận, coi đây là các cuộc diễn tập xâm lược "nguy hiểm và nghiêm trọng" và thường xuyên tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí để trả đũa.
Cũng trong ngày hôm nay, trong cuộc họp nội các, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol kêu gọi tăng cường sẵn sàng chống lại các hành động khiêu khích “vùng xám” của Bắc Triều Tiên. Theo Yonhap, nguyên thủ Hàn Quốc nhấn mạnh rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Bắc Triều Tiên sẽ huy động các lực lượng chống phá nền dân chủ, vốn đang hoạt động tích cực tại Hàn Quốc. Các nhóm này sẽ cố gắng gia tăng sự hoang mang trong nước và chia rẽ người dân bằng cách lan truyền thông tin sai lệch, thao túng truyền thông và tấn công mạng. Ông cũng kêu gọi các cơ sở hạ tầng xã hội như giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước cũng như các cơ sở quan trọng của quốc gia phải duy trì hoạt động ngay cả trong thời chiến.
====
Tổng thống Hàn Quốc đề xuất lập kênh đối thoại với Bắc Triều Tiên
Tác Giả : Phan Minh Nguồn: RFI Ngày đăng : 2024-08-19
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm nay, 15/08/2024, đã đề xuất thành lập “Nhóm làm việc liên Triều” nhằm làm dịu căng thẳng với Bắc Triều Tiên và tìm kiếm các con đường hợp tác kinh tế.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại một cuộc họp thượng đỉnh giữa NATO với các đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương ngày 11/07/2024, Washington, Hoa Kỳ. AP - Matt Rourke
Phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày bán đảo Triều Tiên thoát khỏi sự cai trị của Nhật Bản, tổng thống Yoon Suk Yeol nói "chừng nào tình trạng chia cắt giữa hai miền còn tồn tại, sự giải phóng của đất nước sẽ không được trọn vẹn”.
Ông Yoon nói “sự tự do mà Hàn Quốc được hưởng phải được mở rộng đến miền Bắc, nơi người dân bị tước các quyền tự do và sống trong cảnh nghèo đói”. Ông cũng nhấn mạnh cơ quan này “có thể giải quyết mọi vấn đề, từ việc hạ nhiệt căng thẳng cho đến hợp tác kinh tế, trao đổi văn hóa, giao lưu giữa người dân, cũng như ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu”. Nguyên thủ quốc gia Hàn Quốc cũng mong muốn làm “thay đổi suy nghĩ của người dân Bắc Triều Tiên để khiến họ khao khát về một sự thống nhất đất nước dựa trên tự do”.
Ngoài ra, tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định “mặc dù chế độ Bình Nhưỡng từ chối nhận hàng cứu trợ lũ lụt, Seoul sẽ không bao giờ ngừng đề nghị viện trợ nhân đạo”. Các đề nghị hỗ trợ quốc tế dành cho Bắc Triều Tiên đã gia tăng trong những ngày gần đây sau khi nước này bị các trận lũ lụt nghiêm trọng ở những khu vực phía bắc, gần Trung Quốc, khiến chính quyền đã phải di tản 15.000 nạn nhân đến thủ đô Bình Nhưỡng. Nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh Bắc Triều Tiên sẽ “tự lực cánh sinh” để phục hồi sau lũ lụt.
AFP nhắc lại mối quan hệ liên Triều đang ở mức thấp nhất kể từ nhiều năm qua, trong bối cảnh Bắc Triều Tiên gần đây tuyên bố triển khai 250 bệ phóng tên lửa đạn đạo tới biên giới phía nam. Bình Nhưỡng cũng đã thả hàng nghìn quả bóng bay chứa đầy rác thải xuống Hàn Quốc kể từ tháng 5, khiến Seoul phải lắp lại loa phóng thanh tuyên truyền dọc biên giới và đình chỉ thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng giữa quân đội hai nước, được ký kết vào năm 2018.
===
Người đào tẩu khỏi Triều Tiên trở thành nhà báo lên tiếng thay cho những người không thể trốn thoát
Nguồn: VOA Ngày đăng : 2024-08-19
NK Insider, một trang web tiếng Anh nhằm mục đích nâng cao tiếng nói của người Triều Tiên. (hình chụp ngày 12/8/2024)
Chỉ hai năm trước, ông Zane Han không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình ngày nay: sống ở Seoul và viết bất cứ điều gì ông muốn về chính phủ Triều Tiên, nơi từng cố gắng kiểm soát mọi hành động của ông.
Ông Han, một người đàn ông vai rộng, năng động đang bước vào tuổi trung niên, đã sống một cuộc sống vật vã. Khi còn là thiếu niên, ông đã sống sót qua nạn đói những năm 1990; sau đó, ông theo học tại một trường đại học danh giá ở Bình Nhưỡng, nơi thường phải hối lộ để đạt điểm đỗ. Cuối cùng, ông làm việc cho một công ty xây dựng Triều Tiên ở Nga, nơi những điều kiện khắc nghiệt khiến ông phải tìm kiếm tự do.
Bây giờ, ngồi trong một văn phòng ở trung tâm Seoul, nơi ông làm việc với tư cách là một nhà báo, ông Han nỗ lực mô tả cảm giác khi chuyển từ sự lạc hậu cứng nhắc của Triều Tiên sang sự hiện đại sôi động hiện đang bao quanh ông.
“Giống như trải nghiệm một cỗ máy thời gian”, ông nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Han là một trong số ít người Triều Tiên trốn thoát trong những năm gần đây. Trong đại dịch COVID-19, Triều Tiên đã thắt chặt kiểm soát biên giới, tăng cường đàn áp bắt đầu khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011.
Lao động cưỡng bức
Cuộc trốn thoát của ông Han bắt đầu tại thành phố St. Petersburg ở cực tây nước Nga, nơi ông làm việc quần quật 15 giờ mỗi ngày với tư cách là một công nhân nhập cư — đổ bê tông, lắp cốt thép và đặt gạch tại một loạt các công trường xây dựng.
Ông Han nói ông và các đồng nghiệp người Triều Tiên chỉ được nghỉ hai ngày mỗi năm. Bị giam trong nhà công-tơ-nơ tạm thời trên các công trường xây dựng, họ hiếm khi được phép rời đi — thường là khoảng một lần mỗi năm.
Lúc đầu, ông Han không thấy mình là nô lệ. Phải đến khi ông tình cờ nghe thấy các đồng nghiệp người Nga gọi ông là đầy tớ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, con cờ của trùm mafia, thì ông mới bắt đầu thấm thía thực tế hoàn cảnh của mình. Đó là khoảnh khắc tự nhận thức và những gì ông Han mô tả là cú sốc đầu tiên khiến ông bước vào con đường bỏ trốn.
“Tất nhiên, tôi [biết] chúng tôi không có tự do bên trong Triều Tiên,” ông nói, “Nhưng tôi không ngờ hình ảnh của Triều Tiên [trong thế giới bên ngoài] lại tệ đến vậy.”
Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục, cố gắng tận dụng tối đa những gì ông được đảm bảo là cơ hội hiếm có để rời khỏi Triều Tiên và gửi tiền về cho gia đình ở Bình Nhưỡng.
Cuộc trốn thoát đầy kịch tính
Đỉnh điểm câu chuyện xảy ra trong đại dịch COVID-19 khi chính quyền Triều Tiên yêu cầu cắt giảm thu nhập của người lao động ở nước ngoài nhiều hơn nữa. Ông Han đột nhiên thấy mình chỉ còn 100 đến 150 đô la một tháng, bằng một nửa số tiền ông kiếm được trước đây.
Ông đã chán ngấy rồi. Lần tiếp theo ông Han được phép rời khỏi công trường xây dựng, ông đã gọi đến văn phòng cơ quan tị nạn của Liên hiệp quốc tại Moscow, sử dụng điện thoại di động mà ông đã mua từ một đồng nghiệp người Uzbekistan với giá khoảng 30 đô la.
Văn phòng Liên hiệp quốc đã giúp ông trốn thoát, đầu tiên là đến Moscow sau đó là thông qua một quốc gia thứ ba. Trong vòng 20 giờ sau khi trốn khỏi công trường xây dựng, ông đã hạ cánh tại Hàn Quốc, một trong số 67 người Triều Tiên đến được miền Nam vào năm 2022.
Xu hướng mới
Theo bà Lee Shin-wha, người cho đến đầu tháng này vẫn là đại sứ Hàn Quốc về nhân quyền Triều Tiên, cuộc trốn thoát của ông Han phản ánh một xu hướng quan trọng.
Giống như ông Han, hầu hết những người trốn thoát gần đây đều đã ở bên ngoài Triều Tiên — chủ yếu sống ở Trung Quốc và Nga với tư cách là nhà ngoại giao, doanh nhân hoặc lao động nhập cư, bà Lee cho biết. Một số người đã sống ở nước ngoài trong 10 hoặc 20 năm trước khi trốn khỏi sự kiểm soát của Bình Nhưỡng, bà nói.
Theo một phúc trình của Liên hiệp quốc trong năm nay, khoảng 100.000 công nhân Triều Tiên còn ở nước ngoài, kiếm tiền cho chính phủ Triều Tiên mặc dù Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã ban hành các nghị quyết cấm các hoạt động như vậy.
Các nhà hoạt động từ lâu đã cố gắng tiếp cận những công nhân Triều Tiên ở nước ngoài, những người mặc dù sống trong môi trường được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn có thể tiếp cận được một số thông tin bên ngoài.
Nhưng bà Lee cũng nhấn mạnh đến hoàn cảnh khốn khổ của những người bị mắc kẹt bên trong Triều Tiên, đặc biệt là kể từ khi xảy ra đại dịch, khi Triều Tiên trấn áp những người vượt biên trái phép.
“Tôi nghĩ rằng cơ hội [trốn thoát] của người Triều Tiên bình thường gần như bằng không”, bà nói. “Đó là mối quan tâm lớn của tôi”.
Lên tiếng
Ông Han, người có cả gia đình vẫn còn ở Triều Tiên, cũng được thúc đẩy bởi những người không thể rời đi.
Sau ba tháng ở Hanawon, một cơ sở do chính phủ điều hành giúp những người đào tẩu thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc, ông Han đã định cư tại Seoul và hiện đang viết cho NK Insider, một trang web tiếng Anh nhằm mục đích nâng cao tiếng nói của người Triều Tiên. Dự án này được Sáng hội Nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ tài trợ và đã ra mắt vào đầu năm nay.
Sử dụng các mối quan hệ của mình ở quê nhà, ông Han đã viết những câu chuyện giúp vạch trần các hành vi vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như bạo lực tình dục tại các trại tù của Triều Tiên, cũng như một hệ thống mới để khuyến khích người Triều Tiên do thám hàng xóm của họ.
Mặc dù ông Han cảm thấy thôi thúc phải lên tiếng nhưng ông cũng thận trọng, sử dụng một bí danh một phần để bảo vệ gia đình mình, những người mà ông chưa từng liên lạc hai năm qua, sau khi đào tẩu.
Bất chấp những thách thức, ông Han coi công việc của mình là rất quan trọng để tiết lộ những điều kiện thực sự bên trong Triều Tiên.
“Không ai có thể tưởng tượng được tình hình [ở Triều Tiên] như thế nào,” ông nói. “[Nhưng] tôi đã ở đó — tôi biết.”
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn