Vỡ đập Kakhovka : Hàng ngàn cư dân được sơ tán, LHQ cảnh báo về một thảm họa nghiêm trọng
Tác giả : Trọng Nghĩa Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-06-07
Chiến dịch sơ tán khẩn cấp cư dân hai bên bờ sông Dniepr ở Ukraina bị lũ lụt vẫn tiếp diễn vào hôm nay, 07/06/2023, một ngày sau vụ đập thủy điện Kakhovka gần Kherson ở miền nam Ukraina bị phá vỡ vào hôm qua, làm nước sông dâng cao. Theo các nguồn tin từ cả phía Ukraina lẫn phía chính quyền các vùng bị Nga tạm chiếm, đã có hơn 2.700 người sơ tán khỏi vùng bị lụt, trên tổng số hơn 40.000 người bị ảnh hưởng.





Vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka ở Ukraina, hàng ngàn dân sơ tán khẩn cấp vì ngập lụt
Theo phát ngôn viên cơ quan khẩn cấp Ukraina được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, hơn 1.450 người sinh sống trong khu vực do Ukraina quản lý đã được sơ tán. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, mực nước sông ở khu vực thành phố Kherson đã cao thêm 5 mét
Về phần mình, phó tỉnh trưởng tỉnh Kherson được Nga bổ nhiệm để quản lý các khu vực bị Nga chiếm đóng, cho biết 1.274 người ở phía bên kia sông trong vùng do Nga kiểm soát cũng đã được sơ tán.
Tính ra, có hơn 40.000 người sinh sống ở hai bên bờ sông bị lũ lụt ảnh hưởng, 17.000 dân phía Ukraina, và 25.000 dân trong các vùng do Nga kiểm soát.
Chiến dịch sơ tán sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong bối cảnh nước lũ được dự báo đạt đỉnh vào hôm nay, 07/06 và sẽ giữ ở mức đó trong vòng từ 4 đến 5 ngày.
Vụ đập thủy điện Kakhovka bị phá vỡ đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, nằm cách đó 150 km về phía thượng nguồn, với các lò phản ứng được làm mát bằng nước của hồ đập thủy điện.
Ngay từ hôm qua, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) đã lên tiếng trấn an là trước mặt, không có rủi ro hạt nhân.
Giống như đập thủy điện Kakhovka, nhà máy hạt nhân nằm trong khu vực bị quân Nga chiếm đóng sau cuộc xâm lược ngày 24/02/2022.
LHQ cảnh báo về một thảm họa nghiêm trọng
Câu hỏi cho đến giờ chưa có lời giải đáp vẫn là tác giả vụ phá hoại đập Kakhovka là ai. Tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào chiều hôm qua, đại diện của Nga và Ukraina tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Theo phía Nga, đây là vụ “cố tình phá hoại” của Ukraina, trong lúc Kiev tố cáo môt hành vi “khủng bố sinh thái và công nghệ” nhằm "kiềm chế" cuộc phản công của quân đội Ukraina. Riêng Hoa Kỳ xác định rằng trước mắt chưa thể khẳng định bên nào là thủ phạm.
Về phần Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo bộ phận phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths đã nói đến một thảm họa mà “quy mô chỉ có thể được đánh giá đầy đủ trong những ngày tới”, nhưng hậu quả sẽ "nghiêm trọng và sâu rộng" đối với cả hai bên.
Ông nói về "việc không thể cung cấp viện trợ cho hàng triệu người bị ảnh hưởng" cũng như "tác hại đến sản xuất nông nghiệp" và nguy cơ mìn và các thiết bị nổ chôn quanh con đập bị nước cuốn vào các vùng bị lụt, cho đến nay được đánh giá là an toàn.
Đối với tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, đây là “hậu quả tàn khốc mới của cuộc xâm lược Ukraina” do Nga phát động vào cuối tháng 2 năm 2022. Theo ông, “phải chấm dứt các cuộc tấn công nhắm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu”.
----------