- Lame Duck Joe Biden,
- Tô Lâm đến Liên Hiệp Quốc.
- MSNBC phỏng vấn bà Harris
Tác Giả : Nguyễn thị Bá Bảy & Anh Huy Nguồn:DĐ Nhân Dân Ngày đăng : 2024-09-27
1. Lame- Duck Joe Biden
Câu hỏi (Anh Huy) :
Tổng Thống Joe Biden đã có bài phát biểu tạm biệt tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 24/9. Đây là bài phát biểu cuối cùng của ông tại sự kiện này dưới danh nghĩa người đứng đầu tòa Bạch Ốc.
Trong bài phát biểu này, ông đã nhắc về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, với những thăng trầm và cả những thành tựu 2 nước đạt được.
"Khi đó, tôi 29 tuổi. Vào thời điểm đó, thế giới đang sống trong căng thẳng và bất ổn. Thế giới bị chia cắt bởi Chiến Tranh Lạnh. Trung Đông đang trên đà hướng tới chiến tranh. Nước Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam, và tại thời điểm đó, là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ", Tổng Thống Biden cho biết.
Theo cô nhận xét ra sao, khi mà ông Biden sắp hết nhiệm kỳ làm TT thì những gì ông nói hay ông làm trong thời gian này có ảnh hưởng chút nào không?
Và trong lời tuyên bố của ông về chiến tranh VN không thấy ông nhắc việc làm “vĩ đại” của ông là “không có nghĩa vụ giúp người tị nạn VN”, không phải một mà ông đã ngăn cản nhiều lần lần là không cứu người Việt tị nạn CS.
Đáp (Nguyễn thị Bé Bảy):
Sau khi rút lui khỏi cuộc đua TT và nhường lại cho bà Kamala Harris vì áp lực của đảng Dân Chủ, của truyền thông cánh tả và của thế lực Hollywood, ông Joe Biden đang lâm vào tình trạng mà tiếng Mỹ gọi là 'lameduck', nôm na là "con vịt què", tức là những gì ông nói và ông làm sẽ không có ảnh hưởng quan trọng, cho dù ông vẫn còn là TT Hoa Kỳ từ đây cho tới ngày 20 tháng 1 năm 2025.
Như chúng ta đang chứng kiến, hình ảnh của ông Joe Biden đã rất mờ nhạt, hầu như không ai để ý tới ông ấy, hiện giờ dư luận chỉ chú trọng vào chính sách và chương trình hành động của 2 ứng cử viên là Cựu TT Trump và bà Phó TT Kamala Harris.
Việc ông Joe Biden có nhắc tới chiến tranh Việt Nam trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, thì những tài liệu về chủ trương, hành động bỏ phiếu để chấm dứt viện trợ cho VNCH và không giúp người Việt Nam tị nạn cộng sản của ông Joe Biden vẫn còn đó, không thể biến mất đi đâu được.
Ông cũng khoe khoang rằng, "năm ngoái tại Hà Nội, tôi đã gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam và chúng tôi đã nâng quan hệ đối tác lên mức cao nhất". Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Joe Biden nói về mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Cộng trong nhiệm kỳ của ông. Cũng trong kỳ họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 2023, 1 tuần sau khi thăm Hà Nội, ông Biden cũng đã ca ngợi việc Hoa Kỳ và CSVN thiết lập quan hệ ở mức cao nhất, là hình mẫu "kề thù trở thành đối tác", tức là " Hoa Kỳ không có kẻ thù vĩnh viễn".
Có thể đây là một thông điệp mà ông muốn nói về sự hàn gắn của những kẻ thù trong cuộc chiến tranh tại Ukraine và Trung Đông hiện nay đang xảy ra dưới nhiệm kỳ của ông và bà Harris, chưa kể đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông giữa Phi Luật Tân và Trung Cộng.
Nhưng trong tình cảnh "vịt què" hiện nay, thì bài phát biểu của ông Biden tại Liên Hiệp Quốc cũng chỉ là một hình thức ngoại giao, không gây 1 ảnh hưởng sâu sắc nào, điển hình là đề nghị ngưng bắn tại Gaza và Lebanon do ông và TT Pháp khởi xướng không được Thủ Tướng Do Thái Nettanyahu chấp nhận.
Riêng về cảm nghĩ của ông Biden đối với các đồng đảng đã áp lực ông phải rút lui khỏi cuộc đua vào Bạch Ốc, ông có xuất hiện trên chương trình The View của đài ABC vào ngày Thứ Tư 25/9, cho biết là ông rất "bình thản", peace, khi quyết định rời khỏi cuộc đua và vẫn tự tin là có thể đánh bại Trump vào tháng 11. Ông cũng tự xem mình là một Tổng Thống chuyển tiếp và đã trao ngọn đuốc cho Kamala Harris.
Cũng mừng cho ông là đã không còn tức giận về cú đảo chánh của các đồng đảng, mà trước đây ông đã nói là chỉ có Chúa xuống đây bảo ông bỏ cuộc thì ông mới vâng lời.
Bây giờ thì ông rất thoải mái , chỉ cần hiện diện tại Phòng Bầu Dục từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, và đến trưa Thứ Sáu thì rời Hoa Thịnh Đốn để nghỉ ngơi. Ngoài ra, các phiên họp nội các thì đã có Đệ Nhất Phu Nhân Jill phụ giúp ông, như phiên họp trong ngày 20/9/2024.
Trong phiên họp này, Đệ Nhất Phu Nhân tuyên bố:
"Công việc rất vất vả với những ngày dài. Và đúng vậy, có những lúc gánh nặng của tất cả những gì chúng ta phải đối mặt trước mắt có thể quá nặng nề để gánh vác."
Bà Jill được ông Joe giới thiệu trong buổi họp: “Chúng tôi rất biết ơn khi Jill có mặt ở đây hôm nay. Tôi đã nghe thấy tiếng vỗ tay đó, nhưng không phải dành cho tôi”, ông tiếp tục. “Trong các chính quyền trước, các đệ nhất phu nhân đã tham dự các cuộc họp này vì những lý do cụ thể. Đây là lần đầu tiên Jill tham gia cùng chúng ta, và điều đó cho thấy vấn đề mà bà sắp nói nó quan trọng như thế nào”.
Những người tham dự cuộc họp được phát các tập ghi chú với bìa có chữ ký của cả Joe và Jill Biden, điều này gây ra sự chế giễu: ai là người điều hành quốc gia?
Bà Jill Biden, được coi là Đệ Nhất Phu Nhân quyền lực nhất trong hơn một thế kỷ, đã có ảnh hưởng lớn ở Tòa Bạch Ốc, đặc biệt trước khi các đảng viên Dân Chủ buộc Tổng Thống Joe Biden phải tuyên bố tự nguyện rút lui vào ngày 21 tháng 7 và để bà Kamala Harris thay thế.
Chúng ta không quên trong nhiều cuộc hội họp quốc tế, bà Jill đã hành xử như là một người chăm sóc cho 1 ông lão tên Joe Biden, chứ không phải là TT Joe Biden của cường quốc Hoa Kỳ.
Có thể nói, ông Joe Biden đã là "con vịt què" từ lâu lắm rồi, chứ không phải đợi đến bây giờ.
2. Tô Lâm đến Liên Hiệp Quốc.
Hỏi :
Thưa cô, mới đây: hai tù nhân nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do, trở về nhà hôm 21/9/2024, ngay trước chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị Chủ Tịch Nước, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trong khi sự kiện này được chào đón bởi những người ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, và bởi các tổ chức nhân quyền quốc tế, một câu hỏi được đặt ra là tại sao chính phủ Việt Nam có quyết định như vậy vào thời điểm này. Thưa cô trả lời ra sao?
Đáp:
Đây không phải là sự kiện đầu tiên, mỗi khi chế độ CSVN muốn trao đổi cái gì đó với Hoa Kỳ thì sẽ thả 1 vài tù nhân chính trị. Nói trắng ra, là nhà cầm quyền Việt Cộng đã dùng người dân Việt Nam làm con tin để trao đổi khi cần thiết.
Trong quá khứ, người Việt tị nạn CS tại hải ngoại đã từng chứng kiến những cuộc trao đổi con tin, như trường hợp của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cù Huy Hà Vũ v. v...
Những con tin này, có khi được đặt tên là Tù Nhân Lương Tâm, có khi được gọi là Những Nhà Đấu Tranh Dân Chủ, và bản chất thực hay cuội của họ như thế nào, chỉ cần một thời gian là đã lộ ra. Có người lộ ra trong một thời gian ngắn, có người cần một thời gian dài.
Một điều nữa, CSVN luôn luôn để dành sẵn những con tin, cứ một con tin đã được trao đổi, thì lập tức có một con tin khác được bắt để thế chỗ, vì vậy, họ không bao giờ thiếu những con tin.
Đây là một vấn đề rất phức tạp, rất nhạy cảm, rất dễ bị chỉ trích và bị chụp mũ thế này thế nọ nếu nói ra quá sớm.
Bây giờ hãy trở lại chuyến đi của Tô Lâm, người nổi tiếng trên thế giới vì ăn miếng thịt bò dát vàng 24 karat tại một nhà hàng sang trọng Nusr-Et Steakhouse ở Luân Đôn vào tháng 11 năm 2021, lúc ấy Tô Lâm là Đại Tướng, là Ủy Viên Bộ Chính Trị và là Bộ Trưởng Bộ Công An CSVN, đi dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Khí Hậu COP 26 ở Glasgow, Tô Cách Lan với Thủ Tướng VC Phạm Minh Chính.
Trong chuyến đi đến New York để phát biểu trong phiên họp Đại Hội Đồng LHQ, Tô Lâm với cương vị là Chủ Tịch Nước, đã gặp TT Hoa Kỳ Joe Biden bên lề Đại Hội Đồng vào ngày Thứ Tư 25/9.
Theo Reuters, Tô Lâm ca ngợi những đóng góp lịch sử của TT Biden trong việc nâng cao mối quan hệ. Ông Biden thì nhấn mạnh tầm quan trọng của chất bán dẫn, chuỗi cung ứng và an ninh mạng. Biden cũng đề cập về quyền tự do hàng hải và pháp quyền. Trước đó, ông Tô Lâm đã gặp đại diện của các công ty Hoa Kỳ tại New York, bao gồm Meta, công ty đã cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Tô Lâm cũng đã yêu cầu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ nỗ lực của Hà Nội nhằm yêu cầu Washington xóa tên Hà Nội khỏi danh sách các nền Kinh Tế Phi Thị Trường và dỡ bỏ các hạn chế thương mại khác, đồng thời tạo điều kiện để Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác về chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Ngoài chuyện trao đổi buôn bàn, tuyệt nhiên, không thấy ông Biden đề cập đền vấn đề vi phạm nhân quyền của CSVN, có lẽ vỉ 2 tù nhân làm con tin là Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng đã được thả ra khỏi nhà tù.
Một chuyện nữa, là Tô Lâm đã đến Đại Học Columbia. tại đây, những câu hỏi của các du học sinh Việt Nam và câu trả lời của Tô Lâm đều đã được soạn sẵn, chỉ là một màn diễn kịch tệ hại, làm trò cười cho thiên hạ.
Chuyến đi này của Tô Lâm có kết quả như thế nào, sau khi thả ra 2 con tin để lấy lòng dư luận như các tổ chức nhân quyền quốc tế và các tổ chức ủng hộ phong trào dân chủ tại Việt Nam?
Vẫn là những màn kịch không có gì mới mẽ, trong khi thực trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam thì Vũ Như Cẩn, là vẫn như cũ!
3. MSNBC phỏng vấn bà Harris
Hỏi :
Trong cuộc phỏng vấn trên đài MSNBC, bà Harris đã nói ông Trump tập trung vào người giàu có hơn tầng lớp trung lưu, đồng thời tự cho rằng bà là người có đủ khả năng gánh vác, xây dựng nền kinh tế. Phó Tổng Thống Harris nói rõ rằng bà xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn và đồng cảm với những điều mà người dân đang trải qua. Liên quan về vấn đề phá thai, bà Harris cho rằng ông Trump cần tin tưởng phụ nữ và trao cho họ quyền tự quyết định sinh sản. Theo cô có phải vì vấn đề cho phá thai tư do mà bà Harris từ chối không tham dự buổi tiệc Al Smith của Tổng Giáo Phận Công Giáo New York ?
Đáp:
Bà Kamala Harris có 4 cuộc tiếp xúc với truyền thông sau cuộc tranh luận với Cựu TT Trump vào ngày 10/9 trên đài ABC.
- Lân đầu là với đài ABC Philadelphia vào ngày 13/9
- Lần thứ hai với Hiệp Hội Truyền Thông Da Đen cũng tại Philadelphia ngày 17/9.
- Lần thứ ba với Oprah Winfrey, một nhà truyền thông da đen nổi tiếng ngày 19/9.
- Lần thứ tư, với đài MSNBC vào ngày 25/9
Trong 3 cuộc phỏng vấn trước , Kamala Harris hầu hết lẫn tránh câu hỏi rất bình thường là làm thế nào để giảm giá sinh hoạt, bằng câu trả lời quanh co, bắt đầu là: tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu, mẹ tôi làm việc khó nhọc, chăm chỉ, nuôi dạy tôi và em gái tôi, hàng xóm của tôi là những người lao động, họ tự hào có bãi cỏ đẹp v.v..., là những lời lẽ mà mọi người gọi là word salad nổi tiếng của bà Harris, đã làm trò cười cho nhiều người, nhưng quan trọng hơn hết là không trả lời được những thắc mắc về chính sách giải quyết các vấn nạn do chính nhiệm kỳ của bà ta và Joe Biden gây ra cho nước Mỹ.
Có lẽ vì thế, nên trong cuộc phỏng vấn thứ tư với đài MSNBC, Harris không còn nói kiểu salad trộn, nhưng có những lời nói dối trằng trợn, điển hình bà ta nói rằng nhiệm kỳ của Trump để lại một tình trạng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy Thoái, nhưng người phỏng vần là cô phóng viên Ruhle, nhắc rằng, đó là trong thời đại dịch, cả thế giới đều bị ảnh hưởng, và chính phủ chúng ta phải đóng cửa, quốc gia chúng ta đã đóng cửa toàn diện.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Kamala Harris lặp lại kế hoạch kinh tế của mình, gồm có: hỗ trợ thanh toán trước 25.000 đô la cho người mua nhà lần đầu.
Cấp khoản tín dụng thuế trẻ em 6.000 đô la, cấp khoản khấu trừ thuế 50.000 đô la cho các doanh nghiệp nhỏ lần đầu, các công ty khởi nghiệp.
Tuy nhiên, để thực hiện những kế hoạch này, thì cần đến một ngân khoản khổng lồ, vậy lấy tiền ở đâu ra, có phải chính quyền sẽ in tiền vô tội vạ, khiến cho lạm phát tiếp tục cao và nợ công chồng chất, trong khi hiệu quả kinh tế dài hạn không bảo đảm.
Trở lại buổi tiệc Al Smith của Tồng Giáo Phận Công Giáo New York, năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 17/10. Đây là buổi tiệc gây quỹ cho các cơ quan từ thiện Công Giáo, với sự hiện diện đặc biệt của 2 ứng cử viên TT. Trong bữa tiệc này, 2 bên sẽ có những lời trêu chọc lẫn nhau một cách nhẹ nhàng , ý nhị sau những cuộc vận động với lời qua tiếng lại, chỉ trích nhau thật sự gay gắt, mục đích là để làm hòa dịu không khí căng thẳng của cuộc tranh cử và để chứng tỏ tình đoàn kết giữa 2 đảng.
Đây là một bữa tiệc truyền thống, bắt đầu từ năm 1960 với sự tham dự đầu tiên của 2 UCV/TT John F. Kennedy và Richard Nixon. Kể từ đó, cuộc bầu cử TT nào cũng có sự tham dự của 2 UCV/TT, ngoại trừ cuộc bầu cử năm 1984, UCV Walter Mondale đã không tham dự. Đức Hồng Y Dolan của Tổng Giáo Phận New York có nhắc lại việc này và trong cuộc bầu cử năm đó, ông Walter Mondale đã thua ông Ronald Reagan ở 49 tiểu bang. Trong cuộc bầu cử 2016, ông Trump và bà Clinton đã tham dự bữa tiệc này, vào năm 2020 vì đại dịch nên bữa tiệc được tổ chức qua online.
Nếu nói rằng, vì vấn đề phá thai mà bà Harris từ chối không tham dự bữa tiệc cũng không đúng, vì trước đó, các UCV/TT của đảng Dân Chủ đều ủng hộ phá thai, nhưng họ vẫn tham dự bữa tiệc. Lý do bà Harris không tham dự, theo nhiều nhà phân tích thời sự thì họ cho rằng, vì bà Harris không đủ khả năng ứng đối trong hoàn cảnh như thế, là bài bản không được cho biết trước, câu trả lời không được soạn sẵn, và nhất là không có sự trợ giúp của máy nhắc chữ telepromter.
Không biết từ đây cho đến ngày 17/10, bà Harris có đổi ý hay không, trong khi Đức Hồng Y Dolan hy vọng bà Harris sẽ đổi ý để tham dự bữa tiệc tử thiện đầy ý nghĩa này.
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn