Kiêng Kỵ
Tác Giả : Long Vu | Nguồn: Thời Báo | Ngày đăng : 2024-10-19 |
Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra hàng ngày đến mức báo động. Vì thế từ lâu, quy định buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Ra đường ai nấy đều đội mũ nghiêm chỉnh mặc dù một số người cứ rình không thấy cảnh sát gác là để đầu trần phóng vèo xe. Hoặc chiếc mũ đội lỏng lẻo để dễ đội vào lấy ra mà không cần tháo dây quai rồi gài lại mất thời giờ!
Những quy định về an toàn giao thông đó, đường bộ tuân theo nhưng đường thủy thì ngược lại, vẫn còn nhiều sơ sót gây tai nạn thường xuyên
Năm nào cũng có những vụ chìm đò, lật thuyền nặng nề. Nhiều vụ quá thương tâm tới giờ vẫn được nhắc nhở mãi như chuyến đò chìm thảm khốc ở Cà Tang, Quảng Nam chết mười tám học sinh tới nỗi sau đó một chiếc cầu được quyên góp cấp kỳ để xây ngay. Lật tàu du lịch chở khách quốc tế ở vịnh Hạ Long làm mười hai người chết, đắm thuyền ở sông La, Hà Tĩnh, lật thuyền học sinh trên sông Trà Khúc, Quảng Ngãi, chìm đò ở Đồng Nai… Mới nhất vào tháng 4 nay, tai nạn xảy ra giữa tàu du lịch va chạm với phà đang đưa khách qua sông khiến ba người bị thương nặng.
Một nông dân ở An Giang cho hay:
– Vùng tôi ở kênh rạch chằng chịt. Mỗi ngày đi học, các con tôi cũng như trẻ nít hàng xóm chung quanh phải chèo đò ngang đến trường. Phụ huynh không phải lúc nào cũng rảnh để đưa con đi học nên lắm khi đứa lớn tự chèo ghe đi. Kênh rạch không rộng lắm nhưng lọt sông thì cũng rất nguy hiểm. Bởi vậy nhà nào cũng cho con nít ôm thân chuối tập bơi từ nhỏ. Trẻ con vùng sông nước đều lội như rái cá.
Thế nhưng ở rất nhiều địa phương khác, mặc dù mỗi ngày, việc đi lại buôn bán, làm ăn, học hành đều phải qua sông rạch nhưng không hiểu sao hầu như phụ nữ và trẻ em đều không biết bơi, hoàn toàn không để ý đến việc học bơi. Người ta không chút ý thức trước những hiểm họa mà thật ra có thể ngăn ngừa được phần nào, cứ mặc kệ sinh mạng trên những cầu treo sơ sài, những chiếc đò cũ kỹ, mục nát…
Chết thì chịu nhưng thực thi một biện pháp đề phòng nào đó thì không. Chắc tại vậy nên có lúc nhà nước ra thông báo bắt trẻ con phải đi học bơi hết. Thông báo vậy thôi chứ buộc học bơi lại không tìm ra nổi kinh phí ở đâu để làm.
Tới hồi tai nạn xảy ra, chính những gia đình nạn nhân dù nghèo rớt mùng tơi cũng chẳng thiết bắt đền làm chi vì ai cũng như nhau. Tù suốt đời đành chịu chứ chủ đò chẳng có nổi một xu đền bù.
Trong nhiều trường hợp, chủ đò phân trần đã năn nỉ giới hạn số khách nhưng ai nấy cứ ráng chen lấn sớm chút nào hay chút nấy. Khách sẵn sàng giành nhau lên con đò khẳm chứa gấp đôi trọng lượng mà nó có quyền chở, hơn là ở lại đợi chuyến sau chắc chắn an toàn hơn. Vì vậy một chuyến đò ngang chở người đi chợ sáng 30 tết qua sông Gianh đáng lẽ chỉ được chở mười hai người thì đã mang trong lòng nó tám chục người không kể xe, túi giỏ, hàng hóa và cả một con bò! Kết quả sóng to gió lớn lật đò chìm, bốn mươi người thiệt mạng… Đối với các bến đò ngang thì chở quá tải như thế là việc bình thường hàng ngày.
Thật ra sau nhiều tai nạn chìm đò liên tiếp xảy ra thì các ghe đò chở khách bắt buộc phải có phao hoặc áo phao trên đó.
Chủ đò mau mắn chấp hành nếu không muốn bị phạt. Thế nhưng khách chẳng mấy ai mặn mòi việc mặc áo phao, đống áo chất ở góc ít người chạm tới. Lại thêm tâm lý ỷ y. Đứng bờ bên này nhìn thấy bờ bên kia là một khoảng cách quá gần. Chuyến đò ngang chỉ mất dăm phút di chuyển và chủ đò không thể cứ đứng đó đợi đám khách dùng dằng. Người mặc áo, người không muốn mặc, người phân vân nói ra nói vào…
Chủ đò khổ sở phân bua:
– Mỗi chuyến đò tôi đều phải rao lên áo phao treo ngay mũi đò. Yêu cầu hành khách mặc đầy đủ. Có chuyện gì tôi cũng mắc tội chứ chơi đâu.
Cuối cùng chủ đò nhắc hoài cũng nhàm. Ai muốn mặc hay không tùy ý. Đôi khi có người khách cũng muốn khoác chiếc áo cho yên tâm. Nhưng nhìn quanh không ai nhúc nhích, mỗi mình tự nhiên mặc áo kỳ quá nên thôi. Đành chịu không mặc áo phao cho giống mọi người chung quanh.
Thế là áo phao vất đống góc đò đóng bụi đen xì, nhìn vào dơ quá lại càng không ai muốn cầm tới.
Trên các tàu du lịch, áo phao không dơ như đò ngang. Ngược lại, áo rất sạch sẽ. Chỉ có điều hầu hết cũng không buộc khách mặc áo phao, nhất là du thuyền có tiệc tùng ăn uống hàng mấy tiếng, dĩ nhiên không ai khoác áo phao cả vì còn phô quần áo đẹp chụp hình, ca hát. Những lúc vui vẻ như vậy làm sao còn đầu óc dành cho mối hiểm nguy rình rập. Áo phao có để dưới gầm bàn, gầm ghế, trên giá hoặc cất trong kho… xếp ngay ngắn đặt trong bọc nylon kín đàng hoàng do đâu có ai dòm ngó đến bao giờ.
Tai họa thường xảy ra rất nhanh chóng và trong vòng vài phút cuống cuồng, không ai còn bình tĩnh và thời giờ để kiếm xem áo phao để đâu, để lôi chúng từ trong bọc kín ra, để mặc vào… Không có áo phao đành chịu nhưng đa số đò dù có trang bị áo phao, phao cứu sinh… cũng không được dùng tới.
Đó là không kể tàu du lịch có sức chứa vài trăm người nhưng áo phao thường chỉ đủ cung ứng cao lắm cho hai phần ba.
Khách đi đò thông thường được hỏi mới hay một trong số những lý do họ không thích mặc áo là sợ… xui.
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |