Khủng hoảng địa chính trị tái thúc đẩy thị trường tàu ngầm thế giới
Tác Giả : Thùy Dương | Nguồn: RFI | Ngày đăng : 2024-10-17 |
" Khủng hoảng địa chính trị tái thúc đẩy thị trường tàu ngầm thế giới ", " Thị trường tầu ngầm đang ở thời hoàng kim ". Trên đây là những nhận định của các báo Pháp Le Monde ngày 14/10 và Les Echos hôm 27 và 28/09. Ngày càng có nhiều quốc gia muốn trang bị tàu ngầm, loại vũ khí đắt tiền, nhưng tinh vi và có sức răn đe vô song.
Tầu ngầm hạt nhân Barracuda lớp Suffren của Hải Quân Pháp tại cảng quân sự Toulon, miền nam nước Pháp, ngày 06/11/2020. AFP - NICOLAS TUCAT
Minh họa cho những nhận định trên là thông tin Canada gọi thầu mua 12 tàu ngầm mới chạy bằng năng lượng thông thường và có khả năng di chuyển bên dưới sông băng. 4 tàu ngầm hiện có của Canada thuộc lớp Victoria mua của Anh vào cuối những năm 1990. Báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 27/09 nhấn mạnh đây là cuộc gọi thầu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực tàu ngầm. Chính phủ Canada nhận định: " Những tàu ngầm của chúng tôi ngày càng lỗi thời và chi phí bảo trì rất lớn ". Ottawa dự kiến thay mới đội tàu vào giữa những năm 2030. Để đề phòng, muộn nhất vào năm 2028 Canada phải ký hợp đồng nếu muốn nhận chiếc tàu ngầm mới đầu tiên vào năm 2035, và để có thể sản xuất một phần ngay trên lãnh thổ Canada nhờ được chuyển giao công nghệ.
Trong khi đó, tập đoàn đóng tầu của Pháp Naval Group hôm 30/09 ký kết hợp đồng trị giá 5 tỉ euro, bán 4 tàu ngầm Barracudas tải trọng 3.000 tấn cho Hà Lan sau 7 năm đàm phán.
Theo Le Monde, việc lựa chọn loại tàu ngầm " viễn chinh " Barracudas nói lên nhiều tham vọng của Hà Lan. Tầu ngầm Barracuda chạy rất êm, được trang bị vũ khí hạng nặng và đa năng, như tấn công, phát hiện, trinh sát, rà phá bom mìn … Tầu ngầm Barracuda có thể được triển khai ở mọi đại dương trên toàn cầu và hoạt động dưới nước liên tục trong một thời gian rất dài. Công nghệ bình điện lithium-ion cải tiến của Saft, một công ty con của TotalEnergies, cho phép tàu ở dưới nước lâu hơn và khả năng bắn tên lửa Tomahawk của Mỹ, là điểm nổi bật của Barracuda.
Liên quan đến Canada, chính bối cảnh địa chiến lược đã thúc đẩy Ottawa thay mới đội tầu ngầm, tăng gấp 3 lần số tàu ngầm hiện có : băng tan chảy khiến các tuyến đường biển ở vùng cực trở thành các tuyến chiến lược cả về quân sự và thương mại, vào lúc Nga và Trung Quốc đang củng cố, tăng cường sự hiện diện ở vùng Cực Bắc. Bộ trưởng Quốc Phòng Canada Bill Blair, được Le Monde trích dẫn, cho biết cuộc cạnh tranh dành cho các nhà sản xuất có khả năng đáp ứng nhu cầu của Ottawa, bất kể châu Âu hay châu Á.
Vẫn bộ trưởng Quốc Phòng Canada Bill Blair, được báo Les Echos trích dẫn, khẳng định : " Là một quốc gia Bắc Cực, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có đường bờ biển dài nhất thế giới, Canada cần một hạm đội tàu ngầm mới. Việc mua tới 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường, có khả năng hoạt động dưới băng cho phép Hải quân Hoàng gia Canada tăng cường khả năng phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa hàng hải, kiểm soát bờ biển, cũng như triển khai sức mạnh và khả năng tấn công xa hơn từ bờ biển của mình ".
Les Echos nhắc lại là vào tháng 04, Canada đã thông qua chiến lược mới về quốc phòng và an ninh, mang tên " Phương Bắc của chúng ta, mạnh mẽ và tự do ". Một trong những thách thức chính là sự nóng lên ở Bắc Cực nhanh gấp 4 lần so với mức trung bình của thế giới. Với sự tan chảy của băng đá, hơn bao giờ hết Bắc Băng Dương có nguy cơ trở thành một không gian cạnh tranh mới. Một số người thậm chí cho rằng đến năm 2050, do biến đổi khí hậu, một tuyến hàng hải hiệu quả nhất kết nối châu Âu và châu Á sẽ được mở ra tại Bắc Băng Dương.
Hiện nay, hành lang tây-bắc của Canada và vùng Bắc Cực đã trở nên dễ tiếp cận hơn và chính phủ Canada cho biết đang quan sát thấy " sự gia tăng hoạt động của Nga, và ngày càng nhiều tàu nghiên cứu và giàn giám sát lưỡng dụng của Trung Quốc thu thập dữ liệu về Bắc Canada ", nhất là để định vị các nguồn năng lượng tiềm ẩn có thể khai thác và tất cả các nguồn tài nguyên dưới đáy biển.
Cơ động và không dễ bị phát hiện
Chi tiêu quân sự trên toàn thế giới đã tăng lên từ 10 năm trở lại đây, lên thành 2.443 tỷ đô la vào năm 2023, tương đương 2.225 tỷ euro, và số tàu ngầm quân sự (444) cũng sẽ tăng. Le Monde trích dẫn tổ chức tư vấn Mordor Intelligence, theo đó thị trường từ năm 2019 đến năm 2029 sẽ tăng gấp đôi về giá trị, chủ yếu ở khu vực Bắc Mỹ. Theo chủ tịch - tổng giám đốc của Naval Group, Pierre Eric Pommelet, ngày càng có nhiều quốc gia có kế hoạch trang bị thêm số lượng tàu ngầm, hoặc thậm chí thành lập một đội tầu ngầm, trong đó có nhiều nước như Ấn Độ, Ai Cập, Brazil, Peru, Colombia, Argentina và Indonesia. Ả Rập Xê Út cũng được ghi nhận có chương trình hải quân tham vọng.
Các đại dương là không gian chung, nhưng tại một số khu vực xảy ra tranh chấp. Đơn cử là ở Biển Đông, nơi Philippines đang trang bị tàu ngầm để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Kinh. Trong khi đó, để đối phó với Nga, Ba Lan và Na Uy lần lượt muốn có thêm 3 và 6 tàu ngầm được trang bị vũ khí đủ mạnh và có tầm hoạt động xa. Cơ động và khó có thể bị phát hiện, tàu ngầm có thể duy trì mối đe dọa thường trực và có thể được triển khai ở mọi đại dương, bảo đảm an ninh của các tuyến đường thương mại, cũng như bảo vệ cơ sở hạ tầng (cáp Internet, đường ống dẫn khí đốt, khu vực cảng, biển …)
Chủ tịch - tổng giám đốc của Naval Group, Pierre Eric Pommelet, phân tích là chỉ một vài tàu ngầm cũng có thể bảo đảm an ninh cho cả một khu vực rộng lớn, nhất là những vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia tiếp giáp biển. Đó là những ưu thế mà các tàu mặt nước không có, nên dễ bị tên lửa và drone biển tấn công, như cách mà Ukraina sử dụng để tấn công hạm đội Nga ở Hắc Hải.
Nhìn sang Les Echos, tờ báo kinh tế của Pháp hôm 28/09 cho biết chưa bao giờ trên thế giới lại có nhiều chiến dịch tích cực để mua tàu ngầm như hiện nay. Les Echos cũng trích dẫn chủ tịch - tổng giám đốc của Naval Group, cho biết cuộc chiến ở Ukraina đã đưa chủ đề về các vụ tấn công ngoài biển trở lại vị trí hàng đầu, và cũng làm nổi bật tình trạng mạng cáp internet dưới đáy biển dễ bị tấn công, đồng thời cho thấy các không gian chung, dù là dưới đáy biển, trên không trung hay trong không gian mạng được thảo luận rất nhiều.
Chính vì lẽ đó, ngày càng có nhiều quốc gia mong muốn tân trang các hạm đội tầu ngầm cũ hoặc lập đội tầu ngầm để bảo vệ bờ biển và đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Theo một báo cáo gần đây của GlobalData, thị trường tàu ngầm dự kiến sẽ tăng gấp rưỡi, từ 30 tỉ đô la năm 2023 lên thành 45,6 tỉ đô la vào năm 2033. Do khả năng vận hành lâu và sức bền cao, tàu ngầm dường như phù hợp để răn đe hơn so với các loại phương tiện khác trên không và trên bộ.
Điều đáng nói là số nhà sản xuất phương Tây có thể đáp ứng nhu cầu tầu ngầm rất ít, bởi vì những rào cản công nghệ rất cao. Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nga, Pháp, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Hàn Quốc là những nước chiếm phần lớn thị trường thế giới.
Đối mặt với tiến bộ trong chiến tranh chống tàu ngầm, độ tàng hình của tàu ngầm phải ngày càng cao và tiên tiến về công nghệ, điều này khiến các tàu thế hệ cũ mất dần khả năng răn đe. Do đó, dù vẫn coi Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc là những nước thống trị thế giới về tàu ngầm, nhưng GlobalData cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia như Ấn Độ, Úc, Brazil và Hàn Quốc đang lần lượt đầu tư vào năng lực tầu ngầm ngày càng tân tiến.
Riêng về Mỹ, Les Echos lưu ý ngành công nghiệp tàu ngầm của nước này đang bị chỉ trích vì không thể giao tàu ngầm đúng hạn cho chính Hải quân Mỹ, chưa kể những cam kết của Washington cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc thay cho tàu Barracuda mà ban đầu Úc đã ký thỏa thuận mua của Naval Group của Pháp rồi sau đó bất ngờ hủy để chuyển sang mua của Mỹ, nguồn cơn một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp-Úc.
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |