Philippines không cấm Barbie vì 'không phải đường chín đoạn': Dư luận Việt Nam đọc nhầm bản đồ?
Nguồn: BBC Tiếng Việt Ngày đăng: 2023-07-12


Bản đồ thế giới gây tranh cãi trong phim Barbie
Philippines hôm 12/7 quyết định không cấm phim Barbie vì phân cảnh trong phim không phản ánh 'đường chín đoạn'.
Thông cáo từ Ủy ban Thẩm định và Phân loại Phim ảnh và Truyền hình (MTRCB) Philippines có nội dung như sau:
"Sau khi đã tiến hành hai phiên thẩm định, thông qua xem xét và tham vấn toàn diện với các cơ quan chính phủ liên quan, bao gồm một chuyên gia về luật pháp tại vùng biển Tây Philippines, Ủy ban Thẩm định và Phân loại Phim ảnh và Truyền hình (MTRCB) phân loại phim "Barbie" là Parental Guidance ("PG"), có nghĩa là người xem dưới mười ba (13) tuổi phải có một bậc phụ huynh hoặc người lớn giám sát."
"Xem xét bối cảnh bức ảnh hoạt hình của nhân vật "Weird Barbie" được mô tả trong phim, Ủy ban Thẩm định thấy thuyết phục rằng cảnh gây tranh cãi không mô tả "đường chín đoạn". Thay vào đó, bản đồ mô tả lộ trình của cuộc hành trình tưởng tượng của Barbie từ Barbie Land sang "thế giới thực", như một phần không thể thiếu của câu chuyện."
MTRCB cho biết đã yêu cầu nhà phân phối Warner Bros làm mờ các đường đứt đoạn gây tranh cãi để tránh những diễn giải sâu xa hơn.
MTRCB khẳng định "đã huy động tất cả các nguồn lực" để đi đến quyết định này, khẳng định trước đây đã "không ngần ngại phạt các nhà làm phim/nhà sản xuất/nhà phân phối nào vì có hình "đường chín đoạn" trong các sản phẩm của họ".


Thông cáo từ Ủy ban Thẩm định và Phân loại Phim ảnh và Truyền hình Philippines (MTRCB) liên quan đến phim Barbie vào hôm nay 12/07
Quyết định của MTRCB đã được chuyển đến Thượng nghị sĩ Francis Tolentino, Phó chủ tịch ngoại giao Thượng viện Philippines, người trước đó đã tuyên bố nếu 'đường chín đoạn' thật sự được mô tả trong phim 'Barbie' thì bộ phim phải bị cấm vì vi phạm đến chủ quyền của Philippines.
Bộ phim Barbie sẽ được phát hành tại Philippines vào ngày 19/07 và khởi chiếu tại Mỹ vào ngày 21/07 tới đây.
MTRCB lưu ý các đường với bản đồ trong phim không có hình chữ U và chỉ có tám đoạn quanh một khối lãnh thổ được đánh dấu là "châu Á" và cho biết thêm Philippines, Malaysia, và Indonesia không được nhìn thấy trên bản đồ gây tranh cãi này.
Ủy ban thẩm định phim của Philippines đồng thời cho biết thêm cách thể hiện bản đồ này "tương phản" với hai phim bị cấm trước đó là 'Abominable' và 'Uncharted'.
Việt Nam cũng đã cấm phim 'Abominable' (Everest: Người tuyết bé nhỏ) năm 2019 và 'Uncharted' (Thợ săn cổ vật) năm 2022 với lý do là có 'đường lưỡi bò'.
Warner Bros chưa đưa ra tuyên bố chính thức sau quyết định hôm nay của Philippines.


Hai diễn viên chính trong phim live-action Barbie, Margot Robbie và Ryan Gosling
Dư luận Việt Nam có đọc nhầm bản đồ?
Ngày 06/07, Reuters dẫn tuyên bố từ nhà phát hành phim Barbie, hãng Warner Bros rằng bản đồ trong phim là vô hại.
"Bản đồ trong Barbie Land là nét vẽ bút chì màu như của trẻ con và mang tính giả tưởng từ Barbie Land sang thế giới thực. Hình vẽ này không mang dụng ý đưa ra bất kỳ hình thức tuyên bố nào", Warner Bros tuyên bố.
Nhà báo James Palmer trong một bài viết trên Foreign Policy ngày 11/07 đề cập về vấn đề những bản đồ không chính xác khi kiểm duyệt:
"Từ các hình ảnh có từ phim Barbie, dường như đây là một sai lầm đơn giản: Ngoài chuyện 'đường chín đoạn' được chuyển đến Biển Nhật Bản hoặc Iceland, cơ quan kiểm duyệt của Việt Nam đã sai lầm khi cho rằng một hành trình đầy phép màu của Barbie lại là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc."
Viết trên trang Toronto Star hôm 05/07, nhà báo Vinay Menon đặt ra hàng loạt câu hỏi:
"Bản đồ này mang tính giả tưởng, theo hình thức hoạt hình. Lục địa châu Âu ở đâu? New Zealand ở đâu? Những con tàu có cánh buồm đại diện gì? Tại sao có vương miện của một anh hề nằm ngay trên Iceland? Dòng hashtag trôi nổi trên đại dương là gì? Đây có phải là cây thông Giáng sinh không? Tạo sao châu Phi bị biến dạng và tại sao có mặt trời ở gần Tanzania?"
"Ai thiết kế bản đồ này? Đảng Cộng sản Trung Quốc có tham gia đưa ý kiến hay không? Hay nam diễn viên Will Ferrel [người thủ vai CEO hãng Mattel] là gián điệp cho Bắc Kinh? Hoặc đây là một ví dụ khác cho thấy Hollywood không để ý đến những chi tiết nhỏ, dẫn đến bùng phát một vấn đề lớn".
Và ông kết luận, "Barbie lẽ ra nên ở trong Barlie Land. Cô ấy không sẵn sàng bước ra thế giới thực."
Trước đó, vào ngày 03/07, Việt Nam đã tuyên bố cấm phim Barbie. Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết bộ phim điện ảnh Barbie bị cấm vì có chứa thông tin nhạy cảm về 'đường lưỡi bò".
Báo chí Việt Nam đưa tin tức Barbie bị cấm nhưng chỉ dẫn lời Cục Điện ảnh, không nêu cụ thể phân cảnh nào trong phim có chứa 'đường lưỡi bò'.
Sau đó đã có luồng dư luận hoài nghi về tính chính xác trong nét đứt đoạn trên bản đồ mà Việt Nam xem là 'đường lưỡi bò' và quyết định cấm.
Và có câu hỏi đặt ra việc cấm chiếu phim Barbie đã gây thiệt hại như thế nào cho các nhà phát hành phim ở Việt Nam như Galaxy, CGV phải gỡ bỏ lịch chiếu chưa đến ba tuần trước ngày công chiếu chính thức là 21/07.
Có ý kiến cho rằng đường đứt đoạn này thực ra bao quanh đảo Greenland và các nước Ireland và Iceland ở Bắc Đại Tây Dương.
Khối hình này nằm thẳng ở phía trên một hình ghi là 'Africa' (châu Phi) và tách biệt hình 'Asia' (châu Á) ở phía góc phải.
Một tài khoản Facebook Tifosi, thân chính phủ Việt Nam, viết trên Facebook:
"Xem ai tinh mắt nào. Bạn có biến lưỡi bò thành tro thì chúng tôi cũng nhận ra, đừng hòng lừa đảo tinh vi để kiếm tiền nhé."
Tuy nhiên, sau quyết định của Philippines, vấn đề "ai tinh mắt" hơn có lẽ sẽ bị dư luận chất vấn.
Nhà chức trách Việt Nam gần đây liên tiếp đưa ra những động thái trấn áp mạnh tay với 'đường lưỡi bò' hay nhấn mạnh đến chủ quyền lãnh hải dường như đã làm gia tăng tinh thần dân tộc trong nước.
Sau Barbie, hôm 04/07, IME Vietnam, công ty tổ chức concert Born Pink đã phải giải trình sau khi nhiều khán giả phát hiện trang chủ website IME có đăng bản đồ hình ảnh 'đường lưỡi bò'.



Hôm nay 12/07, đúng bảy năm ngày Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration "PCA") ở The Hague (Hà Lan) ban hành phán quyết cho vụ kiện Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines.
Tuyên bố của tòa là "không có cơ sở pháp lý" cho việc Trung Quốc đòi hỏi "quyền lịch sử" trên những tài nguyên tại các vùng biển nằm trong bản đồ "đường chín đoạn" ở Biển Đông mà Thủ tướng Chu Ân Lai trong tuyên bố ngày 15/8/1951 đã chính thức đưa yêu sách đòi toàn bộ "chủ quyền" Biển Đông, gây tranh chấp với các nước Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Bảy năm sau tuyên bố của PCA, Trung Quốc vẫn ngày càng thể hiện thái độ xác lập trong vấn đề Biển Đông qua việc xây lắp đảo nhân tạo và cắt cử lực lượng hải quân tuần tra bất chấp sự tuyên bố từ các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh hải trong khu vực bao gồm Việt Nam.
Đường chín đoạn (Nine-dash line), còn gọi là Đường Chữ U (U-shape line), hoặc Đường Lưỡi Bò là đường ranh giới mà Trung Quốc đề ra trên Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Paracels và Spratlys mà phía Việt Nam gọi là Hoàng Sa và Trường Sa.
'Đường chín đoạn' có khu vực chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Đài Loan và Brunei.
Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Mỹ đã tuyên bố không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh hải nhưng đã cắt cử tàu chiến và máy bay đến gần các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông, tuyên bố là những hoạt động vì "tự do hàng hải".
Mới nhất, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã có lần cập cảng hiếm hoi Đà Nẵng (25-30/06) sau khi phải hủy bỏ hồi năm ngoái.
Ngày 04/07, Đại tá Raymond M. Powell từ Đại học Stanford nhận định với BBC News Tiếng Việt, "Năng lực hải quân Việt Nam không thể nào sánh được với Trung Quốc nhưng việc một tàu sân bay Mỹ cập cảng ở Việt Nam cho thấy có những cách khác để gây ảnh hưởng đến các tham vọng từ Bắc Kinh."
----------