Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
Tác Giả : Thanh Phương Nguồn: RFI Ngày đăng : 2024-10-23
Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 05/11 sẽ thúc đẩy tiến trình Ukraina gia nhập NATO và buộc Nga phải bắt đầu đàm phán hòa bình.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) và tổng thư ký NATO Mark Rutte tại trụ sở của NATO ở Bruxelles, Bỉ, ngày 17/10/2024. REUTERS - Yves Herman
Theo hãng tin AFP, trong cuộc gặp với các nhà báo Ukraina và quốc tế hôm 21/10 vừa qua, ông Zelensky nhấn mạnh khả năng đàm phán hòa bình giữa Kiev với Matxcơva “phụ thuộc chủ yếu vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ”. Theo lãnh đạo Ukraina, Nga “sẽ tuân thủ chính sách của Hoa Kỳ về vấn đề này” và Hoa Kỳ “sẽ công bố rất nhanh chóng chính sách của họ sau cuộc bầu cử”, chứ không đợi đến tháng 1/2025, khi tân tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức.
Tổng thống Ukraina cũng hy vọng Washington sẽ đồng ý với việc chính thức mời Ukraina gia nhập NATO cho dù nước này đang có chiến tranh với Nga, điều mà Mỹ hiện chưa chấp nhận. Ông Zelensky nói: “Sau cuộc bầu cử, chúng tôi hy vọng sẽ có phản ứng tích cực hơn từ Hoa Kỳ”.
Gia nhập NATO chính là bước đầu trong “kế hoạch chiến thắng” mà tổng thống Ukraina gần đây đã trình bày với các đồng minh. Ông giải thích rằng Kiev muốn nhận được lời mời vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng sớm càng tốt và như vậy sẽ chính thức gia nhập khối quân sự này sau khi chiến tranh kết thúc. Hiện tại, khoảng 20% lãnh thổ của Ukraina đang bị Nga chiếm đóng. Do đó, Kiev coi NATO là lực lượng bảo vệ thực sự duy nhất chống lại nước láng giềng Nga, nước tuyên bố đã xâm chiếm Ukraina chính là để ngăn chặn nước này xích lại gần với Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Khi công bố “kế hoạch chiến thắng” của ông trước Quốc Hội Ukraina, ông Zelensky đã đánh giá rằng kế hoạch này có thể giúp kết thúc cuộc chiến “một cách nhanh chóng và công bằng” 0vào năm 2025. Tổng thống Ukraina còn tỏ vẻ tin tưởng là nếu Mỹ ủng hộ lời mời gia nhập NATO thì Đức và các quốc gia còn lưỡng lự khác, như Hungary và Slovakia, cũng sẽ ủng hộ theo.
Nhưng liệu tổng thống Ukraina có đủ cơ sở để lạc quan đến như thế không? Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ không chỉ tác động đến khả năng Ukraina gia nhập NATO mà còn ảnh hưởng đến cả tương lai của khối này. Tuy chưa ai biết cụ thể chính sách ngoại giao của bà Kamala Harris sẽ ra sao, nhưng nếu ứng cử viên Dân Chủ đắc cử tổng thống Mỹ thì các đồng minh châu Âu ít ra là sẽ không cảm thấy xa lạ và có thể dễ dàng đối thoại hơn.
Nhưng nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng thì rõ ràng đây sẽ là một ẩn số khổng lồ. Ai cũng nhớ lời đe dọa của ứng cử viên Cộng Hòa vào tháng 2 với các thành viên khác trong khối NATO: Ông sẽ để mặc cho Nga muốn làm gì thì làm đối với những nước bị xem không đóng góp đầy đủ cho phòng thủ chung của khối. Trước lời đe dọa đó của Trump, nhiều nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã vội nâng chi tiêu quân sự lên mức 2% GDP đúng theo quy định của NATO.
Nhưng điều khiến các đồng minh châu Âu lo lắng nhất, đó chính là tương lai của sự yểm trợ của phương Tây cho Ukraina để chống Nga. Hoa Kỳ, thành viên quan trọng nhất của khối NATO, đã cấp cho Kiev tổng cộng hàng chục tỷ đô la viện trợ tài chính và quân sự kể từ khi Nga mở cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina vào năm 2022. Tuy nhiên, nếu ông Donald Trump lại đắc cử tổng thống, Washington rất có thể sẽ không tiếp tục tỏ ra hào phóng như vậy, bởi vì cho tới nay ứng cử viên Cộng Hòa đã nhiều lần dọa sẽ chấm dứt viện trợ của Mỹ cho Ukraina. Trong trường hợp đó, châu Âu sẽ buộc phải một mình tiếp tục yểm trợ cho Kiev.
Vấn đề là đến một lúc nào đó nội bộ các nước châu Âu sẽ gặp bất đồng, vì không phải nước nào cũng sẵn sàng giúp đỡ Ukraina vô thời hạn. Và cũng đến một lúc nào đó các nước châu Âu rất có thể sẽ thúc ép Ukraina đàm phán với Nga để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh cho dù Kiev ở thế bất lợi. Mà gần như chắc chắn là một trong những điều kiện tiên quyết mà Matxcơva sẽ đặt ra trước khi chấp nhận đàm phán, đó là khối NATO không được kết nạp Ukraina.
---------
Ý kiến độc giả :

Theo lời của biên tập viên Thanh Phương thì Tổng thống Zelensky nhấn mạnh khả năng đàm phán hòa bình giữa Kiev với Matxcơva “phụ thuộc chủ yếu vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ”. ….. Tổng thống Ukraina cũng hy vọng Washington sẽ đồng ý với việc chính thức mời Ukraina gia nhập NATO cho dù nước này đang có chiến tranh với Nga, điều mà Mỹ hiện chưa chấp nhận…..Ông Zelensky nói: “Sau cuộc bầu cử, chúng tôi hy vọng sẽ có phản ứng tích cực hơn từ Hoa Kỳ”
Nhận định trên là chính xác vì dù Kamala có thắng cử để làm thổng thống Mỹ đi nữa thì chính sách từ chối không cho Ukraina gia nhập NATO của Đảng Dân Chủ vẫn giữ nguyên. Bọn tài phiệt trong cái gọi là Deep State vẫn luôn muốn duy trì chiến tranh để thu lợi trong việc bán vũ khí. Cũng giống như chiến tranh Việt Nam, chúng nó không muốn chấm dứt chiến tranh dù thừa sức thắng VC, chúng muốn kéo dài chiến tranh mà thời đó báo chí Mỹ gọi là "Sustained War" để tiếp tục thu lợi.
Chiến tranh Ukraine cũng thế, đảng Dân Chủ không muốn chấm dứt mà vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine với mức độ cầm chừng sợ rằng Ukraine sẽ thắng.
Biên tập viên Thanh Phương cũng nêu rõ là TT Zelensky trông chờ có sự thay đổi lập trường của chính phũ Mỹ mới sau cuộc bầu cữ ngày 5 tháng 11 này. Phải chăng muốn ám chỉ chính phủ Harris ? Không ! Như đã biết, Kamala Harris sẽ chẳng thể nào thay đổi chính sách của đảng Dân Chủ và Deep State, mà chỉ có ông Trump mới tạo ra thay đổi thôi. Ông Trump là người luôn chủ trương chấm dứt chiến tranh như ông đã từng làm trong nhiệm ký tổng thống trước đây của ông. Dưới thời ông Trump, những nạn nhân của chiến tranh và xâm lược không bị thiệt thòi, khác hẳn với sự thiệt thòi của VNCH qua chính sách phản bôi đồng minh vô nhân đạo của đảng Dân Chủ Mỹ, thậm chí Joe Biden cương quyết không chịu giúp đỡ dù là 1 cent cho dân tỵ nạn VNCH.
Nếu Trump đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới, tôi tin rằng Ukraine sẽ được tổng thống Trump chấp nhận cho gia nhập NATO ngay, vì đó là điều kiện hữu hiệu nhất để chấm dứt chiến tranh , chứ không có thái độ ngâm tôm để tạo một sustained war cầu lợi như Biden-Harris đang làm, !
JB Trường Sơn
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn