Nga - Ukraine: Vì sao chiến đấu cơ F-16 có thể thay đổi cục diện cuộc chiến?
Tác giả : Katya Khinkulova Nguồn: BBC Ngày đăng: 2023-08-24


Máy bay chiến đấu F-16 là loại vũ khí chiến lược do Mỹ chế tạo
Ukraine đã yêu cầu Phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu kể từ những ngày đầu Nga xâm lược. Việc Mỹ cuối cùng chấp thuận cho Đan Mạch và Hà Lan bàn giao một số chiến đấu cơ F-16 của họ có khả năng mang lại một sự thay đổi quan trọng trong cách cuộc chiến này đang diễn ra.
Chuyến đi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới hai quốc gia châu Âu vào tuần trước đã dẫn đến một thỏa thuận để Ukraine nhận được tổng cộng 61 chiến đấu cơ - 42 chiếc từ Hà Lan và 19 chiếc từ Đan Mạch, ông cho biết.
Viết trên Twitter rằng đó là một "ngày mạnh mẽ và hiệu quả", tổng thống Ukraine gửi lời cảm ơn sâu sắc tới cả hai nước này và Mỹ vì đã tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Cũng giống như xe tăng Leopard và tên lửa phòng không Patriot trước đó, việc chuyển giao chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất là kết quả của các cuộc đàm phán kéo dài.
Phản ứng của Nga
Các cường quốc Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã miễn cưỡng chấp thuận việc chuyển giao này, e ngại có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp hơn với Nga.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo rằng các nước Phương Tây sẽ phải đối mặt với "rủi ro lớn" nếu họ cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine.
Đại sứ Nga tại Đan Mạch, Vladimir Barbin, đã lặp lại quan điểm này hôm 21/8 với một hãng thông tấn Đan Mạch rằng "việc Đan Mạch hiện quyết định tặng 19 máy bay F-16 cho Ukraine dẫn đến xung đột leo thang".
Lịch trình chuyển giao F-16
Ukraine và những người ủng hộ họ đã vận động hàng tháng trời để chuyển giao các máy bay chiến đấu này, với lập luận rằng ưu thế trên không so với Nga là cách duy nhất để đẩy nhanh nỗ lực chiếm lại lãnh thổ Ukraine.
Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yury Ihnat cho biết hồi tháng Năm: "Khi chúng tôi có F-16, chúng tôi sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này".
Điều này đã được nhiều người ở Phương Tây lặp lại, với việc các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng tiến hành một cuộc chiến mà không có sự hỗ trợ đáng kể từ trên không đồng nghĩa với tổn thất nhân sự lớn hơn mà lẽ ra có thể tránh được.


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen bên máy bay chiến đấu F-16 tại Căn cứ không quân Skrydstrup ở Đan Mạch, vào ngày 20/8/2023
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen chia sẻ về động cơ và kế hoạch bàn giao: "Mục đích của việc bàn giao này là để bảo vệ Ukraine. Chúng tôi dự định cung cấp các chiến đấu cơ vào cuối năm nay, khoảng 6 chiếc, sau đó là 8 chiếc vào năm sau và sau đó là năm chiếc nữa."
Việc chuyển giao sẽ mất khoảng vài tháng, có nghĩa là Ukraine sẽ chưa thể bắt đầu sử dụng chúng trong thời gian tới.
Kế hoạch gửi những chiếc máy bay cuối cùng của Đan Mạch vào năm 2025 cho thấy ý định chiến lược dài hạn từ phía các đồng minh Châu Âu của Ukraine.
Cam kết này rất quan trọng vì khó có thể dự đoán được kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
F-16 là loại máy bay gì?
F-16 được coi là một trong những loại máy bay chiến đấu đáng tin cậy nhất thế giới.
Được mô tả là đa năng, một chiếc F-16 có thể được trang bị tên lửa dẫn đường chính xác và bom, đồng thời có thể bay với tốc độ 2.400 km/giờ, theo Không quân Mỹ.
Khả năng nhắm mục tiêu của F-16 sẽ cho phép Ukraine tấn công lực lượng Nga trong mọi điều kiện thời tiết và vào ban đêm với độ chính xác cao hơn.
Ukraine được cho là có hàng chục máy bay chiến đấu - chủ yếu là MiG - tất cả đều có niên đại từ thời Liên Xô.
Mặt khác, Nga sử dụng các máy bay hiện đại hơn, có thể bay ở độ cao cao hơn và phát hiện các máy bay khác ở xa hơn.
Yurii Inhat, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine nói với Wall Street Journal: “Một máy bay chiến đấu trang bị radar của Nga có thể nhìn xa gấp hai đến ba lần so với máy bay chiến đấu của chúng tôi. Chiến đấu cơ của chúng tôi đơn giản là bị mù, không thể nhìn thấy."
Kyiv cần các máy bay chiến đấu hiện đại để giúp bảo vệ không phận khỏi các cuộc tấn công thường xuyên bằng tên lửa và drone của Nga, đồng thời hỗ trợ cho cuộc phản công ở miền nam và miền đông Ukraine cho đến nay vẫn mang lại kết quả hạn chế.
Theo Lockheed Martin, nhà sản xuất máy bay quân sự Mỹ, hiện có 3.000 chiếc F-16 đang được sử dụng trên 25 quốc gia.


Một chiếc chiến đấu cơ F-16
Vì sao Washington chấp thuận?
Việc xuất khẩu và chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cần phải được chính quyền Mỹ chấp thuận vì chúng được sản xuất ở đó.
Ngoài ra còn có yếu tố chính trị vì Mỹ là thành viên Nato hùng mạnh nhất. Một sự thay đổi chính sách quan trọng đối với Ukraine như vậy sẽ không xảy ra nếu không có sự chấp thuận của nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gửi thư tới những người đồng cấp Đan Mạch và Hà Lan để ủng hộ việc chuyển giao. “Điều quan trọng là Ukraine có thể tự vệ trước sự xâm lược và vi phạm chủ quyền đang diễn ra của Nga”, ông viết.
Quan trọng hơn đối với Ukraine, sự chấp thuận này có khả năng mở ra cơ hội chuyển giao các máy bay chiến đấu khác, không phải do Mỹ sản xuất, cũng được tặng cho Kyiv.
Trước khi ký thỏa thuận F-16 với Đan Mạch và Hà Lan, ông Volodymyr Zelensky đã đến thăm Thụy Điển, nơi ông tuyên bố rằng việc đào tạo phi công Ukraine lái máy bay phản lực Jas 39 Gripen của Thụy Điển đã bắt đầu, điều này cho thấy rằng có thể sẽ có thêm nhiều chiến đấu cơ đang được triển khai.
Đào tạo là tiên quyết
Việc huấn luyện bay, vận hành và bảo trì máy bay chiến đấu F-16 sẽ rất quan trọng. Một chương trình đào tạo mở rộng do liên minh các nước Phương Tây tổ chức cho một nhóm phi công quân sự Ukraine được chọn đã bắt đầu ở Đan Mạch.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Poulsen hy vọng rằng họ sẽ thấy kết quả của khóa huấn luyện này vào đầu năm 2024.
Nhân viên hỗ trợ cũng cần được đào tạo, trong khi các hệ thống bảo trì mở rộng hơn cho các máy bay chiến đấu cần được thiết kế và đưa vào sử dụng.


Tư lệnh Không quân Ukraine, Tướng Mykola O Meatchuk, nói với đài truyền hình quốc gia Ukraine rằng các máy bay chiến đấu F-16 sẽ được bảo vệ tốt
Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine, Trung tướng Mykola O Meatchuk, đã đưa ra lời đảm bảo trên truyền hình quốc gia rằng Ukraine có đủ khả năng để bảo vệ các máy bay, khiến chúng "gây khó khăn cho Nga trong việc săn lùng".
Một phi công chiến đấu người Ukraine có biệt danh Moonfish, người đang trải qua khóa huấn luyện lái máy bay F-16, nói trên truyền hình rằng kinh nghiệm chiến đấu và trình độ tiếng Anh cao là những yếu tố then chốt trong quá trình tuyển chọn.
Ông cho biết các phi công và nhân viên kỹ thuật trong nhóm được huấn luyện hiện tại đều thông thạo tiếng Anh.
Phi công này cũng chia sẻ sự ngưỡng mộ của mình về mức độ tiên tiến của những chiếc máy bay mới. "F-16, so với những chiếc máy bay chúng ta đang sử dụng hiện nay, giống như một chiếc điện thoại thông minh đặt cạnh một chiếc điện thoại di động nút bấm kiểu cũ."
Hiện đại hoá
Một chương trình đào tạo dài hạn dành cho các phi công Ukraine dự kiến sẽ chuyển từ Đan Mạch sang Romania, quốc gia gần đây đã mua 32 chiếc F-16 đã qua sử dụng từ Na Uy, trong một hợp đồng trị giá 418 triệu USD. Romania cũng mua thêm 17 chiếc khác từ Bồ Đào Nha.
Bucharest đang trong quá trình hiện đại hóa lực lượng không quân, thay thế các máy bay chiến đấu MiG-21 lỗi thời của Liên Xô.
Một đợt nâng cấp cũng đang được tiến hành cho lực lượng không quân Hà Lan và Đan Mạch. Khi tặng những chiếc máy bay 'cũ' của mình cho Ukraine, họ cũng đang tìm mua những chiếc máy bay hiện đại hơn.
----------