Phép màu tại thị trấn nhỏ: Thanh âm hy vọng tại Possum Trot
Biên dịch : Hữu Minh Nguồn: The Epoch Times Tiếng Việt Ngày đăng : 2024-08-25
Bộ phim điện ảnh mới của hãng Angel Studios, ‘Sound of Hope’ (Thanh Âm Hy Vọng), dựa trên cuốn sách của tác giả John Fornof kể về những việc làm tốt đẹp của một thị trấn nhỏ.
Bộ phim “Sound of Hope” (Thanh m Hy Vọng) dựa trên câu chuyện có thật về một thị trấn nhỏ ở miền Đông Texas, nơi đã nhận nuôi 77 trẻ em bị lạm dụng và bỏ rơi ở hệ thống chăm sóc thay thế. (Ảnh: Angel Studios)
Hãy tưởng tượng bạn là một nhà văn, và ai cũng nói với bạn rằng cuốn sách gần đây của bạn có tiềm năng trở thành một bộ phim xuất sắc.
Và rồi cuốn sách thực sự được chuyển thể thành phim.
Ngoại trừ việc phải chờ đợi một chút — chỉ 17 năm thôi.
Nhưng tác giả John Fornof luôn biết rằng điều đó sẽ xảy ra. Sự kiên nhẫn là một đức tính quan trọng trong trường hợp của ông. Vào ngày 04/07/2024, niềm tin của ông đã được đền đáp khi bộ phim “Sound of Hope” (Thanh âm hy vọng) ra mắt tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc.
Ông Fornof nổi tiếng nhất với việc viết kịch bản, lồng tiếng, và sản xuất các vở kịch truyền thanh Cơ Đốc Giáo cho chương trình “Adventures in Odyssey” (Cuộc phiêu lưu ở Odyssey) và “Lamplighter Theater” (Nhà hát Lamplighter) cũng như tạo ra loạt chương trình thiếu nhi nổi tiếng “Skyship Dreamer.” Một ngày nọ, ông nhận được cuộc gọi từ ông Larry Weeden, trưởng bộ phận xuất bản của tổ chức Focus on the Family. Ông Weeden hỏi một câu đơn giản rằng: “Này ông John, ông có muốn viết một cuốn sách không?” Khi nghe câu chuyện về một nhóm nhỏ gồm 22 gia đình đã cùng nhau nhận nuôi 77 trẻ em từ hệ thống chăm sóc thay thế, ông Fornof đã rất sẵn lòng.
Vậy nên ông đã được đưa đến một cộng đồng nhỏ tên là, khoan đã … Possum Trot, Texas. Cái tên nghe giống như một điều gì đó dân gian và hư cấu vậy, nhưng nó lại có thật. Ông đã có phản ứng giống như bao người.
“Tôi phải cười ngay khi nghe cái tên Possum Trot,” ông Fornof nói. “Tôi không biết nơi này ở đâu. Người ta nói với tôi rằng nó cách Goober Hill không xa. Nhưng bằng cách nào đó, điều đó không giúp ích gì.”
Vì vậy, từ ngôi nhà của mình ở tiểu bang Colorado, ông đi về hướng nam và đến Possum Trot.
“Tôi nhớ đã nhìn thấy biển báo ghi ‘Hết Đường Nhựa,’” ông Fornof kể lại.
Đó là nơi mà con đường nhựa kết thúc và cuộc phiêu lưu của ông bắt đầu. Ông chụp một bức ảnh và lái xe xuống những con đường đất và khu rừng thông của khu dân cư này.
“Tôi thấy những ngôi nhà di động đôi (double-wide) được chăm sóc cẩn thận với những mảnh cỏ được cắt tỉa gọn gàng, nơi trẻ em cười đùa và chạy nhảy. Tôi thấy những túp lều ván sơ sài nằm ngổn ngang trên những gò đất trọc, nơi những chiếc xe bán tải gỉ sét được dùng làm đồ trang trí sân cỏ,” ông Fornof kể.
Nhưng ông không tìm thấy bất kỳ biển báo nào ghi “Possum Trot.” Bạn cũng sẽ không tìm thấy cái tên đó trên hầu hết bản đồ. Ông nói, nó giống như một kho báu bị đánh mất. Nằm ở miền Đông Texas, cách biên giới Louisiana khoảng 10 dặm, ngay bìa Rừng Quốc gia Sabine.
Nhân vật Terri (Bé Diaana Babnicova thủ vai), một trong những trẻ em cơ nhỡ được cư dân Possum Trot nhận nuôi, trải qua một hành trình chữa lành. (Ảnh: Angel Studios)
“Tôi đã dành vài tuần với những người dân Possum Trot, một cộng đồng gồm 300 người do Giám mục W.C. Martin và người vợ Donna của ông dẫn dắt,” ông Fornof chia sẻ. “Mọi người đều chào đón tôi như người nhà, mặc dù tôi là người da trắng duy nhất ở đó. Họ thậm chí còn mời tôi đến Bữa tối Chủ nhật sau lễ nhà thờ. Đó là lúc bạn biết mình thực sự ‘hòa nhập.’ Có một sự ấm áp trong trái tim những người ở đây, một sự chào đón, tình yêu thương đã bao bọc 77 trẻ em được nhận nuôi.”
Ông Fornof, tác giả của cuốn “Small Town, Big Miracle” (Phép Màu Lớn Nơi Thị Trấn Nhỏ), câu chuyện về cộng đồng Possum Trot. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của ông John Fornof)
Cuốn sách của ông, đồng tác giả với Giám mục Martin, được xuất bản vào năm 2007 với tựa đề “Small Town, Big Miracle” (Phép Màu Lớn Nơi Thị Trấn Nhỏ).
“Người dân ở Possum Trot tiếp nhận những trẻ em gặp vấn đề,” ông Fornof nói. “Đây là những trẻ em từng bị lạm dụng đến mức hành vi của chúng trở nên bất thường. Không ai muốn nhận các em. Khi các em đến Possum Trot, giống như 77 cơn lốc đã đổ bộ vào thị trấn.”
Ông kể về những trẻ em 3 tuổi chửi bới cha mẹ mới của mình, những đứa bé xé rèm cửa, và những em khác la hét kinh hoàng lúc nửa đêm. Một em thậm chí còn cắn một giáo viên.
“Một số em ăn cắp thức ăn vì các em từng sống trong những ngôi nhà, nơi các em bị lạm dụng và bị bỏ rơi theo những cách tồi tệ nhất có thể,” ông Fornof cho biết.
Mặc dù gặp khó khăn trong việc giúp đỡ những trẻ em bị chấn thương tâm lý như vậy, các gia đình ở Possum Trot vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Một cặp vợ chồng, bà Theresa và ông Glen Lathan, nhận nuôi tám đứa trẻ mặc dù họ đã có ba người con ruột.
Những hành động nhân ái tuyệt vời này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, và một hãng thông tấn tin tức đã đăng tải câu chuyện của họ. Không lâu sau, Possum Trot trở thành cái tên nhà nhà đều biết khi các mạng lưới truyền hình lớn phát sóng câu chuyện này. Các tạp chí Reader’s Digest, People, Southern Living và Family Circle đều đăng tải những câu chuyện về họ.
Các cảnh trong bộ phim, theo chiều kim đồng hồ từ góc trái trên cùng: Cô Donna Martin (diễn viên Nika King thủ vai), một trong những bậc phụ huynh dẫn đầu nỗ lực nhận nuôi của cộng đồng Possum Trot, quấn quýt với bé Terri; bé Mercedes (A.J. Pulliam) và một đứa trẻ khác được cư dân Possum Trot chào đón; nhân viên xã hội Susan Ramsey (diễn viên Elizabeth Mitchell thủ vai) chuẩn bị cho một trong những đứa trẻ được nhận nuôi gặp gỡ gia đình mới của mình; Terri nhận được tình yêu và sự nâng đỡ từ bà Donna và ông Reverend Martin (Diễn viên Demetrius Grosse). (Ảnh: Angel Studios)
“Dấu hiệu đầu tiên cho tôi biết đây là một câu chuyện tuyệt vời là khi xem cách truyền thông quốc gia đối xử với nơi này,” ông Fornof chia sẻ. “Tôi từng là một phóng viên tin tức, và tôi nhận thấy hầu hết ký giả đồng nghiệp của mình đều có xu hướng chán ngấy và hoài nghi. Đó là bởi vì bạn chứng kiến mặt tối của nhân loại và nó làm hoen ố bạn.”
Ông nhìn thấy sự thay đổi không chỉ ở các đứa trẻ mà còn ở các phóng viên.
“Khi giới truyền thông quốc gia xuất hiện ở Possum Trot, những con người, những đứa trẻ, câu chuyện đó đã khiến những ký giả đầy hoài nghi này tìm lại được niềm tin và sự ấm áp trong lòng,” ông Fornof bộc bạch. “Đây là một câu chuyện khiến bạn tin rằng trên thế giới này vẫn còn những điều tốt đẹp.”
Chuyện kể rằng từ nhiều năm trước, một người phụ nữ đã đến Bennett Chapel ở Possum Trot với một “Word from the Lord” (Lời từ Chúa). Bà nói rằng giới truyền thông quốc gia sẽ đến Possum Trot, một cuốn sách sẽ được viết, và một bộ phim sẽ được thực hiện. Phần cuối của lời tiên tri đó cuối cùng đã trở thành sự thật. Những câu chuyện về tình yêu thương và lòng kiên nhẫn được chuyển thể thành phim “Sound of Hope: The Story of Possum Trot” (Thanh âm hy vọng: Câu Chuyện về Possum Trot) của hãng Angel Studios.
Sau khi bộ phim kết thúc nhưng trước phần giới thiệu diễn viên xuất hiện, Giám mục Martin thật cùng vợ mình là bà Donna đã tha thiết kêu gọi khán giả cân nhắc việc nhận nuôi một hoặc nhiều đứa bé trong số 100,000 trẻ em Mỹ hiện đang cần một mái ấm.
Các gia đình nhận nuôi trẻ em cơ nhỡ này đã thay đổi rất nhiều cuộc đời — không chỉ là cuộc đời của các bé [mà còn cuộc đời của họ]. Điều đó cũng để lại tác động sâu sắc với tác giả John Fornof.
“Viết sách, dành thời gian với người dân Possum Trot, phỏng vấn các em — điều đó đã thay đổi tôi,” ông nói. “Chúng ta rất hay dùng thuật ngữ ‘anh hùng,’ từ các cầu thủ bóng rổ đến ngôi sao điện ảnh. Nhưng người dân Possum Trot mới là những anh hùng thực sự. Họ đã hy sinh sự thoải mái của riêng mình vì lợi ích của những đứa trẻ này. Và giờ đây có 77 câu chuyện tuyệt vời để kể ra.”
Hữu Minh biên dịch
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn