'Bùa hộ mệnh' pháp lý của ông Trump gây tranh cãi
Tác giả : Vũ Hoàng Nguồn: VnExpress Ngày đăng: 2024-01-10
Donald Trump tin rằng tư cách cựu tổng thống giúp ông được miễn tố liên quan đến bạo loạn Đồi Capitol, nhưng các thẩm phán tòa liên bang dường như không nghĩ vậy.
Tòa phúc thẩm liên bang ở Washington ngày 9/1 tiến hành phiên điều trần kéo dài hơn một giờ về quyền miễn tố của cựu tổng thống Donald Trump.
Ông Trump hồi tháng 8/2023 bị truy tố với cáo buộc tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, dẫn đến vụ bạo loạn ở quốc hội Mỹ. Cáo trạng gồm 4 tội danh, được đưa ra trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt
Phiên tòa xét xử ông Trump với các tội danh này dự kiến được mở vào tháng 3, do thẩm phán Tanya Chutkan làm chủ tọa. Tuy nhiên, tòa án trước hết phải giải quyết vấn đề về quyền miễn tố của ông Trump, điều được coi như "bùa hộ mệnh pháp lý" cho cựu tổng thống.
Ký họa phiên điều trần tại tòa phúc thẩm Washington ngày 9/1, với cựu tổng thống Donald Trump ngồi nghe luật sư John Sauer trình bày trước hội đồng ba thẩm phán. Ảnh: Reuters
Các luật sư của Trump lập luận rằng các cáo buộc ông tìm cách lật ngược kết quả bầu cử nên bị bác bỏ, vì được miễn truy tố đối với những hành động diễn ra trong thời gian nắm quyền tổng thống. Miễn tố là một trong những đặc quyền lớn nhất của các tổng thống Mỹ và chỉ có quốc hội mới có quyền luận tội họ.
Nếu quyền miễn tố này được áp dụng với ông Trump trong các vụ án hiện nay, ông sẽ không thể bị đưa ra xét xử với những cáo buộc liên quan đến bạo loạn Đồi Capitol, do sự việc diễn ra vào thời điểm ông đang nắm quyền.
Đây chính là lập luận được John Sauer, luật sư của ông Trump, đưa ra trong phiên điều trần ngày 9/1. Theo Sauer, ông Trump chỉ có thể bị truy tố với những hành động khi còn đương nhiệm nếu ông đã bị quốc hội luận tội và kết tội. "Không áp dụng quyền miễn trừ truy tố cho tổng thống trong trường hợp này là điều gây sốc", Sauer nói.
Tuy nhiên, ba thẩm phán đã đặt những câu hỏi thẳng thắn với luật sư Sauer về lập luận rằng những hành động mà ông Trump thực hiện sau khi thua cuộc bầu cử năm 2020 là một phần nhiệm vụ tổng thống.
Thẩm phán Karen Henderson, người được cựu tổng thống Cộng hòa George H.W. Bush bổ nhiệm, tỏ ra nghi ngờ về việc ông Trump hành động theo chức trách, nhiệm vụ của mình liên quan đến vụ bạo loạn.
"Tôi nhìn thấy một nghịch lý ở đây khi nói rằng nghĩa vụ tuân thủ luật pháp theo hiến pháp của ông ấy lại cho phép ông ấy vi phạm luật hình sự", Henderson nói.
Các thẩm phán cũng chỉ ra hậu quả tiềm tàng nếu áp dụng quyền miễn trừ cho Trump trong trường hợp này, trong đó những tổng thống Mỹ tương lai có thể vi phạm luật một cách trắng trợn mà không phải chịu hậu quả.
Theo giới quan sát, điều này phần nào hé lộ tâm lý hoài nghi của các thẩm phán tòa liên bang ở Washington, cho thấy họ đang ngày càng tiến gần hơn đến quan điểm của thẩm phán Chutkan, bác bỏ mạnh mẽ lý thuyết "miễn trừ tuyệt đối" mà cựu tổng thống Trump đưa ra.
Bà Chutkan hồi tháng trước cho rằng một cựu tổng thống không thể hưởng "tấm vé 'miễn trừ ngồi tù' suốt đời" sau thời gian đương nhiệm.
Thẩm phán Florence Pan, người được đề cử bởi Tổng thống Joe Biden, đã nêu những câu hỏi mang tính giả thuyết với luật sư Sauer nhằm xác định giới hạn cho lập luận về quyền "miễn trừ tuyệt đối" được ông này nêu ra.
"Liệu một tổng thống có thể ra lệnh cho đặc nhiệm SEAL 6 ám sát các đối thủ chính trị không?", bà Pan đặt câu hỏi.
"Tổng thống sẽ phải bị quốc hội luận tội và kết tội trước khi bị truy tố", Sauer trả lời.
"Tôi chỉ hỏi ông có hoặc không", thẩm phán nói.
"Nếu ông ấy bị luận tội và kết tội trước", Sauer đáp, sau đó nhấn mạnh rằng "tiến trình chính trị" luận tội sẽ phải diễn ra tại quốc hội trước bất kỳ cuộc truy tố nào ở tòa án.
Thẩm phán Pan tiếp tục gây sức ép với Sauer, khi đặt câu hỏi thuyết "miễn trừ tuyệt đối" có được áp dụng với một tổng thống có hành vi "bán" lệnh ân xá cho tội phạm hay bán bí mật quân sự cho quốc gia thù địch hay không.
Sauer lập luận rằng một tổng thống chỉ có thể bị truy tố và xét xử sau khi bị Thượng viện kết tội. Ông Trump đã hai lần bị Hạ viện Mỹ luận tội vào năm 2019 và 2021, nhưng đều được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát tha bổng.
James Pearce, công tố viên đại diện Bộ Tư pháp Mỹ, gọi lập luận của Sauer là "viễn cảnh cực kỳ đáng sợ", bởi sẽ tạo ra lỗ hổng pháp lý để tổng thống Mỹ có thể thoát trừng phạt ngay cả khi có những hành vi phạm tội nghiêm trọng.
Theo Pearce, tổng thống Mỹ có thể tuyên bố từ chức trước khi bị đưa ra luận tội tại quốc hội. Do tổng thống đã từ chức, quốc hội không thể tiếp tục luận tội, trong khi quyền "miễn trừ tuyệt đối" giúp cựu tổng thống thoát khỏi mọi hình thức trừng phạt của hệ thống tư pháp.
"Tổng thống có vai trò đặc biệt theo hiến pháp, nhưng không ở trên pháp luật", Pearce nói, thêm rằng hành vi của ông Trump là chưa từng có tiền lệ.
Dù vậy, tới cuối phiên điều trần, Sauer vẫn cho thấy ông kiên định với quan điểm rằng cựu tổng thống chỉ có thể bị truy tố nếu bị Thượng viện kết án trong quá trình luận tội.
Để bảo vệ lập luận của mình, Sauer nêu ra viễn cảnh nếu ông Trump không được miễn tố, các cựu tổng thống Mỹ hiện nay đều có thể bị truy cứu về những hành động mà họ thực hiện khi còn đương chức.
"Việc cho phép truy tố một tổng thống vì những hành động lúc đương chức của ông ấy sẽ mở ra chiếc hộp Pandora mà nước Mỹ có thể không bao giờ phục hồi được", Sauer nhấn mạnh, nhắc tới sự tích về chiếc hộp Pandora kỳ bí chứa đựng những nỗi bất hạnh, thiên tai, chiến tranh trong thần thoại Hy Lạp.
Sauer cho rằng nếu các thẩm phán tước quyền miễn trừ tuyệt đối của ông Trump, Tổng thống Biden cũng có thể bị truy tố ở hạt Tây Texas sau khi ông rời nhiệm sở với cáo buộc quản lý sai biên giới.
Ông cảnh báo điều này, về mặt lý thuyết, có thể dẫn đến cáo buộc chống lại cựu tổng thống Barack Obama, George W. Bush vì một số hành động gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ của họ.
"Liệu George W. Bush có thể bị truy tố với cáo buộc cung cấp thông tin sai lệch cho quốc hội, khiến nước Mỹ tham chiến ở Iraq với lý do sai trái không? Liệu tổng thống Obama có thể bị buộc tội giết người vì được cho là đã phê chuẩn cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào công dân Mỹ ở nước ngoài không?", Sauer đặt vấn đề.
Trong khi đó, công tố viên Pearce nhấn mạnh quan điểm của các thẩm phán. "Sẽ vô cùng đáng sợ nếu không có cơ chế nào đó để truy tố các cựu tổng thống tương lai nếu họ cố gắng duy trì quyền lực dù thua cuộc trong một cuộc bầu cử", ông cho hay.
Tham dự phiên điều trần ngày 9/1, cựu tổng thống Trump ngồi ở bàn bào chữa, cách công tố viên đặc biệt Smith khoảng 6 m. Trong khi cuộc tranh luận của công tố viên đặc biệt diễn ra, Trump ghi chép và chuyển chúng cho Sauer.
Các thẩm phán tới nay vẫn chưa ra phán quyết cuối cùng. Bất cứ quyết định nào của họ nhiều khả năng cũng sẽ gây ra cuộc tranh luận về quyền miễn trừ của tổng thống tại Tòa án Tối cao Mỹ.
Phát biểu với truyền thông sau phiên điều trần, ông tiếp tục lặp lại thông điệp lâu nay của mình: "Tôi nghĩ là một tổng thống, bạn có quyền miễn trừ, rất đơn giản".
Vũ Hoàng (Theo CNN, Reuters, AFP)
----------