Matxcơva đe dọa đáp trả vụ Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa Mỹ bắn vào lãnh thổ Nga
Tác Giả : Chi Phương | Nguồn: RFI | Ngày đăng : 2024-11-20 |
Vài ngày sau khi được bật đèn xanh, Ukraina hôm qua, 19/11/2024, đã bắn tên lửa tầm xa mà Mỹ viện trợ, sang lãnh thổ Nga. Chính quyền Matxcơva cho biết đã bị tấn công bởi 6 tên lửa của ATACMS của Mỹ và đe dọa sẽ có cách đáp trả Ukraina một cách " phù hợp ". Theo Nga, cuộc chiến đang " chuyển sang giai đoạn mới ", vào lúc tổng thống Vladimir Putin ký phê chuẩn mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân.
Hình ảnh trích từ video do kênh Telegram liên kết với quân đội Ukraina đăng tải ngày 19/11/2024 cho thấy tên lửa ATACMS được bắn từ một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraina. AP
Theo quân đội Nga, vào lúc 3 giờ 25 phút, " kẻ thù đã tấn công vào vùng Briansk, cách biên giới với Ukraina không xa, bằng tên lửa chiến thuật ATACMS, 5 tên lửa đã bị phá hủy, và một tên lửa khác đã bị phòng không Nga làm hư hại ". Chính quyền Nga không nêu rõ có thiệt hại về nhân mạng hay không.
Mặc dù Hoa Kỳ hay Ukraina vẫn chưa chính thức thừa nhận về vụ tấn công này, nhưng một quan chức Ukraina, xin ẩn danh, đã xác nhận về vụ tấn công này với AFP. Lãnh đạo Volodymyr Zelensky cũng đã từng cho biết, Ukraina có các tên lửa này và " sẽ sử dụng chúng. "
Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm thông tin :
" Cần phải nhớ rằng là Nga đã rất chú ý theo dõi các cuộc tranh luận ở Ukraina và tại các nước đồng minh phương tây của Kiev.
Một trong những luận điểm được nhắc lại từ lâu bởi những người thúc đẩy cho phép Kiev dùng vũ khí này tấn công Matxcơva là việc 'Nga đe dọa, nhưng không có lằn ranh đỏ'. Đó cũng là chủ đề được tranh luận tối qua trên truyền hình Nga.
Nghị sĩ Cộng Sản, chủ tịch một ủy ban quốc Hội về các vấn đề của Cộng đồng các nước độc lập (CEI) tức là tổ chức của các nước từng thuộc Liên Xô và vẫn thân Nga, ông Leonid Kalachnikov cho biết : " Đối với tổng thống mãn nhiệm Joe Biden, có lẽ sẽ dễ dàng để đồng ý, cho phép Ukraina (sử dụng vũ khí tầm xa tấn công), nhưng đột nhiên ông ta im lặng và không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Có vẻ như Washington muốn xem phản ứng của Nga sẽ ra sao. Học thuyết hạt nhân của Nga không phải là tin đồn nhảm. Bởi vì nếu đúng vậy, thì ngày mai, sẽ không phải chỉ là tên lửa có tầm bắn 300 km vào lãnh thổ Nga, mà là 500, 1000, 2000 km. Chúng tôi đã nhìn thấy tất cả những điều đó, như việc cung cấp cho Ukraina các xe tăng, máy bay và các loại tên lửa khác. "
Mối đe dọa lửa hạt nhân vẫn còn đó, và hôm nay, một số chuyên gia cho rằng ở thời điểm hiện tại, việc chuyển giao quyền lực ở Washington có thể thúc đẩy căng thẳng leo thang. Matxcơva có thể tính toán và đổ trách nhiệm cho chính quyền của tổng thống mãn nhiệm Joe Biden. Như vậy, Nga sẽ không làm mất đi cơ hội đàm phán với chính quyền Donald Trump.
Một số chuyên gia khác thì lại nhấn mạnh rằng mỗi lần phe diều hâu Nga muốn thúc đẩy việc sử dụng vũ khí hạt nhân thì đều vấp phải một thực tế. Đó là các nước thân cận với Nga, cũng như là các nước từ chối lên án cuộc chiến này, đều không muốn nhìn thấy viễn cảnh " lửa hạt nhân ". Đó là những nước thuộc BRICS, hay Trung Quốc, hiện là đồng minh quan trọng của Kremlin.
Tình hình trở nên căng thẳng vào lúc tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân trong học thuyết, mà nhiều nước phương tây đồng loạt lên án. Trung Quốc kêu gọi các bên bình tĩnh.
Tại Kiev, sứ quán Hoa Kỳ hôm nay, trong một thông cáo đã cảnh báo một cuộc không kích lớn của Nga, nhắm vào thủ đô Ukraina và “như một biện pháp phòng ngừa, sứ quán Hoa Kỳ sẽ đóng cửa và các nhân viên đại sứ quán được yêu cầu đến nơi trú ẩn".
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |