BÀI 356: CHÍNH SÁCH CỦA KAMALA
Tác Giả : Vũ Linh | Nguồn: Diễn Đàn Trái Chiều | Ngày đăng : 2024-10-13 |
Trước những tấn công tới tấp về việc không có chính sách gì, một ngày trước khi có cuộc tranh luận với ông Trump, Kamala cho công bố cái gọi là trọn bộ chính sách kinh tế của bà. Thật ra việc tố Kamala không có chính sách gì không oan, vì trước đây, bà chỉ là cái đuôi của Biden, chính sách của Biden là gì thì bà cứ theo đó thôi. Sau khi con ngựa già Biden bị bộ Chính Trị của đảng DC qua Obama và Pelosi đá đi, Kamala thay thế, bật ngửa chưng hửng vì quá bất ngờ, nên chẳng có chính sách gì, phải mất cả gần hai tháng các phụ tá mới viết ra được vài ý kiến ngắn gọn về chính sách ngắn và tạm vì chủ ý của bà là muốn chứng minh mình độc lập, không ôm cứng chính sách của Biden.
DĐTC tuần này sẽ bàn qua những 'chính sách' đó. Những 'chính sách' khác trong bài này là dựa trên những tuyên bố rời rạc của Kamala trong thời gian mấy năm qua. Đây là chuyện bàn về chính sách qua tuyên ngôn, qua hứa hẹn, trên giấy tờ, còn thực tế như thế nào thì vẫn là câu hỏi khổng lồ vì chưa một ai thấy được bất cứ một thành tích cụ thể nào của Kamala và các chính sách của bà. Chưa kể việc Kamala nếu đắc cử, có thi hành các chính sách bà hô hào hay không là chuyện khác.
Trước hết nói về bối cảnh.
Sách bán trên Amazon: Thành Tựu Của Kamala: cả trăm trang giấy trắng!
Cuốn sách trên dĩ nhiên mang tính chọc quê tiếu lâm nên không chính xác lắm. Kamala có chính sách lớn đã mang lại những thành quả quá siêu cho bà: đó là chính sách bám vào các ông có quyền, có tiếng và có tiền để leo thang chính trị và xã hội: từ cụ già đầy quyền lực Willie Brown, tới anh lảm nhảm nổi tiếng trên tivi William Montel, tới triệu phú bị vợ đuổi vì có con hoang với bà người làm Doug Emhoff.
Về những chính sách trị quốc an dân, điều hiển hiện rõ hơn ban ngày là những người nào -như Vũ Linh này chẳng hạn- trông chờ đọc để biết Kamala có chính sách gì về vấn đề nào, đã hoàn toàn thất vọng. Vì việc đôn Kamala lên thay thế Biden xẩy ra quá bất ngờ, khiến Kamala và đám phụ tá chưng hửng, chẳng có chuẩn bị gì mang ra trình làng ngay được, mà phải chờ tới gần hai tháng, đám phụ tá làm việc 24 giờ trên 24, 7 ngày trên 7, mới đẻ ra được một 'bộ' tuyển tập chính sách sáo ngữ hoàn toàn trống rỗng, chẳng có gì hết.
Tất cả các ứng cử viên tổng thống hay bất cứ chức vụ nào khác, đều rất cần có một bộ chính sách trình làng, cho dù ai cũng biết chỉ là để trình làng cho có chứ trên thực tế, ít khi được mang ra thi hành vì thực tế khác rất xa thế giới ảo mà các lý thuyết gia chính trị thường tô vẽ tặng cử tri trước bầu cử.
Thế nhưng trường hợp bà Kamala, việc trình bày chính sách quan trọng gấp bội việc trình làng cho có, không phải vì bà đang tranh cử tổng thống không, mà chính vì bà thay đổi chính sách, quan điểm như đám thí sinh thi hoa hậu thay quần áo. Từ một chính khách với quan điểm thiên tả nhất, thiên tả hơn cả các cụ xã nghĩa Bernie Sanders và Elizabeth Warren, Kamala bây giờ ra tranh cử đã khoác cái áo ôn hòa, nhiều khi rất giống -có khi giống hệt như đã ăn cắp ý kiến- với các quan điểm của Trump, khiến thiên hạ rối bù, không còn biết bà này có quan điểm như thế nào về những vấn đề gì.
Một cách cụ thể nhất, dưới đây là vài cái áo Kamala đã thay đổi:
• từ cấm 'fracking' đổi qua ủng hộ fracking;
• từ chống sản xuất xăng, bây giờ đấm ngực khoe đã gia tăng sản xuất dầu xăng lên mức kỷ lục;
• từ hoan nghênh chính sách cấm xe xăng của Biden bây giờ tuyên bố không hề cổ võ cho xe điện;
• từ đòi tịch thu hết súng của tư nhân, bây giờ khoe đang sở hữu súng mà không ai có quyền đụng tới;
• từ khoe từng là 'người cuối cùng' kiên trì ủng hộ Biden bỏ Afghanistan tới đổ thừa Trump tháo chạy khỏi Afghanistan;
• từ công kích bức tường biên giới tới công kích Trump cản luật xây tường của bà;
• từ đòi tăng ngân sách Sở Thuế để truy lùng dân làm việc thu tiền mặt trốn thuế, tới việc bảo vệ những người này, miễn thuế lợi tức trên tiền típ của họ, y chang đề nghị của Trump;
• từ đòi giảm ngân sách cảnh sát bây giờ đòi củng cố an ninh trật tự mạnh;
• từ thái giám suốt ngày tung hô Biden bây giờ phản lại, tuyên bố "Tôi không phải Joe Biden".
Đó là nói về những việc Kamala công khai tuyên bố, không có trong bản Chính Sách mới công bố. Còn những chuyện bà im re khác thì dĩ nhiên, chẳng ai biết đường nào mà mò, bất kể để ủng hộ hay chống đối. Tiêu biểu là chính sách kinh tế, chống lạm phát, giảm giá cả, hay ngay cả chính sách đối với di dân, với Trung Cộng, với Iran,... Chẳng ai biết bà đứng trong vị trí nào, sẽ làm gì. Bí mật quốc sự? Hay vô chính sách?
Truyền thông loa phường nhắm mắt tung hô Kamala, không cần biết bà chủ trương cái gì. Nhưng mãi rồi cũng thấy ... kỳ, khó được dân Mỹ chấp nhận, nên đã có vài tiếng nói thân thiện nhẹ nhàng nhắc nhở Kamala cả nước muốn biết các chính sách của bà.
Một ngày trước khi tranh luận với Trump, Kamala cho công bố một tập tài liệu về chính sách, lấy tên rất 'hoành tráng' là 'Con Đường Mới', A New Way Forward. Công bố cho có để Trump không thể bắt bẻ trong cuộc tranh luận được, nhưng lại công bố có một ngày trước để Trump không kịp thời giờ nghiên cứu, tìm chỗ đánh. Thật ra việc làm có tính cẩn trọng này hoàn toàn thừa thãi và vô ích, vì trong cuộc tranh luận, hai điều hợp viên 'phe ta' đã hoàn toàn không hỏi gì về chính sách của bà vì họ bận đánh Trump, bận 'kiểm tra dữ kiện' để có dịp tố Trump nói láo, giúp bà.
Để rồi sau cuộc tranh luận, đúng như chính CNN đã nhìn nhận, bất kể Kamala thắng hay thua tranh luận, cả nước vẫn chẳng ai biết Kamala có chính sách gì về chuyện gì. Riêng về vấn đề kinh tế, bà Kamala trong cuộc tranh luận, cũng như trong cuộc phỏng vấn trên ABC sau cuộc tranh luận, trả lời lòng vòng bằng 'word salad' chẳng ai hiểu gì, rõ ràng là bằng chứng như Greg Gutfield của Fox News đã nhận định, là bà Kamala chưa có chuẩn bị, chưa có chính sách kinh tế gì ráo.
Rất có nhiều triển vọng cụ xã nghĩa Bernie Sanders quả đã nói sự thật khi ông nói "Kamala không hề thay đổi gì hết, vẫn thuộc thành phần cấp tiến năng động nhất, nhưng vì nhu cầu tranh cử, nên phải cố khoác cái áo ôn hòa để kiếm phiếu cử tri thôi"?
'Chính sách' mới của Kamala
Tuyển tập 'chính sách' mới công bố đề cập đến một số vấn đề rất giới hạn, còn rất nhiều vấn đề quan trọng khác chưa kịp -hay cố ý không muốn nói rõ- đả động tới. Ngay cả những vấn đề được ghi ra trong tuyển tập Chính Sách, cũng chỉ nêu ra vài điểm thôi. Ở đây, ta chỉ có thể bàn về những điểm 'Chính Sách' nêu rõ, còn lại, vẫn là câu hỏi khổng lồ, bí mật.
KINH TẾ
Chương trình kinh tế của Kamala theo tuyển tập 'Con Đường Mới', chỉ vỏn vẹn có vài điểm đã được công bố trước đây:
- Hứa hẹn giảm thuế cho 100 triệu dân lao động và trung lưu. Năm 2025, luật giảm thuế TT Trump ban hành cuối năm 2017 sẽ hết hạn. TT khi đó -Kamala hay Trump- có thể chấm dứt, gia hạn, hay sửa đổi. Kamala cho biết sẽ không gia hạn, đề nghị luật thuế mới, tăng mức thuế của nhà giàu, tăng mức thuế trên lợi nhuận công ty, và tăng thuế xuất trên tiền lãi đầu tư -capital gain-, đánh thuế trên tiền lời đầu tư chưa thu được -unrealized capital gain. Cũng như Biden, Kamala hứa sẽ tăng thuế nhà giàu nhưng sẽ không bắt những người có lợi tức tới mức 400.000 đô một năm phải đóng thêm một xu thuế nào hết. Chương trình thuế của Kamala là chương trình của Biden, không khác gì hết, nghĩa là Kamala không có ý kiến gì mới so với Biden. Có hai điểm ta cần lưu ý.
1. Áp dụng cái mà Kamala gọi là 'chính sách thuế công bằng', nghĩa là tăng mạnh thuế trên các 'nhà giàu', theo đúng lý thuyết cổ điển của phe cấp tiến, làm như thể chính sách thuế hiện nay không công bằng, ưu đãi nhà giàu quá đáng. Sự thật là trong chính sách thuế của Mỹ hiện nay, gần một nửa dân Mỹ -47%- không đóng một xu thuế nào, trong khi khối 10% giàu nhất đóng góp tới gần 80% thu nhập thuế cả nước. 'Công bằng' trong chính sách thuế lý tưởng của phe cấp tiến có nghĩa là 10% giàu nhất sẽ phải đóng 99% thu nhập thuế, 40% dân 'trung lưu' sẽ đóng 1% thu nhập thuế, và 50% dân 'nghèo' sẽ chẳng đóng một xu nào dù họ lãnh gần hết mọi thứ tiền trợ cấp. Viết cho rõ hơn, theo cách tính thuế 'công bằng' của phe cấp tiến thì trong số 330 triệu dân Mỹ hiện nay đang đóng tổng cộng 2.200 tỷ đô thuế lợi tức:
• 32 triệu người sẽ đóng 2.180 tỷ đô thuế
• 130 triệu người sẽ đóng 22 tỷ đô thuế
• 170 triệu người sẽ đóng 0 tỷ đô thuế
Tăng thuế trên lợi nhuận -income tax- công ty từ 21% lên tới 28% cũng như tăng thuế xuất trên tiền lời đầu tư -capital gain tax- từ 20% hiện nay lên tới 33% sẽ có hậu quả tức khắc là thui chột đầu tư và tăng giá mọi thứ. Các nhà tư bản thay vì bỏ tiền đầu tư vào kinh tế Mỹ để giúp phát triển kinh tế, mở hãng xưởng, tạo công ăn việc làm ở Mỹ như dưới chính sách thuế của Trump, sẽ không đầu tư vào kinh tế Mỹ, sẽ mang tiền ra ngoài nước, mở hãng xưởng ở Tầu, VN, Bangladesh,... như dưới thời Obama để tránh thuế cao.
2. Nói những người làm lương tới 400.000 đô sẽ không phải đóng thêm một xu thuế nào là nói láo. Kinh tế Mỹ không phải là cái hộp chia từng ngăn: ngăn nhà giàu và ngăn công ty bị tăng thuế; ngăn trung lưu và ngăn nghèo không bị ảnh hưởng gì. Tăng thuế nhà giàu, tăng thuế công ty, tất nhiên là tất cả mọi người, từ trung lưu tới nghèo mạt rệp, đều phải đóng thuế nhiều hơn. Đám nhà giầu này chẳng ngu dại gì đóng thuế một mình. Họ sẽ tìm đủ cách bán cái lên đầu người khác: tăng thuế thì họ tăng giá sản phẩm, người mua hàng sẽ trả giá cao hơn, tức là quý vị đóng thuế giùm cho họ. Đó là thực tế kinh tế nhập môn.
Ở đây, xin phép nói thêm về thuế trên lợi nhuận đầu tư -tax on capital gain-, và thuế trên lợi nhuận đầu tư chưa thu -tax on unrealized capital gain.
Capital gain là lợi nhuận trên các đầu tư như nhà, đất, cổ phiếu công ty, quỹ hỗ tương mutual funds,... Thí dụ, nếu quý độc giả có hai căn nhà, một căn để ở và một căn cho thuê, thì tiền cho thuê nhà có thể coi như thu nhập -income from investment, phải đóng thuế như lợi tức. Nếu quý vị bán nhà đang cho thuê với giá cao hơn giá mua, thì số tiền lời gọi là capital gain và phải chịu thuế, hiện nay là 20% trong khi Kamala đòi tăng lên tới 33%. Nếu quý vị chưa bán nhà đó, mà trị giá nhà gia tăng thì tiền lời đó chưa vào tay quý vị, chỉ là tiền lời trên giấy tờ sổ sách, gọi là unrealized capital gain, cho đến nay không phải chịu thuế, nhưng Kamala đề nghị đánh thuế 25%. Cụ thể, tại Cali, cách đây ít năm, quý vị mua một căn nhà thứ nhì để đầu tư, trị gia mua là 300.000 đô. Quý vị chưa bán, nhưng trị giá nhà đó bây giờ đã tăng lên tới 500.000 đô, tức là quý vị đã có 'unrealized capital gain' 200.000 đô. Hiện nay quý vị không phải đóng thuế gì hết, nhưng Kamala sẽ bắt quý vị đóng 25% thuế trên 200.000 đô đó hay 50.000 đô. Sang năm tới giá nhà đó tăng lên 600.000 đô chẳng hạn, nghĩa là quý vị đã có 300.000 đô 'unrealized capital gain', quý vị sẽ phải đóng 75.000 đô thuế năm tới. Cứ thế tiếp tục mỗi năm.
Mừng cho quý vị. Kẻ này không có gì phải lo vì hiện đang ở mobile home rẻ tiền, không có nhà đầu tư thứ nhì gì ráo.
Việc đánh thuế nặng trên lợi nhuận công ty cũng như trên lãi đầu tư trên nguyên tắc tất nhiên sẽ thu được thêm tiền cho công quỹ, nhưng có hai vấn đề lớn: thứ nhất các đại gia sẽ không ngoan ngoãn đóng thêm thuế, mà sẽ tìm cách trốn thuế, bằng cách mang công ty ra ngoài nước, hay đầu tư vào tài sản nào đó ở ngoài nước, sẽ giảm đầu tư vào tài sản ở Mỹ, tức là giảm đầu tư vào kinh tế Mỹ, giảm công ăn việc làm cho dân Mỹ. Thứ nhì, với những đầu tư không chuyển ra ngoài nước được thì các đại gia kinh doanh sẽ mau mắn tìm cách chuyển số tiền thuế phải đóng lên đầu người khác, nghĩa là tăng giá sản phẩm của họ để... thua me gỡ bài cào. Trong thí dụ tăng thuế trên nhà thứ nhì, ông chủ nhà bị đánh thuế 'unrealized capital gian' tất nhiên sẽ tăng giá nhà cho thuê thôi. Khiến vật giá gia tăng và thiên hạ trên thực tế phải đóng thuế thay cho các đại gia. Do đó khi nói những người có lợi tức tới 400.000 đô sẽ không phải đóng thêm xu thuế nào là nói láo. Khi quý vị đi ăn tô phở, phải trả 20 đô, tăng giá từ 18 đô, thì có nghĩa là quý vị đã đóng thêm 2 đô thuế cho ông chủ tiệm phở. Khi tiền thuê nhà của quý vị tăng, đó là quý vị đóng thuế thay cho chủ nhà.
- Cho tín dụng thuế -tax credit- tới 6.000 đô cho một đứa trẻ mới sinh, cho một năm khi sinh ra. Đây là biện pháp không phải kinh tế mà có tính xã hội, một kiểu trợ cấp tặng các bà cử tri da đen và da nâu đẻ nhiều. Chỉ giúp gia tăng giá cả các sản phẩm trực tiếp liên hệ tới trẻ sơ sinh như sữa, tã, và xe đẩy trẻ con,...
- Tài trợ 25.000 đô tiền mặt đóng ngay cho ngân hàng khi vay tiền mua nhà -down payment-. Cũng vậy, đây không phải chuyện kinh tế, mà là trợ cấp xã hội, với hậu quả tức thì là tăng giá nhà hiện nay đã quá cao.
- Tài trợ 50.000 đô gián tiếp qua trừ thuế cho các tiểu doanh mới thành lập. Nhiều chuyên gia cho đây là lỗ hổng lớn nhất: nhiều tay kinh doanh sẽ lợi dụng, khai thác, thành lập công ty ma để trừ thuế.
- Về ưu tư lớn nhất của dân Mỹ: giá cả tăng vọt, thì Kamala đưa ra biện pháp là sẽ cho kiểm soát, áp đặt giá do Nhà Nước ấn định, và sẽ bỏ tù những nhà kinh doanh nào vi phạm, bán giá cao hơn giá Nhà Nước ấn định. Đây là biện pháp tiêu biểu của chế độ 'kinh tế chỉ huy', hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc căn bản của kinh tế thị trường trong đó giá cả được ấn định bởi luật cung cầu, tuyệt đối không có bàn tay lông lá của bác Sam dính dáng tới. Đó cũng là biện pháp sở trường của Liên Xô, Cuba, Venezuela,... Nước Mỹ có sẵn sàng nhẩy xuống hố xã nghĩa nhanh như vậy không, nhất là khi ý thức được biện pháp kiểm soát giá cả kiểu này chắc chắn chỉ đưa đến tăng thêm giá cả và tạo khan hiếm hàng hóa thôi.
- Kamala đã từng lớn tiếng công kích chính sách của Trump tăng thuế qua hàng nhập, đặc biệt là hàng nhập từ Trung Cộng, nhưng tài liệu về Chính Sách của Kamala lại chẳng có một chữ nào về chính sách thuế quan của Kamala. Công kích vẫn công kích, nhưng lại không dám đụng tới những tăng thuế quan của Trump.
Y TẾ
Chỉ có hai điểm rất ngắn gọn: giữ mức giá tối đa của thuốc chống tiểu đường insulin ở mức 35 đô một viên, và giới hạn tiền túi bệnh nhân phải trả tối đa là 2.000 đô. Đây chỉ là hai biện pháp cực nhỏ, đã được ban hành bởi Biden, trong khi các vấn đề lớn của bảo hiểm y tế, những khó khăn của Obamacare, việc thiếu bảo hiểm y tế cho dân nông thôn,.. tuyệt đối chẳng có biện pháp mới lạ nào. Nghĩa là Kamala chẳng có sáng kiến hay tối kiến mới nào hết.
Ý kiến xã nghĩa hóa toàn bộ hệ thống y tế theo mô thức xã nghĩa Tây Âu đã bị giấu nhẹm trong hộc tủ từ lâu rồi.
DI DÂN
Hứa hẹn sẽ cho thông qua luật di dân mới đã được viết năm 2023 nhưng chưa được thông qua. Luật mới bị chống đối mạnh vì cho phép quá nhiều di dân lậu được vào. Theo luật mới, bộ An Ninh Lãnh Thổ có quyền ('có quyền', nghĩa là có thể làm nếu muốn, không làm không sao) đóng cửa biên giới nếu số di dân lậu tràn vào lên tới 2.500 người một ngày. Một năm 365 ngày, nghĩa là biên giới sẽ chỉ đóng cửa sau khi đã cho vào bất hợp pháp tới 2.500x365=912.000, tức là gần một triệu người một năm. Nôm na ra, luật mới thay vì cấm di dân lậu tràn vào, lại là luật mời gọi gần một triệu di dân lậu tràn vào Mỹ trước khi biên giới bị đóng cửa!!!
Cần ghi nhận Kamala khi quảng bá luật di dân mới đã im re không nói tới các con số trên, mà trái lại, nhấn mạnh việc luật di dân mới sẽ có quy định xây tường biên giới. Đây là việc làm chéo cẳng ngỗng, đầy mâu thuẫn hay chính xác hơn, đầy giả dối của Kamala. Từ trước tới gần đây, Kamala không bao giờ bỏ lỡ cơ hội công kích cái mà bà gọi là bức tường của Trump -Trump's wall- bây giờ thì bà tự lật ngược quan điểm 180 độ, hùng hổ cổ võ cho việc xây tường trong khi đổ lỗi cho Trump đã cản việc này. Đúng là chính trị mặt trơ trán bóng. Trên mạng, ai cũng có thể kiếm ra cả triệu bằng chứng Biden-Kamala chống việc xây tường của Trump như thế nào, bây giờ bà Kamala nói ngược lại hoàn toàn, chẳng có một cơ quan truyền thông loa phường nào 'kiểm tra dữ kiện' -fact check- gì hết.
Cũng vậy, đây là luật biên giới mới là của Biden để lại, không phải do Kamala sáng chế ra.
Luật này đã không thông qua được tại hạ viện và thượng viện. Nếu Kamala không có thay đổi gì thì làm sao dưới chính quyền Kamala, luật này lại có thể thông qua được.
NGOẠI GIAO
Một điểm tương đối cụ thể là Kamala cam kết sẽ 'làm việc không ngừng nghỉ' để cứu các con tin bị Hamas bắt giữ và thực hiện một hiệp ước đình chiến. Tương đối cụ thể, nhưng thật ra chẳng có gì cụ thể vì chẳng ai thấy một chính quyền Kamala sẽ có biện pháp hay phương thức cụ thể nào. Chưa kể chính phủ Do Thái của thủ tướng Netanyahu chưa bao giờ là con cờ của Mỹ, bảo sao làm vậy.
Ngoài ra, chính quyền Kamala sẽ 'trực diện chống các chế độ độc tài', 'bảo vệ lực lượng quân sự và quyền lợi của Mỹ chống Iran', và 'hạ Trung Cộng trong cuộc cạnh tranh Mỹ-TC'. Đây hiển nhiên chỉ là những nguyên tắc chung chung, chẳng có gì để bàn thêm vì chẳng có gì cụ thể. Thiếu vắng khổng lồ là cuộc chiến Nga-Ukraine: không thấy một chữ nào nên chẳng ai biết Kamala có kế hoạch gì khác với sách lược của Biden nhắm mắt ủng hộ Ukraine vô điều kiện về giới hạn thời gian cũng như giới hạn tài chánh. Cũng không một chữ nào về quan hệ hay mối đe dọa của Trung Cộng, và việc bảo vệ Đài Loan.
PHÁ THAI
Nhất quyết tìm cách phục hồi lại Roe vs Wade, tức là ra luật cho phép phá thai theo mô thức của phán quyết Roe vs Wade, có hiệu lực trên toàn quốc. Tối Cao Pháp Viện khẳng định Hiến Pháp đặt vấn đề phá thai dưới thẩm quyền của các tiểu bang. Việc đặt ra luật mới để có hiệu lực trên cả nước sẽ đòi hỏi thứ nhất đảng DC nắm thế đa số tại cả thượng viện lẫn hạ viện để có thể đủ túc số thông qua luật mới, và thứ nhì, cả năm chục tiểu bang phải đồng ý sửa Hiến pháp. Coi bộ không thực tế chút nào. Hiện nay, đảng DC kiểm soát 20 tiểu bang, còn lại là 30 tiểu bang dưới quyền kiểm soát của CH. Chỉ là hứa cho có để rồi khi không thực hiện được, sẽ có chuyện đổ thừa phe CH phá.
-------------------
Trên đây là tất cả những gì Kamala trình làng như các chính sách của chính quyền Kamala. Như mọi người đều có thể thấy, tất cả rất sơ sài không chi tiết cụ thể, thiếu sót rất nhiều vấn đề trọng yếu của quốc gia.
Những thiếu sót khổng lồ ai cũng thấy là chẳng có một chữ nào về những biện pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề lớn của đất nước như giáo dục, đặc biệt liên quan đến vấn nạn 'giáo dục thức tỉnh' với giáo chức Nhà Nước chiếm quyền giáo dục con cái của bố mẹ, an ninh trật tự công cộng chống nạn trộm cướp công khai hoành hành, chính sách lao động nhắm bảo đảm công ăn việc làm cho dân, ... Thật ra, tập tài liệu có đề cập đến rất nhiều vấn đề, nhưng nói chung chỉ là những khẳng định chung chung hoàn toàn vô nghĩa như 'chính quyền Kamala' bảo đảm sẽ không ngừng tranh đấu cho việc người dân có thể sống thoải mái trong tự do không lo sợ cho an ninh trật tự, sẽ chống lại bạo lực súng đạn trong các trường học,... Ai chẳng biết vậy. Vấn đề là phải làm gì, Kamala có những biện pháp nào.
Một câu hỏi mà ông phó của Trump, JD Vance đã nêu lên, những đề nghị lớn của Kamala, tại sao không được áp dụng trong suốt bốn năm qua khi Kamala làm phó TT, hay ngay cả bây giờ khi Biden ngồi ngáp, đang bận tìm mua cần câu, mà lại phải đợi cho tới khi Kamala làm TT?
Ông Trump, trong cuộc tranh luận với Kamala, đã kết luận:
Báo The Federalist nhận định Kamala trên căn bản và trong thâm tâm, luôn cho rằng nền tảng xây dựng nên đất nước này không phải là công xây dựng của các cha già lập quốc, cũng không phải là việc cặm cụi làm ăn của giới trung lưu Mỹ, mà thật sự là mồ hôi nước mắt của đám nô lệ da đen bị khai thác tới chết nên bây giờ cần phải phá tan luận điệu xuyên tạc tung hô các cha già lập quốc cũng như xé bỏ các bản văn giả dối như Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Hiến Pháp, đền bù dân da đen đích đáng về tài chánh cũng như về chính trị. Đây có lẽ phải là yếu tố quan trọng nhất trong việc nhận định về chính sách của bà Kamala và quyết định bỏ phiếu cho bà hay không.
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |