Tẩy Não Nhân Dân
Tác Giả : Phạm Văn Bản Ngày đăng : 2024-08-29
Tác giả viếng thăm Cố Đô Huế trong dịp Xuân Canh Dần và viết bài nhận định về Vương Triều Nhà Nguyễn cùng những hậu quả của giáo dục học đường tại Việt Nam
Lấy ngày nghỉ của hãng Boeing người viết về thăm Cố Đô Huế, nơi vua quan Triều Nguyễn trị nước trong 143 năm, để kính cẩn dâng nén hương cầu cho nước thịnh dân an, cùng thành tâm tạ tội với các bậc Khai Quốc Công Thần đang hiện diện trong Thế Tổ Miếu. Trước Án thờ Thế Tổ Cao Hoàng Đế cùng hai vị -- Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu và Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu đại diện nhà Nguyễn, tôi xin thú tội vì đã đọc những sử liệu thiếu quang minh chính đại của học đường Việt Nam trong thời đại Cộng Sản ngày nay, nên toàn dân đã có nhận thức sai lầm về vua quan Nhà Nguyễn và đắc tội với Các Ngài.
Nhân ngày thăm viếng quê hương hôm nay, nguyện xin Các Ngài rộng lòng tha thứ, gia ân phù giúp cho toàn thể Con Cháu dân Việt, sớm thực tâm nối bước Tổ Tiên, đem chính sử kết liên Toàn Dân Toàn Diện, tạo sức hùng hưng phục Quê Hương, quyết loan truyền Chánh Thuyết Tiên Rồng, thành cơ chế cứu nguy Nhân Loại.
Đúng ơn Trời muốn, Kỳ Đài Bách Việt, Tiên Rồng mở hội, Hiển Tổ rạng danh. Lòng thành kính dâng, khấn xin hưởng nhận.
Mặt khác, tôi cũng xin cám ơn Cụ ẩn danh ở Ngự Bình đã tạo cơ duyên và giúp tôi có tài liệu để viết nên đề tài này. Xin kính chúc Cụ luôn an khang trường thọ.
I. Nhận Diện Thời Cuộc
Năm 1953 Hồ Chí Minh phát động một lúc hai phong trào là cải tạo nông nghiệp và cải tạo văn hóa. Phong trào cải tạo nông nghiệp thì ông Hồ giao cho Trường Chinh, tổng bí thư đảng Lao Động -- tiền thân Đảng Cộng Sản Việt Nam lập ủy ban cải cách ruộng đất rồi trao phó cho hai ủy viên bộ chính trị là Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương điều hành, đồng thời Trường Chinh còn gởi thêm một ủy viên trung ương đảng là Hồ Viết Thắng làm phụ tá.
Mục đích của phong trào này là xóa bỏ Định Chế Làng Nước – là cơ cấu tổ chức và là một tuyệt tác chính trị vốn có ngàn đời của Tổ Tiên Việt. Cộng đảng đã truất phế quyền tư hữu đất đai của nông dân, tập trung toàn bộ năng lực cho Hồ Chí Minh và đồng bọn xây dựng chế độ chuyên chính vô sản, nhằm khởi sự cho cuộc chiến tranh xâm chiếm Việt Nam.
Cũng trong thời gian ấy, phong trào thứ hai là cải tạo văn hóa, tức là cải tạo tư tưởng được ông Hồ ủy nhiệm cho Phạm Văn Đồng, thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, lập ra một ban nghiên cứu Lịch Sử, Địa Lý và Văn Học do Trần Huy Liệu làm trưởng ban, đặt quyền trực thuộc trung ương đảng, sau này đã đổi tên là Ủy Ban Khoa Học Xã Hội.
Mục đích là đảng tìm cách tuyên truyền xuyên tạc, đầu độc tẩy não những nhận thức về Văn – Sử – Địa của toàn dân, để từ đó mọi sự suy nghĩ, ý kiến, tư tưởng tâm lý của người dân thuận theo khuynh hướng độc tài toàn trị của đảng. Bởi thế đảng Cộng Sản đã phủ nhận tất cả mọi thành quả xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi hay phát triển đời sống xã hội Việt Nam của vua quan xưa nay, điển hình Nhà Nguyễn thời cận đại mà Cộng đảng dễ dàng phán xét đánh phá.
Phong trào cải tạo tư tưởng do "bác đảng" chủ trương, không chỉ dừng lại ở sự thay đổi tư duy hoặc thái độ từng người, mà còn kích động mọi người biến thành lực lượng chiến đấu, bảo vệ Chủ Thuyết Mác Lê. Việc làm của ban cải tạo không chỉ lôi kéo học sinh/ sinh viên ra khỏi sự nhận thức chính đáng của sử liệu Việt học, mà Cộng đảng còn đầu độc các lớp người trẻ tin tưởng mù quáng vào ý tưởng mới/ ý thức hệ cộng sản ghi trong các sử sách do Ủy Ban Khoa Học Xã Hội soạn thảo ra.
Do đó mỗi khi nghe nhắc tới công lao hay sự nghiệp dựng nước giữ nước của Tổ Tiên tiền nhân, thì các lớp thanh thiếu niên đều mất khả năng suy xét để trả lời, mà họ chỉ còn có phản xạ tự nhiên và thốt ra lời báng bổ Tổ Tiên như: “Chế độ phong kiến,” “quân chủ chuyên chế...” “vua quan bán nước…” Họ phủ nhận lịch sử, cắt đứt truyền thống chính trị ngàn đời của dân tộc và giống nòi. Đây là điểm nguy hiểm trong công cuộc kiến thiết quốc gia.
Những thế hệ học sinh/ sinh viên tiêm nhiễm sách sử do Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam tuyên truyền và đấu tố, họ luôn tỏ lòng vô ơn cũng như lộ chí căm thù vua chúa nhà Nguyễn, bằng những kết án đã ghi trong sách giáo khoa: “Chế độ quân chủ chuyên chế cực kỳ phản động – Nhà Nguyễn tăng cường bộ máy đàn áp – Bộ máy quan lại hủ lậu mục nát – Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà – Tự Đức bán rẻ đất nước cho thực dân Pháp…” Tóm lại, cả nước đều phát biểu rập khuôn theo một lập luận đấu tố, và đắc tội với Tổ Tiên Tiền Nhân Việt Nam.
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam chà đạp nhân quyền, thủ tiêu công lý, phán xét một chiều các vua quan nhà Nguyễn bằng những ngôn ngữ thiếu trầm tĩnh và đầy tính chất khủng bố cực đoan.
Xin hỏi, dân tộc Việt Nam sẽ gặt hái gì trên chính trường văn hóa thế giới? Chính quyền Cộng Sản Việt Nam hôm nay sẽ trả lời ra sao, một khi cho rằng ta cứ thiếu lễ nghĩa liêm sỉ, cứ hàm huyết phun người... thì chính nghĩa giải phóng dân tộc với thực dân Pháp xâm lược ngày trước, có biên giới nào khác biệt hay chăng?
1. Lịch Sử Việt Nam Tập I
Đọc Lịch Sử Việt Nam (1971) tập I, tác giả Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam đều lập luận một chiều theo chủ trương của phong trào cải tạo tư tưởng Cộng đảng, chớ họ không viết theo tư duy và sử học cá nhân:
- Triều Nguyễn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tội ác trời không dung, đất không tha, để cho tên tuổi đất nước một lần nữa, sau hàng ngàn năm độc lập, bị quân cướp nước xóa khỏi bản đồ thế giới.
- Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài. Gia Long lên làm vua lập ra triều Nguyễn sau khi đàn áp cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân.
- Triều Nguyễn là vương triều tối phản động. Bản chất cực kỳ phản động của chế độ nhà Nguyễn bộc lộ rõ ngay từ đầu qua những hành động khủng bố, trả thù vô cùng đê hèn của Nguyễn Ánh đối với các lãnh tụ nông dân và những người thuộc phái Tây Sơn kể cả phụ nữ và trẻ em.
- Chính quyền nhà Nguyễn hoàn toàn đối lập với nhân dân và dân tộc. Nó chỉ đại diện cho quyền lợi của những thế lực phong kiến phản động, tàn tạ, nó không có cơ sở xã hội nào khác ngoài giai cấp địa chủ. Vì vậy, các vua nhà Nguyễn từ Gia Long (1802-1819) đến Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883) đều rất sợ nhân dân và lo lắng đề phòng các hành động lật đổ. Chính vì khiếp nhược trước phong trào nhân dân mà nhà Nguyễn không dám đóng đô ở Thăng Long, phải dời vào Huế.
Xuyên qua nội dung người ta thấy rằng những đề tài trên đây không được thảo luận một cách thẳng thắn theo khoa học, mà chỉ tòan những lời bịa đặt, xuyên tạc và thóa mạ nhà Nguyễn nhằm truyền dạy cho lớp người thanh thiếu niên Việt Nam tỏ lòng vô ơn tiền nhân, phủ nhận những nỗ lực, những giá trị thành quả trong đại cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước của vua quan Việt Nam nói chung, và triều Nguyễn nói riêng. Tất cả làm thành một nhát gươm chặt đứt nguồn mạch hay truyền thống chính trị của Việt Nam, khiến cho toàn dân không còn Hồn Nước (lớp người nô lệ vô hồn). Vì rằng Hồn Nước phải bao gồm toàn thể lịch sử, tinh hoa văn hóa mà tạo nên tinh thần sống của một dân tộc.
Hồn mất trước, Nước mất sau.
2. Lịch Sử Việt Nam Tập II
Đọc tiếp cuốn Lịch Sử Việt Nam (1985) tập II phát hành mới đây, các tác giả Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam lại tiếp tục đấu tố nhà Nguyễn theo kiểu lên án địa chủ trong thời kỳ cải tạo nông nghiệp của đảng. Cộng đảng đã không tự giới hạn được ngôn ngữ, cho nên mỗi câu mỗi chữ trong những bài viết đã làm cho người đọc có cảm tưởng như mình đang nghe “bác đảng” chửi – trong khi vua quan nhà Nguyễn đã về chầu Quốc Tổ và Hồn Thiêng Sông Núi – bởi thế các Ngài đã không thể lọt tai.
Trước mắt chỉ có ba thành phần là tác giả, Cộng đảng, và bạn đọc, nhưng khi xem những tài liệu này người ta không thẩm định được nội dung mà "bác đảng" muốn gì; phá nước chăng? Bán nước chăng? Nô lệ Tàu? Có lẽ là như vậy!
- Triều đình nhà Nguyễn thối nát và hèn mạt – Vương triều Nguyễn tàn ác và ngu xuẩn – Cực kỳ ngu xuẩn.
- Nhà Nguyễn đã tăng cường bộ máy đàn áp – Bộ máy quan lại hủ lậu mục nát – Chế độ áp bức bóc lột nặng nề – Chính sách kinh tế lạc hậu và phản động – Chính sách đối ngoại mù quáng.
- Tên chúa phong kiến bán nước số một là Nguyễn Ánh – Nguyễn Ánh cầu cứu các thế lực ngoại bang giúp hắn thỏa mãn sự phục thù giai cấp.
Đang khi theo sử liệu của Việt học cho ta thấy rằng: Người khởi đầu dựng nghiệp nhà Nguyễn, là Nguyễn Kim (1468-1545). Nhà Hậu Lê bị nhà Mạc cướp ngôi năm 1527, Nguyễn Kim chạy vào Thanh Hóa để chống nhà Mạc. Nguyễn Kim tìm được người con vua Lê Chiêu Tông, lập ngôi nối tiếp là vua Lê Tang Tông. Nhờ công này Nguyễn Kim được phong chức Quốc Công, cai quản quân đội.
Nguyễn Kim về sau bị người họ Mạc dùng thuốc độc trả thù. Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng được phong Quận Công, nhưng binh quyền lại lọt vào tay anh rể, Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm giữ quyền chỉ huy quân đội và trông coi triều chính. Để giảm bớt thế lực họ Nguyễn, Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông.
Lo sợ cho mình cũng bị diệt trừ, Nguyễn Hoàng xin vào trấn đất Thuận Hóa theo lời khuyên “Hoành sơn nhất đái vạn dung thân: Một dải Hoành sơn có thể dung thân lâu dài” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – Chúng ta cần thấy rằng chỉ một lời nói của cụ Trạng Trình đã giải quyết cho hai thế lực thù nghịch để cứu Dân Việt thóat cảnh đao binh, và đồng thời còn mở rộng thêm đất đai cho Việt Nam – chớ không làm mất đất đai, hải đảo như triều đại Cộng Sản ngày nay.
Trịnh Kiểm giao quyền cai quản miền Nam thời đó cho Nguyễn Hoàng vào năm 1558, bao gồm phần đất thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam ngày nay. Nguyễn Hoàng lập nên căn cứ phương nam, mở rộng biên giới và xâm lấn đất đai của Chiêm Thành, Lào, Chân Lạp, gây sức ép với các vua của Đế Quốc Khmer nhường lại đất xứ Phù Nam, tức miền Nam Việt Nam ngày nay.
Kết qủa Nhà Nguyễn đã góp công đầu trong đại cuộc Mở Nước, xây dựng và phát triển đất nước hùng hậu như trong Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ do Quốc Sử Quán triều Nguyễn ấn hành vào thế kỷ 19 đã ghi rõ Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa, và toàn bộ cương vực này là thuộc Đại Việt.
Các chúa Nguyễn ngày ấy, về hình thức vẫn thần phục vua Lê và xưng chúa. Nguyễn Hoàng được tôn là chúa Tiên, vì người mở đầu cho sự nghiệp tiên đế của nhà Nguyễn ở phương nam. Con Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên, Chúa Sãi lên ngôi năm 1613, là người mang họ Nguyễn Phúc và từ đó con cháu trong dòng đều mang họ này.
Sáu đời sau Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vào năm 1738, là người xưng vương, Vũ Vương vì chúa Trịnh ở phương Bắc đã xưng vương, đang khi vua Lê chỉ còn hư vị.
Vũ Vương chết, theo di chúc người nối nghiệp là Nguyễn Phúc Luân, nhưng phản thần Trương Phúc Loan lập Nguyễn Phúc Thuần 12 tuổi lên ngôi Định Vương năm 1765, nhằm dễ bề thao túng. Trương Phúc Loan là người độc ác, tàn bạo nên bị dân chúng óan hận và nổi lên khởi nghĩa, trong số ấy có anh em nhà Tây Sơn.
Tây Sơn được lòng dân nên thế lực rất mạnh khiến chúa Nguyễn phải toàn tâm đối phó. Nhân cơ hội này, chúa Trịnh đem quân vào lấy cớ là giúp chúa Nguyễn trị Trương Phúc Loan, nhưng sau khi bắt được Trương Phúc Loan quân Trịnh tiếp tục đánh chiếm Phú Xuân, năm 1775.
Chúa Nguyễn phải chạy vào Quảng Nam, tới năm 1777 Tây Sơn đánh bại quân chúa Nguyễn, bắt giết tất cả Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần, Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương, và nhiều người và thuộc dòng tộcNguyễn Phúc, chỉ còn người con duy nhất của Nguyễn Phúc Luân, là Nguyễn Phúc Ánh trốn thoát.
Năm 1778 Nguyễn Phúc Ánh quay lại và tập hợp lực lượng đánh chiếm Gia Định và tới năm 1780 xưng vương. Tây Sơn sau đó nhiều lần tấn công Nguyễn Vương khiến vương trốn chạy và quay lại nhiều lần.
Mãi cho đến năm 1790 Gia Long mới chiếm trọn Gia Định, tỏ ra là một trang anh hùng nghĩa khí, xây dựng nền độc lập tự chủ, mở mang bờ cõi và thống nhất lãnh thổ Việt Nam. Vua Gia Long rất xứng đáng cho con cháu Việt Nam chúng ta noi gương!
3. Đại Cương Lịch Sử Việt Nam
Đọc tiếp đến cuốn sử mới đây có tên, Đại Cương Lịch sử Việt Nam (2007) do Đinh Xuân Lâm biên soạn. Ông Lâm được chính quyền Việt Nam hiện thời ca tụng là giáo sư có công xây dựng Bộ môn Lịch sử cận đại và hiện đại… Giáo sư Lâm còn là Phó Chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, và là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm UNESCO. Tác giả viết:
- Triều Nguyễn thành lập là sự thắng thế của tập đoàn phong kiến tối phản động trong nước có tư bản nước ngoài ủng hộ.
- Nhà Nguyễn là một nhà nước quân chủ chuyên chế tuyệt đối, tập trung cao độ với một chế độ chính trị lạc hậu, phản động. Mọi chính sách chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội triều Nguyễn ban hành đều nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn.
Và, các biện pháp khai hoang hay mộ dân lập ấp của Nhà Nguyễn, ông Lâm cho rằng nó “đã xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị.”
- Để duy trì chế độ xã hội thối nát nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi, phong kiến nhà Nguyễn ra sức củng cố trật tự bằng mọi cách.
- Đối nội, chúng ra sức đàn áp khủng bố các phong trào của quần chúng.
- Đối ngoại, chúng ra sức đẩy mạnh thủ đoạn xâm lược đối với các nước láng giềng như Cao Miên, Lào làm cho quân lực bị tổn thất, tài chính quốc gia và tài lực nhân dân bị khánh kiệt. Còn đối với các nước tư bản phương Tây thì chúng thi hành ngày một thêm gắt gao chính sách bế quan toả cảng và cấm đạo, giết đạo.
- Với những chính sách phản động nói trên, nước Việt Nam đã suy yếu về mọi mặt và trở thành miếng mồi ngon đối với các nước tư bản phương Tây.
Xuyên qua nội dung của cuốn sách Đại Cương Lịch sử Việt Nam (2007), chúng ta thấy rằng gía trị của một người mưu cầu hạnh phúc cho dân, cho nước đã chỉ có thể được đo bằng sự hy sinh, lòng xả kỷ và tinh thần phục vụ lợi ích dân nước… Một vài bộ sách, một vài hình thức hoạt động thì chưa phải là điều “ắt có và đủ” để kết luận việc làm của giáo sư như theo lời tán tụng “nhà nước…” -- chỉ là “Chí Phèo” tên một nhân vật trong tiểu thuyết tiền chiến.
Đây cũng là điều hoang tưởng của nhiều giáo sư… thái độ ấy, người ta cho là quá khích, cực đoan, không ích lợi gì cho việc phát triển đất nước mà tác giả muốn trình bày.
4. Xuyên tạc lịch sử và chà đạp sách sử “Đại Nam Thực Lục”
Đại Nam Thực Lục là bộ sách ghi chép các sự kiện từ khi chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa (1558) cho tới đời vua Khải Định (1925), do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn, gồm hai phần tiền biên và chính biên được viết vào năm Minh Mạng thứ hai (1821) sau 88 năm công phu soạn thảo tới năm 1909 mới hoàn thành: Tiền biên có 2 kỷ và Chính biên 6 kỷ, và được dịch ra Quốc Ngữ từ nguyên bản Nho Ngữ vào năm Khải Định thứ 9 (1924) để giúp cho chúng ta tra cứu dễ dàng.
Thế nhưng vào năm 1961, trước khi cho sửa đổi và tái bản Đại Nam Thực Lục, các tác giả của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam đã đồng loạt viết tài liệu giới thiệu với chủ đích đấu tố bộ sử triều Nguyễn như đã thực hiện trong phong trào cải tạo ruộng đất, với hai chiến thuật mà họ đã công phu tập luyện tới mức vô địch thượng thừa; đó là đánh “du kích và bắn sẻ;” đồng thời khai thác triệt để hai chiến thuật này vào các mặt trận quân sự, kinh tế, xã hội, ngoại giao, tôn giáo và văn hóa, khiến cho người ta nhớ lại câu chuyện Gà đẻ trứng vàng trong cổ học Đông phương, để phòng ngừa du kích và bắn sẻ. Các ông trong ban quản giáo này có con gà đẻ trứng vàng.
Lúc đầu họ chờ gà đẻ tự nhiên mỗi ngày một trứng, nhưng một hôm họ làm theo chủ trương chỉ đạo nhà nước, muốn có nhiều vàng một lúc và sử gia quyết định làm thịt con gà Đại Nam Thực Lục. Nhưng khi mổ gà ra, lại chẳng thấy có trứng vàng.
Tác giả đã không hiểu con gà nhà Nguyễn là nguồn sản xuất và cái trứng, thành tựu cải cách, là sản phẩm. Hóa ra thì tất cả chỉ muốn “lượm trứng,” chớ không “xuất của” để mua thực phẩm nuôi gà:
- Những sự kiện lịch sử xảy ra trong khoảng thời gian từ Nguyễn Hoàng đến Đồng Khánh (1558-1888) những công việc mà các vua chúa nhà Nguyễn đã làm trong khoảng thời gian 330 năm ấy, tự chúng tố cáo tội ác của nhà Nguyễn trước lịch sử của dân tộc chúng ta.
- Theo lệnh của các vua nhà Nguyễn, bọn sử thần của nhà Nguyễn làm công việc biên soạn Đại Nam Thực Lục đã cố gắng rất nhiều để tô son vẽ phấn cho triều đại nhà Nguyễn…
- Nhưng bọn sử thần ấy vẫn không che giấu nổi các sự thật của lịch sử. Dưới ngòi bút của họ, sự thật của lịch sử... vẫn phơi bày cho mọi người biết tội ác của bọn vua chúa phản động, không những chúng đã cõng rắn cắn gà nhà, mà chúng còn cố tâm kìm hãm, đày đọa nhân dân Việt Nam trong một đời sống tối tăm đầy áp bức.
Tóm lại, chúng tôi mong rằng các sách sử tương tự như của Giáo sư Đinh Xuân Lâm thì cần công khai nhận lỗi, viết lại, tôn trọng lịch sử, và những gì trình bày nơi đây không làm phiền lòng tác giả cũng như độc giả.
Chúng tôi hy vọng tình trạng phê bình chủ quan, giáo điều tắc trách về sử liệu của phong trào cải tạo tư tưởng, cần phải được chấm dứt ngay và không còn tái diễn, để trả lại không khí trong sạch của sử học cho những người Con Cháu Việt đang cố gắng tô điểm cho nền văn hóa và lịch sử, ngõ hầu tìm lại truyền thống bất khuất của Tổ Tiên để thực thi đại cuộc Giúp Dân Cứu Nước ngày nay.
II. Di Sản Nhà Nguyễn
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam bóp méo lịch sử, tuyên truyền xuyên tạc Vương triều nhà Nguyễn, được đăng tải rộng khắp trên các diễn đàn nghiên cứu về lịch sử văn học, địa lý và tư tưởng Việt Nam, biểu thị trong ngành đại học sư phạm hoặc trong sách gíao khoa của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, được giảng dạy từ bậc tiểu học, trung học và đại học trải qua hơn 2/3 thế kỷ nay.
Sách sử giáo khoa thư đã giáo dục tầng lớp thanh thiếu niên, đào tạo cho họ phẫn uất căm thù vua quan triều Nguyễn, cắt đứt truyền thống chính trị dân tộc, vô cảm trước sự kiện mất đất mất đảo, phó mặc vận mệnh Tổ Quốc rơi vào tay giặc phương Bắc như thời nhà Hồ, từng xảy ra nạn “Mất Nước” trong lịch sử.
Thực tế, nhìn vào Việt Nam hôm nay: các hãng xưởng Trung Quốc mọc lên khắp nơi từ thôn quê cho tới thị thành, và từ đội công nhân kỹ thuật, toán bảo vệ canh gác, các phương tiện sản xuất, hay bảng tên cầu đường đều là Bắc Thuộc. Hàng hoá Trung Quốc tràn ngập, phá giá thị trường và làm lũng đoạn nền kinh tế nước ta.
Ô nhiễm Trung Quốc thải đầy sông nước, mùi hôi thối xông lên nồng nặc và hủy diệt môi sinh dân ta, gây nhiều biến chứng ung thư độc hại.
Thể chế Trung Quốc lại được đảng Cộng Sản Việt Nam hôm nay tôn trọng tiếp nhận, làm khuôn mẫu toàn trị nhằm đàn áp bóc lột dân lành – chớ chúng ta chưa bàn tới những vụ hải đảo Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa hay đất đai biên giới đã mất, hoặc do những đảng viên đầu tỉnh ở Lạng Sơn, Quảng Ninh và nhiều nơi khác đã cho công ty xí nghiệp Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan thuê đất trồng rừng nguyên liệu – Pháp lệnh Trung Quốc, từ cao xuống thấp đều được truyền sang để cho chính quyền Việt Nam thi hành. Đó chính là hậu quả tai hại của nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam từ năm 1953 tới nay.
Xã hội miền Bắc từ năm 1953, miền Nam từ sau năm 1975, chúng ta thấy cảnh “dân suy nước nhược,” lòng người ly tán, thờ ơ, vô cảm trước vận hệ tồn vong. Những di tích lịch sử triều Nguyễn bị nhà cầm quyền phủ nhận, không bảo quản và phó mặc cho thời gian biến thành phế tích “phong kiến,” vật liệu bị đánh cắp, sử liệu bị tịch thu, hoặc sửa đổi nội dung. Những bảng tên trường học, đường phố hay những công viên công cộng có dính líu tới danh xưng của vua quan triều Nguyễn đều bị xóa sạch, kể cả những danh nhân hay anh hùng dân tộc, như vua Duy Tân chống Pháp cũng bị gạch tên.
Tới nay, nhờ dịch vụ du lịch thương mại, nhà cầm quyền mới chịu cho chỉnh trang một phần Đại Nội nhằm thu hút ngoại tệ, và lại còn đặt thượng cụ cái “Hình Bác Hồ” cười đắc thắng dưới ngọn “Cờ Sao Bắc Thuộc” trên đỉnh cao chót vót của Kỳ Đài trong Kinh Thành Huế, nhằm trêu chọc Việt kiều về thăm. Đang khi, ai mà chả biết Hồ Chí Minh có công lường gạt Hoàng Đế Bảo Đại, truất phế trong cuộc Cách Mạng Tháng 8, vào ngày 30 tháng 8 năm 1945, khi lừa vua gia nhập Việt Minh ở Ngọ Môn Quan trong Kinh Đô Huế.
Giờ đây trở về viếng thăm Cố Đô Huế trong dịp Tết Canh Dần, và trước án thờ các vị minh quân thánh chúa nhà Nguyễn, tôi thành kính tri ân và nguyện cầu Các Ngài tha thứ, và xin dìu dắt đàn con cháu biết thực tâm nối bước Tổ Tiên, luôn thể hiện tận tình sở học. Hơn thế nữa Các Ngài đã cố công xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi, thống nhất lãnh thổ, phát triển văn hóa giáo dục, kinh tế, xã hội, quân sự, ngoại giao và để lại nhiều di sản quý báu cho lịch sử. Ví dụ:
- Nhã Nhạc Cung Đình Huế
Nhã Nhạc Cung Đình Huế đã được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO năm 2003 công nhận là một “Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.” Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền chỉ có nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.
Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 vào thời nhà Trần, cho tới nhà Nguyễn thì Nhã Nhạc Cung Đình Huế đạt tới hoàn chỉnh và siêu việt để được gọi là Quốc Thiều.
- Mộc Bản Triều Nguyễn
Mộc bản triều Nguyễn cũng là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận vào ngày 31 tháng 7 năm 2009. Số mộc bản này hiện đang bảo quản tại Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia Đà Lạt, Lâm Đồng. Mộc bản gồm có 34,618 tấm, là những bản văn chữ Việt Nho, khắc ngược trên gỗ để in giấy ra sách, và phát hành tại Việt Nam vào thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20.
Tài liệu mộc bản này do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn tạo ra, với những loại gỗ dùng khắc tài liệu thường là gỗ thị, gỗ mít hay gỗ nha đồng. Nét chữ trên tài liệu mộc bản rất là tinh xảo sắc nét, và còn là tài liệu quý giá trong việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa nước ta.
Người có công lưu giữ Mộc Bản Triều Nguyễn là ông Cố Vấn Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Nhu (1911-1963) làm Quản Thủ Thư Viện ngày ấy.
- Kinh Thành Huế
Cố Đô Huế cũng được UNESCO năm 1993 công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới.” Hiển hiện trước mắt tôi đây, là một kinh thành với những kiến trúc quy mô đồ sộ, được xếp hạng nhất trong các Di Tích Lịch Sử Việt Nam.
Từ phong cách cấu trúc cho tới phương pháp phòng ngự của Vua Gia Long, người ta thấy kinh thành này trông tợ như một pháo đài hùng tráng, mà ngày xưa, thuyền trưởng người Pháp Le Rey (1819) khi vừa đặt chân tới Kinh Thành Huế đã có nhận xét: “Kinh Thành Huế thực sự là pháo đài đẹp nhất, đăng đối nhất ở Đông Dương, thậm chí so với cả pháo đài William ở Calcutta và Saint Georges ở Madras do người Anh xây dựng.”
Cố Đô Huế tọa lạc bên tả ngạn sông Hương có diện tích hơn 500 mẫu đất, ba vòng thành bảo vệ. Trong khuôn viên Ðại Nội được xây theo hình vuông, mỗi cạnh 600 thước, bằng gạch cao 4 thước, dày 1 thước, bên ngoài thành có hào và 10 cầu đá bắc qua hào để ra vào lũy. Bốn góc thành có 4 tháp canh, bốn mặt thành có 4 cửa ra vào đối diện nhau gọi là Ngọ Môn, Thần Vũ Môn, Đông Hoa Môn, Tây Hoa Môn.
Ðại Nội có hơn trăm công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ, khu rộng nhất là Tử Cấm Thành (Cố Cung) xây vuông mỗi cạnh 300 thước, tường cao 3 thước rưỡi và có hơn 50 công trình xây dựng với nhiều cung điện. Chữ Tử có nghĩa là màu tím, trong chuyện thần thoại Tử Vi Viên.
Tử Cấm Thành chia thành hai khu ngoại triều và nội đình, và Ngọ Môn là cửa chính vào Cố Cung, đặt ở phía Nam trên trục chính. Ngọ Môn được xây dựng theo kiểu hình chữ U, phía dưới là khối tường thành dày và cao, có trổ 5 cửa vòm vì thế Ngọ Môn có tên Ngũ Phượng Lầu.
Một Cụ xứ Huế kể chuyện cho tôi nghe. Ngày vua Gia Long du thuyền trên sông Hương, thấy núi Bằng Sơn cao khoảng 105 thước, có dáng non bộ cân xứng với phong thủy. Ở hai bên Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn, trông tợ thanh long bạch hổ phục chầu.
Nhà Vua quan sát, thấy Bằng Sơn là bình phong hay bàn thạch cho mình ngự mà trông việc thiên hạ, vì thế vua đã chọn Bằng Sơn làm án phía trước, tức hệ thống tường thành thiên nhiên bao quanh để bảo vệ cho Kinh Thành Huế mà đổi tên núi Ngự Bình.
Năm đó là 1805, Vua Gia Long khởi công xây thành. Thành được xây theo phong cách tổng hợp giữa kiến trúc Tây phương và kiến trúc thành lũy của Đông phương, tạo cho thành mang mặc sắc thái dân tộc. Việc xây cung đình, nhà vua còn đặt ra những phần thừa kế và tiếp nối truyền thống kiến trúc của các Nhà Lý Trần Lê.
Đặc điểm vua tiếp nhận tinh hoa kỹ thuật và mỹ thuật Trung Quốc nhưng biến chế Việt Nam hóa. Nhà vua cũng rút tỉa kỹ nghệ hóa do những kỹ sư Pháp hoặc Tây phương đang phục vụ dưới triều, cho nên thiết kế hệ thống hào lũy, hệ thống thành quách và hệ thống cung điện đều đặt trên hướng trục chính là Tây Bắc và Đông Nam theo các yếu tố ngũ hành tương ứng với ngũ phương.
Xây dựng mãi cho tới năm 1832, Kinh Thành Huế mới được hoàn tất dưới triều Minh Mạng… rồi trải qua hai trăm năm nay, cố đô vẫn còn như nguyên vẹn với gần 140 công trình kiến trúc lớn nhỏ trước mắt.
- Mộng Lành Thành Mộng Dữ
Khi nhìn hình Hồ Chí Minh treo trên Kỳ Đài, Cụ già xứ Huế nói rằng “Ước mơ của họ: mộng lành thành mộng dữ, vì nước Việt Nam hôm nay được thế giới xếp vào hạng áp chót.” Giấc mộng “đả thực bài phong,” “không gì quý hơn độc lập tự do,” “đánh Mỹ xong ta xây đẹp bằng mười” tất cả trở thành kinh hoàng, là do ông Hồ và đám hậu duệ cố chấp và không chịu tiến lên, không theo kịp trào lưu văn minh và phát triển của thời đại chính trị kỹ nghệ liên bang.
Ngược lại họ kéo Việt Nam trở về thời đại săn hái, ghi nhận trong Hiến Pháp của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân… theo chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.”
Vì độc tài chậm tiến, ác mộng xảy ra từng giây từng phút, lớp đảng viên cầm quyền lãnh đạo thì thi nhau tham nhũng để có phương tiện cho con cháu du học nước ngoài, và cũng là mở cửa để thoát hiểm khi có biến động chính trị xảy ra. Tới nay ai cũng muốn cần phải thay đổi chính trị thì mới có thể phát triển kinh tế quốc gia.
Về phương diện đạo đức Cụ chỉ ra rằng “Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam càng ngày càng băng hoại,” vì nghèo đói, cho nên dân chúng thường tập trung vào các thành phố lớn, như Sài Gòn để tìm kiếm việc làm và sống dựa số tiền thân nhân nước ngoài gởi về, hoặc những dịch vụ bất chính của nhiều thương gia ngoại quốc đầu tư, rửa tiền...
Thế hệ con cháu cán bộ cao cấp cũng chỉ noi gương bóc lột, tham nhũng, gian lận chính trị của lớp cha anh với những ấn tượng xấu xa. Do đó, cần thay đổi tận nền tảng chính trị, nhanh chóng xóa bỏ chế độ độc tài lạc hậu mới mong làm cho dân giàu nước mạnh và sống hòa bình trong cộng đồng thế giới.
Tôi bàng hoàng nghe Cụ nói, và Cụ chính là một người Việt Nam thuần túy. Trong những câu chuyện Cụ kể, tôi cũng hình dung ra được công trình dựng nước/ giữ nước của Tổ Tiên Dân Tộc và phân biệt chánh tà. Cụ đã không bị ảnh hưởng bởi trào lưu ngoại lai qua sách sử tuyên truyền, không bị đầu độc bởi hệ thống loa phóng thanh của “nhà nước” rêu rao hằng ngày, cho nên Cụ là một người “hữu thần.”
Hữu thần khác biệt với “vô thần” dù là cộng sản hay tư bản – cũng luôn coi con người là con thú, hoặc máy móc. Để con người được thật sự sống như thân phận con người, Cụ thể hiện quan niệm hữu thần, là vì Cụ tin có Ông Trời, có Thần Thánh, Hồn Thiêng Sông Núi, Tổ Tiên Ông Bà… và áp dụng vào cuộc sống hiện tại, quan niệm hữu thần, chính là Phúc Đức.
Bởi thế tôi cũng cảm nhận rằng: Quan niệm Phúc Đức của Cụ là nền tảng vững chắc nhất, thâm sâu nhất, tinh túy nhất cho tinh thần chiến đấu của mọi người chúng ta, vì phân định được rõ ranh giới chánh nghĩa và gian tà, cứu nước hay cướp nước, giữ nước hay bán nước.
Theo truyền thống và niềm tin xưa nay của dân tộc, chúng ta biết rằng: bất cứ việc thiện nào cũng là việc Phúc Đức! Phúc Đức đó ta làm ta hưởng, mà còn để lại, truyền lại cho vợ, chồng, con, cháu và dòng tộc dân tộc hưởng nhờ: Làm lành để đức cho con.
Muốn được thì phải tích đức, nghĩa là làm phúc, làm việc thiện và tránh làm ác, Chung thân hành thiện, thiện do bất túc, nhất nhật hành ác, ác tư hữu dư: Suốt đời làm điều lành, vẫn chưa đủ, một ngày làm điều ác, ác đã quá thừa.” Vậy mà trong đời sống con người, có việc Phúc Đức nào to lớn cho bằng việc dấn thân giúp đỡ trăm triệu người Việt Nam hiện nay, cứu nguy Dân Tộc, bảo vệ và phát huy truyền thống của Giống Nòi, lấy lại Giang Sơn gấm vóc mà Tổ Tiên Ông Bà, qua hình ảnh Triều Nguyễn dày công Mở Nước và Giữ Nước: Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho 1/ hay 100 triệu người, đang chờ.
III. Chính Trị
1. Định Chế Làng Nước
Ngay sau khi lên ngôi hoàng đế, Gia Long đã xây dựng và phát triển định chế làng nước, một tuyệt tác chính trị của tổ tiên được lưu truyền trong lịch sử, nhằm gíup dân chúng bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống mọi sự vi phạm hoặc xâm phạm từ nước ngoài, kể cả bằng những biện pháp trấn áp quyết liệt công giáo.
Định chế làng nước mà người viết học hỏi nhà Nguyễn, là đặc điểm giúp cho dân tộc ta thoát nạn quân chủ chuyên chế ở thời trước, mà còn là phương thức giúp chúng ta thoát nạn “dân chủ đấu thầu” trong thời nay.
Học giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược (1919) nói rằng, “người ta thường hiểu mấy chữ quân chủ chuyên chế theo nghĩa của các nước Âu Tây, chứ không biết mấy chữ ấy theo cái học Nho Giáo có nhiều chỗ khác nhau.” Theo nguyên tắc tổ chức triều đình nhà Nguyễn, khi có việc gì quan trọng vua giao cho đình thần các quan cùng nhau bàn xét.
Các quan bất kỳ lớn bé đều được đem ý kiến của mình mà trình bày. Khi việc nào đã quyết định thì đem dâng lên để vua chuẩn y, rồi mới thi hành.
Vua tuy có quyền lớn nhưng không được làm điều gì trái nguyên tắc. Nếu vua có làm điều gì sai thì các quan Giám Sát Ngự Sử có quyền can ngăn, và thường là vua phải nghe lời can ngăn của những người này.
Trong định chế làng nước, quan chức của triều đình chỉ phân ra tới phủ huyện, từ tổng trở xuống làng thôn đều thuộc về quyền tự trị của dân. Người dân tự lựa chọn lấy người đại diện của mình mà cử ra quản trị mọi việc tại đia phương. Tổng gồm có vài làng hay xã, có một cai tổng và một phó tổng do Hội đồng Kỳ dịch của các làng cử ra quản lý thuế khóa, đê điều và trị an trong tổng.
Khác với tổ chức chính trị của nhiều quốc gia, quyền hạn vua quan Việt chẳng những không can thiệp vào đời sống từng người dân, mà cũng không xâm phạm vào nếp sống sinh hoạt của các làng thôn. Đối với triều đình, mỗi làng là một quốc gia thu hẹp có chủ quyền và độc lập. Việc làng thì người dân tự lập và tự quyết.
Làng tự lập chẳng những có ban quản trị riêng do chính dân bầu ra, mà còn có điều lệ riêng cho hệ thống hành chánh trong làng. Làng có ngôi đình thờ vị Thành Hoàng riêng, với những nghi thức nghi lễ riêng. Làng có tổ chức trị an riêng với những tiêu chuẩn thưởng phạt do dân trong làng quy định. Làng có tài sản riêng và toàn quyền xử dụng ngân sách tài chánh theo nhu cầu.
Trong phạm vi làng, cả quyền phép của vua quan cũng kiêng nể những điều lệ riêng này. Phép vua thua lệ làng… Xin hỏi, có chế độ nào trực tiếp do dân, của dân, và vì dân hơn thể chế dân chủ của Làng Nước Việt?
Tóm lại, hệ thống làng Việt Nam đã áp dụng hai nguyên tắc căn bản của thể chế chính trị văn minh hiện đại là phân quyền và tản quyền.
Nguyên tắc tản quyền: Trung ương dành cho địa phương, cho dân làng một số quyền tự chủ và tự do. Truyền thống làng nước Việt Nam đã được áp dụng từ thời lập quốc cho đến cận đại, và bị Hồ Chí Minh và Cộng Đảng xóa bỏ.
Giữa thế kỷ 15 Hương Ước hay Khoán Ước đã thành văn và rất phổ thông trong cơ cấu Hương Làng Việt Nam. Hương Ước là bản ghi lệ làng, tức Hiến Pháp Làng ấn định hệ thống tổ chức hành chánh, luật lệ của làng.
Và từ đó, Luật Pháp của Nước chỉ là Hương Ước của một tập hợp các Làng.
Chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của Làng Nước Việt Nam qua thể chế chính trị Liên Bang hiện nay của nhiều quốc gia trên thế giới. Cấp tiểu bang, địa phương có quốc hội và ngân sách riêng. Bởi thế người dân mới có quyền định đoạt một số quyền lợi mà họ có nghĩa vụ đối với quốc gia.
Nguyên tắc phân quyền: Cơ cấu tổ chức Làng áp dụng nguyên tắc phân quyền, gồm có:
- Hội Đồng Kỳ Mục hay Tiên Chỉ, gồm những vị bô lão hoặc đại diện các “Tộc” trong Làng. Hội đồng này quyết định những việc quan trọng của Làng, tương đương như “Quốc Hội” cấp nước. Hội Nghị Diên Hồng đời Trần đã mang được hình ảnh này ở cấp quốc gia.
- Ban Lý Dịch hay Chức Dịch là những người điều hành công việc hành chánh của Làng. Chúng ta có thể hình dung sự phân quyền trong Làng qua hai cơ cấu “hành pháp”“lập pháp” của quốc gia thu hẹp này.
2. Tổ Chức Triều Chính
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và trở thành hoàng đế, Gia Long tiếp tục kiện toàn hệ thống hành chánh và quan chế của một chính quyền mới. Xét về căn bản vua vẫn giữ nguyên hệ thống quan chế và cơ cấu chính quyền trung ương giống như các triều đại ngày trước.
Đứng đầu nước là vua, giữ trọng trách và quyền hành của dân nước. Giúp vua giải quyết giấy tờ, công văn ghi chép là Thị Thư Viện, đến thời Minh Mạng thì đổi là Văn Thư Phòng và năm 1829 gọi là Nội Các.
Về việc quốc gia đại sự vua giao bốn vị Điện Đại Học Sĩ, gọi là Tứ Trụ Đại Thần, đến năm 1834 thì đổi thành Viện Cơ Mật. Ngoài ra còn có Tông Nhân Phủ phụ trách các công việc của Hoàng gia.
Để đề cao vai trò nhà vua và uy quyền của người nguyên thủ quốc gia, ngăn chặn nạn quyền thần lấn át hoàng đế, Gia Long đặt ra lệ Ngũ bất: Trong triều không lậptể tướng, thi đình không lấy trạng nguyên, trong cung không lập hoàng hậu, không lập đông cung thái tử, không phong tước vương cho người ngoài họ vua. Bên dưới, triều đình lập ra sáu Bộ, đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng Thư chịu trách nhiệm chỉ đạo các công việc quốc gia.
- Bộ Lại: điều hành việc khảo xét công trạng, thảo những tờ chiếu sắc.
- Bộ Hộ: điều hành việc đinh điền thuế má, tiền bạc tài chánh.
- Bộ Lễ: điều hành việc tế tự, tôn phong, cách thức học hành thi cử.
- Bộ Binh: điều hành việc quân sự, quốc phòng, binh bị.
- Bộ Hình: điều hành việc pháp luật.
- Bộ Công: điều hành việc xây dựng cung điện, dinh thự, đường xá.
Bên cạnh sáu bộ, còn có Đô Sát Viện, tức Ngự Sử Đài bao gồm 6 khoa, chịu trách nhiệm thanh tra quan lại. Hàn Lâm Viện phụ trách các sắc dụ, công văn, 5 Tự PhụTrách coi một số sự vụ, Phủ Nội Vụ quản trị các kho tàng, Quốc Tử Giám phụ trách giáo dục, Thái Y Viện trách nhiệm việc chữa bệnh và thuốc thang, và có một số Ty, Cục khác.
3. Quy Chế Phẩm Trật
Gia Long rút tỉa kinh nghiệm của các triều đại trước, nên đã không truyền ngôi cho con nhỏ đần độn. Hoàng tử Cảnh là con trưởng đã chết, theo nguyên tắc đích trưởng kế thừa thì truyền ngôi cho con của Đông Cung Cảnh, nhưng Vua Gia Long đã phong con thứ là Minh Mạng làm thái tử để được truyền ngôi vua.
Kể từ thời Minh Mạng ngạch quan lại được chia thành hai ngành Văn – Võ, xác định rõ giai chế phẩm trật từ cửu phẩm tới nhất phẩm, mỗi phẩm chia ra chánh và tòng hai bậc. Trừ khi chiến tranh loạn lạc, còn ở thời bình, quan võ phải đặt dưới cấp quan văn cho dù cùng phẩm với mình.
Quan Tổng Đốc là văn cai trị tỉnh, lại vừa là võ chỉ huy quân lính tỉnh. Lương bổng của các quan tương đối ít, nhưng quan lại được hưởng thêm nhiều quyền lợi, cho họ được khỏi đi lính, làm sưu hay miễn thuế tùy theo quan văn hay võ, hàm cao hay thấp. Ngoài ra con cái các quan còn được hưởng lệ tập ấm.
Hệ thống hành chánh và quan lại của triều Nguyễn cũng gọn nhẹ và hữu hiệu, mặt khác tham nhũng vẫn là mối lo nhằm trong sạch hàng ngũ quan chức. Để hạn chế tệ nạn tham nhũng, nhà vua đặc biệt quan tâm đến chế độ lương bổng, bảo đảm cuộc sống ổn định, khá giả cho đội ngũ quan lại.
Bộ Hoàng Việt Luật Lệ của Triều Nguyễn cũng đặt ra những tưởng thưởng, những hình phạt, và những điều lệ nghiêm khắc đối với những sự hà lạm của quan lại như tiếm nghịch, biển thủ của công, ăn hối lộ và đút lót. Xét ra, bộ luật nhà Nguyễn còn hữu hiệu và ưu việt hơn cả 92 điều luật phòng chống tham nhũng của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam thời nay.
4. Phân Chia Hành Chánh
Minh Mạng thực hiện một cuộc cải cách hành chính lớn, theo đó bỏ các tổng trấn, đổi các dinh, trấn thành tỉnh. Đây là lần đầu tiên đơn vị hành chính tỉnh xuất hiện ở Việt Nam.
Năm 1831, Minh Mạng đổi các trấn từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng.
Cùng còn lại ở phía Nam được chia làm 12 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phiên An, Biên Hòa, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tiên. Và Thừa Thiên nơi có kinh đô Phú Xuân là phủ trực thuộc trung ương.
Đứng đầu tỉnh là Tổng đốc, mỗi người phụ trách hai ba tỉnh và chuyên trách một tỉnh, Tuần phủ dưới Tổng đốc, phụ trách chỉ một tỉnh. Giúp việc có Bố Chánh Sứ ty lo về thuế khóa, hộ khẩu, hành chính. Án Sát Sứ ty lo về an ninh, luật pháp.
Lãnh Binh phụ trách về quân sự. Tất cả các quan chức đứng đầu tỉnh đều do chính quyền Trung ương trực tiếp bổ nhiệm, thuở ban đầu là võ quan cao cấp, và về sau nhà Nguyễn bổ dụng các quan văn.
Bởi thế chúng ta thấy một hệ thống chính quyền được phân biệt rõ ràng giữa trung ương và địa phương, và trong hệ thống này nhà vua, nguyên thủ quốc gia có được nhiều quyền lực hơn so với các triều đình ngày trước.
Dưới tỉnh là phủ, huyện, châu, tổng và xã. Quan chức của triều đình chỉ phân ra tới phủ huyện, từ tổng trở xuống thuộc về quyền tự trị của dân. Nhìn chung là cơ cấu hành chánh của các tổng, xã được tổ chức khá chặt chẽ để triều đình có thể dễ dàng quản lý và phản ứng mau lẹ mỗi khi có biến loạn xảy ra.
IV. Kinh Tế
1. Nông Nghiệp
Trong suốt dòng lịch sử làng là đơn vị kinh tế vừa là đơn vị quốc phòng, là cơ sở sản xuất vừa là tiền đồn giết giặc, giúp mọi người no cơm ấm áo vừa tăng trưởng trọn vẹn… Hệ thống tổ chức làng trở thành quốc sách giữ nước và mở nước hoàn chỉnh nhất, hữu hiệu nhất, thành công nhất mỗi khi có giặc xâm lăng Việt Nam, nguyên lý ấy gọi là Toàn Dân Toàn Diện.
Bởi thế vấn đề ruộng đất trong làng, cũng được mọi người mặc nhiên thừa nhận là của công, của vua. Ngay từ thời nhà Đinh hay tiền Lê… vua có đặc quyền sở hữu, và trao lại cho làng cái chủ quyền hưởng dụng.
Nhưng trong thực tế, những ruộng đất do người dân cày cấy lâu ngày lại biến thành của riêng, tư điền, và rồi tư nhân có thể mua bán, đổi chác, kế thừa… hoặc trở thành những lãnh chúa từng sinh sát trên các lãnh địa như bao xã hội khác.
Bởi thế triều đình Việt Nam, muốn cho toàn dân an cư lạc nghiệp thì phải cải cách ruộng đất, bằng cách trưng dụng tư điền và đem ra chia nhỏ cho mọi người, gọi là “công điền công thổ và chia đất định kỳ.” – như sách Espuis Des Lois, Montesquieu cũng nói, “Trong một nền dân chủ tốt, chia đều đất đai chưa đủ, mà cần phải chia nhỏ ruộng đất...”
Công điền công thổ được vua trao cho làng và cấm bán, trừ trường hợp ngọai lệ có thể cầm cố trong 3 năm, nhưng hết hạn phải giao nạp để làng quân cấp theo tráng đinh, có số ruộng tương tự nhau gọi là công bằng xã hội. Với định chế công điền công thổ và chia đất định kỳ của Việt Nam được gọi là phép quân điền (đất vua), hòan toàn khác biệt phép tĩnh điền Trung Quốc.
Phép tĩnh điền – theo truyền thuyết khởi đầu nhà Thương, vấn đề ruộng đất là của thị tộc, và tới nhà Chu dùng phép tĩnh điền chia đất thành 9 khu hình chữ tĩnh, khu giữa là công điền và 8 khu khi đem chia cho thị tộc canh tác rồi nộp hoa lợi cho vua.
Tới đời Xuân Thu, Thượng Ưởng làm tướng nhà Tần bãi bỏ phép tĩnh điền, cho tự quyền khai thác để nộp địa tô, sở dĩ họ áp dụng chính sách trung ương tập quyền (quân chủ chuyên chế) và bãi bỏ phép tĩnh điền là truất phế các lãnh chúa thị tộc từng khuynh đảo nền chính trị.
Họ không theo Định Chế Làng Nước như Việt Nam, cho nên xã hội nông nghiệp Trung Quốc sinh quái thai bất công và đấu tranh với những kẻ chủ trương mưu mô thủ đoạn mạnh thắng yếu thua, và phân cách xã hội giữa giới địa chủ và bần nông.
Đang khi định chế bình sản Việt Nam, với công điền công thổ và chia đất định kỳ, thì cải cách ruộng đất là hữu sản hoá để toàn dân có cơ hội phát triển đời sống kinh tế bắt đầu từ mảnh đất mà họ làm chủ (tư hữu). Bởi thế nhà Trần, Lê Quý Ly đề xướng phép hạn điền, yêu cầu người có trên 10 mẫu thì nộp làm quân điền. Ngoài số ruộng quân cấp cho dân, làng giữ lại một số làm công quỹ như sau.
- Bút điền: ruộng dùng trong việc chi phí bút nghiên, giấy tờ hộ tịch.
- Trợ sưu điền: ruộng được trích ra cho người nghèo giúp họ đóng thuế đinh.
- Học điền: ruộng để hội tư văn dùng thuê thày dạy học cho dân trong làng.
- Cô nhi quả phụ điền: ruộng dành để giúp cho các bé mồ côi, người già góa phụ nghèo khổ.
a. Chính sách ruộng đất
Để tiếp nối phép quân điền của tổ tiên, ngay khi lên ngôi vua Gia Long ra lệnh cấm bán ruộng đất, và quy định chặt chẽ việc cầm cố điền thổ để bảo đảm có đất cày chomọi người. Đạo dụ năm Gia Long thứ 2 (1803) ghi: “Theo lệ cũ thì công điền công thổ do quân cấp và đem bán riêng là có tội, do đó nhân dân đều được lợi cả.
Từ đời Tây Sơn bỏ hết luật cũ, dân gian nhiều người đổi ruộng công làm ruộng tư, cũng có kẻ tạ sự việc công mà cầm bán ruộng đất công... Nay phàm xã dân có công điền công thổ đều không được mua bán riêng, làm trái là có tội. Ai mua nhầm thì mất tiền…”
Trải qua cuộc nội chiến lâu dài dân nước hết sức điêu tàn thống khổ, vừa hết chiến thì lại tới họa, thiên tai hạn hán, ngập lụt mất mùa xảy ra liên tiếp, và triều Nguyễn giờ đây mang gánh nặng Việt Nam, thường phải giảm thuế, miễn thuế và chẩn cấp.
Trong đình thần có ý kiến là tịch thu ruộng đất bị chiếm trong thời loạn để phân phát lại cho dân nghèo, nhưng vua Gia Long cho rằng phép này khó thực hiện, cho nên vua chỉ tịch thu những ruộng đất của quan lại triều Tây Sơn, và ruộng trang trại riêng của Tây Sơn mà làm quân cấp.
Thời Minh Mạng định lại cấp ruộng theo khẩu phần. Quan lại, binh lính, công tượng (thợ làm quan xưởng) cùng hạng dân đinh, không kể phẩm trật cao thấp đều được một khẩu phần. Quan lại cường hào được khẩu phần tốt hơn. Người già, người tàn tật được nửa khẩu phần, và cô nhi quả phụ thì được 1/3 khẩu phần.
b. Chính sách cứu trợ
Mỗi khi mất mùa lũ lụt, hạn hán giá gạo thường lên cao gây khó khăn về lương thực, và nạn thiếu ăn hoành hành tại các tỉnh nghèo nhất hay gặp thiên tai, như Nghệ An. Dân gặp nạn đói lan tràn khắp vùng thôn quê, nhiều người tụ họp nhau đi ăn cướp, và những kẻ chống triều đình đã lợi dụng sự bất mãn của nhóm người đói rét để xách động họ nổi loạn, như ở Thanh Hóa và Nghệ An vào năm 1819.
Mất mùa thì triều Nguyễn phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp để cứu đói, thường là chẩn cấp. Để có phương tiện thực hiện cứu trợ khẩn cấp triều Nguyễn thiết lập các kho lương trữ lúa cho việc cứu tế, được gọi là Bình Chuẩn Thương. Người nghèo túng có thể mua gạo với giá rẻ hơn bình thường, không giới hạn từ 1, 2 phương tới cả thưng, đấu, bát.
Triều Nguyễn lập Nghĩa Thương là các kho trữ lúa ở cấp tỉnh và phủ huyện. Những khi đói kém thì các kho này được mở ra để phát chẩn cho dân nghèo. Triều Nguyễn tổ chức Xã Thương dưới thời Tự Đức, là khi giá gạo đắt thì bán ra và khi gạo rẻ thì đong lại để lưu trữ. Gạo Xã Thương có thể cho vay thu lợi dùng vào việc cấp dưỡng binh đinh, giúp kẻ khó nghèo.
Thời Minh Mạng, triều đình bắt buộc quan lại các tỉnh phải xuất lúa giống trong kho cho dân nghèo vay để làm mùa sau, nhằm làm cho nông nghiệp không bị đình trệ, việc mất mùa không bị ảnh hưởng nhiều sang các năm tới. Dù cho các biện pháp cứu tế đã làm cho công quỹ hao hụt, nhưng chỉ có thể ngăn nạn đói khỏi lan rộng trong thời gian ngắn mà thôi.
Cũng như việc phòng ngừa tăng giá lương thực chỉ là liều thuốc cấp thời, không thể chữa dứt con bịnh thiếu hụt lương thực của xã hội. Hơn nữa, quan lại địa phương tham nhũng làm giảm hiệu năng của các biện pháp cứu tế, cho nên triều Nguyễn buộc lòng phải ban hành các đạo dụ nghiêm trị. Điều này lại thêm cơ hội cho những thành phần chống đối có dịp tuyên truyền triều đình nhà Nguyễn tàn ác.
Để làm nhẹ bớt sự khổ cực của người nông dân, triều Nguyễn cho áp dụng chính sách giảm hay miễn thuế cho những tỉnh gặp nạn. Các tỉnh bị thiệt hại nặng, vua cho miễn luôn tất cả các khoản thuế còn thiếu trong những năm trước.
Vào năm 1841, vua Thiệu Trị cho dân Hưng Yên được miễn số thuế là 23,385 quan và 83,162 hộc lúa.
c. Chính sách khai hoang và phục hóa
Vào đầu thế kỷ 19 sử sách đã ghi lại rất nhiều cuộc nổi loạn trong dân, bắt nguồn từ suy xụp kinh tế, nhưng ở miền Nam nhà Nguyễn vẫn tiếp tục công việc khẩn hoangmở rộng và phát triển nông nghiệp từ thời các Chúa Nguyễn để lại. Miền Nam Việt Nam, người dân được tự do đi khẩn hoang dù là cá nhân hay đoàn thể cũng đều có sự yểm trợ của triều đình. Sử sách ghi lại tên tuổi nhiều người có công trạng trong việc đào kênh vỡ đất, như Thoại Ngọc Hầu.
Triều Nguyễn rất quan tâm trong việc khai hoang phục hóa, cho tiến hành nhiều chính sách khai khẩn đất hoang khác nhau, và đã mang lại nhiều kết quả thành công lừng lẫy. Diện tích ruộng đất của Việt Nam tăng lên gấp bội, vào năm 1847 tính được là 4 triệu 273 ngàn mẫu. Hai vị quan tổ chức khẩn hoang nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tri Phương.
Tham tán Quân vụ Nguyễn Công Trứ thành danh với ba tác phẩm khẩn hoang: đồn điền, doanh điền và khai khẩn ruộng hoang.
c1. Đồn điền. Chính sách này chủ yếu dựa vào việc mộ dân nghèo và đi cùng với tội phạm để thực hiện việc khai khẩn đất hoang. Trong thời gian khẩn hoang số dân này sẽ được cai quản theo nguyên tắc đồn điền, không như thôn ấp bình thường. Sau khoảng thời gian từ sáu đến mười năm để tạo được cuộc sống ổn định, thì mớichuyển sang hình thức bình thường. Đồn điền xuất hiện nhiều nhất ở vùng Gia Định.Đợt lập đồn điền lớn nhất, do Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương tổ chức vào năm 1853 tới năm 1854 đã lập được 21 cơ 124 ấp, phân phối ở cả 6 tỉnh.
c2. Doanh điền. Chính sách này là di dân để lập ấp mới, bắt đầu thực hiện từ năm 1828 dưới thời Minh Mạng, theo đề nghị của Nguyễn Công Trứ vào năm 1828. Cách thức lập ấp được quy định như: triều đình bỏ vốn ban đầu và đề cử quan chức đứng ra chiêu mộ dân chúng đưa đi khai hoang theo hai trường hợp.
* Số dân mộ được là 50 người đủ một lý, người đứng ra mộ ấy sẽ được ban chức lý trưởng.
* Số dân mộ được là 30 người đủ một ấp, người đứng ra mộ ấy sẽ được ban chức ấp trưởng.
Và thời gian sáu tháng ban đầu triều đình sẽ cấp cho dân chúng đi khai hoang đầy đủ lương thực và phương tiện sản xuất. Từ tháng thứ bảy thì dân phải tự lo, và triều đình miễn thuế cho các ấp hay lý mới này trong 3 năm. Tổng Giao Thủy thuộc tỉnh Nam Định cũng được thành lập theo hình thức này…
Về sau các quan ở Gia Định như Trương Minh Giảng, Cao Hữu Dực, Trần Hoàn, Phạm Hữu Chỉnh và Nguyễn Tri Phương cũng noi gương và thực thi chính sách này trên vùng mình cai quản. Và với chính sách đồn điền đã trở thành một quy mô rất lớn, thu được nhiều thành công với thành quả diện tích điền thổ của Việt Nam tăng lên gấp bội.
c3. Khai khẩn ruộng hoang. Chính sách đồn điền và doanh điền lại được triềuNguyễn đưa ra một loạt luật lệ thưởng phạt phân minh trong việc khai thác điền địa đã được khẩn hoang, và ngăn ngừa tình trạng bỏ đất nửa chừng mà không canh tác.
Tóm lại triều Nguyễn đã khuyến khích toàn dân tự do khai hoang phục hóa, và việc đinh điền mỗi ngày một chỉnh đốn, kiểm soát chặt chẽ hơn. Chính sách điền địa dưới thời Minh Mạng đã được đo đạc lại rõ ràng, tổng cộng là hơn 630,075 mẫu, và tổng số đinh toàn quốc là 970,516 xuất với 4.063,892 mẫu canh tác.
Công lao mở mang bờ cõi của triều Nguyễn quả thật hết sức to lớn đối với toàn dân ngày nay, thế mà Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam lại vô ơn và đặt ra những luận điệu tuyên truyền: “Chính sách khai hoang của họ Nguyễn trong giai đoạn sau này là nhằm làm giàu cho giai cấp địa chủ và củng cố cơ sở xã hội của chính quyền. Do khẩn hoang và cướp đoạt tại vùng đất phía Nam đã hình thành một tầng lớp đại địa chủ giàu có, tập trung trong tay rất nhiều ruộng đất. Tầng lớp đại địa chủ đó là chỗ dựa trung thành của chính quyền họ Nguyễn…”
2. Thương nghiệp
a. Nội thương
Việc thống nhất quốc gia vào đầu thế kỷ 19 là một điều kiện thuận lợi cho nền thương nghiệp Việt Nam nhằm phục hồi và tái thiết sau một thời gian dài chiến tranh tàn phá. Hòang Đế Gia Long và các vua nhà Nguyễn đã thực hiện công tác hạ tầng cơ sở, tu sửa, chỉnh trang và mở rộng đường xá cầu cống, xoi đào các sông ngòi, đắp các đê điều để cho công việc buôn bán của người dân được tiện lợi.
Ví dụ: đường xá trong nước là sự khẩn yếu cho việc chính trị, Gia Long ra lệnh cho quan lại các doanh các trấn phải sửa sang đường lộ, dân sở tại phải đắp đường làm cầu, cứ 15,000 trượng đường thì vua phát cho dân 10,000 phương gạo. Từ ải Nam Quan (thuộc Lạng Sơn) vào tận Bình Thuận cứ 4,000 trượng đường phải làm một nhà trạm ở cạnh quan lộ, để cho du khách qua lại nghỉ ngơi, và cả thảy đã có 98 trạm. Còn từ Bình Thuận trở vào Miền Nam Việt Nam đến Hà Tiên, thì phải đi đường thủy.
b. Kỹ Nghệ
Từ các cuộc nội chiến ở Đại Việt trước, kỹ thuật công nghệ Tây phương đã được các vua chúa mang vào áp dụng rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Thời nhà Nguyễn vẫn kế thừa những thứ đã du nhập ấy, nhiều công trình được xây dựng theo kiểu kiến trúc Vauban của phương Tây như thành Bát Quái, kinh thành Huế, thành Hà Nội…
Thời Gia Long đã từng cho đóng một loại thuyền lớn bọc đồng để tuần tra biển.
Năm 1803, Gia Long thành lập xưởng đúc tiền Bắc Thành tiền cục ở Thăng Long. Nhà Nguyễn cũng lập các Ty trông coi các ngành thủ công.
Ví dụ như ty Vũ khố chế tạo điều hành và quản trị nhiều ngành thủ công khác nhau, gồm 57 cục: làm đất, đúc, làm đồ vàng bạc, vẽ tranh, làm ngói, làm đồ pha lê, khắc chữ, đúc súng, làm trục xe, luyện đồng. Ty Thuyền chịu trách nhiệm về các loại thuyền công và thuyền chiến, gồm 235 sở trên toàn quốc. Ngoài ra còn có các ty Doanh kiến, ty Tu tạo, tyThương bác hoả dược.
c. Kỹ Nghệ Nặng
Sang đến thời Minh Mạng đã có nhiều hãng xưởng kỹ nghệ máy móc mang tính mới mẻ được chế tạo, như máy cưa chạy bằng sức trâu và sức nước, máy xẻ gỗ chạy bằng sức trâu. Cụ thể là, năm 1834, Nguyễn Viết Túy với sự đồng ý của vua Minh Mạng đã chế tạo ra chiếc máy nghiền thuốc súng bằng sức nước mang tên Thuỷ hoả ký tế.
Sau đó những năm 1837 đến 1838, theo mẫu máy móc Tây phương, nhóm thợ thủ công Việt Nam cũng chế tạo được nhiều máy cưa văn gỗ, xẻ gỗ bằng sức nước, máy hút nước tưới ruộng... và xe cứu hoả. Đặc biệt là năm 1839, dựa theo các kiểu mẫu của Tây phương, các đốc công Hoàng Văn Lịch và Vũ Huy cùng toán thợ xưởng Việt Nam đóng thành công chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên, và được vua Minh Mạng hết sức khen ngợi.
Năm sau, vua lại chỉ đạo cho họ đóng một chiếc tàu kiểu mới tân tiến hơn, và sửa chữa lại một chiếc bị hỏng. Tới thời Tự Đức, rất nhiều sách kỹ thuật phương Tây được dịch sang tiếng Hán, như Bác Vật Tân Biên, Khai Môi Yếu Pháp, Hàng Hải Kim Châm…
Ngành nghề đóng tàu Việt Nam, vào năm 1819 Sĩ quan kiêm thương gia Hoa KỳJohn White tới Gia Định, và được nhà vua Gia Long hứa hẹn dành mọi sự dễ dàng trong việc buôn bán của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
John White (1820) đã nhận xét: “Người Việt Nam quả là những người đóng tàu thành thạo. Họ hoàn thành công trình của họ với một kỹ thuật hết sức chính xác.” Ngoài các thuyền gỗ, thợ Việt Nam còn đóng cả các loại tàu lớn bọc đồng, và sáng chế nhiều máy móc tân tiến, đạt phẩm lượng cao như máy cưa xẻ gỗ, máy tưới ruộng, máy hơi nước…
Phần lớn nhân lực trong các hãng xưởng Việt Nam lại do triều đình trưng dụng, từ những thợ khéo trong các ngành khảm xà cừ, kim hoàn, thêu dệt, may vá… làm việc và cung cấp đồ dùng cho triều đình.
Vì vậy người thợ thường tìm cách trốn tránh, dù cho vua có áp dụng những biện pháp trừng phạt để ngăn ngừa. Thợ khéo ít dám trổ tài vì chẳng thấy lợi lộc nhiều… có lẽ do tuyên truyền xuyên tạc của những thành phần Kháng Nguyễn Phục Lê… vì thế cho nên họ chỉ dám làm những thứ nhỏ để bán cho dễ, cho đủ ăn.
Thợ nào chế tạo đồ tốt cũng phải mạo danh là hàng ngoại quốc để vua quan đừng để ý. Đầu thế kỷ 19 có người chế được men sứ tốt hơn của Trung Quốc, nhưng phải bỏ trốn vì sợ nhà vua trưng dụng, số khác lại làm đồ giả theo Trung Quốc, tránh quan quân mua rẻ hay tịch thu.
Triều Nguyễn cũng tập trung khai thác quặng mỏ, vào đầu thế kỷ 19 triều đình đã điều hành tổng cộng 139 quặng mỏ, năm 1833 đã có 3,122 công nhân viên chức, tuy nhiên, phương pháp khai thác quặng mỏ thời bấy giờ cũng chưa được phát triển nhưthế giới Tây phương.
Nhưng một điều đáng tiếc là những tiến bộ của Triều Nguyễn sao lại không tác động vào tiến trình phát triển kỹ nghệ của xã hội Việt Nam? Tại sao tới giữa thế kỷ 19, Việt Nam vẫn còn là một nước nông nghiệp sản xuất lạc hậu, chậm tiến so với thế giới Tây phương? Và điều gì đã làm cho Nhà Nguyễn thất bại trong công cuộc kỹ nghệ hóa, không tạo được cuộc cải cách thực sự như Minh Trị Thiên Hoàng (1852 - 1912) ở Nhật Bản?
Khi có mặt ở cố đô Huế và đọc lại nhiều tài liệu sách sử, người viết rất ưu tư trong việc đi tìm nguyên nhân thất bại của cuộc cải cách và kỹ nghệ hóa mà Triều Nguyễn đã có chủ trương. Và nhất là khi Anh Quốc chiếm Tân Gia Ba, vua Gia Long đã thấy cần phải giao hảo với người Tây phương nhưng không biệt đãi cho một quốc gia nào.
d. Dịch Vụ Thương Mại
Triều Nguyễn hàng năm, cũng tổ chức nhiều chuyến đi công cán đến các nước trong khu vực để thực hiện việc giao dịch buôn bán. Từ năm 1824, Minh Mạng đã sai sứđi công cán ở Hạ Châu (Tân Gia Ba) và Giang Lưu Ba (Nam Dương).
Năm 1825, vua Minh Mạng lại phái người sang Hạ Châu mua vải và đồ thủy tinh. Và sau đó, mỗi năm đều có quan viên được phái đi tới các trung tâm mậu dịch của người Tây phương ở khắp Đông Nam Á.
Từ năm 1831 trở đi, các chuyến công cán càng lúc càng nhiều, nơi đến cũng đa dạng: Hạ Châu, Lữ Tống (Phi Luật Tân), Bắc Úc, Quảng Đông, Giang Lưu Ba... Trong khoảng thời gian năm 1835 tới 1840 đã có 21 chiếc tàu được cử đi, hàng bán ra chủ yếu là gạo, đường, lâm thổ sản quý, hàng mua về là len, dạ và vũ khí đạn dược. Các hoạt động này hầu như triều đình độc quyền, mặc dù tư nhân không bị luật lệ nào ngăn cấm.
Tài liệu chỉ cho thấy, các thuyền buôn tư nhân Việt Nam vì không được trang bị vũ khí, nên không chống lại được bọn hải tặc Trung Quốc hoành hành trên biển, từ vịnh Thái Lan tới đông bán đảo Mã Lai. Dù vậy cũng có ít nhiều thương nhân lợi dụng các chuyến tàu thương mại này để buôn lậu gạo và thổ sản sang Hạ Châu, hay Quảng Châu.
3. Thương Gia Việt Nam
Hàng năm, thuyền buôn Trung Quốc thường đi lại giữa Việt Nam và Tân Gia Ba. Thương nhân Hoa kiều thường hay lén chở gạo của Việt Nam đi bán, và mang thuốc phiện về. Khiến cho những năm 1820 tới 1830, Việt Nam giao dịch với Tân Gia Ba cũng trở thành hạn chế. Năm 1824, giá trị mậu dịch của Việt Nam là 93,781 Mỹ kim. Năm 1826 tới 1827 tổng số mậu dịch là 124,698 Mỹ kim.
Nguyên nhân do hàng hóa của Việt Nam phù hợp với thị trường Trung Quốc thời ấy, và vì nhờ Hoa kiều mà mậu dịch quốc tế ngày ấy hoạt động.
Học giả Trần Trọng Kim cho rằng “Người thiên hạ đi buôn nước này, bán nước nọ, xuất cảng, nhập cảng, kinh doanh những công cuộc to lớn kể hàng ức hàng triệu. Người mình cả đời không đi đến đâu, chỉ quanh quẩn ở trong nước, buôn bán những hàng hóa lặt vặt, thành ra bao nhiêu mối lợi lớn về tay người ngoài mất. Thỉnh thoảng có một ít người có mươi lăm chiếc thuyền manh chở hàng từ xứ nọ đến xứ kia, nhưng vốn độ năm bảy vạn quan tiền, thì đã cho là hạng cự phú.”
Ở Kẻ Chợ trong thế kỷ 19 các thương khu (phường) đã thay đổi nhiều, vào giữa thế kỷ 19 thì đã thoát khỏi trạng thái chợ phiên có kỳ hạn và đã có thương gia cùng thợ thuyền cư trú thường xuyên. Thị trấn Thanh Hóa được bắt đầu xây dựng đầu thời Gia Long và tới năm 1885 đã là một trung tâm thương mại.
Ở kinh đô Huế, thời Gia Long cư dân ở chen chúc thường hay có hoả hoạn, nên năm 1837 triều đình cho chỉnh trang lại và lập chợ Gia Hội có tất cả 399 gian, dài suốt hơn 319 trượng, tất cả đều có cột bằng gạch nung và xây bằng vữa vôi.
Tuy nhiên, thương mại của Việt Nam rất kém cỏi, họ buôn lẻ hàng hóa của người Hoa để bán lại kiếm lời. Sự tổ chức thương mại của người Việt sao quá sơ sài và chỉ có trong phạm vi gia đình.
Nếu có những hội buôn lớn thì cũng chỉ là những phường họp vài thương gia hùn vốn với nhau để kinh doanh rồi chia tiền ngay. Họ không liên kết lại thành những hội buôn làm ăn lâu dài.
Nhiều người Việt Nam cho vay lãi trở nên phát tài nhưng họ dùng tiền của để mua ruộng đất chứ không đầu tư kinh doanh, khuếch trương thương mại hay công nghệ. Do đó mà thương nghiệp không mạnh được, một phần lớn cũng bởi tâm lý của người dân.
Việc buôn bán ở các chợ quy mô lớn lại bị kiểm soát bởi thương nhân Hoa kiều, dù những người này chỉ là thiểu số. Người Pháp Dutreuil de Rhin (1876) đã nhận địnhrằng: “Nhân số Hoa kiều tuy ít nhưng đã chiếm được các thương nghiệp lớn lao.”
Một mặt Hoa kiều mua thổ sản như gạo, lúa, bắp, đường, hạt tiêu để bán và nhập cảng trà, thuốc Bắc, vải, đồ đồng, giấy mực. Trong vùng quê, hoạt động thương mại cũng chỉ nhằm trao đổi nông sản và hàng tiểu thủ công nghệ ở các chợ.
Nơi đó, ngoài những cửa hàng tạp hóa quy mô nhỏ hay các cửa tiệm bán thuốc Bắc, còn có những nông dân bán thổ sản, nông sản của mình và một số thương nhân nhỏ bán vải vóc, hàng xén, cau thuốc đi rong từ chợ này sang chợ khác.
Ngoài các tổ chức buôn bán đại quy mô ra, Hoa kiều trong các đô thị lớn còn kinh doanh sòng bạc, đánh đề hoặc đút lót cho tham quan để được đúc tiền, trưng thầu thuế đò, thuế chợ hay độc quyền về rượu. Có những Hoa thương có thế lực còn chiếm độc quyền cung cấp hàng cho triều đình.
Dù sao guồng máy triều chính cũng đã cản trở nhiều sự trao đổi hàng hoá, bởi những nhiêu khê qua thủ tục hành chính ở các cửa ải, và sở thuế vụ. Vua Gia Long và Minh Mạng cũng cho đúc những nén vàng nén bạc, và cho thấy kinh tế thương mại có những bước tiến lên và phát triển.
Tuy nhiên, các nén vàng bạc lại chẳng được đầu tư, mà dân chúng đem cất giữ bởi tâm lý con người còn mang nặng tính nông nghiệp. Xã Hội Việt Nam đã thiếu hẳn lớp người thương gia, đang khi có đủ chính trị gia, khoa học gia hay sử gia Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam.
4. Cho Vay Ăn Lời
Như trên người viết đã đề cập đến Đinh Bình Hầu Nguyễn Công Trứ (1778-1858) người lừng danh với 3 quốc sách đồn điền, doanh điền, và khai khẩn ruộng hoang. Buổi thiếu thời, dù sống cảnh hàn vi nhưng Ông luôn cố gắng học hành để mong thi đỗ, làm quan giúp dân giúp nước.
Sau nhiều lần thi hỏng, cuối cùng cũng đậu Giải Nguyên năm Gia Long thứ 18 (1819) và đến năm Minh Mạng nguyên niên 1820, Ông ra làm quan lúc 42 tuổi, và thường khuyên chúng ta làm tròn phận sự Kẻ Sĩ, lập công danh sự nghiệp và bình tâm sáng tạo dù gặp cảnh ngộ nào.
Lời văn hào hùng ngạo nghễ, biểu lộ bản lĩnh chính trị vững vàng, chí khí mạnh mẽ, thái độ cầu tiến, quả là khẩu khí của kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ suốt đời hăng say phục vụ dân nước, và xứng đáng cho chúng ta kính phục:
Tước hữu ngũ Sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ Sĩ vi chi tiên
Có giang sơn thì Sĩ đã có tên
Từ Chu Hán vốn Sĩ này là quý
Miền hương đãng đã khen rằng hiếu nghị
Đạo lập thân phải giữ lấy cang thường
Khí hạo nhiên chí đại chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất
Hưu hưu nhiên điếu vị canh Sằn
Xe bồ luân dù chưa gặp Thang Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịnh tà cừ bí
Hồi cuồng loan nhi chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng
Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thuỳ rạch mũi Can Tương
Sao cho bách thế lưu phương
Trước là Sĩ sau là khanh tướng
Kinh luân khởi tâm thượng
Binh giáp tàng hung trung
Vũ trụ chi nhân gian giai phận sự
Nam nhi đáo thuỷ thị hào hùng
Nước nhà yên thì Sĩ được thung dung
Bấy giờ Sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
Dăm ba đứa tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
Này thơ, này rượu, này địch, này đàn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới
Ngẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh
Này này Sĩ mới hoàn danh.
Nhưng tiếc thay trong Kẻ Sĩ đó chưa có nhận thức đầy đủ về quan niệm người “Thương Gia Trí Thức,” là hệ trọng trong cuộc cách mạng nông nghiệp mà triều Nguyễn chủ trương để xây dựng và kiến thiết quốc gia.
Hình ảnh của người Thương Gia trong xã hội kỹ nghệ phải được coi trọng, đặt lên hàng đầu nhằm giúp dân chúng noi gương học hỏi, để thay đổi quan niệm “Cày sâu cuốc bẫm” của xã hội nông nghiệp tiến lên thời đại văn minh kỹ nghệ.
Ví dụ: Nhật Bản năm 1872 bãi bỏ giai cấp Võ Sĩ Đạo (Samurai) làm giảm mẫu “Người Hùng Quân Sự” trong cuộc cách mạng Minh Trị (Enlightened rule) thay bằng hình ảnh “Thương Gia Trí Thức” và đề cao lớp người buôn bán trong xã hội quân chủ. Ngoài ra Anh Quốc, Hòa Lan, Bỉ Quốc… Nhật Bản, Thái Lan, Mã Lai là những nước quân chủ lập hiến chuyển qua đại nghị theo đường hướng hòa bình, như lời triết gia Hegel: “Xã hội con người được cai trị từ một người, đến một giai cấp và đến toàn dân. Đó là hình ảnh tiêu biểu cho một xã hội dân chủ.”
Trong Thánh Kinh, đệ tử Giu Ða bán thày với gía 30 đồng, số tiền ngày ấy cũng không nhỏ và mua được khu thương mại gọi là ruộng máu… điều này chứng tỏ nền tài chánh của dân Do Thái cách nay hai ngàn năm đã phát triển cao.
Trong kinh cũng nhắc đến mẫu người “cho vay ăn lời,” dù có phê bình theo quan niệm tôn giáo, “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước trời.” Nhưng truyền thống sinh họat thương mại “cho vay” đúc lên mẫu người Tài Phiệt Do Thái, mà xưa nay họ nắm vận mệnh tài chánh toàn cầu.
Với truyền thống “cho vay ăn lời” người Do Thái bành trướng trên thế giới, chính là nguyên nhân thầm kín mà nhà lãnh tụ độc tài Ðức Quốc Xã Adolp Hitler (1889-1945) nhận ra, và muốn chấm dứt nạn lệ thuộc tài chánh của tài phiệt Do Thái đang nắm giữ vận mệnh Châu Âu.
Và muốn dành lại chủ quyền tài chánh cho Ðức Quốc và Châu Âu, Quốc trưởng Hitler một mặt dựng ra thuyết chủng tộc Aryan làm bung xung, nhưng mục đích là để khuyến khích thanh niên Đức Quốc Xã đấu tranh sinh tồn chống lại thuyết Do Thái Giáo, mặt khác, lãnh tụ độc tài này cũng muốn giành lại chủ quyền tài chánh từ tay nhóm tài phiệt người gốc Do Thái khắp nơi.
Nhìn lại những thước phim tài liệu của cơ quan tuyên truyền Ðức Quốc Xã, chúng ta thấy rằng họ chỉ dám nhắm vào cái gọi là “Người Do Thái dơ bẩn” chớ không dám nêu đích danh “Khối Tài Phiệt Do Thái,” thì đủ hiểu lớp người Thương Gia Do Thái này ở cấp chúa tể nào rồi.
Hậu quả cuộc Thế Chiến II không những là thảm họa chung cho nhân loại, nhưng chính là thảm bại của Châu Âu, của Ðức Quốc vì “Chiến Tranh Tài Chánh” mà Quốc trưởng Hitler chủ trương đã thua cuộc với khối Thương Gia Do Thái, và truyền thống ngàn đời “cho vay ăn lời” đã chiến thắng trong thầm lặng trên mọi cuộc diện chiến trường thế giới, mà hầu như ít ai biết đến.
V. Văn Hóa
Triều Nguyễn để lại cho lịch sử một di sản văn hóa hết sức lớn lao, riêng số sách triều Nguyễn biên soạn trong thế kỷ 19 đã nhiều hơn sách sử của 300 năm trước cộng lại. Gia Long là người đề cao sự học vấn, cho lập Văn Miếu ở các doanh các trấn thờ Vạn Thế Sư Biểu Khổng Tử, lập Quốc Tử Giám ở Kinh Thành Huế vào năm 1803 dạy cho quan lại và sĩ tử.
Gia Long còn cho mở những khoa thi Hương chọn người có học có hạnh ra làm quan, ban hành hai đạo dụ mở trường ở các tỉnh, ấn định nhân viên giáo giới và chương trình học chế, tái lập những khoa thi ở các trấn. Mỗi trấn đều có quan Đốc học, Phó Đốc học hoặc Trợ giáo, ra hạn định hàng năm cứ tới tháng 10 triều đình sẽ mở khoa thi.
Cứ ba năm triều đình mở khoa thi Hương ở các địa phương, những người trúng cao được gọi là Cử nhân trúng thấp là Tú Tài. Năm sau, kinh đô mở thi Hội tại bộ Lễ, những Cử Nhân năm trước ra ứng cử để vào thi Đình trong điện nhà vua lấy các bậc Tiến Sĩ.
Sinh hoạt giáo dục trong dân chúng đều được tự do nghiên cứu học hành, bất cứ ai có khả năng học vấn đều có thể mở trường tư thục dạy học. Mỗi làng thường có dăm ba trường tư thục, hoặc học ở nhà thày, hay học ở nhà phú hào là người xuất tiền rước thày về dạy cho con mình và cho con cháu trong họ hàng lối xóm.
Theo Học giả Trần Trọng trong Kim trong Việt Nam Sử Lược (1919), thì người Việt Nam vốn chuộng cái học, nên số người đi học cũng nhiều. Tuy nhiên việc học hành càng lúc càng thoái hóa, vì nhiều người đi học chỉ mong làm quan hầu có địa vị để ăn trên ngồi trốc trong xã hội.
Tác giả cho rằng: “Bao nhiêu công phu của người đi học chú trọng vào sự học cho nhớ những sách Tứ Thư Ngũ Kinh, cùng những lời thể chú của tiền nho trong những sách ấy, và học thêm mấy bộ sử nước Tàu. Còn sự luyện tập hàng ngày, thì cốt tập cho thạo thuộc các lề lối ở chỗ khoa trường là: kinh nghĩa, tứ lục, thi phú, văn sách.
Ấy là dùng hư văn mà xét tài thực dụng, đem sự hoa mỹ làm mực thước đo tài kinh luân. Bởi vậy ai hay kinh nghĩa đã nghĩ mình hơn người, ai tài thi phú đã tưởng mình giỏi nghề trị nước.
Việc đời thì tối tăm mờ mịt mà lại tự phụ và kiêu căng, cho thiên hạ như rơm rác, coi mình như thần thánh.
Sự học của mình đã hư hỏng như thế, những hủ tục lại ăn sâu vào trí não, thành ra một thứ cố tật không sao chữa được... Đại khái, cái trình độ của bọn sĩ phu ở nước ta lúc bây giờ là thế, cho nên vận nước suy đến nơi mà hồn người vẫn mê muội ở chỗ mơ màng mộng mị. Bọn sĩ phu là người có học, làm tai làm mắt cho mọi người mà còn kém cỏi như thế, thì bảo dân gian khôn ngoan làm sao được.
Sau hai trăm năm, ngày nay nhiều người phê phán triều Nguyễn và nền Nho học hủ lậu, nhưng xin hỏi, Tây học và kỹ nghệ giáo dục hiện tại có thực sự tạo ra mẫu người phục vụ cho nhân quần xã hội theo phương châm “Ngày nay đi học – Ngày mai giúp đời?” Đang khi nhân loại chuẩn bị giã từ thời đại công nghiệp để tiến sang thời đại tín nghiệp của thế kỷ 21.
Lại nữa, Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841) là người thông minh, cởi mở, và có cái nhìn tinh tế về sự kiện hủ lậu của Nho gia. Ngài muốn canh tân học hành thi cử, nhưng triều thần gồm quan lại hủ nho và tham lam quyền lực… Không ai có cái viễn kiến chính trị để giúp vua soạn thảo chương trình quốc phú dân cường.
Đang khi Nhật Bản lại có người đề xướng: “Nhật Bản muốn tránh tình trạng bị đô hộ thì cần có một chính quyền mạnh, hợp thời và kỹ thuật hạng nhất của Tây phương.” Bởi thế Hoàng đế Mutsuhito (1852 - 1912) sau khi lên ngôi một năm, đã ký sắc lệnh cải tổ chính trị và chuyển việc điều hành quốc gia xuống cho các bộ. Ngài làm được cuộc cách mạng, gọi là Minh Trị: Enlightened rule xứng danh Minh Trị Thiên Hoàng, khai sáng một kỷ nguyên hoàng kim Minh Trị (Meiji Era) trong lịch sử Nhật Bản.
Cái mấu chốt thành bại của một cuộc cách mạng dân tộc, chính là ở điểm mà người viết nêu trên.
Trong Quốc Triều Chính Biên, sách do Bộ Học nhận chỉ dụ của vua Khải Định năm thứ 9 thực hiện và dịch ra chữ quốc ngữ -- chúng ta hãy nghe vua Minh Mạng đưa ra quan điểm của ngài như sau: “Lâu nay cái học khoa cử làm cho người ta sai lầm, trẫm nghĩ văn chương vốn không có quy củ nhất định, mà nay những văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hư sáo khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó. Khoa tràng lấy hay bỏ cũng do tự đó. Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đă quen rồi, khó đổi ngay được, về sau nên dần dần đổi lại.”
Và rồi hai trăm năm qua, trước mắt chúng ta với nền Tây học của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản tại Việt Nam, liệu đã có ưu việt hơn hoặc vượt thoát khỏi tầm nhìn của Hoàng Đế Minh Mạng và Học Giả Trần Trọng Kim?
Khi viết xong tôi gởi bài sưu tầm – biên khảo này vào email, rồi in ra một bản để kính cẩn trao cho Cụ, sau đó tôi xóa bài trên máy vi tính, vĩnh biệt Cụ Già Ngự Bình và đi tìm Mùa Xuân cho Dân Tộc Việt Nam.

Phạm Văn Bản
---------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn