SÀI GÒN TRÊN NHỮNG ĐÔI QUANG GÁNH HÀNG RONG
Tác Giả : Trần Khắc Tường Nguồn: SĐND VNCH Ngày đăng : 2024-08-25
Bạn có thể đã sống ở Sài Gòn lâu năm, cả chục năm hoặc hơn thế nữa, nhưng chắc chẳng mấy khi bạn bỏ hẳn một ngày thong dong thả bộ từ con phố này sang con phố khác, trong cái nắng Sài Gòn để rồi bắt gặp một “Sài Gòn trên những đôi quang gánh”.
Đó là những mảng nhỏ trong bức tranh đô thị đầy ắp sắc màu và âm thanh. Nó không thể hiện “tầm vóc hiện đại” của cái thành phố chen chúc cao ốc này nhưng chính là nét sinh hoạt đời thường rất riêng, lặng lẽ trong lòng phố Sài Gòn. Đặc biệt hơn, những gánh hàng rong ấy bao năm qua vẫn tồn tại dung hòa bên những nhà hàng, quán ăn sang trọng, chứng kiến bao sự đổi thay mạnh mẽ của Sài Gòn.
Nhà văn Mỹ E.Shillue đã viết một câu thú vị: “Bà bán hàng rong mang trên vai một vật lãng mạn nhất ở phương Đông – cái đòn gánh...”. Từ nông thôn, đôi quang gánh đã ra phố trong rộn ràng của những tiện nghi, và tồn tại một cách hài hòa trong lòng đô thị Sài Gòn.
Dạo một vòng từ Hồ Con Rùa ra công viên Tao Đàn, không khó để bắt gặp những gánh hàng rong với đủ thứ quà vặt được bày bán, nào là bánh tráng nướng, bánh tráng trộn, nào đậu hũ, chè đậu xanh, nào cốm, nào trái cây, nào xôi, nào bánh bột lọc...
Gánh hàng rong ngày xưa là đôi quang gánh với chiếc thúng và chiếc đòn gánh. Gánh hàng rong bây giờ, cùng với thời gian, chiếc thúng đã dần được thay thế bằng những vật dụng khác, nhưng vẫn còn đó chiếc đòn gánh mang đậm dấu ấn nông thôn Việt Nam. Sài Gòn vẫn hai mùa mưa nắng với dáng chị, dáng mẹ, dáng bà tất tả ngược xuôi trên phố, quang gánh in hằn trên vai, gánh hàng rong, gánh cuộc đời, gánh mưu sinh.
Sài Gòn thực sự là mảnh đất tứ hải giai huynh đệ, Có người từng nói là sống ở Sài Gòn, chỉ cần chịu khó là có thể sống được.Người ta có thể sống ở Sài Gòn chỉ bằng gánh hàng rong, bằng sự cần mẫn, chịu thương chịu khó. Sáng, chiều, sớm, tối và cả ngày nắng hay ngày mưa.
Phố Sài Gòn điểm xuyết những đôi quang gánh của đủ mọi con người từ mọi vùng miền đất nước tạo nên nét riêng cho con phố. Với chiếc đòn gánh trên vai, biến đôi quang gánh thành một “cửa hàng” bằng số vốn nghèo nho nhỏ, những người phụ nữ ngược xuôi trong lòng phố ấy tần tảo dưới nắng mưa vì cuộc sống gia đình.
Gánh hàng rong cũng trở thành biểu hiện trong tính cách mở của người Sài Gòn, nhịp sống Sài Gòn: đơn giản, không cầu kỳ, thích ứng nhanh và linh hoạt. Gánh tàu hũ chén quen thuộc chỉ với một nồi đậu hũ, một ca nước dừa, nước đường và.... Gánh canh bún chỉ với một nồi nước lèo, một rổ rau muống luộc và những thứ gia vị đặc trưng rất Huế: ớt, mắm tôm.
Nhiều khi ta tự hỏi: chỉ một gánh hàng rong thôi sao mà để nhớ thương nhiều đến vậy. Có khi chỉ là nhớ một tiếng rao quen thuộc giữa trưa hè oi ả trong con hẻm nhỏ, nhớ một nụ cười hiền của bà má miền Nam, của chị gái miền Bắc, nhớ hương vị cay cay những món bánh miền Trung...
Bởi vậy có những gánh hàng rong ta ghé qua chỉ là bất chợt, có những người cứ phải tìm tới tận con đường ấy, món ăn ấy, người bán ấy để nếm cái hương vị, tận hưởng cái không khí ấm áp, thân mật của một quán quen, khách quen.
Bên những gánh hàng rong, người ta bắt gặp một góc quê nhà của mình, thấy mình bớt lẻ loi trên chuyến hành trình dài nơi đất khách. Bên những gánh hàng rong, người ta dễ sẻ chia với nhau những câu chuyện về bạn bè, gia đình, cuộc sống.
Nhớ để rồi bất giác giật mình nếu một ngày Sài Gòn vắng bóng hẳn những gánh hàng rong chắc là sẽ hụt hẫng nhiều, biết đi đâu tìm lại những khoảng lặng giữa phố phường tấp nập?
o0o
Sự phát triển của công nghệ hiện đại cùng với nhu cầu của con người ngày càng muốn tiết kiệm thời gian, công sức và mong muốn có nhiều lựa chọn hơn đã phát sinh một hình thức mua bán khác giúp chúng ta không còn phải tốn thời gian đến tận cửa hàng để giao dịch mua bán nữa mà chỉ cần ngồi ở nhà truy cập vào Internet, click vài nhấp chuột, xác nhận qua điện thoại là có người mang sản phẩm tới tận nhà. Hình thức kinh doanh này là kinh doanh “Online” hay một cái tên chính thống hơn là “thương mại điện tử”.
Có phải tiền thân của loại hình kinh doanh này là hàng rong? Có phái hiện nay hàng rong là “cánh tay nối dài” của loại hình kinh doanh này? Mười giờ đêm bạn hãy nhấp chuột yêu cầu có một cái bánh khúc nóng.
Thử xem, đa số họ là vì cuộc mưu sinh mà rời xa quê nhà, bỏ lại chồng con vào thành phố. Gánh hàng rong là người bạn duy nhất cùng dầm mưa dãi nắng với họ trong hàng chục năm qua. Nhưng trong công cuộc mưu sinh của mình họ đều gánh trên vai những nhọc nhằn, những lo toan, có cả những giọt nước mắt, cả sự sợ hãi và buồn tủi...
Từ tờ mờ sáng, khi cái tinh khôi của buổi sớm vẫn chờn vờn trong không khí, những người bán hàng rong lại tất bật chất hàng, đạp xe xuôi ngược từ mọi ngả đường vào trung tâm thành phố. Trên chiếc xe đạp đơn sơ là cơ man hàng hóa: hoa tươi, quả ngọt, đồ dùng gia đình; mùa nào thức đấy gì cũng có cả.
Cuộc sống mưu sinh của họ đầy cơ cực và vất vả nhưng chính những con người ấy đang góp phần tạo nên một nét văn hóa xã hội đặc sắc, một sắc màu riêng cho thành phố: văn hóa hàng rong; nhất là những người nhập cư từ các tỉnh thành, vùng quê đổ về thành phố để kiếm sống bằng một gánh hàng rong.
Phía sau mỗi gánh hàng rong là những câu chuyện, những số phận, là bao nhiêu mảnh đời sống nhờ vào đó, miếng cơm, manh áo, miếng thuốc cho cha mẹ già ở quê, chi phí sửa lại mái nhà dột nát ở quê, tiền sữa cho tới tiền học đại học cho con... tất cả đều trông nhờ vào cái gánh hàng rong.
Người dân từ già đến trẻ, từ khỏe mạnh đến tàn tật phải tự bươn chải và nếu không có nghề nghiệp, bằng cấp (mà ngay cả Cử Nhân, Thạc Sĩ... bây giờ cũng đang thất nghiệp đầy dẫy khắp nước và phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề), không có vốn lớn, nếu ở quê làm ruộng cũng không đủ sống, thì lẽ đương nhiên là người ta phải tìm về các thành phố lớn và lao ra đường để tìm kế mưu sinh.
Xin đừng giả vờ nhân danh làm sạch đẹp, làm thông thoáng vỉa hè để ghép tội cho những gánh hàng rong. Những người quản lý xã hội, địa phương đó hãy tự nhìn lại vai trò trách nhiệm của mình và tìm cho họ một vài giải pháp buôn bán hợp tình, hợp lý hơn là sự xô đẩy, đá đạp và chê trách họ để chứng minh sự tích cực hay tốt đẹp của chính quyền sở tại, dù với động cơ đem lại văn minh của phố thị bằng cách chà đạp thân phận con người. Hãy nên có một cái nhìn, một cách làm nhân văn và nhân bản hơn đối với những người bán hàng rong.
Hãy nhìn lại chính bản thân mình đã có đủ văn hóa, giáo dục, nhân cách và tư cách chưa trước khi nhố nhăng lên Ti–vi to mồm dạy đời và có những lời miệt thị, xúc phạm những người bán hàng rong trên đường phố; mà đôi khi, không chừng trong số ấy, lại có cả những người thân, họ hàng, cha mẹ của bạn bè của chính mình đấy!
Không thông cảm, không giúp ích được gì cho họ thì không có quyền và không đủ nhân cách và tư cách để nhận xét về những người bán hàng rong ấy!
Xét cho cùng và nói đúng ra thì những đồng tiền của những người bán hàng rong đường phố còn trong sạch hơn những đồng tiền dơ bẩn, hôi hám của những tên quan tham vô lại, ngu dốt, bất tài; nhưng nhờ do hối lộ, tham nhũng, bè phái đục khoét ngân sách và ăn cướp được của dân mà có. Những kẻ đó mới chính là những loài giòi bọ, côn trùng, ký sinh trùng đã và đang sống bám trên thân thể còm cõi và gầy yếu của Mẹ Việt Nam từ gần nửa thế kỷ nay!
Hãy tự soi gương nhìn lại chính mình và uốn lưỡi mình trước khi lố bịch lên mặt dạy đời trong khi mặt mình thì kinh tởm, lem luốc và dơ bẩn lắm đấy!
Trần Khắc Tường
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn