Liệu Trung cộng _ Nga _ Bắc Hàn có phóng vũ khí hạt nhân?
Tác giả : Gordon G. Chang
Biên dịch : Tuệ Minh
Nguồn: Báo Mai Ngày đăng: 2023-08-22


Từ trái sang phải: Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mối quan hệ chặt chẽ hơn với cả Bắc Kinh và Moscow sau cuộc chiến Ukraine có nghĩa là ông Kim phải đối mặt với một hành động cân bằng mong manh. (Nguồn ảnh Kyodo,KCNA)
Trong tuần này, Nhóm Tác chiến Hàng không mẫu hạm Số 5 của Hải quân Hoa Kỳ, với tàu chủ chốt là USS Ronald Reagan, đã di chuyển ngoài khơi bờ biển phía đông của Đài Loan.
Thật vui mừng vì họ đã có mặt ở đó. Trung cộng hiện đang nổi cơn thịnh nộ ngoại giao dữ dội hơn thường lệ vì chính phủ Tổng thống Biden đã tạo điều kiện cho ông Lại Thanh Đức (William Lai Ching-te), Phó Tổng thống Đài Loan, thực hiện hai chặng “quá cảnh” ở New York và San Francisco trên hành trình đến và đi từ Paraguay.



Đáp lại, Bắc Kinh đã hứa hẹn sẽ có “các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ.” Đã có nhiều hành động khiêu khích bằng không quân và hải quân của Trung cộng gần quốc đảo cộng hòa đang bị bao vây tứ phía này trong vài ngày qua. Ngay khi ông Lại đến New York, Bộ Ngoại giao Trung cộng đã gọi Đài Loan là “trung tâm của các lợi ích cốt lõi của Trung cộng.”
Thế thì, liệu Trung cộng có định gây chiến sớm hay không? Và nếu chiến tranh xảy ra, liệu Trung cộng có lôi kéo các cường quốc trên thế giới không vào cuộc xung đột đó hay không?
Chính quyền Trung cộng đã tuyên bố “chiến tranh nhân dân” nhắm vào Hoa Kỳ, và đang tiến hành một cuộc chiến như vậy với các chiến thuật “chiến tranh không giới hạn” của mình.



Nhưng còn “chiến tranh nóng” thì sao? Như ông Henry Kissinger đã nói hồi đầu tháng Sáu với Bloomberg, cuộc chiến giữa Trung cộng và Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan là “có thể xảy ra.” Trung cộng vẫn có thể bị răn đe sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan hầu như chắc chắn khiến quân đội Trung cộng phải suy nghĩ lại nhưng có một điều ngày càng có nhiều khả năng xảy ra: Nếu xảy ra chiến tranh, Nga và Bắc Hàn sẽ chiến đấu cùng với Trung cộng. Thế giới đang chia thành nhiều phe.



Trung cộng đang nói với thế giới rằng ông Lại chỉ là một người khiêu khích. Có điều, ông ấy hiện đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào ngày 13/01/2024, và Bắc Kinh cảm thấy không hài lòng, ít nhất là như vậy. Nhà cầm quyền cộng sản Trung cộng xem ông Lại, người tranh cử theo đường lối của Đảng Dân Chủ Tiến Bộ, là ứng cử viên “theo chủ nghĩa ly khai.” Bắc Kinh đã gán cho người dẫn đầu cuộc đua này “kẻ gây rắc rối chính hiệu.”



Một nhà quan sát người Mỹ về các vấn đề Trung cộng, ông Guermantes Lailari đầy kinh nghiệm và tinh tường, cho rằng lãnh đạo Trung cộng Tập Cận Bình sẽ đưa quân tới Đài Loan trong tháng này, có lẽ sẽ chiếm một trong những hòn đảo ngoài khơi của quốc đảo này. Những người khác tin rằng ông Tập sẽ đợi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng Một năm sau trước khi quyết định phải làm gì. Các nhà phân tích này xem các cuộc tập trận quân sự của Trung cộng chỉ đơn thuần là một chiến thuật hù dọa, nhằm kích khởi “nỗi sợ chiến tranh” của Đài Loan.
Trong bất kỳ trường hợp nào, ông Tập đều có những lý do nội bộ để gây chiến: Các chính sách đối nội của ông ta đang nhanh chóng thất bại và lối thoát duy nhất của ông ta đó là tập hợp người dân Trung cộng với một cuộc khủng hoảng. Trên thực tế, ông ta không chỉ nói về chiến tranh mà còn nhanh chóng chuẩn bị để phát động chiến tranh.



Một trong những công tác chuẩn bị đó là tuyển mộ các chiến sĩ. Như ông Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với Viện Gatestone, “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ cố gắng lôi kéo những quốc gia mà Bắc Kinh tin là đồng minh của họ.”
Ông Tập đặc biệt tin tưởng vào Nga và Bắc Hàn. Hồi đầu tháng này, Hải quân Nga và Trung cộng đã gửi 11 tàu tới quần đảo Aleut trong một cuộc tập trận vô cùng khiêu khích. Nỗ lực này gần như chắc chắn là nhằm thể hiện rằng Moscow sẽ sát cánh cùng Trung cộng chiến đấu chống lại Hoa Kỳ vì vấn đề Đài Loan. Trong cuộc tập trận chung này, Trung cộng và Nga đã cho thấy những bước tiến trong việc đạt được khả năng tương tác bằng cách phát triển khả năng chỉ huy và kiểm soát chung, trong số những thành tựu khác.



Hơn nữa, qua biểu hiện lời nói thì Bắc Hàn đang đứng về phía Bắc Kinh. Hôm 04/08, cơ quan về các vấn đề Trung cộng của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn đã gọi gói viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Đài Loan là một “hành động khiêu khích quân sự và chính trị nguy hiểm.” Một tuyên bố của cơ quan này nói rằng: “Đó là ý đồ thâm độc của Hoa Kỳ nhằm biến Đài Loan thành một căn cứ tiền phương không thể bị đánh bại để chống lại Trung cộng và là chiến hào tuyến đầu để thực hiện chiến lược răn đe Trung cộng của mình.” Rõ ràng, Bắc Kinh đã dựa vào quốc gia phụ thuộc của mình để đưa ra tuyên bố không liên quan gì đến Bắc Hàn.



Ông Copley, cũng là tổng biên tập của tờ Chính sách Chiến lược Quốc phòng và Ngoại giao, cho rằng Trung cộng không phải là nhà lãnh đạo như lớp vỏ bọc bên ngoài của họ. Ông nói: “Moscow có thể sẽ không đoạn tuyệt với Bắc Kinh nếu Bắc Kinh tiến hành chiến tranh thâu đoạt Đài Loan, nhưng điều khiến họ miễn cưỡng nhất trên thực tế là phải cung cấp viện trợ quân sự, hoặc quân đội, cho Bắc Kinh. Ông nói rằng có đi thì mới có lại vì Trung cộng đã không cung cấp cho Moscow tất cả những gì họ cần để chiến đấu ở Ukraine.
Tương tự, ông Copley tuyên bố rằng “Ông Kim Jong Un không dễ gì mà đối đầu với CHND Trung Hoa, nhưng ông ta sẽ cẩn trọng trong việc ủng hộ ông Tập chống lại Đài Loan.” “Đúng vậy,” ông Copley nói, “sẽ có ‘các cuộc thao diễn’ về năng lực hỏa tiễn và năng lực hạt nhân của Bắc Hàn, nhưng ông Kim sẽ miễn cưỡng làm bất cứ điều gì có khả năng liên quan đến sự trả đũa quy mô lớn.”
Ông Copley đã đúng khi cho rằng Nga và Bắc Hàn có thể muốn đứng ngoài cuộc xung đột về vấn đề Đài Loan, nhưng còn có những yếu tố khác đang tác động.



Đầu tiên, một cuộc tấn công vào Đài Loan của Trung cộng sẽ cho phép Moscow và Bình Nhưỡng giành lấy những vùng lãnh thổ mà họ đã thèm muốn từ lâu. Người Nga thì mong muốn có được toàn bộ đảo phía bắc của Nhật Bản, quần đảo Kuril, còn Bắc Hàn thì lại muốn thâu tóm toàn bộ Nam Hàn.
Thứ hai, Nga và Bắc Hàn đặc biệt phụ thuộc vào Trung cộng, còn Trung cộng sẽ nương tựa vào cả hai quốc gia này bằng tất cả những gì họ có.
Thứ ba, Moscow và Bắc Kinh đã là đối tác thân thiết trong chiến đấu tại Bắc Phi, nơi họ đang thúc đẩy các cuộc nổi dậy trông giống như chiến tranh.
Thứ tư, ông Tập Cận Bình, ông Vladimir Putin, và ông Kim Jong-un nhìn thế giới theo cùng một cách, và họ đều nhận ra rằng không ai trong số họ sẽ đạt được mục tiêu của mình trừ khi họ loại bỏ được Hoa Kỳ.



Có lẽ mối lo ngại lớn nhất là cả ba chế độ này đều có chung một học thuyết về vũ khí hạt nhân “leo thang để giảm leo thang” hoặc “leo thang để giành chiến thắng”: đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn cản các nước khác bảo vệ các nạn nhân mà họ dự định nhắm vào. Ông Tập và ông Putin dường như có khả năng sẽ thực sự sử dụng loại vũ khí có khả năng hủy diệt lớn nhất của họ. Về vấn đề đó, ông Kim là một ẩn số, nhưng từ đời ông cha của ông Kim đã luôn tin tưởng vào việc hạ gục các quốc gia khác bằng thứ vũ khí này. Ông Kim Jong-il, cha của lãnh đạo đương thời Bắc Hàn, nói: “Nếu chúng ta thua, tôi sẽ hủy diệt thế giới.”
Ông Kim Jong-un rõ ràng đã được truyền cảm hứng từ các cảnh báo hạt nhân của ông Tập và ông Putin. Bắt đầu từ năm ngoái và kéo dài đến tháng Ba năm nay, ông Kim đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân phủ đầu. Năm ngoái, chế độ của ông Kim thậm chí còn ban hành luật cho phép việc sử dụng như vậy.



Khi những kẻ xâm lược đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Hoa Kỳ sẽ phải lên dây cót tinh thần rằng Trung cộng, cùng với những người bằng hữu của họ, đang sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được điều họ muốn.
Gordon G. Chang _ Tuệ Minh
----------