Ông Tô Lâm đề cao ‘tiến bộ xã hội, giải phóng con người’ tại LHQ; nhiều người Việt biểu tình
Nguồn: VOA Tiếng Việt Ngày đăng : 2024-09-22
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, 22/9/2024.
Phát biểu trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam trước Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc vào trưa 22/9, ông Tô Lâm nhấn mạnh “mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta”.
Ông Tô Lâm, người cũng nắm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, có thực quyền quyết sách cao nhất, phát biểu thêm rằng “Thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện…”, theo tường thuật trên trang web của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Hội nghị Thượng đỉnh Tương Lai diễn ra trong hai ngày 22 và 23/9 ở New York, Mỹ, với sự tham gia của nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo các nước để thông qua Hiệp ước Cho Tương lai với các điều khoản về phát triển bền vững, cấp vốn cho phát triển, hòa bình và an ninh quốc tế, khoa học-kỹ thuật, đổi mới-sáng tạo, hợp tác kỹ thuật số, tuổi trẻ và thế hệ tương lai, và chuyển đổi việc quản trị toàn cầu.
Sự hiện diện của ông Tô Lâm ở New York được truyền thông nhà nước Việt Nam chủ ý nêu bật, theo quan sát của VOA. Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn đại sứ của nước này tại LHQ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh rằng “Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự trực tiếp kỳ họp Đại hội đồng LHQ và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu LHQ”.
Vẫn trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương Lai, ông Tô Lâm đưa ra quan điểm: “Thành tựu khoa học công nghệ cần thúc đẩy hợp tác, không trở thành công cụ chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hoà bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc”.
Việt Nam “đề nghị tăng cường đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu y học, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các giải pháp để phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân, giảm thiểu đầu tư nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí hủy diệt”, ông Tô Lâm nói tiếp trong bài phát biểu có tính lịch sử của một tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tại LHQ.
Ông cũng kêu gọi các quốc gia “tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ và giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình”“các nước lớn cần hành xử có trách nhiệm”, theo video của LHQ.
Sau khi ông Tô Lâm phát biểu, đã nổ ra một cuộc biểu tình phản đối ông ở bên ngoài trụ sở LHQ. Tham gia biểu tình là khoảng 100 người thuộc Cộng đồng người Việt quốc gia liên bang Hoa Kỳ; Cộng đồng người Việt ở Toronto, Canada; đảng Việt Tân và Hội Anh em Dân chủ, nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài có mặt ở đó cho VOA biết.
Những lời của ông Tô Lâm đề cao “giải phóng con người” bị xem là không đáng tin, theo góc nhìn của ông Đài:
“Sau gần 10 năm dưới thời ông Tô Lâm, hầu như những tiếng nói đối lập, bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã bị ông Tô Lâm xóa bỏ hoàn toàn. Phần lớn bị bắt cầm tù, phần thì chạy trốn ra nước ngoài tị nạn. Đấy là những ‘thành tích nhân quyền’ của ông ấy. Vi phạm nhân quyền rất là trầm trọng. Do vậy, lời nói của ông ấy trước LHQ rất là giả dối so với những gì ông ta đã làm trong khoảng 10 năm vừa qua”.
Khoảng 100 người biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm ở New York, 22/9/2024.
Mặc dù vậy, ông Đài, nhà tranh đấu từng bị chính quyền Việt Nam bỏ tù và về sau bị ép đi sống lưu vong ở Đức, nói với VOA rằng ông mong nhìn thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm của Việt Nam sẽ có những bước đi để sửa chữa các sai lầm trong quá khứ, mang lại sự thay đổi tốt đẹp cho đất nước.
Lý giải cho suy nghĩ này, ông Đài nêu ra việc Việt Nam tha tù trước hạn cho hai nhà hoạt động nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng trước khi ông Tô Lâm lên đường đi Mỹ được xem là dấu hiệu tích cực.
Nhưng ông Đài nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm cần phải có những bước đi thực chất hơn để cho thấy ông ấy có những thay đổi thực sự:
“Song song với trả tự do cho tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị tại Việt Nam, thì ông ấy sẽ không bắt thêm bất kỳ nhà hoạt động đối lập nào ở trong nước nữa. Thứ hai, ông ấy phải có lộ trình cởi mở về truyền thông mạng xã hội, cho phép những tiếng nói phản biện, bất đồng chính kiến tiếp tục được thể hiện. Thứ ba, ông ta phải cởi mở về xã hội dân sự. Trước đây, ông ta đàn áp, xóa bỏ gần hết. Bây giờ ông ta phải cho hoạt động trở lại”.
Tiếp sau những bước đi trước mắt nêu trên, ông Đài bày tỏ kỳ vọng được thấy ông Tô Lâm tiến hành sửa đổi Hiến Pháp, ban hành các luật về biểu tình, lập hội, lập đảng phái… để Việt Nam có một tiến trình dân chủ.
VOA liên lạc với văn phòng của ông Tô Lâm và Đại sứ quán Việt Nam ở Washington, Mỹ, để tìm hiểu về phản ứng của họ đối với các quan điểm của ông Nguyễn Văn Đài, nhưng chưa có hồi đáp.
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn