Các nhà khoa học khí hậu cho rằng chúng ta nên có các mức CO2 cao hơn
Tác giả : Katie Spence
Biên dịch : Thanh Nhã
Nguồn: The Epoch Times Vn Ngày đăng: 2024-01-07
Trong khi các chính phủ đổ hàng tỷ dollar vào việc giảm lượng phát thải CO2 thì một số chuyên gia khí hậu cho rằng khí CO2 là cần thiết và mức CO2 cao hơn không phải là một vấn đề.
(Ảnh: Ảnh minh họa của The Epoch Times, Shutterstock)
Trái đất đã tiến vào “địa hạt chưa được khám phá” và sự sống đang “đứng trước những nguy cơ.”
Một báo cáo mới đây từ BioScience của Oxford Academics cảnh báo rằng công chúng đã không chú ý đến thông điệp này và giờ đây “thời gian đã hết.”
Các tác giả của báo cáo cho biết chất xúc tác đằng sau những cảnh báo thảm khốc là nồng độ carbon dioxide (CO2) ngày càng tăng.
Để cứu vãn những gì còn sót lại, các tác giả cho rằng cần phải nhanh chóng hơn nữa để loại bỏ dầu, than, và các nhiên liệu hóa thạch khác. Nếu không làm như vậy thì có thể xảy ra tình trạng thiếu nước và lương thực, cộng với tình trạng nắng nóng cực độ, đối với một phần ba đến một nửa dân số thế giới.
Thông điệp này cũng tương tự như thông điệp từ Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng thống (TT) Joe Biden, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, và vô số nhà lãnh đạo chính phủ: Nồng độ CO2 quá cao, và việc tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch thải ra CO2 sẽ khiến con người tử vong.
Do đó, Liên Hiệp Quốc tuyên bố cần phải chi hàng ngàn tỷ dollar tiền thuế cho “các sáng kiến thân thiện với khí hậu” như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, và ăn ít thịt hơn, còn chính phủ TT Biden thì kêu gọi chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà khoa học đều có chung quan điểm này.
Theo ông Patrick Moore, chủ tịch kiêm trưởng khoa học gia của Ecosense Environmental và là đồng sáng lập viên của Greenpeace, thông điệp về biến đổi khí hậu trên thực tế là không có cơ sở.
“Toàn bộ sự việc hoàn toàn là một trò lừa đảo,” ông Moore nói. “Thực tế không có bằng chứng khoa học nào cho thấy CO2 là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu trong nhiều liên đại.”
Ông Moore cho rằng trong vài thập niên vừa qua, thông điệp khí hậu này đã liên tục thay đổi; đầu tiên, đó là hiện tượng trái đất đang mát dần, sau đó là hiện tượng ấm lên toàn cầu, sau đó là biến đổi khí hậu, và bây giờ là thời tiết thảm khốc.
“Họ đang nói rằng tất cả các cơn lốc xoáy, tất cả các cơn bão, tất cả lũ lụt, và tất cả các đợt nắng nóng đều do CO2 gây ra. Đó là một lời nói dối. … Chúng ta là một phần của chu kỳ này,” ông cho biết.
“Chúng ta không cần CO2. Đối với chúng ta, đó là một phế phẩm — chúng ta cần oxy. Nhưng thực vật là những loài tạo ra oxy cho chúng ta, và chúng ta đang tạo ra CO2 cho chúng.”
Ông cho biết việc đốt các nhiên liệu hóa thạch — gây phát thải CO2 — là một điều tốt cho đời sống thực vật.
“Chúng ta đang cung cấp thêm CO2 vào bầu khí quyển đến mức có lợi hơn nhiều cho sự sống và đặc biệt là sự phát triển của thực vật.”
Theo ông John Christy, nhà khí hậu học kiêm giáo sư về khoa học khí quyển tại Đại học Alabama ở Huntsville đồng thời là giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái đất, những trường hợp tử vong liên quan đến thời tiết và thảm họa khí hậu trên thực tế đã giảm “đột ngột” trong những năm qua.
Nhân viên kiểm lâm Simba Marozva lấy chiếc ngà từ xác một con voi đang phân hủy đã chết vì hạn hán ở Công viên Quốc gia Hwange ở Hwange, miền bắc Zimbabwe hôm 16/12/2023. Công viên rộng 14,600 km2 (5,600 dặm vuông) này là nơi sinh sống của hơn 450,000 con voi xavan, nhiều đến mức người ta cho rằng chúng là mối đe dọa đối với môi trường.
Theo Human Progress, vào năm 1925, trung bình có 484,880 ca tử vong liên quan đến khí hậu trên toàn thế giới. Kể từ đó, con số này giảm dần, với báo cáo mới nhất từ năm 2020 cho thấy trung bình có 14,893 ca tử vong liên quan đến khí hậu trên toàn thế giới.
“CO2 hiện được xem là nguyên nhân gây ra thời tiết khắc nghiệt. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng những hiện tượng cực đoan này không trở nên dữ dội hoặc thường xuyên hơn,” ông Christy nói với The Epoch Times. “Vì vậy, CO2 không thể là nguyên nhân gây nên một điều không xảy ra.”
Liên Hiệp Quốc đang sắp xếp để các quốc gia cắt giảm lượng phát thải xuống gần bằng 0 nhất có thể vào năm 2050.
Bà Malgosia Askanas, một cộng tác viên nghiên cứu và phát triển cao cấp tại Viện Nghiên cứu Vật lý Sinh học Aurora, cho biết kế hoạch này chẳng khác gì “tự sát tập thể.”
Bà Askanas cho biết mối lo ngại về CO2 là không có cơ sở khoa học.
Bà nói: “Mối lo ngại đó bắt đầu với sự cuồng loạn về Kỷ Băng hà Mới và một báo cáo ít được biết đến của CIA vào năm 1974 tuyên bố rằng sự thay đổi lớn về khí hậu đang diễn ra.”
“Sau đó, chủ nghĩa báo động về 'mát dần toàn cầu' đã đổi sang chiều ngược lại, bằng cách sử dụng quan niệm sai lầm về sự ấm lên toàn cầu do lượng CO2 dư thừa — vốn là một điều sai lầm về mặt hóa học.”
Carbon Dioxide và sự sống
Ông Christy cho biết khí hậu trái đất có “sự biến thiên tự nhiên rất lớn” và hiện đang trong giai đoạn ấm lên dần dần.
“CO2 đã bị bêu xấu một cách không công bằng vì CO2 thực sự là thức ăn của thực vật ở dạng khí và cũng là kết quả của việc tạo ra năng lượng dựa trên carbon, mà điều này chắc chắn đã cải thiện cuộc sống trên khắp thế giới,” ông nói.
Ông gọi CO2 là “sự lưu hành của sự sống.”
“Trong các kỷ nguyên (epoch) trước, lượng CO2 trong khí quyển cao gấp nhiều lần so với ngày nay.”
Ông Moore chỉ vào biểu đồ cho thấy lượng CO2 và nhiệt độ trong 500 triệu năm qua. Ông nói: “Rõ ràng là việc CO2 và nhiệt độ không đồng bộ thường xuyên hơn là đồng bộ.”
“Điều đó ít nhiều phủ nhận toàn bộ ý tưởng cho rằng một mối quan hệ nhân-quả trực tiếp đang diễn ra ở đó.”
Ông Takuya Sato kiểm tra những cây hoa hồng non dưới ống dẫn khí thải CO2 trong nhà kính ở Rokkasho, Nhật Bản, vào ngày 09/06/2008. (Ảnh: Toru Yamanaka/AFP qua Getty Images)
Ông Moore cho biết nồng độ CO2 hiện “thấp trong lịch sử.”
“150 triệu năm về trước, CO2 ở khoảng từ 2,000 đến 2,500 phần triệu (ppm),” ông nói.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc, lượng CO2 trong khí quyển thấp (khoảng 180 ppm) trong kỷ băng hà và cao hơn trong giai đoạn giữa các kỷ băng hà.
IPCC cho biết, trước Kỷ nguyên Công nghiệp, vào khoảng năm 1750, CO2 trong khí quyển ở mức khoảng 280 ppm trong vài ngàn năm.
Theo dữ liệu năm 2021 của NOAA Research, mức cao nhất hiện nay trong khí quyển là khoảng 420 phần triệu (ppm).
Ông Moore nói rằng đó là một điều tốt, và việc thúc đẩy lượng phát thải CO2 bằng 0 là một chính sách tai hại. Bất cứ lượng CO2 nào dưới 150 ppm đều là “mức chết đói” đối với hầu hết các loài thực vật.
“CO2 hiện chỉ chiếm 0.042% trong khí quyển. Và thực tế của vấn đề là thực vật ưa thích nồng độ từ 1,500 đến 2,000 ppm để tăng trưởng tối ưu,” ông Moore nói.
“Những người trồng cây trong nhà kính thương mại trên toàn thế giới cố tình tăng mức CO2 trong nhà kính của họ lên từ 800 đến 1,200 ppm. Thực sự, nói chung là khoảng 2,000 thì quý vị đang có mức tối ưu cho cây cối và thực vật.”
Ông Patrick Hunt, chủ tịch tổ chức Climate Realist của BC, cho biết người ta thường không hiểu về CO2.
“Họ được cho biết rằng một Trái đất ấm hơn là không tốt, mặc dù bằng chứng cho thấy điều đó là sai,” ông nói với The Epoch Times. “Vào Thời kỳ Tối tăm, trời lạnh hơn. Trời lạnh hơn và gần như không thoải mái bằng cuộc sống trong Thời kỳ Tiểu Băng hà.
“Nhưng trong thời kỳ ấm lên thời trung cổ, họ đã có đủ tiền để xây dựng những thánh đường.”
Một chiếc máy ủi đang hoạt động trên đỉnh của một ụ than tại Trạm Chi nhánh CCI Energy Slones ở Shelbiana, Kentucky, vào ngày 03/06/2014. (Ảnh: Luke Sharrett/Getty Images)
Ông Hunt cho biết sinh khối, hay sự phát triển của thực vật, trên Trái đất đã tăng 20% trong 40 năm qua, “và 70% trong số 20% tăng trưởng đó là nhờ CO2.”
Năm 2018, NASA công bố một báo cáo cho thấy “độ xanh” của Trái đất ngày càng tăng, điều này cho thấy sức khỏe của rừng, đồng cỏ, và trang trại đã tăng cao hơn.
Đồng tác giả báo cáo, ông Jarle Bjerke thuộc Viện Nghiên cứu Tự nhiên Na Uy, cho biết: “Thật trớ trêu khi chính lượng phát thải carbon vốn là nguyên nhân gây ra những thay đổi có hại cho khí hậu cũng đang thúc đẩy sự phát triển của thực vật, từ đó phần nào làm giảm bớt sự ấm lên toàn cầu.”
Các bản đồ tiếp theo tiếp tục cho thấy “độ xanh” của Trái đất ngày càng tăng.
Nhiệt độ và CO2 như một loại hàng hóa ròng
Ông Moore cho biết, kể từ năm 1950, lượng khí thải CO2 từ con người đã tăng “theo cấp số nhân,” nhưng nhiệt độ lại không phản ứng như vậy.
“Đó không thể nào là một mối quan hệ nhân-quả được. Nguyên nhân được cho là do CO2. Nhưng nếu CO2 là nguyên nhân gây ra hiện tượng ấm lên thì nhiệt độ sẽ ấm hơn mức hiện tại,” ông nói.
Phong trào toàn cầu chính chống lại sự gia tăng nhiệt độ là Thỏa thuận Paris của Liên Hiệp Quốc, một hiệp ước quốc tế có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm “giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu” nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1.5°C so với các mức thời kỳ tiền công nghiệp.
“Hiệp định Khí hậu Paris chính là ví dụ mới nhất về việc Hoa Thịnh Đốn tham gia một thỏa thuận gây bất lợi cho Hoa Kỳ vì lợi ích độc quyền của các quốc gia khác, khiến cho … người đóng thuế phải gánh chịu hậu quả do mất việc làm, lương thấp hơn, các nhà máy đóng cửa, và tình trạng sản xuất kinh tế giảm sút đi rất nhiều,” cựu Tổng thống Trump nói vào thời điểm đó.
Tổng thống Biden đã tái gia nhập hiệp định này vào ngày đầu tiên nhậm chức, ngày 20/01/2021. Tòa Bạch Ốc cho biết một trong bốn cuộc khủng hoảng mà chính phủ ưu tiên giải quyết là “cuộc khủng hoảng khí hậu.”
Bà Jen Psaki, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc đương thời, cho biết: “Cuộc khủng hoảng này tác động đến không chỉ người dân Mỹ mà cả cộng đồng toàn cầu [và] việc tái gia nhập Thỏa thuận Khí hậu Paris là một bước quan trọng để thực hiện điều đó.”
Ông Moore cho biết giới hạn 1.5°C mà Thỏa thuận Paris áp đặt là “vô lý.”
“1.5 độ này sẽ hủy diệt toàn bộ Trái đất sao? Trái đất đã và đang ấm hơn 1.5 độ trong hầu hết lịch sử của nó,” ông cho hay.
“Chúng ta tình cờ đang ở trong một thời kỳ ấm lên được gọi là Kỷ Ấm áp Hiện đại. Nhưng Kỷ Ấm áp Hiện đại đang bắt đầu từ Thời kỳ Tiểu Băng hà, đạt đỉnh điểm vào khoảng năm 1600 — tức là rất lâu trước khi chúng ta bắt đầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch.”
Trong một bài nghiên cứu được bình duyệt mà ông là tác giả, ông Moore đã viết rằng, theo các mô hình lịch sử 800,000 năm, một thời kỳ đại băng hà sẽ diễn ra nếu con người không khiến lượng CO2 gia tăng.
Dân làng sử dụng giếng mới do tổ chức Giếng Nước cho Châu Phi xây dựng ở Làng Khobwe số 2, Malawi, vào ngày 06/07/2021. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)
Ông Christy cho biết lượng CO2 tăng thêm khiến kỷ băng hà tiếp theo đến chậm hơn, nhưng không đáng kể.
“Tôi cho rằng CO2 có lợi ích ròng khi quý vị cân nhắc lợi ích của năng lượng và các sản phẩm dựa trên carbon so với việc sinh sống mà không có năng lượng này hoặc các sản phẩm này. Tôi sống ở châu Phi và có thể bảo đảm với quý vị rằng, nếu không có năng lượng thì cuộc sống thật tàn khốc và ngắn ngủi.
“Nồng độ CO2 ngày càng tăng do con người sử dụng carbon theo nhiều cách để nâng cao mức sống. Theo tôi, phản ứng của hệ thống khí hậu là tiến triển dần dần và hoàn toàn có thể quản lý được, đặc biệt là khi xem xét những lợi ích to lớn mà CO2 mang lại cho cuộc sống con người.”
Chính trị so với khoa học
Ông Christy cho biết khoa học khí hậu đã trở thành một “ngành khoa học thất bại” vì việc nghi ngờ về các tuyên bố của ngành này là “không được khuyến khích hoặc thậm chí bị ngăn chặn.”
“Điều này đặc biệt đúng với một số nhóm chính trị nhất định và phần lớn các hãng truyền thông mà tôi thấy.”
Bà Askanas bác bỏ quan điểm được truyền bá rộng rãi rằng có sự đồng thuận khoa học về “tác hại của CO2, về xu hướng ấm lên toàn cầu, về sự gia tăng thiên tai, về sự tan chảy của băng ở Bắc Cực.”
Bà nói, “Tất cả đều là những phát ngôn võ đoán có động cơ chính trị được củng cố bởi những dữ liệu, số liệu thống kê, và lập luận bất cẩn hoặc gian lận hoàn toàn,” đồng thời gọi kế hoạch phát thải bằng 0 của Liên Hiệp Quốc “hoàn toàn là phát-xít.”
Bà xem nghị trình khí hậu này là một cách để các chính phủ giành được quyền kiểm soát chính trị toàn diện.
Bà Askanas đã đưa ra một số biện pháp khắc phục khí hậu do chính phủ áp đặt, bao gồm các quy định về lượng khí thải carbon, tín dụng carbon, chi phí vận chuyển tăng vọt, và các khoản trợ cấp kếch xù của chính phủ cho cái gọi là các sáng kiến xanh.
Theo Tòa Bạch Ốc, trong ngân sách tài khóa năm 2024 của mình, Tổng thống Biden đã tính cả 52.2 tỷ USD chi tiêu tùy ý “để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.” Đó là mức tăng 10.9 tỷ USD so với năm tài khóa 2023.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre (bên phải) và phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby (bên trái) đến dự cuộc họp báo thường nhật tại Phòng họp Brady của Tòa Bạch Ốc ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hôm 21/12/2023. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP qua Getty Images)
“Là tổng thống, tôi có trách nhiệm hành động khẩn cấp và kiên quyết khi đất nước của chúng ta phải đối mặt với mối nguy hiểm hiện hữu và rõ ràng,” Tổng thống Biden tuyên bố vào ngày 16/08/2023. “Và đó chính là về vấn đề biến đổi khí hậu. Đó là một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu theo nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng.”
Ông Moore bày tỏ mối lo ngại đặc biệt về tác động và số tiền chi cho việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng.
“Với gió, quý vị không thể dự đoán được ở tương lai xa, và với năng lượng mặt trời, quý vị cũng không thể dự đoán được vì những đám mây sẽ kéo đến. Và vì vậy, quý vị tận dụng được khoảng 1/3 thời gian mà hai công nghệ đó đang phát điện.”
“Vậy, quý vị sẽ làm gì trong 2/3 thời gian còn lại nếu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch? Vâng, câu trả lời đầu tiên sẽ là năng lượng hạt nhân, bởi vì loại năng lượng này có thể làm được điều đó. Nhưng không, chúng tôi không muốn năng lượng hạt nhân ở phương Tây.”
Ông nói, [điện] gió và [điện] mặt trời “không khả thi, không thể thực hiện được. Đó chỉ là một giấc mơ viển vông, một xứ sở thần tiên. Điều đó không thể được thực hiện.”
Bà Askanas đồng tình.
“Việc biến Trái đất thành một sa mạc với các tấm pin mặt trời và máy phát điện gió vẫn sẽ không cung cấp đủ năng lượng. Mặc dù điều đó có thể khiến hành tinh này trở nên không thể sống được đến nổi không cần đến năng lượng.”
Thanh Nhã biên dịch
----------