VN xử đại án 'Chuyến bay giải cứu': Chi 2,65 triệu USD 'chạy án' không thành
Nguồn: BBC Tiếng Việt Ngày đăng: 2023-07-11


Phiên tòa của vụ án “Chuyến bay giải cứu” dự kiến diễn ra trong 1 tháng, kể cả thứ bảy và chủ nhật
Sáng nay 11/7, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên toà xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” và dự kiến kéo dài trong 30 ngày.
Theo hồ sơ, 54 bị can trong vụ án bị đưa ra xét xử với 5 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
10 bị cáo được tại ngoại, 44 bị cáo còn lại bị tạm giam trong vụ án được giới quan sát cho là thể hiện nỗ lực làm trong sạch bộ máy và bảo vệ hình ảnh của thể chế tại VN.
Hơn 120 luật sư đăng ký bào chữa cho 54 bị can bao gồm hàng loạt các quan chức cấp cao như ông Tô Anh Dũng - cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao - và ông Nguyễn Quang Linh - cựu trợ lý cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh- cùng bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ, với khung truy tố có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Đây là vụ án có số lượng luật sư bào chữa kỷ lục. Riêng cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng có 3 luật sư, cựu trợ lý Phó thủ tướng, ông Nguyễn Quang Linh, có 2 người bào chữa…
Kế hoạch “chạy án” triệu đô
Đáng chú ý, truyền thông Việt Nam trước đó dẫn nguồn cơ quan điều tra mô tả việc “các bị can đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc”.
Ngoài hành vi đưa nhận hối lộ, cáo trạng cáo buộc ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, đã nhận 2,65 triệu USD (khoảng 61,6 tỷ đồng) trong khoảng một năm (từ tháng 1 – tháng 12/2022), để chạy án cho hai bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh.
Cơ quan công an xác định hành vi của bị can Nguyễn Anh Tuấn phạm vào tội Môi giới hối lộ, với số tiền môi giới hối lộ là 2,65 triệu USD (tương đương gần 62 tỉ đồng). Trong đó, ông Nguyễn Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 1,85 triệu USD (tương đương gần trên 42,8 tỉ đồng).
Truyền thông Việt Nam miêu tả kế hoạch chạy án vụ chuyến bay giải cứu ly kì như một kịch bản phim.



253 lần hối lộ cho thư ký thứ trưởng
Một vấn đề được quan tâm khác trong vụ án này là người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất là ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ y tế Đỗ Xuân Tuyên. Cáo trạng cho thấy ông Kiên đã có 253 lần nhận hối lộ với số tiền lên tới 42,6 tỷ đồng trong vòng 11 tháng.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo Trương Huy San đặt câu hỏi: “Bạn nghĩ, 253 lần đưa hối lộ ấy là cho thư ký hay cho thứ trưởng?”
Ông Trương Huy San cũng viết rằng khi đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên là người được Bộ Y tế phân công xem xét, "phê duyệt hoặc không phê duyệt các chuyến bay giải cứu theo đề xuất của Bộ Ngoại giao". Và, để được thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phê duyệt, thư ký riêng của ông đã "yêu cầu các bên liên quan nộp một mức phí từ 50 - 200 triệu/1 chuyến bay hoặc 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/1 khách đối với chuyến bay combo và từ 7 đến 15 triệu đồng/1 khách đối với khách lẻ tùy thời điểm".
Bài đăng có đoạn: “trong phiên tòa hôm nay không có tên ông Đỗ Xuân Tuyên; trong số những người bị kỷ luật tới mức phải về hưu cũng không có tên ông Đỗ Xuân Tuyên” của ông San đã nhận được hơn 6,000 lượt thích và hàng trăm lượt chia sẻ sau vài giờ đồng hồ.
Phiên tòa của vụ án dự kiến diễn ra trong 1 tháng, kể cả thứ bảy và chủ nhật.
Giới quan sát cho rằng nỗ lực chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng được đẩy lên một bước với các vụ đại án "chuyến bay giải cứu" và Việt Á.
Tuy thế, cũng có các bình luận rằng để chống tham nhũng thành công thì đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam cần cho phép báo chí hoạt động cởi mở hơn và dần cho tiến tới cơ chế tam quyền phân lập, điều mà "rào cản thể chế" không cho phép.
Việt Nam xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”
Tác giả : Thanh Phương Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-07-11
Hơn 50 quan chức Việt Nam, trong đó có một thứ trưởng Ngoại Giao, ra tòa hôm nay, 11/07/2023, tại Hà Nội trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, tức vụ án tham nhũng liên quan đến các chuyến bay hồi hương công dân Việt Nam trong thời gian đại dịch Covid-19.


Các bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong trang phục bảo hộ tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 29/07/2020. AP - Tran Huy Hung
Theo báo chí trong nước, trong vụ án này có 21 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ với tổng số tiền tổng cộng gần 7 triệu đôla từ khoảng 100 doanh nghiệp để giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép các chuyến bay. Trong số 21 bị cáo này có cựu thứ trưởng Ngoại Giao Tô Anh Dũng, bị cáo buộc đã nhận hối lộ gần 910.000 đôla từ các hãng hàng không để cấp phép cho các chuyến bay hồi hương.
Các bị cáo còn lại bị truy tố về các tội danh đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vào đầu năm 2020, Việt Nam đã là một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới để cố ngăn chận đà lây lan của Covid-19. Để hồi hương những công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài, chính phủ Hà Nội đã tổ chức gần 800 chuyến bay, được báo chí trong nước lúc đó ca ngợi là “những chuyến bay giải cứu đầy ngạo nghễ và tự hào”.
Nhưng những người được hồi hương lại phải đối đầu với các thủ tục phức tạp, phải tự bỏ tiền ra để mua vé máy bay và trả phí cách ly với giá rất cao.
Ngoài vụ “chuyến bay giải cứu”, trong thời gian đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, còn có vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến việc nâng giá kít xét nghiệm của công ty Việt Á. Trong vụ này, ít nhất 100 quan chức và doanh nhân bị bắt giữ.
Phiên xử vụ “chuyến bay giải cứu” tại Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Chính vì các vụ này mà hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã bị cách chức vào đầu năm nay. Ngay cả chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phải từ chức.
----------