Belarus, mối đe dọa đáng lo đối với phương Tây ?
Tác giả : Chi Phương Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-07-11
Vào cuối tuần vừa qua, Ba Lan đã triển khai khoảng 1000 binh lính đến gần biên giới chung với Belarus. Các động thái gần đây của Belarus khiến Ba Lan và các nước vùng Baltique lo ngại, nhất là sau khi Minsk đồng ý tiếp đón hàng ngàn lính đánh thuê Wagner của Nga. Tuy nhiên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO có vẻ khá bình tĩnh về mối đe dọa từ Belarus, trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Liên Minh, diễn ra trong vòng hai ngày 11-12/07/2023, tại thủ đô của Litva.


Lực lượng của Livta đi tuần tra dọc biên giới chung với Belarus ở Kaniukai, Litva ngày 07/07/2023. © REUTERS / JANIS LAIZANS
Là một đồng minh thân cận của Nga, Belarus dưới sự cai trị của Alexandre Loukachenko từ gần ba chục năm qua, tại sao lại gây lo ngại ?
Thủ đô Minks của Belarus nằm cách thủ đô của Litva khoảng 200 km theo đường chim bay. Tại Vilnius, cơ quan tình báo có thái độ . Lãnh đạo số hai tình báo Litva trả lời Le Monde: « Chúng tôi lo ngại rằng trong thượng đỉnh lần này, Bélarus có thể đem vũ khí hạt nhân ra khiêu khích, để làm rối loạn sự kiện này, bằng cách tiến hành các vụ thử vũ khí. Chúng tôi biết Belarus làm ra vẻ nhưng họ biết rằng điều đó sẽ khiến mọi người e sợ. » Vị lãnh đạo này cho biết có những thông tin gây lo ngại về một cuộc tấn công mạng trên diện rộng. Về việc tuyên truyền thông tin giả, từ nhiều tuần qua, Matxcơva và Minks cùng nhau đưa tin là tại thượng đỉnh lần này ở Vilnius, NATO sẽ quyết định những kế hoạch xâm lược Nga và Belarus.
Tình hình về Belarus đáng quan ngại không chỉ vì những đe dọa nói trên mà còn vì cả những hậu quả của cuộc nổi loạn bất thành từ tập đoàn bán quân sự tư nhân Wagner của Yevgeni Prigojin hôm 24 tháng Sáu vừa qua. Lãnh đạo các nước vùng Baltique và Ba Lan, kể từ đó đã nhiều có những tuyên bố bày tỏ lo ngại về việc hàng ngàn lính đánh thuê Wagner đến lãnh thổ nước láng giềng. Tuy nhiên, các nước khác thì lại cho rằng cẩn trọng là trên hết. Hôm 06/07, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Dương NATO Jens Stoltenberg cho biết :« Chúng tôi ghi nhận là có những chuẩn bị để tiếp đón lực lượng Wagner, nhưng chúng tôi vẫn chưa có thông tin xác nhận Wagner đã đến đóng quân ở Belarus ».
Tiềm lực quân sự của Belarus có thể là mối đe doạ cho an ninh khu vực hay không ?
Nhà nghiên cứu tại trung tâm Carnegie Russia Eurasia Center cho rằng: « tổng thống Belarus Loukachenko có thể thu nạp lực lượng Wagner vào các cơ quan an ninh của nước này và sử dụng họ để gây hấn tại biên giới, như ông ấy đã làm từ nhiều năm qua ».
Vào năm 2021, một năm sau cuộc bầu cử tổng thống được cho là gian lận ở Belarus, Loukachenko đã dàn dựng một cuộc khủng hoảng nhập cư tại biên giới của Liên Hiệp Châu Âu, để gây áp lực với khối này, bằng cách dồn ép di dân chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Đông, sang Ba Lan, Litva và Latvia. Đối mặt với nguy cơ xảy ra một âm mưu gây bất ổn mới, Ba Lan và Litva đã thông báo tăng cường an ninh ở biên giới.
Belarus thực hiện các cuộc tấn công hỗn hợp nhưng lại có nguồn lực hạn chế. Ngay cả khi được hỗ trợ bởi lính đánh thuê Wagner, tiềm năng quân sự của Belarus trên thực tế chỉ ở mức vừa phải. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh, quân đội của Belarus vào năm 2022, được cho là ít hơn 50 000 lính, trong đó, chỉ có 11700 trong lực lượng bộ binh.
Năng lực quân sự như vậy là yếu kém, khó có thể tính đến việc tấn công Ukraina và tấn công các quốc gia Baltique - vốn nhận được sự bảo vệ vì là thành viên của NATO. Nếu so sánh, chỉ riêng Ba Lan đã có 115 00 binh sĩ quân đội.
Tuy nhiên, Belarus trở thành một sân sau của quân đội Nga kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina. Matxcơva đã điều động khoảng 9000 binh lính đến đóng quân ở nước này. Kể từ ngày 26/02/2022, tức là hai ngày sau khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina, Belarus đã sửa đổi Hiến Pháp để có thể tiếp nhận vũ khí hạt nhân mà Vladimir Putin đã chính thức đề xuất kế hoạch này vài tuần sau đó. Mục đích của Putin là để gia tăng áp lực với phương Tây, đồng thời tăng cường kiểm soát đối với Belarus - vốn từ chối lưu trữ các loại thiết bị này từ nhiều năm qua.
Tại sao Nga lại muốn chuyển vũ khí hạt nhân cho Belarus ?
Nhà nghiên cứu Artyom Shraibman cho rằng « vũ khí hạt nhân là một phần chiến lược của Putin để khiến Belarus ngày càng phụ thuộc hơn vào Nga, đặc biệt là về mặt quân sự để Belarus thành chư hầu của mình. »
Hôm 06/07/2023, tổng thống Belarus Loukachenko đã khẳng định trước báo chí quốc tế rằng một số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật đã được chuyển đến lãnh thổ của Belarus. Theo ông Loukachenko, những loại vũ khí này có mục đích phòng thủ và « nếu không động chạm đến Belarus thì chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng các loại vũ khí chết người đó. »
Cựu đại tá trong quân đội Ukraina, ông Oleksii Pavliuchyk, hiện là chuyên gia quân sự tại trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc phòng ở Ukraina nhận định rằng « với việc đồng ý tiếp nhận các loại vũ khí hạt nhân, Loukachenko đang phạm phải một sai lầm : đó là sẽ khiến Belarus trở thành một mục tiêu của phương Tây trong trường hợp Nga tấn công Ukraina bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật ».
Các nước phương Tây thuộc khối NATO có chuẩn bị gì để đối phó với vũ khí hạt nhân hay không ?
Các nước đồng minh của Ukraina hiện vẫn thận trọng. Nếu như các tên lửa và các bệ phóng tên lửa Islander đã được bố trí sẵn trên lãnh thổ của mình, thì cho đến nay, các nước này vẫn chưa ghi nhận bất cứ cuộc chuyển giao đầu đạn hạt nhân nào. Một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng những tuyên bố về hạt nhân chỉ là khoa tay múa chân, đó là « chiến lược tạo bóng hù dọa. Họ tìm cách hăm dọa bằng nhiều hành động, nhiều tuyên bố ». Tại điện Elysée của Pháp, các nhà phân tích nhắc lại rằng nếu Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus thì hành động này đi ngược lại với hiệp ước giữa Nga và NATO ký năm 1997. Điều này cũng giống như cuộc tấn công vào Ukraina.
Giám đốc chương trình « Chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí » của tổ chức tư vấn Anh IISS, ông William Alberque cũng đưa ra những nghi ngờ. Ông giải thích rằng « để bảo đảm an toàn của một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân thì cần đến hàng trăm lính Nga». Tuy nhiên, Nga lại cần lực lượng ở Ukraina. Thêm vào đó, điều này đòi hỏi Belarus thay đổi học thuyết của mình, và cho đến nay, các cuộc đàm phán giữa Nga và Belarus vẫn chưa có kết quả nào. Do vậy, liệu Nga có thể thông báo nhanh chóng các cuộc thao dượt quân sự hay chuyển giao vũ khí hạt nhân hay không thì hiện nay có vẻ như là vẫn còn quá sớm.
Theo nhà nghiên cứu Artyom Shraibman, Matxcơva dự tính rằng dù có chuyện gì xảy ra đi nữa thì vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát được Belarus. Ngay khả khi tổng thống Alexandre Loukachenko trấn an rằng ông ấy sẽ không sử dụng đến vũ khí hạt nhân, nhưng Belarus chỉ đóng vai trò « phụ tá », và lãnh đạo Belarus không thể tự quyết định điều gì cả.
Trên hết, điều này cho phép Vladimir Putin có thể tiếp tục đưa ra đe dọa hạt nhân mà ông ta đã làm từ đầu cuộc xâm lược ở Ukraina, để kích động phương Tây từ bỏ việc ủng hộ Ukraina, và buộc Kiev phải ký thỏa hiệp.
----------