Khác biệt văn hoá Bắc-Nam: Mặt trận không yên tĩnh
Tác giả : Nhạc sĩ Tuấn Khanh Nguồn: rfavietnam Ngày đăng: 2023-12-04
Vào những ngày cuối của tang lễ hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người ta dần tìm thấy dòng dư luận đập phá và phủ nhận được tổ chức một cách bài bản xuất hiện ở khắp mọi nơi trên các hệ thống diễn đàn mạng xã hội, cũng như xâm nhập vào các bài viết hay hội luận trên YouTube, với những bình luận hết sức tệ hại.
Có thể nhìn thấy ngay, đó là những người bình luận không có tín ngưỡng, hoặc là những người không có một chút thông tin nào về hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Hay bao quát hơn, đó là một, hay vài thế hệ mù tịt về văn hóa của miền Nam cũ trước năm 1975. Sự thiếu hiểu biết là cội nguồn dẫn đến những bình luận ngông cuồng, và thậm chí là hoàn toàn không biết mình đang nói gì về một nền văn hóa đủ rực rỡ, hình thành những con người với nội lực trải dài và mở rộng, bất chấp nhiều năm bị ngăn trở và hủy diệt của chính quyền mới.
Sự kiện này cũng cho thấy rằng cách bóp chặt và không cho kế thừa phát triển văn hóa của miền Nam, dẫn đến sự tăm tối trong tiếp nhận của nhiều thế hệ thanh niên sau nội chiến. Nó giới thiệu rõ việc thống nhất địa lý là chuyện dễ dàng, nhưng hòa đồng thống nhất, và chia sẻ đẳng cấp văn hóa là một điều hoàn toàn khác.
Điều thú vị là trong khi miền Nam, ở chế độ bị coi là thù địch, tất cả những điều độc đáo và đáng quý của miền Bắc, ngay trong khi đang chiến tranh, học sinh trung học, tiểu học cũng đều được học, và được biết, ngưỡng mộ được kính trọng. Vào thời ấy không có ai miệt thì Văn Cao trên đường phố hay trên một diễn đàn nào, và không ai làm chuyện phủ nhận hay thóa mạ Lưu Hữu Phước, thậm chí bài hát của ông còn được dùng làm quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa. Chiến tranh là điều bất đắc dĩ phải đến, nhưng con người Việt Nam trong lịch sử và những giá trị tồn tại đúng, luôn hiển nhiên được văn hóa Việt Nam Cộng Hòa nhìn nhận.
Đó là lý do khi thống nhất địa lý đất nước, người miền Nam đã ngỡ ngàng nhìn thấy cả một hệ thống tuyên truyền miệt thị chửi bới, từ cấp chính quyền cho đến lịch sử cả dân tộc, vốn người miền Nam được giáo dục coi trọng đồng đẳng, được học thuộc với lòng kiêu hãnh là công dân Việt với ngàn năm văn hiến. Thậm chí với từng cá nhân của những người miền Bắc tham gia vào hệ thống phỉ báng đó, cũng dường như được đào luyện kỹ càng từ nhà trường đến trên đường phố, để luôn suôn sẻ những ngôn ngữ tấn công như vậy. Những ngôn từ như chiến tranh, nặng nề như đấu tố dễ dàng tuôn ra, mà không cần biết rằng họ thực sự đang nói gì, và có đủ hiểu gì về những điều đó hay không.
Ngay cả giới trí thức miền Bắc, sự xóa trắng thông tin về một nền văn hóa trong một vùng đất khác biệt, cũng là điều được tìm thấy trên mạng xã hội với những câu chuyện mỗi ngày dần mở ra.
Trên trang facebook của giáo sư Mạc Văn Trang, một trí thức đáng kính với tư duy tự do, ông đã bất ngờ khi phát hiện qua lễ tang của hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, về thân thế và cuộc đời hoạt động của ngài, từ trước năm 75 cho đến lúc viên tịch.
Trước khi Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ mất, tôi không biết tiểu sử của ông, không hiểu ông có vai trò gì trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; tôi chỉ đọc mấy bài thơ của ông và bài nhà thơ Bùi Giáng bình thơ Tuệ Sỹ… và cảm thấy mến mộ cả hai người.
Nhưng khi Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trên mạng xã hội trong và ngoài nước tràn ngập những bài viết về Ngài, tôi bỏ công tìm hiểu, và thấy Nhân cách của Ngài, sự nghiệp của Ngài đã hoàn toàn chinh phục trái tim và khối óc của tôi: Đây đích thực là một vị Chân tu, một Trí thức lớn, một nhà Phật học uyên thâm, một Nhân cách văn hoá không chỉ của Phật giáo mà của Dân tộc”, giáo sư Mạc Văn Trang viết.
Vị giáo sư uyên bác của miền Bắc, lúc này như bị hệ thống mà mình phục vụ cả đời lạnh lùng, vì các phát ngôn độc lập và trung thực, cũng tự mình mở ra thêm một cánh cửa sự thật, về việc văn hóa của hai miền đất nước chưa bao giờ có thể hòa hợp, thực sự không có cánh cổng nào để đi qua nó bằng sự hiểu biết và nhìn nhận trong tình dân tộc.
Điều ngạc nhiên là sau khi Ngài mất 3 ngày, đến sáng nay tôi gõ cụm từ “HT Thích Tuệ Sỹ viên tịch” trên Google xuất hiện Khoảng 178.000 kết quả (0,29 giây), mà trên toàn bộ hệ thống báo chí Nhà nước chỉ có báo Tuổi trẻ đưa tin về sự kiện này.
Vậy là từ trước đến nay và cả khi Ngài mất, toàn hệ thống truyền thông nhà nước không được giới thiệu về Thích Tuệ Sỹ, ém nhẹm mọi thông tin về Ngài, cố tình vùi lấp đi một Nhân cách Văn hoá, một sự kiện Văn hóa đáng được tôn vinh”, giáo sư Mạc Văn Trang kết luận. Trong văn bản gốc, ông cố ý viết hoa nhiều cụm từ, trong đó có “văn hoá nhân cách”, như một cách lên giọng, nhấn mạnh.
Điều mà người miền Nam vẫn làm - và có thể gây khó chịu trong tính thống nhất địa lý - là họ tự lưu giữ, tự biết ơn và tiếc nhớ những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống và văn hóa mà họ đã thụ hưởng. Mỗi người dân bình thường đã là một cột trụ truyền thông để âm thầm nhắc nhở nhau, về ngày mất, ngày sinh của những người đã đóng góp cho nền văn hóa hình thành con người của họ. Họ nhớ Mai Thảo, nhớ Thanh Tâm Tuyền, nhớ Trầm Tử Thiêng, kể về Phạm Duy, nói về Nguyễn Đình Toàn… Từ cuốn sách nhỏ cho đến những câu thơ đã dựng nên một trời văn hóa của miền Nam, cho đến những khổ nạn mà những con người đó đã chịu qua thời thế biến động. Dĩ nhiên, mọi chuyện chỉ có người miền Nam tự gìn giữ với nhau, tự lưu truyền, chứ báo chí của người nhà nước thì khó mà nhắc đến.
Dường như có một sự chủ trương rất rõ mang tính khiêu khích trong vài ngày cuối của tang lễ Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Trên mạng xuất hiện một người trẻ trong nền văn hoá mới, có hiểu biết về tiếng Phạn, và đưa phân tích rằng Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nói sai. Sự lên giọng đúng thời điểm, càng làm cho người ta hình dung rõ điều gì đang xảy ra. Điều anh ta nói, không phải là tranh luận về triết học, mà tựa vào vài con chữ, mục đích là giới thiệu mình uyên bác hơn hết.
Nhưng thử nhìn lại, ngay cả với sự hiểu biết Phạn ngữ và Phật giáo đó, đó là chuyện chỉ có được từ khi văn hóa tín ngưỡng tự do từ miền Nam lan sang miền Bắc và thôi thúc việc hiểu biết thêm nhiều thứ ngoài văn hoá của khối xã hội chủ nghĩa. Trong đó có tiếng Phạn và triết học Phật giáo. Bởi trước năm 1975, Phật giáo miền Bắc cũng lặng lẽ như miếu đền thờ cúng cầu an, chứ không có một giá trị Phật giáo xiển dương như trong miền Nam, và điều kiện để dễ dàng học hỏi Tiếng Phạn thì cũng không có.
Việc phô trương hiểu biết đó, có thể là một ví dụ điển hình của danh xưng và học thức hôm nay. Ở miền Nam trước đây, thật khó khăn để được gọi tên là một dịch giả hay người chuyển ngữ, nhưng thời đại mới hôm nay thì bất kỳ người nào học ngoại ngữ cũng dễ dàng trở thành một dịch giả, bởi đơn giản không cần nền văn hóa, người ta chỉ cần dịch được từ, dịch được câu là đủ để xưng danh.
Người trẻ tham gia phản biện về tiếng Phạn đó, có thể đã 10 hay 20 năm học biết giỏi tiếng Phạn, nhưng chắc chưa từng có cuộc đời đọc qua hàng chục bộ kinh bằng tiếng Phạn, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật… tham khảo với các bậc đại sư các nước để suy tư, nghiền ngẫm về nó nhằm chuyển ngữ đúng với tinh thần triết học Phật Giáo, và sao cho thật gần, hợp lẽ với người Việt Nam, vượt qua rào cản thô thiển và đơn giản của chuyện dịch câu từ nước ngoài. Thật ngại để nói, nhưng để hiểu được miền Nam, hiểu được văn hoá miền Nam không thể ngu ngơ như đọc một cuốn tự điển mở sẵn, mà phải học đủ, sống đủ để biết nơi chốn đó đã viết ra những cuốn tự diển như thế nào. Đó là chưa nói riêng về Phật học hay tiếng Phạn.
Đốt một ngọn đền để xưng danh, là cách làm quen thuộc, nhất là vào lúc thời sự tập trung. Ngọn đền càng cao quý, tên người đốt sẽ được nhắc muôn đời trong khoái cảm bệnh hoạn đã mưu tính. Đốt một sự nghiệp đã lừng lẫy trên thế giới, được khắp nơi trân trọng như thầy Tuệ Sỹ hay đốt ngọn đền Artemis thì cũng một đích đến như nhau. Mà chuyện xưa đã rõ, kẻ đốt đền Herostratus bị nguyền rủa mõi khi được nhắc đến. Chỉ có khác, chuyện muốn huỷ hoại thầy Tuệ Sỹ, nó là sự ghét bỏ của văn hoá xuất phát không cùng điểm, mà không nhìn thấy đó là sự tự hoại những điều cao đẹp chung của người Việt Nam. Tất cả chỉ bộc lộ tâm bệnh của a dua thấp hèn.
Đó cũng là lý do vì sao nửa thế kỷ sau khi thống nhất địa lý đất nước, những tài liệu học thuật, kể cả sách giải trí của trước 1975 vẫn được săn tìm in lại. Sách cũ vẫn được chuyền tay đáng với giá ngày càng cao hơn. Thậm chí với những tác phẩm văn học đã được dịch mới, in mới xuất hiện đầy trong các nhà sách, vẫn có vô số người tìm đến các ấn bản cũ hoặc tìm lại ở các bản pdf gốc, để được đọc giọng văn và cách dịch thuật của người có học, và có văn hóa - cũng là "văn hoá cũ".
Có một người khác trên mạng xã hội trong những ngày này đi làm một cuộc thăm dò bỏ túi, Anh nói 100% những người được hỏi, không ai biết thầy Tuệ Sỹ là ai. Điều này hé lộ một tin tức đáng suy nghĩ: Sự kiểm duyệt và bóp nghẹt thông tin mà giáo sư Mạc Văn Trang mô tả là có thật. Và cũng không biết vui hay buồn khi những người lớn lên sau năm 1975 nói mình không ai biết thầy Tuệ Sỹ là ai - như cuộc thăm dò nói - nhưng tên tuổi hay những điều thị phi của những người bán hàng online, dạy làm giàu tiêu biểu lúc này, họ đều thuộc nằm lòng.
Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi, Lỗ Tấn có nói. Vực sâu hay núi cao là do mỗi người tự quyết chọn để đi tới bằng con đường của mình. Phỉ báng hay trân trọng, hiểu biết hay ngu dốt, thì tuỳ theo giáo dục và văn hoá, mà con người tự do sẽ tìm thấy ngã đường mình phải bước.
Và trên ngã đường được chọn, vươn vai đứng dậy để nhìn thấy nhau cùng là người Việt Nam, trên một đất nước giàu có văn hoá không dị biệt bằng chính trị, đó luôn là lựa chọn của người trí thức.
tuankhanh's blog
----------