Công nhân các cảng ở Mỹ đình công, Nhà Trắng đứng về phía công đoàn
Nguồn: Reuters - VOA | Ngày đăng : 2024-10-02 |
Các thành viên của Hiệp hội Công nhân cảng Quốc tế, đại diện cho khoảng 45.000 công nhân ở Mỹ, đình công bên ngoài Cảng Maher ở Elizabeth, New Jersey, ngày 1/10/2024.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã gây sức ép lên các chủ sử dụng lao động cảng ở Mỹ để yêu cầu họ đáp ứng nhiều hơn nhằm có thể đạt được thỏa thuận lao động với nhân viên xếp dỡ hàng hóa vốn đang đình công trong ngày thứ hai hôm 2/10 – cuộc đình công đang làm nghẽn một nửa hoạt động vận tải biển của cả nước.
Cuộc đình công của công đoàn Hiệp hội Công nhân cảng Quốc tế (ILA) đã làm ngưng mọi thứ, từ thực phẩm đến các lô hàng ô tô trên hàng chục cảng từ Maine đến Texas, gây gián đoạn mà các nhà phân tích cảnh báo sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi ngày.
Hơn 38 tàu container đã bị kẹt tại các cảng của Mỹ vào ngày 1/10, so với chỉ 3 tàu vào ngày 29/9 trước cuộc đình công, theo Everstream Analytics.
"Các hãng vận tải biển nước ngoài đã đạt được lợi nhuận kỷ lục kể từ đại dịch, trong khi những nhân viên xếp dỡ phải xông pha nguy hiểm để giữ cho các cảng hoạt động. Đã đến lúc những hãng vận tải biển đó đưa ra một hợp đồng thuyết phục và công bằng, phản ánh sự đóng góp của công nhân ILA cho nền kinh tế của chúng ta và cho lợi nhuận kỷ lục của họ", Tổng thống Biden viết trong một bài đăng trên X vào cuối ngày 1/10.
Nhà Trắng cho biết rằng tổng thống đã chỉ đạo đội ngũ của ông giám sát các hoạt động thổi giá tiềm tàng vốn giúp các hãng vận tải biển nước ngoài hưởng lợi.
ILA, đại diện cho 45.000 công nhân cảng, đã phát động cuộc đình công ngay sau nửa đêm ngày 1/10 sau khi các cuộc đàm phán với Liên minh Hàng hải Hoa Kỳ (USMX) về một hợp đồng gia hạn thêm 6 năm bị đổ vỡ.
USMX đã đề nghị công đoàn tăng lương 50%, nhưng lãnh đạo quyết liệt của ILA, ông Harold Daggett, cho biết công đoàn đang đòi hỏi nhiều hơn, bao gồm tăng lương thêm 5 USD/giờ cho mỗi năm của hợp đồng 6 năm mới và chấm dứt các dự án tự động hóa cảng đe dọa đến việc làm thuộc công đoàn.
"Chúng tôi đã chuẩn bị để tranh đấu lâu nhất có thể, đình công trong bất kỳ lúc nào cần, để có được mức lương và sự bảo vệ trước máy móc mà các thành viên ILA của chúng tôi xứng đáng được hưởng", ông Daggett cho biết hôm 1/10.
Hàng trăm nhân viên cảng đã biểu tình tại một cảng vận chuyển cho khu vực Thành phố New York ở Elizabeth, New Jersey, hôm 1/10, mang theo các biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu như "ILA đi đến cùng!" trong khi nhạc vang lên và các xe hàng rong bán đồ ăn.
Ông Trump hôm 1/10 đổ lỗi cho lạm phát, mà ông cho là do chính quyền Biden-Harris gây ra, là nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công.
"Mọi người đều thấu hiểu những nhân viên cảng vì họ đã bị bào mòn bởi lạm phát, giống như mọi người khác ở đất nước chúng ta và nhiều nơi khác", Fox News Digital trích lời ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn.
‘Hậu quả tàn khốc’
Đây là cuộc đình công lớn đầu tiên của ILA kể từ năm 1977, và nó đang gây lo ngại cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào vận tải biển để xuất khẩu hàng hóa hoặc đảm bảo các mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Cuộc đình công ảnh hưởng đến 36 cảng – bao gồm New York, Baltimore và Houston – nơi xử lý nhiều loại hàng hóa đóng trong container từ chuối đến quần áo đến ô tô.
Các nhà phân tích của JP Morgan ước tính rằng cuộc đình công có thể khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 5 tỷ đô la mỗi ngày.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden sử dụng thẩm quyền liên bang của mình để ngăn chặn cuộc đình công, khi cho rằng nó có thể gây ra "hậu quả tàn khốc" cho nền kinh tế.
Một số thành viên đảng Cộng hòa, bao gồm Thống đốc Virginia Glenn Youngkin, cũng kêu gọi ông Biden chấm dứt cuộc đình công, và cảnh báo về tác động của nó đối với nền kinh tế.
Tổng thống Biden đã nhiều lần nói rằng ông sẽ không làm như vậy.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết hôm 1/10 rằng họ không thấy thực phẩm sẽ có những thay đổi đáng kể về giá hoặc nguồn cung trong thời gian tới.
Và các nhà bán lẻ, vốn chiếm khoảng một nửa tổng khối lượng vận chuyển container ở Mỹ, cho biết họ đang bận rộn triển khai các kế hoạch dự phòng để giảm thiểu tác động của cuộc đình công khi họ bước vào mùa bán hàng lễ hội mùa đông.
Dock workers at 14 major US ports go on strike
=====
Công nhân cảng đình công, người Mỹ lại đổ xô mua giấy vệ sinh
Nguồn: Báo Người Việt | Ngày đăng : 2024-10-02 |
WASHINGTON, DC – Tình trạng thiếu giấy vệ sinh ở siêu thị khắp nước Mỹ đang khiến nhiều người lo lắng như thời đại dịch COVID-19. Nhưng hiện tại, giấy vệ sinh thiếu không phải do hậu quả trực tiếp của cuộc đình công lớn của công nhân cảng hôm Thứ Ba, mà do người tiêu dùng mua quá nhiều về dự trữ, theo CNN hôm Thứ Tư, 2 Tháng Mười.
Những câu chuyện thiếu giấy vệ sinh được đăng tràn ngập mạng xã hội hôm Thứ Ba, kèm theo hình chụp kệ hàng giấy vệ sinh, và cả giấy lau tay, hết sạch.
Khách mua giấy vệ sinh trong siêu thị Costco ở Novato, California,hôm 14 Tháng Ba, 2020. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)
“Người ta mua sạch giấy vệ sinh trong siêu thị Walmart chỗ tôi sống ở Virginia. Thời tích trữ giấy vệ sinh 2.0!” một người viết trên mạng xã hội X, kèm tấm hình chụp kệ hàng trống rỗng.
“Kệ hàng Costco & Target đang thiếu hoặc hết sạch giấy lau tay ở Monmouth County, New Jersey,” một người khác viết trên X. “Cũng đang thấy người ta mua giấy vệ sinh và nước uống do cuộc đình công ở cảng. Nhân viên Costco nói với tôi họ bán sạch giấy vệ sinh và giấy lau tay sáng nay.”
Nhưng cuộc đình công ở hàng chục hải cảng từ Maine tới Texas sẽ không hề ảnh hưởng tới nguồn hàng giấy vệ sinh hay giấy lau tay ở Mỹ.
Đại đa số những sản phẩm này – có lẽ hơn 90% – được sản xuất ở Mỹ. Phần lớn số còn lại được sản xuất ở Canada và Mexico, nghĩa là hầu như chắc chắn được nhập cảng bằng tàu lửa hoặc xe vận tải, chứ không phải tàu biển.
Hiệp Hội Rừng và Giấy Hoa Kỳ, nghiệp đoàn đại diện các công ty sản xuất giấy, lo ngại cuộc đình công có thể ảnh hưởng tới thành viên của họ. Nhưng họ lo ngại về xuất cảng sang nước ngoài, chứ không phải nhập cảng.
Nếu thật sự có ảnh hưởng, cuộc đình công ở cảng chỉ có thể làm dư thừa giấy vệ sinh ở Mỹ, chứ không thiếu.
Có thể vài mặt hàng bị thiếu hụt do cuộc đình công, nhưng chủ yếu là thực phẩm dễ hư thối mà thị trường Mỹ phải nhập cảng, chẳng hạn chuối.
Chuối nhập cảng chiếm gần 100% số lượng chuối bán ở Mỹ, mà tính tới sáng sớm Thứ Ba, hơn một nửa lượng chuối nhập cảng bằng đường biển bị kẹt ở hải cảng, theo dữ liệu Cơ Quan Trang Trại Mỹ. Hơn 1/4 lượng chuối đó được đưa vào Mỹ chỉ qua một cảng ở Wilmington, Delaware. (Th.Long)
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |