Cuộc Đào Thoát Của Gleb Karakulov Và Những Bí Mật Của Putin
Tác giả : Đỗ Quân Nguồn: Thời Báo Canada Ngày đăng: 2023-04-17


“Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 24 tháng Hai.”
Gleb Karakulov bắt đầu như thế trong cuộc phỏng vấn vừa được tổ chức Dossier Center công bố.
Cuộc đời của anh đáng lẽ đã trôi chảy như những công dân Nga khác. Chỉ còn gần hai năm nữa Karakulov sẽ mãn hợp đồng phục vụ. Anh đã định sẽ không gia hạn hợp đồng, trả xong khoản thế chấp nhà của mình, và thế là xong.
“Nhưng vào tháng 2 năm 2022, một cuộc chiến tội ác đã nổ ra và tôi không thể thỏa hiệp với chính mình được nữa. Tôi không thể tiếp tục phục vụ ông Tổng thống này. Tôi coi ông ta là một tội phạm chiến tranh. Mặc dù tôi không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, nhưng tôi không thể thực hiện các mệnh lệnh tội ác của ông ta hoặc tiếp tục phục vụ ông ta.”
“Giống như nhiều công dân Nga khác, tôi đã hy vọng rằng sẽ không có leo thang. Vào buổi sáng ngày 24 tháng 2, tôi đã phải trải qua nửa giờ trong trạng thái chấn động.”
Và anh đã trở thành sĩ quan tình báo cao cấp nhất trong lịch sử nước Nga và người thân cận Putin đầu tiên đào thoát.

Khodorkovsky và Dossier Center
Mikhail Borisovich Khodorkovsky từng là một trong những người giàu nhất nước Nga. Ông làm giàu từ ngành dầu mỏ vào cuối thế kỷ 20, nhưng sau đó bị bắt và giam giữ vài năm. Nhiều người tin rằng việc giam giữ ông có động cơ chính trị, vì ông được coi là mối đe dọa đối với quyền lực của Vladimir Putin. Khodorkovsky hiện đang sống lưu vong, và vẫn là một nhà phê bình chính phủ Putin và là người ủng hộ các cải cách dân chủ ở Nga. Khodorkovsky được nhiều người kính trọng vì công việc từ thiện và vận động cho nhân quyền và công bằng xã hội.
Dossier Center (Trung tâm Hồ sơ), nhóm điều tra theo dõi hoạt động tội phạm của nhiều người có liên quan đến Điện Kremlin, được Mikhail Borisovich Khodorkovsky tài trợ.
Dossier Center, có trụ sở ở London, Anh quốc, thu thập và biên soạn các hồ sơ vụ án mở rộng chống lại các nhân vật và tổ chức trong hệ thống quyền lực ở Nga. Các hồ sơ này sẽ cho phép các tòa án Nga trong tương lai, cũng như các cơ quan thực thi pháp luật không phải của Nga, mở các vụ án hình sự chống lại các tội phạm tham nhũng nằm trong và có liên hệ với Điện Kremlin.”
Karakulov bỏ trốn sang Thổ nhĩ kỳ tháng 10 năm 2022, nhưng vì những lý do an ninh, mãi cho đến gần nửa năm sau, vào tuần lễ đầu tháng Tư, những thông tin về Karakulov mới được đưa ra công khai trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Dossier Center đã thực hiện và công bố cuộc phỏng vấn Gleb Karakulov. Cuộc phỏng vấn Karakulov được phóng viên Ilia Rozhdestvenskii của chương trình «Ходорковский LIVE» (Khodorkovsky trực tiếp), thực hiện, sau đó đã được đăng trên youtube. (youtube.com/watch?v=UcHuFGKa3jg).
Dossier Center đã phối kiểm và xác thực các giấy tờ của Gleb Karakulov. Họ cũng xác nhận những chi tiết trong câu chuyện của anh khớp với các kho dữ liệu và nguồn công khai.
Gleb Karakulov kể lại chuyến đào thoát của mình, về lý do anh bỏ Putin và rất nhiều thông tin chi tiết về tên đồ tể Putin cho Dossier Center, một tổ chức do Khodorkovsky chuyên theo dõi và lập hồ sơ các hoạt động tội phạm của những người có liên quan đến Kremlin.
Trong video, viên cựu Đại úy FSO cũng tiết lộ nhiều bí mật về nhà lãnh đạo nước Nga, xác nhận và cải chính nhiều thông tin lâu nay vẫn phổ biến ở phương Tây về Vladimir Putin.
Tại sao tôi bỏ đi?
Gleb Karakulov, 35 tuổi, đóng lon Đại úy trong lực lượng Cục Cảnh vệ Liên bang (Федераьная Служба Охраны / ФСО). Thường được viết tắt là FSO, đây là một cơ quan an ninh liên bang FSO chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ Tổng thống Nga và gia đình của ông, cũng như các nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến thăm nước Nga. FSO và các chi nhánh của nó đóng vai trò quan trọng trong việc giữ an toàn và an ninh cho chính phủ Nga và các quan chức của chính phủ.
Anh là một một kỹ sư trong Ban Thông tin liên lạc của Tổng thống thuộc bộ phận FGS (Federal Guard Service) của FSO. Ban này phụ trách mã hóa thông tin liên lạc của các quan chức nhà nước hàng đầu — Tổng thống và Thủ tướng. Karakulov là thành viên ‘đơn vị hiện trường’, đơn vị hỗ trợ liên lạc cho Tổng thống và Thủ tướng trong các chuyến công tác của họ, nghĩa là trên khắp nước Nga và nước ngoài.
Trong 13 năm làm việc tại FGS, Karakulov đã từng tháp tùng tổng thống trong 180 chuyến công tác.
Dossier Center đã dành hơn mười giờ trò chuyện với viên sĩ quan này về quyết định rời khỏi FGS và nước Nga của anh.


Nhà báo Ilia Rozhdestvenskii phỏng vấn Gleb Karakulov qua internet. Ảnh cắt từ video
Những băn khoăn, lo lắng về cuộc xâm lăng Ukraine đã làm cho Karakulov phát bệnh. Sau ba tháng nghỉ bệnh, phần nào bình tĩnh lại, anh bắt đầu tự dối lòng rằng “đó không phải việc của mình”. Nhưng, trong lúc những đồng nghiệp hứng thú “thưởng thức từng chi tiết của những gì đang xảy ra trong chiến tranh”, anh thấy nó quá tởm lợm. “Tôi quyết định mình phải tìm cách để thoát khỏi hệ thống trước khi hết thời hạn phục vụ.”
Thêm một yếu tố quan trọng khác: cuộc tổng động viên được công bố ngày 21 tháng 9. Karakulov biết rằng ngay sau khi giải ngũ, anh sẽ đương nhiên trở thành một sĩ quan dự bị và sẽ được đưa thẳng ra mặt trận. “Tôi không thể đồng ý tham gia vào cuộc chiến tội phạm này.”
Đầu tháng 9 năm 2022, anh biết được mình có tên trong nhóm FGS đi công tác ở Astana, Kazakhstan vào đầu tháng 10, nơi Vladimir Putin tham dự ba sự kiện lớn: Thượng đỉnh lần thứ 6 của Hội nghị về các biện pháp gắn kết và xây dựng lòng tin ở châu Á, một cuộc họp của Hội đồng các nguyên thủ quốc gia CIS, và Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Trung Á.
Một cơ hội tốt.
“Chúng tôi bay tới đó để chuẩn bị vào ngày 6 tháng 10. Vợ tôi ở lại Moscow thêm ít hôm nữa và vào hôm 8 tháng 10 đã cùng con gái bay tới Astana. Chúng tôi đã cố nhét cả cuộc đời mình vào ba chiếc vali.”
“Mục tiêu cuối cùng của tôi là con tôi không phải trải qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Để cho nhà nước, can thiệp vào việc nuôi dạy con cái của chúng tôi bằng mọi cách có thể, không ảnh hưởng đến con bé. Tôi muốn con gái mình lớn lên trong một môi trường hòa bình, trở thành một con người tử tế. Tất cả những gì tôi làm, tôi làm vì lợi ích của con bé. Đó là mục tiêu chính của tôi.”
Cuộc đào thoát không ly kỳ lắm, nhưng thành công
Cuộc đào thoát, không giống như những truyện hay phim trinh thám gián điệp gay cấn vì không được ly kỳ cho lắm tuy vẫn có những phút nghẹt thở, đã thành công một cách khó tin với những người được nghe anh kể lại khi trò chuyện với Ilia Rozhdestvenskii trong cuộc phỏng vấn được đăng trên Youtube:
“Sau đó là những phút hoang mang, bất định. Mọi thứ đều ở trạng thái thay đổi liên tục, và tôi cứ nghĩ, ‘Phải, không phải hôm nay; hôm nay cũng không xong.’ Anh không có cảm giác rõ ràng về một giờ, một ngày cụ thể nào. Thế nên anh lần lữa khoảng hai hoặc ba ngày cho đến có được khi nhiều yếu tố phù hợp. Nhưng điều quan trọng nhất là chuyến công tác sắp kết thúc. Không thể trì hoãn được nữa vì nhóm sĩ quan FGS dự định sẽ bay về Moscow vào sáng ngày 15 tháng 10. Ngày 14 tháng 10 là ngày cuối cùng của chuyến đi.”
Sáng ngày 14 tháng 10, trong lúc nhóm của anh vẫn đang làm việc, viên phụ tá trưởng nhóm bảo họ nộp lại thông hành. “Lúc đó tôi đang ngồi, đeo tai nghe, theo dõi các thiết bị hoặc tìm kiếm trên YouTube. Một số đồng nghiệp đã nộp lại thông hành, tôi đã làm bộ như không nghe thấy. Tôi đã định nếu bị hỏi ‘thông hành của anh đâu?’, thì sẽ trả lời, ‘Tôi không biết, có thể là ở khách sạn’. Tôi cũng đã hẹn với các đồng nghiệp sẽ cùng đi mua sắm đồ lưu niệm sau giờ làm việc. Và rồi tôi sẽ câu giờ để họ không bắt đầu tìm kiếm tôi.”


Gleb Karakulov nói chuyện với Ilia Rozhdestvenskii qua internet. Ảnh cắt từ video
Vợ tôi cùng con gái tôi và tôi ra sân bay lúc khoảng ba giờ chiều.
Họ đã thận trọng không ở cùng một khách sạn với tôi. Trước đó, họ đến khách sạn của anh. Trong lúc anh dắt con gái đi chơi gần khách sạn, người vợ lên phòng lấy va ly của anh. Họ không muốn các đồng nghiệp của Karakulov nghi ngờ nếu anh mang va ly ra ngoài vào giờ ăn trưa.
“Những người được nghỉ làm đã sớm quyết định đi mua sắm. Họ liên tục nhắn tin cho tôi, hỏi xem tôi đang ở đâu. Tôi trả lời rằng tôi cũng muốn đi [mua sắm], nhưng bị đau bụng dữ dội sau bữa trưa.”
Vào thời điểm họ ra khỏi khách sạn, toàn bộ trung tâm (thành phố) đã bị phong tỏa vì các hội nghị thượng đỉnh. Karakulov cũng lo lắng về nguy cơ kẹt đường, nhưng may mắn, đường đến sân bay thông thoáng. Họ làm thủ tục cho chuyến bay đi Istanbul và gửi hành lý. Anh hơi lo vì cái thông hành công tác của mình, nó có màu khác với thông hành thường. “Nhưng không ai hỏi. Kể từ đó trở đi, chỉ còn vấn đề thần kinh căng thẳng của chính tôi.”
“Chuyến bay bị hoãn khoảng một giờ. Chúng tôi cất cánh lúc 5 giờ chiều. Vào thời điểm đó họ đã bắt đầu tìm kiếm tôi. Có lẽ tôi đã nhắn tin rằng tôi sẽ không đi mua quà lưu niệm vào khoảng 5 giờ chiều. Thay vì đi mua sắm, tôi sẽ đi làm. Vào khoảng 5 giờ 15 chiều, tức là 10-15 phút trước khi máy bay cất cánh, tôi lặng lẽ tắt điện thoại.”
Khi máy bay hạ cánh, anh mở điện thoại lên. Có khoảng năm tin nhắn vào thời điểm anh tắt điện thoại. Đó là những tin nhắn trao đổi kiểu của các đồng nghiệp, thắc mắc không hiểu anh ở đâu. Họ còn đến cả phòng của anh để tìm. Nhưng có hai, ba tin nhắn kiểu: ‘Mày, đồ cặn bã!’. Thêm vào đó, một sĩ quan Phòng Tác chiến đã cố gắng liên lạc với tôi với tin nhắn: ‘Đây là Mr.N, hãy liên lạc càng sớm càng tốt.’ Hắn tưởng tôi sẽ trả lời. Tin nhắn này được gửi vào khoảng 8 giờ tối. Giờ Astana.
Karakulov đoán rằng các đồng nghiệp của anh nhận ra sự việc vào khoảng 6 giờ chiều hôm đó, có nghĩa là nếu việc lên máy bay bị trì hoãn thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa, anh đã có thể bị bắt tại sân bay.
Anh biết rằng nếu bị bắt, chuyện đào thoát sẽ là một trọng tội, nhưng: “Tôi chỉ đơn giản biết rằng nếu tôi tiếp tục công việc của mình thì đó sẽ là một tội ác lớn hơn. Không phải theo luật pháp Nga, mà là một tội ác với loài người.”
Anh không hề hé môi với cha mẹ anh về chuyện đào thoát. Anh biết họ ủng hộ Putin và cuộc chiến tranh của ông ta. Một lần, khi cố giải thích cho bà mẹ rằng đây (Ukraine) là một nước độc lập, chúng ta đang làm gì ở đó trong khi bà mẹ xem hình ảnh chiến cuộc trên TV, anh đã bị mắng: “Rồi sao? Mày đang định chạy trốn? Mày có phải là một thứ gián điệp nước ngoài?”
Mãi đến đầu tháng 11, khoảng ngày 8 hoặc 9 tháng 11, cha mẹ anh mới biết chuyện anh bỏ nước Nga, khi nhà của họ bị công an mật vụ Nga đến lục soát.
Vladimir Putin và chứng hoang tưởng
“Tổng thống của chúng tôi bị cắt đứt với thế giới. Vài năm nay ông ta đã sống trong một cái kén thông tin. Ông ta dành phần lớn thời gian trong các dinh thự của mình, nơi mà giới truyền thông gọi một cách nhấn mạnh là bunker (lô cốt). Ông ta lo sợ cho cuộc sống của mình một cách bệnh hoạn.”
Ông ta không dùng điện thoại di động mà cũng chẳng cần internet. “Trong các chuyến công tác, nếu chúng tôi đi cùng Thủ tướng, thường có một người khác đi cùng chúng tôi, người phụ trách Internet – văn phòng kỹ thuật số, máy tính xách tay và truy cập mạng. Nhưng với Putin, ông ta chỉ nhận được thông tin từ những người thân cận nhất, “điều đó có nghĩa là ông ta sống trong khoảng trống thông tin.”
Nguồn thông tin quan trọng và được tin cậy nhất của Putin là các báo cáo tình báo của cơ quan mật vụ. Nhưng Putin đòi hỏi lúc nào cũng phải có truyền hình Nga ở mọi địa điểm mà ông ta ở.
Cái kén thông tin chỉ là một trong những vỏ kén mà nhà lãnh đạo Nga tự cô lập mình.
Dù tất cả những người làm việc gần Putin đều được kiểm tra sàng lọc, theo dõi sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm định kỳ, tất cả các phụ tá của Tổng thống đều được làm xét nghiệm PCR nhiều lần trong ngày, nhưng “chúng tôi phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt trong hai tuần trước bất kỳ sự kiện nào, ngay cả những sự kiện chỉ kéo dài 15 đến 20 phút. Có một nhóm nhân viên đã được "lọc" – những người đã trải qua quá trình cách ly hai tuần mới được coi là ‘sạch sẽ’ và có thể làm việc cùng phòng với Putin.”
Karakulov xác nhận tin Putin thích dùng một đoàn xe lửa bọc sắt để di chuyển thay vì máy bay. “Nó trông giống như một đoàn tàu bình thường, tức là giống như tất cả các đoàn tàu khác của Đường sắt Nga – màu xám có sọc đỏ.”
“Đoàn tàu được sử dụng cho mục đích tàng hình” vì nó ít lộ liễu hơn. Trong khi máy bay có thể bị theo dõi vì chúng phải xuất hiện trên một số dịch vụ/mạng nhất định, đoàn tàu đặc biệt này là vô hình vì không thể bị theo dõi bằng bất kỳ nguồn nào.
Đoàn tàu này ra đời và được trang bị vào khoảng 2014 hoặc 2015. Từ khi cuộc chiến nổ ra, các nhân viên FGS phải cách ly để phục vụ cho đoàn tàu trong các ca làm việc kéo dài khoảng 40 ngày đến 45 ngày. Có thể sẽ không có chuyến tàu nào trong trong ca làm việc cụ thể của họ, nhưng mọi người phải luôn sẵn sàng.
Putin cũng có một buồng điện thoại riêng được nhóm của Karakulov mang theo trong mỗi chuyến công du. “Cái buồng điện thoại cồng kềnh đó là một khối lập phương cao khoảng 2,5 mét. Bên trong có một máy trạm và một điện thoại, người ta có thể dùng để nói chuyện mà không sợ tình báo nước ngoài nghe lén hoặc đọc được…”
Cả đến ở nước ngoài Putin cũng cần đến những bunker. Một lần, hồi tháng 10 năm 2022, nhóm của Karakulov đã phải đặt trang bị thông tin ở một hầm trú bom trong tòa Đại sứ Nga ở Kazakhstan. “Đó là một loại hoang tưởng. Bạn đang ở trên đất của một nước khác. Chính phủ đó là người triệu tập hội nghị thượng đỉnh, cung cấp tất cả an ninh. Chính lãnh thổ của tòa Đại sứ cũng được bảo vệ.”
Nhà lãnh đạo Nga cũng có nhiều nơi cư trú chính thức và không chính thức. Nhưng mọi văn phòng của Putin, dù ở St. Petersburg, Sochi hay Novo-Ogaryovo, đều giống nhau. Karakulov nói: “mọi thứ ở đó đều giống hệt nhau” và khó mà biết ông ta đang ở đâu. Những trò hỏa mù đó nhằm “trước hết để đánh lừa tình báo nước ngoài, và thứ hai, để ngăn chặn mọi âm mưu ám sát ông ta.”
Karakulov kể: “có lần tôi biết ông ấy đang ở Sochi trong khi trên chương trình tin tức TV đang phát đi hình ảnh ông ta đang tiến hành một cuộc họp ở Novo-Ogaryovo.” Khi anh hỏi một đồng nghiệp ở Sochi, họ xác nhận Putin vẫn còn ở đó.
Các nhân viên FGS thường đùa rằng khi Putin ở Sochi, họ sẽ cố tình giả vờ rằng ông ấy đang ra đi. “Họ sẽ điều một chiếc máy bay đến và khởi động đoàn xe hộ tống…”
Thực hư chuyện sức khỏe của Putin


Putin ở Astana tháng 10/2022
Trong khi có không ít lời đồn đoán về tình trạng sức khỏe của Putin, cho rằng ông ta bị khá nhiều bệnh, cả những chứng nan y, Karakulov tin rằng Putin chỉ có mỗi vấn đề về tuổi tác, có thể có một vài thứ bệnh, nhưng không có thứ nào nghiêm trọng.
“Ông ta có sức khỏe tốt hơn nhiều người khác cùng tuổi.”
“Putin làm việc nhiều; người ta có thể thấy điều đó trong các chuyến công tác của ông ta. Phải đến 2 hoặc 3 giờ sáng theo giờ Moscow ông ta mới đi ngủ. Có lần ở Kamchatka, ông có một cuộc họp vào lúc nửa đêm chỉ vì ở Moscow là ban ngày, và điều đó thuận tiện cho ông ta.”
Trong suốt 13 năm làm việc ở FGS, Karakulov chỉ thấy hai ba lần Putin phải hủy một chuyến công tác (vì lý do sức khỏe), và những lần đó xảy ra liên tiếp nhau.
“…ông ta là một tội phạm chiến tranh”
Ở cuối video dài hơn một giờ đồng hồ được đăng trên Youtube, Karakulov nói rằng nhờ công việc của mình trong FGS mà anh đã thấy thông tin bị bóp méo như thế nào.
Anh nhắn gửi với các sĩ quan Nga, trong đó có các sĩ quan FGS: “Các bạn có những thông tin không được phát trên truyền hình. Tôi mới chỉ xem thấy một phần nhỏ của những thông tin đó. Hãy lên tiếng, ủng hộ tôi [với thêm bằng chứng]. Các bạn sẽ giúp công dân của chúng ta tìm hiểu sự thật. Tôi chắc chắn rằng trước đây các bạn đã thắc mắc về các hành động của Tổng tư lệnh, nhưng lời thề buộc các bạn không được thắc mắc về [chúng] và thực hiện suôn sẻ mệnh lệnh của ông ta. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra bây giờ vượt quá tầm thường, nó coi thường cả lý trí. Các bạn không được tuân theo các mệnh lệnh tội ác và phục vụ tên tội phạm chiến tranh này, Vladimir Putin. Và tôi coi ông ta là tội phạm chiến tranh.


Từ năm 2020, Putin tham dự từ xa hầu hết các sự kiện. Ảnh từ mạng kremlin.ru
Karakulov kêu gọi họ, những người luôn ở gần Putin hãy nói thẳng ra rằng đây là một tội ác để nhanh chóng ngăn chặn cuộc chiến tranh điên rồ này. “Tôi ước bạn sẽ làm điều đó bởi vì nó sẽ cứu được nhiều mạng sống.”
“Họ có thể sẽ buộc tội tôi là không ái quốc. Yêu nước là yêu đất nước của mình. Trong trường hợp này, chúng ta cần phải cứu đất nước của chúng ta. Có một cuộc chiến điên rồ và khủng khiếp đang diễn ra. Nó phải được dừng lại càng sớm càng tốt.”
Và với những người dân thường:
“…Tôi hy vọng rằng những gì tôi vừa nói chỉ xác nhận sự xuyên tạc thông tin ở nước ta. Tất cả chúng ta đều bị giữ trong bóng tối, chỉ được nói những sự thật thuận tiện, thuận tiện cho một người. Trong nhiều năm, chúng ta đã bị nhồi sọ với sự lựa chọn bừa bãi các nguồn thông tin và chủ nghĩa tuân thủ. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến này…”
“Ông ta chỉ coi trọng sinh mạng của chính mình và sinh mạng của gia đình và bạn bè ông ta. Sinh mạng của gia đình và bạn bè của quý vị không liên quan đến ông ta”.
“Bằng cách lôi những người đàn ông khỏi gia đình của họ và đưa họ đi để bị tàn sát ở nước Ukraine có chủ quyền, ông ta cho thấy ông ta không quan tâm chút nào đến những gì đang xảy ra với đất nước chúng ta và Ukraine…”


Chứng minh thư FGS của Đại úy Gleb Karakulov. Ảnh do Dossier Center cung cấp
Cuộc chiến tội phạm này không bao giờ nên được bắt đầu và nên kết thúc càng sớm càng tốt. Cuộc sống là giá trị cao nhất. Chúng tôi đã quên nó ở đất nước này. Mọi người được coi là bia đỡ đạn.
Điều này sẽ tiếp tục xảy ra chừng nào chúng ta còn giữ im lặng. Cuộc chiến này phải kết thúc và đã đến lúc phá vỡ sự im lặng.
Nhưng chắc chắn những lời của anh sẽ không đến tai những người Nga bị bưng bít thông tin và bị tuyên truyền nhồi sọ.
“Họ vẫn chưa đuổi theo tôi với ‘Novichok’…”
Phóng viên Ilya Rozhdestvenskii nói: “Chúng tôi thực sự lo lắng cho sự an toàn của Karakulov. Chúng tôi đã chờ đợi 4 tháng để có thể công bố những cuộc phỏng vấn này”.
Trong cuộc truyện trò với Rozhdestvenskii, tôi cũng đã nói đùa: “Họ vẫn chưa đuổi theo tôi với ‘Novichok’ (thứ thuốc thường được sử dụng để đấu độc những người bị coi là phản bội), nhưng họ đã đi gặp người thân của tôi…” Tuy nhiên, ai cũng biết rằng Putin chưa bao giờ được coi là khoan dung với những kẻ chống đối và đặc biệt, phản bội ông ta. Vấn đề chỉ còn là thời gian.
Các nguồn tin tình báo nói rằng bất cứ nơi nào Karakulov xin tị nạn, anh ta sẽ nói chuyện với các cơ quan tình báo của quốc gia đó — và nhận được sự bảo vệ khi Nga cố gắng săn lùng anh ta.


Lệnh truy nã Karakulov trong kho dữ liệu của Bộ Nội vụ Nga. Nguồn: mvd.ru
Hiện nay người ta không biết Gleb Karakulov đang ở đâu, hoặc chính phủ nước ngoài nào đã cho anh tị nạn. Một giới chức Hoa Kỳ có quyền truy cập vào thông tin tình báo đã từ chối bình luận về kẻ đào tẩu và Dossier Center đã không trả lời các yêu cầu cung cấp thêm thông tin về Karakulov.
Theo Rozhdestvenskii, Karakulov nói với Rozhdestvenskii rằng xin đừng hỏi về các cơ quan tình báo ngoại quốc nào có thể tiếp cận anh ta.
Đỗ Quân
(nguồn: Dossier Center, CNN, The Guardian, DailyMail…)
----------