Có nguy cơ Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân
Tác giả : Viên Minh Nguồn: NTD Vn Ngày đăng: 2023-06-20


Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc gặp với Tổng thống Algeria tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 15 tháng 6 năm 2023. (Ảnh: MIKHAIL METZEL/SPUTNIK/AFP via Getty Images)
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là mối đe dọa có thật, sau khi Moscow triển khai loại vũ khí này sang Belarus.
Reuters đưa tin, hôm 19/6, khi nói chuyện với một nhóm nhà tài trợ môi trường ở thành phố Palo Alto, bang California, về tình trạng hạn hán, Tổng thống Mỹ Biden cho biết: "Khoảng hai năm trước, khi tôi đến đây và bày tỏ lo lắng về việc sông Colorado sẽ cạn nước, mọi người nhìn tôi như thể tôi bị điên rồi. Họ nhìn tôi giống như khi tôi bày tỏ lo lắng về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Mối đe dọa đó là có thật".
Sông Colorado là nguồn nước quan trọng cho 7 bang ở phía tây bắc Mỹ. Từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, dòng sông này rơi vào tình trạng cạn đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và sinh hoạt trong khu vực.
Bình luận của ông Biden đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố xác nhận hôm 16/6 rằng những đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được đưa đến Belarus. Ông Putin cho hay số vũ khí còn lại sẽ được chuyển xong trước cuối năm nay. Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những khí tài mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, gồm tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M và cường kích Su-25.
Hôm 13/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng xác nhận đã nhận được những vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên từ Nga. Theo lời ông Lukashenko, trong số vũ khí được chuyển có những đầu đạn với sức công phá mạnh gấp 3 lần hai quả bom nguyên tử được Mỹ thả xuống Nhật Bản vào năm 1945.
Phản ứng đáp lại, ngày 17/6, ông Biden đã lên tiếng chỉ trích quyết định triển khai vũ khí hạt nhân của Moscow ở lãnh thổ Belarus là "hoàn toàn vô trách nhiệm".
Theo TASS, đây là lần đầu tiên Nga đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi lãnh thổ nước này từ khi Liên Xô tan rã. Tổng thống Putin nói rằng quyết định được đưa ra theo đề nghị của Belarus nhằm đáp trả "chính sách hung hăng của NATO" và cũng tương tự như việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các đồng minh trong vài thập niên qua.
Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh đây là công cụ răn đe, "để bất cứ ai có ý định tấn công chúng tôi sẽ phải nhớ về thực tế đó", ý nói sự hiện diện của vũ khí hạt nhân tại Belarus. Mới đây nhất, Bộ Ngoại giao Nga gợi ý số vũ khí sẽ lưu lại Belarus vô thời hạn, trừ khi Mỹ thu hồi toàn bộ vũ khí hạt nhân và phá hủy các cơ sở liên quan tại châu Âu, đồng thời cùng NATO cam kết "không gây ảnh hưởng an ninh và chủ quyền của Nga và Belarus".
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, được sử dụng để đạt lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì tàn phá trên diện rộng như đầu đạn hạt nhân chiến lược lắp cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay bom cỡ lớn. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được gắn trên tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, ngư lôi, phóng từ máy bay hoặc bắn từ pháo.
Học thuyết hạt nhân của Nga quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công nguyên tử hoặc phải đối mặt với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa "sự tồn vong" của nhà nước Nga.
Viên Minh (Tổng hợp)
----------