179 nghị sĩ Đảng Cộng hòa kêu gọi Tối cao Pháp viện giữ tên ông Trump trên phiếu bầu
Tác giả : Catherine Yang
Biên dịch : Lam Giang
Nguồn: NTD Vn Ngày đăng: 2024-01-19
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump nói chuyện với những người ủng hộ trong cuộc vận động tranh cử tại khách sạn Sheraton Portsmouth Harborside ở Portsmouth, New Hampshire, ngày 17/1/2024. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Steve Scalise cùng với 177 thành viên khác của Quốc hội Mỹ, bao gồm cả các đảng viên Cộng hòa cấp cao như Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, đã kêu gọi Tối cao Pháp viện Mỹ giữ tên cựu Tổng thống Donald Trump trên lá phiếu trong cuộc bầu cử năm 2024.
“Với tư cách là các quan chức được bầu, các thân hữu có mối quan tâm sâu sắc đến việc đảm bảo rằng các quy tắc về tư cách đối với chức vụ liên bang cần phải rõ ràng, khách quan và trung lập, thay vì dễ bảo và áp dụng cách tiếp cận dễ dàng gài bẫy các đối thủ chính trị”, theo bản tóm tắt của hồ sơ.
Theo đó, Tòa án Tối cao Colorado hôm 19/12/2023 ra phán quyết chưa từng có tiền lệ khi không cho phép ông Trump tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2024 với lý do là cựu tổng thống đã vi phạm Mục 3, Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ.
Phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado nêu rõ ông Trump 'đã tham gia vào cuộc nổi loạn' hôm 6/1/2021, đồng thời đảo ngược phán quyết của tòa án cấp dưới.
Tòa cấp dưới nhận định ông Trump đã tham gia cuộc nổi loạn bằng cách kích động những người ủng hộ ông. Nhưng với tư cách tổng thống, ông Trump không phải một "viên chức của Mỹ" nên không bị loại theo Tu chính án số 14. Do đó, tên của ông Trump vẫn có thể xuất hiện trên lá phiếu.
Kể từ khi Tối cao Pháp viện quyết định thụ lý kháng cáo của cựu Tổng thống Trump vào ngày 5/1 về việc tên của ông bị xóa trên phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Cộng hòa ở tiểu bang Colorado, khoảng 40 lá đơn amicus curiae (amicus curiae brief) đã được nộp.
Một đơn amicus curiae có nghĩa là một đơn được gửi cho tòa án và bên gửi đơn lấy danh nghĩa là amicus curiae (người bạn của tòa) để gửi đơn đó.
Các tổ chức pháp lý, hiệp hội luật sư, chuyên gia và cử tri có liên quan (cả cá nhân lẫn tập thể) hàng ngày đã yêu cầu Tối cao Pháp viện giải quyết những bất ổn về mặt pháp lý và sự “hỗn loạn” chính trị do phán quyết ở Colorado gây ra.
Các nhà lập pháp lập luận rằng tòa án Colorado đã giải thích không đúng Mục 3 của Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, một đạo luật thời Nội chiến nhằm cấm một số cá nhân “từng tham gia nổi loạn” nắm chức vụ trong hệ thống công quyền.
“Việc thực thi Mục 3 [của Tu chính án thứ 14] yêu cầu thực thi luật pháp từ cấp Quốc hội, từ đó bảo vệ các ứng cử viên không bị các quan chức tiểu bang lạm dụng”, bản tóm tắt viết.
Họ cũng lập luận rằng vì Quốc hội Mỹ có khả năng loại bỏ sự thiếu tư cách pháp lý của Mục 3 với 2/3 số phiếu bầu vào bất kỳ lúc nào cho đến thời điểm ứng cử viên nắm giữ chức vụ, do đó tòa án tiểu bang không có quyền phá vỡ quá trình này. Các nhà lập pháp đang yêu cầu Tối cao Pháp viện đảo ngược quyết định của Tòa án Colorado về việc loại Tổng thống Trump khỏi lá phiếu.
Bản tóm tắt viết: “Quan điểm của Tòa án Tối cao Colorado đã chà đạp các đặc quyền của các thành viên Quốc hội Mỹ”.
Bản tóm tắt khẳng định không có cuộc nổi loạn nào xảy ra, đồng thời chỉ ra rằng chính các chính trị gia Đảng Dân chủ đã cổ vũ cho các cuộc bạo loạn ở Portland, Oregon, vào năm 2020.
Bản tóm tắt vụ việc nêu rõ: “Hành vi đó của các chính trị gia [Đảng Dân chủ] thật đáng ghê tởm nhưng hiếm khi được cho là đủ điều kiện để coi là một cuộc nổi dậy - cho đến khi Tòa án Tối cao Colorado vào cuộc”.
Nhưng ngay cả khi gạt bỏ cách giải thích “sâu rộng” này về “cuộc nổi loạn” và những nhân tố được coi là tham gia vào một cuộc nổi loạn, họ vẫn cho rằng cựu Tổng thống Trump không tham gia vào một cuộc nổi loạn nào.
Thật khó để tưởng tượng một người theo chủ nghĩa nổi loạn thực sự lại nhanh chóng yêu cầu hòa bình và khuyến khích giải tán", bản tóm tắt viết, đề cập đến những tuyên bố của cựu Tổng thống Trump ngày hôm đó khi kêu gọi những người biểu tình hành động “một cách hòa bình và yêu nước”.
Hỗn loạn sau phán quyết của Tòa án Colorado
Hơn 60 đơn khiếu nại về tư cách ứng cử viên của cựu Tổng thống Trump đã được đệ trình trên khắp nước Mỹ trong vài tháng qua, lập luận rằng theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14, ông Trump nên bị loại khỏi các cuộc bỏ phiếu sơ bộ của các tiểu bang.
Những lập luận này xuất phát từ việc coi sự kiện ngày 6/1/2021 là một “cuộc nổi loạn”, một cáo buộc mới chỉ được tranh luận và ra phán quyết tại Tòa án quận Colorado khi xét xử một thách thức luật bầu cử hành chính.
Lý thuyết pháp lý mới lạ này đã được các nhóm hoạt động quảng bá kể từ ngày 7/1/2021, nhưng phong trào này chỉ thu hút được sự chú ý khi một thẩm phán quận Colorado ra phán quyết rằng sự kiện ngày 6/1 đã cấu thành một "cuộc nổi dậy" với sự đóng góp của cựu Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, Tòa án quận Colorado không loại cựu Tổng thống Trump khỏi lá phiếu mà thay vào đó, họ yêu cầu tổng thư ký tiểu bang đưa tên ông vào lá phiếu vì họ nhận thấy rằng Mục 3 không áp dụng cho các tổng thống.
Tuy nhiên, Tòa án tối cao Colorado đã đảo ngược quyết định này của tòa án cấp dưới.
Tháng trước, Colorado đã trở thành tiểu bang đầu tiên chính thức gạch tên ông Trump ra khỏi lá phiếu bầu tổng thống năm 2024, mặc dù lệnh này để lại rất ít cơ hội cho việc loại tên ông khỏi lá phiếu.
Tòa án quy định rằng tổng thư ký tiểu bang chỉ nên loại tên ông Trump ra khỏi lá phiếu nếu ông không kháng cáo quyết định đó lên Tối cao Pháp viện hoặc nếu Tối cao Pháp viện ra quyết định này.
Mặc dù cựu Tổng thống Trump không bị loại khỏi lá phiếu ở Colorado, nhưng tin tức về việc ông có khả năng bị loại đã khiến các nhà lập pháp và quan chức ở nhiều tiểu bang khác kêu gọi loại bỏ ông khỏi tư cách ứng cử viên Tổng thống. Bên cạnh đó, các quan chức ở một số tiểu bang đã kêu gọi loại bỏ Tổng thống Joe Biden khỏi tư cách ứng cử viên để trả đũa cho điều mà họ gọi là hành vi vi phạm pháp luật.
Chín ngày sau, Tổng Thư ký tiểu bang Maine, bà Shanna Bellows, cũng tuyên bố loại ông ra khỏi cuộc bỏ phiếu sơ bộ với kết luận rằng ông Trump 'tham gia vào cuộc nổi loạn' ngày 6/1. Tương tự như phán quyết ở Colorado, phán quyết ở Maine quy định rằng nếu cựu Tổng thống Trump kháng cáo trước tòa, quyết định sẽ được giữ nguyên và ông sẽ vẫn có tên trên lá phiếu.
Và mặc dù hầu hết các tòa án tiểu bang và liên bang khác cũng như các quan chức bầu cử tiểu bang đã bác bỏ các kiến nghị bãi nhiệm cựu Tổng thống Trump, nhưng lý do được đưa ra trong các phán quyết và ý kiến khác nhau tùy theo từng khu vực pháp lý, đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý hơn là câu trả lời.
Vấn đề quan trọng nhất là liệu các tiểu bang có thẩm quyền quyết định việc loại bỏ Mục 3 hay không, cũng như vai trò của tòa án và Quốc hội trong vấn đề này. Các thẩm phán cũng nhấn mạnh rằng cần phải giải quyết những khó khăn về nhiều thủ tục khác nhau trước khi đề cập đến "cuộc nổi loạn" ngày 6/1.
Kết quả là có nhiều khiếu nại tương tự đã được đệ trình ở cùng một tiểu bang, ngay cả sau khi các khiếu nại liên quan đã bị bác bỏ. Nhiều người gửi đơn amici đã kêu gọi Tối cao Pháp viện giải quyết vấn đề này trên tất cả các tiểu bang, không chỉ Colorado. Dự kiến trước một giải pháp như vậy, một số tòa án tiểu bang gần đây đã bác bỏ hoặc đình chỉ các vụ việc này, viện dẫn quyết định của Tối cao Pháp viện.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch
Tên ông Trump sẽ xuất hiện trên lá phiếu bầu cử sơ bộ ở Washington
Tác giả : Catherine Yang
Biên dịch : Huyền Anh
Nguồn: NTD Vn Ngày đăng: 2024-01-19
Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump theo dõi trong một cuộc vận động tranh cử tại tiểu bang New Hampshire, ngày 16/1/2024. (Ảnh: Brandon Bell/Getty Images)
Cựu Tổng thống Donald Trump sẽ xuất hiện trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở tiểu bang Washington theo lệnh của Thẩm phán hạt Thurston (bang Washington) Mary Sue Wilson.
Hôm thứ Năm (18/1), Thẩm phán Wilson đã bác bỏ đơn yêu cầu loại tên cựu Tổng thống Trump khỏi lá phiếu, sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Quận Kitsap Jeffrey Bassett bác bỏ thách thức tương tự vào hôm 16/1 khi nói rằng vụ kiện cần được đệ trình lên hạt Thurston, địa điểm tại thủ phủ Olympia của tiểu bang.
Ông Steve Hobbs, Thư ký Tiểu bang Washington, đã ca ngợi phán quyết này.
Ông nói: “Tôi rất biết ơn vì Thẩm phán Wilson đã ra một phán quyết kịp thời và được cân nhắc kỹ lưỡng như vậy, cũng như việc bà nhận ra rằng tôi và nhân viên của mình đã tuân thủ luật pháp tiểu bang trong việc quản lý cuộc bầu cử sơ bộ”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác của mình tại các văn phòng bầu cử quận để cung cấp tất cả các tài liệu cần thiết cho cuộc bầu cử này tới mọi cử tri ở Washington”.
Cuộc bầu cử sơ bộ cấp tiểu bang sẽ được tổ chức vào ngày 12/3 và các quan chức có hạn chót là ngày 27/1 để in các lá phiếu, lá phiếu này trước tiên sẽ được gửi đến các cử tri quân nhân và cử tri nước ngoài.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng ca ngợi phán quyết này.
Phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Steven Cheung cho biết: “Phán quyết của Washington phản ánh các phán quyết tương tự của hơn chục tòa án liên bang cũng như tòa án tiểu bang ở Michigan, Minnesota và Oregon”.
“Mặc dù thẩm phán đã ra phán quyết đúng đắn trong vấn đề này, nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết phản đối những vụ việc này, chúng được các đồng minh của Đảng Dân chủ của tổng thống Joe Biden dàn dựng, và chúng tôi quyết tâm đấu tranh chống lại bất kỳ và tất cả những hành vi xấu xa còn sót lại, cũng như các vụ can thiệp bầu cử ở bất cứ nơi nào”.
Tám cử tri Quận Kitsap đã ký và nộp đơn kiến nghị lên tòa án quận, chỉ một ngày sau khi thư ký tiểu bang công bố danh sách ứng cử viên sơ bộ cho cuộc đua tổng thống.
“Với tư cách là cử tri đã đăng ký của bang Washington, theo các điều khoản bầu cử số RCW 29A.68.011, chúng tôi yêu cầu xóa tên Donald J. Trump ra khỏi phiếu bầu sơ bộ và phiếu bầu cử”, đơn kiến nghị viết.
Các ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ bao gồm: Tổng thống Joe Biden, ông Dean Phillips và bà Marianne Williamson. Các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa bao gồm cựu Tổng thống Trump, ông Ron DeSantis, bà Nikki Haley, ông Vivek Ramaswamy và bà Chris Christie.
Những người kiến nghị lập luận rằng cựu Tổng thống Trump không đủ tư cách tranh cử theo Mục 3, Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, vì vụ việc ngày 6/1/2021 đã cấu thành một “cuộc nổi loạn”. Theo quy chế bầu cử trong đơn khiếu nại, một phiên điều trần đã được lên lịch ngay lập tức.
Mục 3 của Tu chính án 14 quy định các quan chức từng tuyên thệ tuân thủ Hiến pháp Mỹ sẽ không đủ tư cách giữ chức vụ trong tương lai nếu họ “tham gia nổi dậy” hoặc đã “hỗ trợ” những người nổi dậy.
Theo tờ Seattle Times, ban đầu những người kiến nghị đã trình bày vụ việc của họ mà không có đại diện pháp lý và nộp một lá đơn khiếu nại ngắn gọn, dài bằng một đoạn văn. Nhưng trong phiên điều trần hôm 18/1, một luật sư đại diện cho nhóm này lập luận rằng tòa án nên giữ nguyên phán quyết xóa tên cựu Tổng thống Trump trên phiếu bầu của tiểu bang Colorado.
Luật sư David Vogel nói với tờ Seattle Times: “Các đạo luật của Washington không giống với các đạo luật của Colorado, nhưng chúng phải có ý nghĩa rõ ràng. Thật là một hành động sai trái khi đưa một người bị Tu chính án thứ 14 loại bỏ tư cách hợp hiến vào lá phiếu của tiểu bang chúng ta”.
Những thách thức trên toàn quốc
Trong vài tháng qua, đã có hàng chục đơn khiếu nại kiểu này xuất hiện tại các khu vực pháp lý trên khắp nước Mỹ và vẫn tiếp tục được đệ trình, mặc dù phần lớn các đơn khiếu nại này đều không thành công.
Các chuyên gia tin rằng đáp án nằm ở Tối cao Pháp viện Mỹ, nơi đã đồng ý thụ lý đơn kháng cáo liên quan do cựu Tổng thống Trump đệ trình vào ngày 5/1, sau khi Tòa án Tối cao Colorado ra phán quyết loại tên ông Trump khỏi phiếu bầu tiểu bang Colorado theo điều khoản thời Nội chiến.
Khoảng 40 đơn amici, trong đó có đơn khiếu nại của 179 thành viên Quốc hội Mỹ và 102 công dân tiểu bang Colorado, đã được đệ trình, yêu cầu Tối cao Pháp viện ra phán quyết rõ ràng về vấn đề này.
Các phán quyết gần đây đã nhấn mạnh quyết định tiềm tàng của Tối cao Pháp viện.
Tại Maine, một tòa án đã hủy bỏ quyết định của thư ký tiểu bang về việc loại cựu Tổng thống Trump khỏi tư cách ứng cử viên, yêu cầu Tổng thư ký tiểu bang Maine, bà Shenna Bellows, chờ quyết định của Tối cao Pháp viện và hành động phù hợp trong vòng 30 ngày kể từ phán quyết đó.
Phán quyết của tòa án nêu rõ: “Có khả năng - mặc dù phải thừa nhận là không chắc chắn - rằng [vụ ông Trump kiện bà Anderson] sẽ giải quyết được nhiều câu hỏi được nêu ra trong đơn kháng cáo này. Tòa án không cùng quan điểm với Tổng thư ký tiểu bang Maine về việc Tối cao Pháp viện có thể giải quyết vụ kiện Anderson chỉ dựa trên các diễn giải về luật cụ thể của Colorado”.
Tòa án Tối cao Oregon đã từ chối xét xử vụ kiện nhằm loại cựu Tổng thống Trump khỏi các cuộc bỏ phiếu của tiểu bang này, nói rằng họ sẽ chờ phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào.
“Bởi vì phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề Tu chính án thứ 14 có thể giải quyết một hoặc nhiều tranh chấp mà các bên liên quan nêu ra trong thủ tục tố tụng ở tiểu bang Oregon, nên Tòa án Tối cao Oregon đã từ chối đơn kiến nghị này”.
Tòa án Tối cao Oregon nhấn mạnh rằng họ từ chối tiếp nhận vụ việc “trong thời điểm hiện tại” và vụ việc chỉ bị bác bỏ mà không gây thành kiến, có nghĩa là cử tri địa phương có thể nộp đơn kiến nghị khác nếu Tối cao Pháp viện để lại những vấn đề chưa được giải quyết cho cuộc bầu cử ở Oregon.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch
----------