Phương Tây cần mạnh dạn, Bắc Kinh sắp sụp đổ
Tác giả : Roger Garside
Biên dịch : Bảo Nguyên
Nguồn: NTD Vn Ngày đăng: 2023-07-19


Một màn hình ngoài trời chiếu bản tin trực tiếp về việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu trong phiên bế mạc của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân, dọc theo một con phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 13/03/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)
Các điều kiện đang chín muồi. Các nền dân chủ tự do phải mạnh dạn giúp những người dân ở Trung Quốc muốn thay đổi hệ thống chính trị đạt được điều đó.
Tôi đã viết xong cuốn “Cuộc đảo chính ở Trung Quốc: Bước nhảy vọt đến tự do” vào tháng 12/2019, ngoại trừ một chương về COVID-19 được thêm vào sau đó. Nếu tôi viết cuốn sách này vào thời điểm hiện nay, tôi sẽ có những thay đổi lớn nào?
Trong cuốn sách, tôi đã nhắc lại lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào năm 1967, “Thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi”, và tôi đã khẳng định rằng lời cảnh báo của ông ấy đã mang một tính cấp bách mới. Kể từ đó, ông Tập Cận Bình đã lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở rộng sự kiểm soát của mình đối với mọi lĩnh vực của xã hội. Sự sẵn sàng quay trở lại các phương pháp và chiến lược của Mao Trạch Đông đã trở nên rõ ràng hơn. Cuộc diệt chủng ở Tân Cương và việc bóp chết tự do ở Hong Kong đã cho thấy chế độ này hoàn toàn coi thường các chuẩn mực văn minh. Các lời đe dọa sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Loan đã tăng lên gấp bội và khoảng thời gian đe dọa đã được rút ngắn. Tham vọng thống trị thế giới của ĐCSTQ đang trở nên trắng trợn hơn.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào tháng 11/2022, những nhân vật ngoài đời thực, những người đang lãnh đạo cuộc đảo chính nửa hư cấu của tôi chống lại ông Tập và khởi xướng một quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ đã bị loại bỏ và được thay thế bằng những người biết ơn ông Tập về sự thăng tiến. Đại hội đó đã củng cố sự kìm kẹp của ông Tập đối với các đòn bẩy quyền lực cứng, Bộ Chính trị, quân đội và bộ máy an ninh, đồng thời bổ nhiệm ông cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có với tư cách là tổng bí thư của ĐCSTQ.
Trong “Cuộc đảo chính ở Trung Quốc”, tôi đã viết, “Thách thức hiện nay [là] phát triển một chiến lược, kết hợp các biện pháp công khai và bí mật, để tạo ra các điều kiện mà trong đó, các đối thủ của ông Tập ở Trung Quốc sẽ có thể phế truất ông ta khỏi chức vụ và khởi động quá trình chuyển đổi sang dân chủ”.
Nhiều độc giả đã rất ngạc nhiên và phản ứng với thái độ hoài nghi; nhiều người đọc nó ngày nay cũng phản ứng như vậy. Chắc chắn rằng ông Tập đã ngày càng mạnh hơn, nền kinh tế Trung Quốc sắp vượt qua Mỹ và sức mạnh quân sự của nước này đang tăng lên hàng năm. Làm thế nào phương Tây có thể hy vọng làm được nhiều hơn việc thích nghi với sự trỗi dậy của quốc gia này?
Khi đó tôi đã khẳng định - và bây giờ tôi vẫn khẳng định - rằng chế độ độc tài toàn trị đang cai trị Trung Quốc sẽ bị diệt vong và quá trình chuyển đổi sang dân chủ và pháp quyền sẽ được bắt đầu trong những năm tới. Ba phần tư cuốn “Cuộc đảo chính ở Trung Quốc” là một phân tích thực tế giải thích tại sao điều này sẽ xảy ra; phần tư còn lại là bán hư cấu và minh họa cách nó có thể xảy ra. Những người đàn ông lãnh đạo cuộc đảo chính bán hư cấu của tôi đã rời khỏi cuộc chơi, nhưng những động lực mà cuốn sách của tôi xác định là đang hoạt động nhằm xói mòn sự cai trị toàn trị của ĐCSTQ đã trở nên mạnh mẽ và rõ ràng hơn kể từ tháng 12/2019.
Nếu tôi viết cuốn sách này tại thời điểm hiện nay, tôi sẽ không thay đổi tiến trình của các sự kiện trong tương lai mà thậm chí còn khẳng định mạnh mẽ hơn rằng các nền dân chủ tự do phải mạnh dạn làm việc để giúp những người ở Trung Quốc muốn thay đổi hệ thống chính trị đạt được điều đó và rằng các điều kiện đang chín muồi để thành công.
Để đánh giá sức mạnh thực sự và sự lâu bền của chính quyền Trung Quốc, chúng ta phải ghi nhớ hai sự thật quan trọng. Đầu tiên, chế độ này có quyết tâm cao độ và kỹ năng đáng kể trong việc xây dựng và truyền bá một quan điểm thống nhất về thế giới, điều này trái ngược với sự đa dạng phổ biến trong các xã hội nơi tự do ngôn luận là chuẩn mực. Thứ hai, một chính thể như ĐCSTQ có khả năng tập trung nguồn lực tốt để đạt được những mục tiêu nhất định và thường tỏ ra tàn nhẫn trong việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu của mình trong một số mối quan hệ. Nhưng hãy nhìn kỹ vào bức tranh rộng lớn hơn, nhìn đằng sau câu chuyện tuyên truyền được mài dũa kỹ càng, và một bức tranh rất khác hiện ra, cả trong nước và quốc tế.


Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (phía trước - trung tâm) và các quan chức hải quân Trung Quốc và nước ngoài vỗ tay sau khi chụp ảnh tập thể trong một sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, ngày Ngày 23/04/2019. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AFP qua Getty Images)
Vấn đề kinh tế trong nước
Cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chuyên quyền trong thế kỷ này đang được tiến hành mạnh mẽ nhất trên chiến trường kinh tế, và những diễn biến trên mặt trận đó kể từ khi tôi viết xong cuốn sách của mình vào tháng 12/2019 là không có lợi cho Trung Quốc.
Trong nhiều năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo rằng kể từ năm 2008, Trung Quốc đã phân bổ sai nguồn vốn trên quy mô lớn (theo Bloomberg, nước này đã đạt kỷ lục lịch sử thế giới là 175% tổng sản phẩm quốc nội), dẫn đến sự suy giảm liên tục đối với lợi tức đầu tư và làm chất đống một núi nợ với tỷ lệ rất nguy hiểm. Giờ đây, những vấn đề đã xuất hiện.
Trước khi sụp đổ, ngành bất động sản chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sau khi xem xét toàn bộ chuỗi cung ứng và đầu vào của nó. Trước COVID, doanh số bán đất chiếm 30 đến 40% thu nhập của chính quyền địa phương. Vào năm 2022, dòng doanh thu đó đã giảm gần một phần tư. Giờ đây, theo ông Julien Garran của MacroStrategy Partnership, trong cả hoạt động phát triển bất động sản và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương, các mô hình Ponzi đã trở thành bệnh đặc hữu. [Mô hình Ponzi: mô hình lừa đảo lấy tiền của người tới sau trả cho người tới trước].
Ông Garran cho biết: “Các nhà phát triển bất động sản đã bán bất động sản trên giấy tờ và tăng nợ, không phải để xây dựng những bất động sản đó, mà để xây dựng vòng bất động sản trước đó mà họ đã bán trên giấy tờ. Các chính quyền địa phương, những người phát hành các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương để chi trả cho chi tiêu cơ sở hạ tầng, vốn không nhận được tiền lãi, nhưng lại phải trả lãi suất 4,3%. Họ đã bán đất để tạo thu nhập trang trải lãi suất. Nhưng khi doanh số bán đất cạn kiệt vào năm ngoái do các nhà phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán, chính quyền địa phương đã tạo ra các phương tiện tài chính để mua một nửa số đất mà họ đã bán vào năm ngoái, để trả lãi cho những công cụ [tài chính] mà họ đã bán trước đó”.
Sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với tài chính của chính quyền địa phương mà còn đối với tiền tiết kiệm của các hộ gia đình (78% trong số đó đã được đầu tư vào bất động sản) và rộng hơn là nền kinh tế: Thất nghiệp gia tăng (trong giới trẻ thành thị, kể cả sinh viên tốt nghiệp, thất nghiệp đã đạt 20%), và số doanh nghiệp nhỏ thất bại nhiều hơn nhiều so với số doanh nghiệp nhỏ được tạo ra. Những vấn đề này đang tấn công một xã hội không có hệ thống phúc lợi đầy đủ.
Đặng Tiểu Bình đã rất có lý khi nhận ra rằng nếu ĐCSTQ muốn giữ độc quyền về quyền lực, thì nó phải giành được sự chấp nhận của người dân bằng cách thực hiện một thỏa thuận ngầm với họ: "Chúng tôi cho phép bạn trở nên giàu có, và bạn cho phép chúng tôi cai trị". Khi người dân đe dọa chấm dứt hợp đồng đó vào năm 1989 với một trong những phong trào dân chủ lớn nhất trong lịch sử thế giới [vụ biểu tình Thiên An Môn], chính quyền đã đàn áp phong trào này bằng lực lượng vũ trang nhưng đã gia hạn hợp đồng bằng cách tăng cường quy mô tạo ra của cải thông qua chiến dịch tư nhân hóa lớn nhất trong lịch sử thế giới. Để giành được và giữ lòng trung thành của các quan chức cai trị dưới danh nghĩa của chính quyền, nó đã cấu trúc quá trình tư nhân hóa đó theo cách mà các quan chức có thể làm giàu cho mình trong cơ hội tham nhũng lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Trong nhiều thập kỷ, hai cánh tay chiến lược của ĐCSTQ đã hoạt động tốt, nhưng giờ thì không còn nữa. Không chỉ là nền kinh tế hiện đang gặp khó khăn sâu sắc. Sự tôn trọng đối với năng lực quản lý vốn là chìa khóa để duy trì quyền lực của ĐCSTQ cũng đã bị hủy hoại theo những cách khác.
Vấn đề về quản lý
Chiến lược zero-COVID, thứ mà ông Tập khoe khoang sẽ cho thế giới thấy tính ưu việt của hệ thống chính trị Trung Quốc, đã cho thấy điều ngược lại. Sự kết hợp giữa sự bất mãn của người dân đối với những hạn chế khắc nghiệt của các biện pháp kiểm soát COVID-19 và thiệt hại mà chúng gây ra cho nền kinh tế đã buộc ĐCSTQ phải từ bỏ nó một cách đột ngột, thiếu chuẩn bị và một cách ô nhục chỉ vài tuần sau khi ông Tập tái khẳng định chính sách đó.
Chiến lược dung túng tham nhũng cho các quan chức, thứ đã giữ lòng trung thành của họ trong 30 năm, hiện đang phản tác dụng. Nó làm suy yếu động lực tự cung tự cấp trong sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Ở cấp cao nhất, các quan chức và doanh nhân đứng đầu đã bị kết tội biển thủ những khoản tiền khổng lồ. Trên khắp đất nước, các chính quyền khu vực đã thành lập các tổ chức có nhiệm vụ theo đuổi mục tiêu tự cung tự cấp nhưng thực chất là để bòn rút tài trợ của chính quyền trung ương nhằm trục lợi cá nhân. Ngay cả nhiệm vụ đơn giản hơn là nâng cao tiêu chuẩn của hiệp hội bóng đá để tạo ra một đội tuyển quốc gia đẳng cấp thế giới cũng bị sa lầy trong tham nhũng.
Trong ba thập kỷ, chiến lược cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình đã mang lại cho người dân hy vọng, một số tự do và cơ hội mới. Giờ đây, suy thoái và đóng cửa đang cô lập chính những người dân, những đối tượng đã làm việc chăm chỉ và tạo ra của cải cho doanh nghiệp.


Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự khai mạc kỳ họp đầu tiên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 14 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 05/03/2023. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)
Diễn biến trên trường quốc tế
Sự ngờ vực và vỡ mộng đã thay thế niềm tin và hy vọng, không chỉ ở quê nhà. Điều này cũng đúng trên trường quốc tế. Vấn đề này vốn đã rõ ràng khi tôi viết vào năm 2019, nhưng các sự kiện kể từ đó đã đẩy nhanh quá trình này. Các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, từ chỗ là các đối tác hiền hòa, đã trở thành các đối thủ thù địch với Trung Quốc. Điều gì đã gây ra điều này?
Có ba sự phát triển nổi bật. Thứ nhất, đàn áp bạo lực phong trào dân chủ ở Hong Kong và việc từ bỏ luật pháp ở đó vi phạm một hiệp ước quốc tế, Tuyên bố chung Trung-Anh. Theo tuyên bố này, các bên đã hứa sẽ tiếp tục “một quốc gia, hai chế độ” trong 50 năm.
Thứ hai, việc che đậy COVID-19 vào đầu năm 2020 đã cho thế giới thấy rằng chế độ này không thể tin cậy được trong một vấn đề có tầm quan trọng quốc tế cao nhất.
Thứ ba, ông Tập đã bật đèn xanh cho Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine vào năm 2022. Trước đó, việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, quân sự hóa Biển Đông, theo đuổi mua bán dựa trên sự ép buộc thay cho tự do thương mại, việc coi thường Luật Biển và nạn diệt chủng ở Tân Cương đã dần dần khiến Mỹ và các đồng minh của họ nhận ra rằng chế độ của ông Tập Cận Bình đang cố tình phá hoại trật tự quốc tế tự do, thứ đã được xây dựng từ Thế chiến II.
Trước những sự kiện này, các nền dân chủ tự do đã phản ứng về mặt chính trị, quân sự và trên hết là kinh tế. Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan và Philippines đã xích lại gần nhau hơn và xích lại gần Mỹ hơn để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Ở các tốc độ khác nhau và với mức độ miễn cưỡng khác nhau, các quốc gia châu Âu đã đi theo sự dẫn dắt của Mỹ và mất niềm tin vào học thuyết tìm kiếm hòa bình thông qua thương mại.
Việc thừa nhận rằng các nền dân chủ phải ngừng bán cho Trung Quốc các công nghệ làm xói mòn vị trí dẫn đầu về công nghệ của họ là một bước tiến lớn và đang khiến Bắc Kinh vô cùng lo lắng. Nhưng phương Tây phải đi xa hơn. Họ phải sẵn sàng tấn công khi có cơ hội. Cuộc chiến ở Ukraine có thể tạo ra một cơ hội như vậy. Nếu Ukraine thắng Nga trên chiến trường, điều này có thể hủy diệt ông Putin và gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền lực của ông Tập. Việc ông Tập ủng hộ cuộc xâm lược của Nga đã gây tranh cãi lớn trong giới tinh hoa của ĐCSTQ. Bất ổn chính trị có thể tạo cơ hội giúp đỡ kẻ thù trong nước của ông Tập.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng trong tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm của họ tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, vào ngày 21/03/2023. (Ảnh: Pavel Byrkin/Sputnik/AFP qua Getty Images)
Phương Tây cũng phải huy động lợi thế có được do họ có thể kiểm soát các thị trường vốn sâu nhất thế giới và các nguồn vốn lưu động quốc tế lớn nhất. Hiện tại, họ cho phép các công ty Trung Quốc không tiết lộ thông tin tài chính đầy đủ truy cập vào các sàn giao dịch của phương Tây, và phương Tây rót hàng tỷ USD vốn vào các công ty, trong khi các tổ chức này vẫn đang liên tục bổ sung sức mạnh quân sự cho Trung Quốc. Khả năng hạn chế việc tiếp cận các tài sản này là một vũ khí chiến lược tương xứng với sức mạnh của vũ khí hạt nhân. Phương Tây phải sử dụng nó khi có cơ hội - hoặc khi nguy hiểm đe dọa.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
----------