Hành động thiếu văn hóa
Tác giả : Trần Văn Thọ Nguồn: Báo Tiếng Dân Ngày đăng: 2023-09-01


Hồng Kông phản đối chống việc Nhật Bản xả nước Fukushima ra biển
Tại miền Đông Bắc Nhật Bản có 1,3 triệu tấn nước bị nhiễm hoá chất phóng xạ khi nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima bị tan chảy trong trận sóng thần năm 2011. Gần đây, nước bị nhiễm đó được xử lý và làm sạch bằng hệ thống xử lý chất lỏng cao cấp (Advanced Liquid Processing System, ALPS) và được các nhà khoa học kiểm chứng là an toàn. Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Thế giới (IAEA) cũng tuyên bố là nước đó đã được xử lý qua ALPS nên được xem là an toàn. Do đó, ngày 24/8/2023 chính phủ Nhật bắt đầu cho thải ra biển.
Trung Quốc (kể cả Hồng Kông) đã phản ứng bằng cách ngừng nhập khẩu toàn diện hải sản từ Nhật và tuyên truyền trong dân chúng tẩy chay đồ biển Nhật Bản. Hành động đó cũng có thể hiểu được, chấp nhận được nếu Trung Quốc thật sự không tin độ an toàn của nước biển. Nhưng vấn đề là Trung Quốc từ chối yêu cầu của Nhật lập ban nghiên cứu hỗn hợp gồm các nhà khoa học của hai nước để cùng kiểm chứng vấn đề. Ngoài ra Trung Quốc bắt các trang mạng xã hội gỡ các bài bình luận khẳng định độ an toàn của nước biển sau ngày 24/8. Trung Quốc cũng chặn các đường links dẫn đến các trang liên quan của IAEA vì cơ quan này công bố quan điểm ủng hộ Nhật Bản.
Tệ hơn nữa và không thể chấp nhận là nhiều người Trung Quốc đã có hành động thiếu văn hóa khi ném đá, gạch vào khuôn viên Đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh, và ném vào các trường dạy cho con em người Nhật tại các thành phố như Thanh Đảo, Tô Châu. Trong tuần qua, người Trung Quốc còn thực hiện hàng ngàn cuộc điện thoại sang cơ quan hành chánh và các công ty liên quan hải sản tại Fukushima nhằm mục đích quấy nhiễu.
Nhớ lại hồi cuối năm 2012, khi chính phủ Nhật quyết định quốc hữu hóa Đảo Senkaku (tỉnh Okinawa), nhiều người Trung Quốc đã gây bạo động, ném gạch đá, đốt phá các nhà máy sản xuất của Nhật tại Trung Quốc. Dư luận ngỡ ngàng khi nhiều nhà máy sản xuất đồ điện gia dụng của công ty Matsushita (hiện nay tên là Panasonic) cũng bị tấn công, nhiều người ngạc nhiên vì các nhà máy này được thiết lập đáp ứng theo yêu cầu khẩn thiết của Đặng Tiểu Bình.
Trong chuyến thăm Nhật cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã từ Tokyo xuống Osaka khẩn khoản yêu cầu Matsushita Konosuke, người sáng lập và là Chủ tịch tập đoàn Matsushita, đem tư bản và công nghệ sang giúp Trung Quốc. Nhiều công ty thuộc tập đoàn Matsushita đã tích cực đầu tư sang Trung Quốc trong lúc thị trường nước này còn nhiều rủi ro vì hành lang pháp lý và hạ tầng chưa được xây dựng. Matsushita và nhiều công ty Nhật đã đóng góp vào việc biến nước này thành công xưởng của thế giới.
Trung Quốc đã thành siêu cường về kinh tế và quân sự, nhưng dần dần mất đi sức mạnh mềm (soft-power) cần có để được thế giới kính trọng.
----------