Ông Putin tập hợp đồng minh để cho thấy áp lực phương Tây vô tác dụng
Tác Giả : Steve Rosenberg Nguồn: BBC Ngày đăng : 2024-10-22
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Kazan hôm 22/10
Hãy tưởng tượng bạn là Vladimir Putin.
Phương Tây gọi bạn là kẻ bị xa lánh do bạn xâm lược Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm tách rời nền kinh tế quốc gia của bạn khỏi thị trường toàn cầu.
Làm thế nào để chứng minh rằng những áp lực nói trên không có tác dụng?
Hãy tổ chức một hội nghị.
Vào tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chào đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia tới thành phố Kazan để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS của các nền kinh tế đang lên.
Trong số những nhà lãnh đạo được mời tới có Chủ tịch Trung Quốc Tập Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.
Điện Kremlin đã gọi đây là “sự kiện ngoại giao quy mô lớn nhất từ trước đến nay” ở Nga.
“Thông điệp rõ ràng là các nỗ lực nhằm cô lập Nga đã thất bại,” ông Chris Weafer, cổ đông sáng lập công ty tư vấn Macro-Advisory, nhận định.
“Sự kiện này đóng vai trò lớn trong thông điệp của Điện Kremlin rằng Nga đủ sức chống chọi các lệnh trừng phạt. Chúng ta biết là đã có những rạn nứt nghiêm trọng bên dưới bề mặt. Nhưng ở phương diện địa chính trị, Nga vẫn có những người bạn này và họ sẽ trở thành các đối tác của Nga.”
Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này, ông Putin cần gác lại những bất đồng và vẽ ra một bức tranh về sự thống nhất
Vậy ai là bạn của Nga?
BRICS là từ viết tắt tên các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Nhóm này, thường được coi là đối trọng với thế giới do phương Tây dẫn đầu, đã phình to sau khi bổ sung thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Ả Rập Xê Út cũng được mời tham gia BRICS.
Dân số của các quốc gia BRICS chiếm 45% dân số toàn cầu.
Cộng lại, nền kinh tế của các quốc gia BRICS trị giá hơn 28.500 tỷ USD. Con số này tương đương khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu.
Các quan chức Nga từng bóng gió rằng hiện có 30 quốc gia khác đang muốn tham gia vào BRICS hoặc muốn có quan hệ gần gũi hơn với nhóm.
Trong số này, một số quốc gia sẽ tới tham gia hội nghị.
Dự kiến sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận ở Kazan về việc BRICS đại diện cho “đa số toàn cầu” (global majority).
Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp một sân khấu địa chính trị cho ông Putin, sự kiện lần này có thể đạt được mục tiêu gì ?
Với mong muốn giảm bớt áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, ông Putin sẽ hy vọng thuyết phục thành công các thành viên BRICS chấp nhận áp dụng một giải pháp thanh toán toàn cầu thay thế cho đồng đô la Mỹ.
Rất nhiều vấn đề hiện tại của nền kinh tế Nga có liên quan tới thương mại và thanh toán xuyên biên giới.
“Và phần lớn số đó liên quan tới đồng đô la Mỹ,” ông Weafer nói.
Bộ Tài chính Mỹ có sức mạnh khổng lồ và tầm ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu đơn giản là vì đồng đô la Mỹ là loại tiền tệ thanh toán chính.
Mối bận tâm chính của Nga là phá vỡ thế độc tôn của đồng đô la Mỹ.
“Nước này muốn các quốc gia BRICS tạo ra một cơ chế thương mại thay thế và hệ thống thanh toán xuyên biên giới không liên quan tới đồng đô la Mỹ, đồng euro hoặc bất kỳ đồng tiền nào của nhóm G7, nhằm khiến các lệnh trừng phạt không còn nhiều tác động.”
Những nước nào đang cung cấp vũ khí cho Nga?
Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng có những bất đồng ngay trong nội tại BRICS.
“Có chung tư tưởng” không phải là cụm từ mà bạn có thể sử dụng để mô tả những thành viên hiện tại của BRICS.
“Trong một số khía cạnh, phương Tây thấy mừng khi Trung Quốc và Ấn Độ không thể đồng ý với nhau về bất cứ điều gì. Bởi vì nếu hai quốc gia đó thực sự nghiêm túc, BRICS sẽ có tầm ảnh hưởng khổng lồ,” ông Jim O'Neill, cựu Trưởng Kinh tế gia của Goldman Sachs, đánh giá.
“Rất nhiều lúc, Trung Quốc và Ấn Độ phải cố gắng hết sức để không công kích lẫn nhau. Cố gắng khiến hai quốc gia này hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế là một thử thách không hồi kết.”
Ông O’Neill chính là người nghĩ ra cụm từ “BRIC” vào năm 2001 để gọi bốn nền kinh tế đang lên mà ông tin rằng nên là "mối quan tâm chính trong quá trình hoạch định chính sách toàn cầu".
Nhưng bốn chữ cái này đã tự mang ý nghĩa riêng sau khi bốn quốc gia thành lập nên nhóm BRIC của riêng mình mà sau này trở thành BRICS khi Nam Phi gia nhập.
Nhóm này tìm cách thách thức sự thống trị của G7: bảy nền kinh tế “tiên tiến” lớn nhất thế giới (Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh).
Không chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ có bất đồng.
Có sự căng thẳng giữa hai thành viên mới nhất của BRICS là Ai Cập và Ethiopia.
Và, bất chấp những cuộc đối thoại hòa hoãn, Iran và Ả Rập Xê Út từ lâu đã là đối thủ trong khu vực.
“Ý tưởng cho rằng tất cả họ sẽ đồng thuận về một điều gì đó thực sự có giá trị là hết sức phi lý,” ông O'Neill nhận xét.
Trong khi Nga, được thúc đẩy bởi chủ nghĩa bài phương Tây, đề cập tới việc tạo dựng “một trật tự thế giới mới”, những quốc gia BRICS khác, như Ấn Độ, lại muốn duy trì mối quan hệ chính trị và kinh tế tốt đẹp với phương Tây.
Nhiệm vụ của ông Vladimir Putin ở Kazan sẽ là gác lại những bất đồng và vẽ ra một bức tranh về sự thống nhất, đồng thời cho công chúng Nga và cộng đồng quốc tế thấy rằng đất nước của ông còn lâu mới bị cô lập.
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn