20 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 36: THẤT BẠI
Tác Giả : J.B Nguyễn Hữu Vinh Nguồn: rfavietnam Ngày đăng : 2024-08-27
Hàng năm, nhà cầm quyền Việt Nam tổ chức những cuộc hội họp cho những người Việt ở nước ngoài gọi là “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới”. Những cuộc hội họp này, dù được mang nhiều tên khác nhau như “Hội nghị diên hồng” hay Hội nghị Kiều bào… thì cũng là để chỉ cuộc họp hội hàng năm do nhà nước tổ chức với những thành phần được nhà nước định nghĩa là Việt Kiều.
20 năm thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW
Thông thường, thì cái Hội nghị ấy được tổ chức chừng cuối năm hoặc đầu năm âm lịch để chúc tết chúc xuân, để đồng bào hải ngoại được đóng góp, được có lời ca ngợi công lao của đảng và sự phát triển của đất nước và đảng thì được dịp để kể công lao, thành tích to lớn của mình ra sao và những khó khăn như thế nào để đề nghị… hỗ trợ.
Tại những cuộc họp hành, tụ tập ấy, mục đích chính là vẫn thực hiện những chủ trương của đảng và nhà nước về “Công tác Việt Kiều, là vận đông đồng bào xây dựng Tổ Quốc, không quên cội nguồn, là khúc ruột ngàn dặm của đảng” và luôn được yêu quý… Đủ loại ngôn ngữ để tâng bốc lên tận mây xanh nói về tấm lòng của đảng đối với bà con Việt Kiều xa xứ nay hội ngộ trên quê hương.
Tuy nhiên, năm nay, đảng tổ chức cái gọi là “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới” vào gần giữa năm, chỉ là bởi kỷ niệm 20 năm đảng ra nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị nhằm thu phục đồng bào xa quê, là Việt Kiều trở thành “Khúc ruột ngàn dặm” của đảng.
Thế nhưng, để tổng kết cái nghị quyết đảng đưa ra đã 20 năm, thì Thứ trưởng Bộ ngoại giao kiêm Chủ nhiệm ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng trong một bài trả lời phỏng vấn trước Hội nghị đã nói rằng: “công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài “mặc dù đã có bước đột phá, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn do "một bộ phận nhỏ kiều bào chưa thực sự mở lòng, xóa bỏ định kiến".”
Nghĩa là với câu trả lời này, Thứ trưởng Bộ ngoại giao đã cho biết rằng quá trình 20 năm qua của việc đưa “Nghị quyết 36 vào đời sống” đã thất bại.
Sở dĩ nói là thất bại, bởi đã 20 năm mà vẫn còn “một bộ phận nhỏ chưa mở lòng, chưa xóa bỏ định kiến”. Mà hẳn nhiên là ai cũng biết cái một bộ phận nhỏ ở đây là không nhỏ theo cách hiểu thông thường những lời cán bộ đảng, nhất là cán bộ ngoại giao nói ra. Cũng bởi là nếu chỉ là một “bộ phận nhỏ” thì hẳn nhiên đảng chẳng cần để ý làm gì. Thế nên, phải hiểu rằng đó là bộ phận lớn trong kiều bào hải ngoại.
Còn cái nguyên nhân nào để bà con “chưa mở lòng, còn định kiến” thì trước hết hãy hỏi lại chính đảng, nói cách khác là đảng hãy tự sờ vào gáy của mình.
Việt gian, bán nước hóa ra Việt Kiều
Đó là những người Việt Nam hoặc gốc Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài, có mối liên hệ mật thiết với nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại, là những chân rết, cơ sở, là đầu mối của nhà cầm quyền Việt Nam tại hải ngoại để sử dụng khi cần.
Đó có thể là những cán bộ của đảng, nhà nước được cử đi công tác ở nước ngoài rồi nhỡ “ăn phải bả của đế quốc thực dân” nên không quay về theo đảng mà ở lại theo… đàn bà. Rồi sinh con, đẻ cái cho đến nay thành Việt Kiều.
Đó là những thanh niên Việt Nam năm xưa đi xuất khẩu lao động với cái nhãn là “Công nhân Kỹ thuật nước ngoài” hay “Hợp tác lao động” với các quốc gia cộng sản trong khối XHCN, để rồi khi Cộng sản sụp đổ không cưỡng được vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, thì trèo rào, vượt tường chạy sang CHLB Đức hoặc ở chui nhủi lại nước sở tại buôn lậu thuốc lá hoặc quần bò, áo phông rồi trở thành Việt Kiều bất đắc dĩ.
Đó cũng là những con em cán bộ cộng sản, sau một thời gian bố mẹ làm “đầy tớ trung thành, tận tụy cho nhân dân” thì kiếm được đống tiền, đẩy con sang nước ngoài học tập hoặc đầu tư, mua nhà cửa, kinh doanh hoặc bằng nhiều con đường khác nhau trở thành công dân các quốc gia “tư bản thối nát” mà không quay trở lại “Thiên đường XHCN”.
Việt Kiều, còn là những người dân đã bỏ nước ra đi qua những cuộc “Bỏ phiếu bằng chân” suốt chiều dài lịch sử từ Miền Bắc vào Nam năm 1954, rồi từ Miền Nam ra Hải Ngoại sau 1975 bất chấp mọi gian nan và cả tính mạng mình. Ngày nay với lòng nhớ cố quốc quay trở về thăm lại cố hương, họ hàng gia đình và thân nhân. Hẳn nhiên, cái họ mang theo khi họ trở về là những đồng ngoại tệ.
Việt Kiều, tiếp tục là những người đang tham gia cuộc “bỏ phiếu lần 3” hiện nay trên mọi nẻo đường đất nước, bằng mọi cách, mọi ngõ ngách để vượt ra khỏi sự lãnh đạo tài tình, tuyệt đối của đảng mà kiếm ăn, mà nuôi sống bản thân, gia đình và gửi dola về cho đảng tổ chức Đại hội và Ngày hội bầu cử toàn dân.
Tất cả, đều được gọi là Việt Kiều, miễn là cứ ngoan ngoãn, cứ vâng lời, cứ mũ ni che tai mặc cho đảng muốn làm gì trên quê hươn đất nước thì cứ việc.
Đặc biệt, ưu tiên hơn cả, “Việt Kiều” hơn cả, là những kẻ mà túi nặng những tờ đola. Chính vì vậy, dân gian đã định nghĩa Việt Kiều như sau:
Việt Minh, Việt Cộng, Việt Kiều
Trong ba Việt ấy, đảng yêu Việt nào?
Việt Minh thì tuổi đã cao
Việt Cộng thì vẫn xanh xao, gầy mòn
Việt Kiều thì hãy còn son
Đảng yêu, đảng quý như con trong nhà
Trong tay, có nắm đo la
Việt Gian bán nước, hóa ra Việt Kiều.
Những “Việt Kiều” đặc biệt!
Rất nhiều Việt Kiều đã trở về nước sau bao nhiêu năm băng vời vượt biển để thăm lại cố hương. Ở đó có đủ mọi thành phần đã ra đi bằng nhiều lý do, bằng nhiều cách khác nhau và khi trở về cũng mang nhiều tâm trạng khác nhau.
Trong số đó, không thiếu những kẻ “Ở Cali thì hô nhau đi biểu tình chửi đảng, về Hà Nội lại khóc lóc chửi cờ vàng”. Những kẻ mà ở Cali thì quân phục, ngù vai mũ nồi nghiêm ngắn, đứng giơ tay dạng chân diễn binh trong trang phục Việt Nam Cộng Hòa thề không đội trời chung, quyết trả thù Cộng sản, nhưng về đến Hà Nội thì khóc lóc thảm thương làm đồng bào trong nước cứ tưởng cả nhà bị nạn do cháy rừng ở Cali mới đây nhưng kỳ thực là cầu xin sự thương hại của đảng.
Những kẻ đó, thực chất chẳng phải là những kẻ yêu mến gì đảng đâu. Họ thừa biết cái bụng đảng chứa gì trong đó và bản thân họ được đảng đánh giá được mấy lạng, mấy cân.
Họ biết, dù họ có rập đầu cúi lạy, khóc lóc bao nhiêu, thì đảng cũng chỉ bấm bụng cười thầm mà rằng: “Cái thứ nước mắt ấy thì bọn tao có khối”. Họ biết.
Nhưng cái chính là làm tôi mọi cho đảng thì dễ kiếm hơn làm ăn nghiêm chỉnh bằng năng lực của mình. Còn gì kiếm ăn dễ hơn là chỉ cần về thổ ra vài giọt nước mắt, sụt sùi ân hận, rồi xin lỗi, rồi sám hối đấm ngực ăn năn để đảng ghi hình mình đang chửi lại đồng bào, đồng đội, đồng môn, đồng nghiệp để tuyên truyền rằng đảng ta đoàn kết, đại nghĩa, đại nhân… nói chung, là làm kiếp cò mồi thì sẽ được nhiều thứ.
Đó là những cuộc dạo chơi, du hí bằng tiền dân do cán bộ ngoại giao dẫn đi, được ăn chơi, được nghỉ ngơi, được đón tiếp trọng vọng đúng tiêu chuẩn… cò mồi. Tất cả bằng tiền dân, tiền ngân sách.
Thậm chí, có những “luật sư”, “nhà báo Việt Kiều” còn về Việt Nam khóc liên tục, khóc như chưa bao giờ được khóc đến thảm thương. Nhìn cái miệng chảy dài mếu máo của anh ta và khuôn mặt đầm đìa nước mắt, người ta cứ ngỡ rằng phen này về Việt Nam, anh ta quyết đi lập vùng kinh tế mới để xây quê hương đất nước mạnh giàu chứ không thèm về xứ tư bãn giãy chết nhận mấy đồng đola trợ cấp xã hội.
Nhưng không, chỉ thời gian ngắn sau, đám Dư luận viên, bò đỏ (Những danh từ chỉ đám đội quân 3 củ của đảng với vai trò dẫn dắt dư luận) đã phải tá hỏa tam tinh vì chị em hò nhau lên mạng lập diễn đàn tố cáo “Nhà báo hải ngoại” đã lợi dụng sự tín nhiệm của đảng rồi chuyên dụ dỗ chị em vào những chuyện đồi bại.
Và cái mặt nạ yêu nước rơi xuống, những dòng nước mắt yêu nước chấm dứt, những nhà báo, những quân nhân này không dám bén mảng về vì sợ chị em vả vào mặt, trang cá nhân mạng xã hội phải đóng cửa. Và người dân trong nước đỡ phải nhìn thấy mấy thứ rác rưởi đổ lên Tivi.
Đủ mọi loại Việt Kiều và đủ mọi thứ mánh mung khi mà cái chủ trương mua bán cò mồi vẫn còn có tác dụng, vẫn cứ rút được tiền dân ra để tiêu.
Thất bại
Có thể nói đến từ thất bại khi nói đến việc thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác Người việt ở hải ngoại.
Bởi khi đưa ra vấn đề Công tác người Việt ở hải ngoại cách đây 20 năm, Đảng CSVN không chỉ đã nhìn thấy tiềm năng và sức mạnh của hệ thống người Việt tại các quốc gia khác, nhất là ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada hoặc châu Âu. Theo con số thống kê, đến nay có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài trên hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với con số hàng triệu người có bề dày về kinh nghiệm, tiềm lực cả vật chất lẫn tri thức, đó là một nguồn lợi khổng lồ nếu có thể khai thác.
Con số mà đảng và nhà nước thu được qua lượng kiều hối hàng năm với hàng chục tỷ đola, đó chỉ là một phần nhỏ so với tiềm lực hiện nay của người Việt Nam ở hải ngoại. Bởi ngoài tiềm năng về kinh tế, lực lượng kiều bào còn có một nguồn tri thức khổng lồ được tích lũy từ lâu năm từ các quốc gia tiên tiến. Đó là nguồn lực và thứ quý giá hơn tất cả.
Nhưng, vấn đề ở chỗ khai thác như thế nào thì đảng không thể tìm ra một cách khả dĩ.
Có thể không có đủ thời gian để phân tích nguyên nhân của sự thất bại này, mà cũng chẳng cần phân tích nhiều thì ai cũng dễ nhìn thấy nguyên nhân đó. Đó là thể chế chính trị hiện tại đang ngày càng chứng tỏ sự phản động của mình, kìm hãm cả dân tộc, đất nước trong lạc hậu, đói nghèo, khổ đau và nhân quyền là thứ xa xỉ. Điều đó, đi ngược lại tất cả mọi giá trị văn minh, mọi nhận thức của những xã hội, đất nước và con người tiến bộ khi người Việt Nam đã vươn ra tầm thế giới và nhận thức được rõ ràng đâu là chính và đâu là tà.
Chính vì vậy, việc chân thành hợp tác hoặc sự giúp đỡ, hy sinh từ những kiều bào hải ngoại là vô cùng hiếm.
Bởi người ta chỉ có thể cống hiến, giúp đỡ cho đất nước, đồng bào mình, nòi giống mình những điều quý giá mà chẳng có ai ngu dại chỉ cống hiến cho một lũ quan chức tham nhũng cướp bóc của người dân bằng mọi giá, dù tổ chức đó tự xưng là “đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”.
24.08.2024

J.B Nguyễn Hữu Vinh
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn