Vụ trợ lý một thống đốc Mỹ bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc phơi bày chiêu thức tinh vi của Bắc Kinh
Nguồn: AP - VOA | Ngày đăng : 2024-09-05 |
Cựu trợ lý của thống đốc New York Kathy Hochul, bà Linda Sun rời Tòa án Liên bang Brooklyn, ngày 3/9/2024, tại New York.
Quyết định của các công tố viên New York buộc tội một cựu phụ tá của thống đốc New York trong tuần này với tội danh hoạt động như một đặc vụ bất hợp pháp cho chính phủ Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến chính trường Hoa Kỳ.
Bà Linda Sun đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong chính quyền tiểu bang New York, bao gồm cả chức phó chánh văn phòng của Thống đốc Kathy Hochul. Bà bị cáo buộc thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc, trong đó có việc ngăn cản các đại diện từ Đài Loan gặp thống đốc New York, để đổi lấy các lợi ích tài chính trị giá hàng triệu đô la.
Vụ bắt giữ bà Sun vào ngày 3/9 là vụ mới nhất và có lẽ là vụ gây chú ý nhất trong một loạt vụ án mà Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã truy tố trong những năm gần đây để loại bỏ các điệp viên của Bắc Kinh trên đất Hoa Kỳ.
Các vụ án trước đây liên quan đến các cáo buộc chống lại những điệp viên Trung Quốc bị tình nghi vì đã đưa tin và theo dõi những người bất đồng chính kiến chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc. Còn vụ án ngày 3/9 dường như cho thấy Trung Quốc đang cố gắng tác động trực tiếp đến chính trường Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho mình, ngay cả ở cấp địa phương.
Tại sao lại là cấp tiểu bang?
Trung Quốc coi việc vun đắp mối quan hệ cấp tiểu bang với các quan chức Hoa Kỳ là điều quan trọng và họ luôn làm như vậy.
Mặc dù mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, nhưng hai nước đã vun đắp mối quan hệ cấp khu vực sâu rộng vào những năm 2010, với các thống đốc Hoa Kỳ thường xuyên đến thăm Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ thương mại và văn hóa.
Mối quan hệ này đã thay đổi 180 độ trong những năm gần đây, khi mối quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ với Trung Quốc ngày càng trở nên đối đầu và việc cứng rắn với Trung Quốc đã trở thành điểm đồng thuận của cả lưỡng đảng Hoa Kỳ. Tòa Bạch Ốc và Quốc hội đang áp dụng mức thuế quan cao đối với các sản phẩm của Trung Quốc và hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc.
Một số tiểu bang thậm chí còn thông qua các dự luật để chủ động cấm sự hiện diện của Trung Quốc. Georgia, Florida và Alabama nằm trong số các tiểu bang cấm “đặc vụ” người Trung Quốc mua bất động sản.
Việc tìm kiếm ảnh hưởng ở cấp tiểu bang đã “ngày càng quan trọng khi mối quan hệ ở cấp liên bang trở nên tồi tệ”, bà Mareike Ohlberg, thành viên cấp cao của chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ, người nghiên cứu về Trung Quốc, cho biết. “Có còn hơn không”.
Bắc Kinh nuôi dưỡng ảnh hưởng ở nước ngoài như thế nào?
Đảng Cộng sản Trung Quốc có một chi nhánh chuyên về công tác ở nước ngoài, được gọi là Mặt trận Thống nhất. Dưới sự kiểm soát của Mặt trận Thống nhất là vô số nhóm phục vụ cho mục đích thu hút người Hoa ở nước ngoài dưới vỏ bọc là các nhóm xã hội hoặc nhóm ngành nghề. Nổi tiếng trong số các nhóm này là Liên đoàn Hoa kiều hồi hương toàn Trung Quốc, tự mình giám sát một số nhóm nhỏ hơn.
Các nhóm này tìm cách xây dựng thành viên ở nước ngoài và thu hút cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, và có các chi nhánh trên khắp thế giới, từ Châu Phi đến Đông Nam Á đến Bắc Mỹ.
Ông Willy Lam, thành viên cấp cao tại Quỹ Jamestown, cho biết chính phủ Trung Quốc có lịch sử lâu dài trong việc nhắm mục tiêu vào các thành phố và tiểu bang lớn của Hoa Kỳ có đông người Hoa sinh sống như New York, New Jersey, Los Angeles và San Francisco, nơi các đặc vụ của Bắc Kinh đã làm việc với các hiệp hội và các nhóm thương mại “có uy tín” dành cho người Hoa ở nước ngoài.
Ông Lam nói chính phủ Trung Quốc trả tiền cho các nhóm địa phương này để cộng tác với Bắc Kinh, trong khi việc thiết lập này giúp Bắc Kinh tiết kiệm rất nhiều công sức trên thực địa.
Theo phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, bà Sun có liên hệ với ông Shi Qianping, người tự nhận mình là thành viên ủy ban thường trực của Liên đoàn Hoa kiều hồi hương toàn Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, ông Shi cũng giữ vai trò là người đứng đầu Liên đoàn Doanh nhân Hoa kiều Hoa Kỳ.
Theo nhóm này, bà Sun cũng tham gia vào các chi nhánh cấp khu vực của nhóm Hoa kiều hồi hương, như ở tỉnh Giang Tô, nơi bà Sun sinh ra.
Bên cạnh những nhóm này, cũng có những lo ngại ngày càng tăng về các đồn cảnh sát Trung Quốc ở nước ngoài, được thành lập mà không có sự cho phép của quốc gia mà họ hoạt động. Năm ngoái, cảnh sát New York đã bắt giữ hai người đàn ông vì bị cáo buộc thành lập đồn cảnh sát mật cho một cơ quan cảnh sát cấp tỉnh của Trung Quốc.
Bắc Kinh muốn gì?
Vụ án của bà Sun, thoạt nhìn có vẻ giống như trong phim gián điệp, cho thấy Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng ở cấp độ tinh vi — ví dụ như bằng cách thúc đẩy các thông điệp phù hợp với quan điểm của Bắc Kinh.
Các công tố viên cho biết bà Sun đã đưa các quan điểm của một quan chức Trung Quốc vào bài phát biểu video của bà Hochul khi bà còn là phó thống đốc để chúc mọi người một năm mới vui vẻ. Các công tố viên cho biết bà đã cố tình không cho bà Hochul đề cập đến các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc trong video đó. Bà Sun cũng bị cáo buộc đã ngăn cản các đại diện của chính phủ Đài Loan gặp gỡ các quan chức cấp cao của tiểu bang New York. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan, một nền dân chủ tự trị, là một phần lãnh thổ của mình và coi bất kỳ tương tác nào giữa các đại diện của chính phủ Đài Loan với các chính phủ khác là hành vi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc.
Các bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các văn kiện của đảng đã nêu rõ rằng một chỉ thị cho công tác đối ngoại của đảng là tập hợp người Hoa ở nước ngoài xung quanh các mục tiêu của đảng, bao gồm cả việc thúc giục họ “tích cực tham gia và ủng hộ” các mục tiêu hiện đại hóa và thống nhất hòa bình cho quê hương của họ.
Chính phủ Trung Quốc cũng sẵn sàng khai thác các vấn đề trong nước của Hoa Kỳ, chẳng hạn như bạo lực đối với người Mỹ gốc Á, để thúc đẩy thông điệp của mình. Bà Sun đã tuyên bố mình là đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Á.
“Chính phủ Trung Quốc thích tuyên bố mình đại diện cho tất cả người Hoa ở nước ngoài”, bà Audrye Wong, Nghiên cứu viên Jeane Kirkpatrick tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ nói. Bà cho biết đôi khi chính phủ Trung Quốc làm mờ ranh giới giữa các nhóm văn hóa và cộng đồng hợp pháp với các hoạt động gây ảnh hưởng.
Các tiểu bang Mỹ có nên cắt đứt giao tiếp với các tỉnh Trung Quốc?
Trung Quốc thường có thể thiết lập chương trình nghị sự khi giao tiếp ở cấp địa phương. Bà Ohlberg nói: “Có sự không cân xứng khá lớn về mặt nguồn lực giữa phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và phía Hoa Kỳ”. Ví dụ, thành phố Thượng Hải có hàng trăm nhân viên chuyên trách về hợp tác quốc tế, trong khi các tiểu bang của Hoa Kỳ chỉ có một số ít.
“Cần phải có nhiều suy nghĩ chiến lược hơn về vấn đề này, nhiều nguồn lực và kiến thức hơn, và sau khi có được những điều đó, bạn có thể quyết định”, bà nói.
Bà Wong nói thêm rằng chính quyền địa phương nên tiếp cận các cộng đồng gốc Á thay vì chỉ dựa vào một người làm đầu mối liên lạc cộng đồng, như những gì dường như đã xảy ra trong trường hợp của bà Sun, và “thực sự xây dựng cơ sở hạ tầng ở cấp cộng đồng địa phương bằng cách hợp tác với các tổ chức người Mỹ gốc Á hợp pháp”.
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |