Mỹ “Đáng Chết”?
Tác giả : Người Viết Rong Nguồn: Thời Báo Canada Ngày đăng: 2024-02-02
Người Mỹ khi ra nước ngoài du lịch họ có cảm thấy mình bị thiên hạ ghét hay không, điều này hình như chúng ta chưa có dịp nghĩ đến. Còn chuyện cầm passport Mỹ trên tay và sử dụng đồng đô-la trong mua sắm tại những lần đi tour, đi thăm thú nhất định đã để lại những ấn tượng khá xôm tụ nào đó cho họ. Tất nhiên hình ảnh của người Mỹ trong suy nghĩ của tôi và bạn còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân, chưa kể chúng ta tuy là những công dân Mỹ xuất thân từ cội nguồn Giao Chỉ nhưng chưa hẳn đã có cùng quan điểm?
Ngày 13 tháng 10 năm 2023, hãng tin ABC News đánh đi một bản tin có tên Hamas ‘Day of Rage’ protests break out in Middle East and beyond. Đọc lại, thấy vụ Hamas tấn công Israel ngày 7/10 và lập tức Israel đã trả đũa khiến thế giới khắp nơi nổ ra những tranh luận rôm rả sôi nổi. Và (dù chỉ gián tiếp thôi) hình ảnh người Mỹ trong nỗ lực vai trò đồng minh sát cánh của Israel lại được lôi ra vành móng ngựa của lương tri đa chiều, (càng lúc càng trực tiếp hơn).
Trà dư tửu hậu, lập tức những lôi cuốn cố hữu mỗi khi thế giới đụng chuyện nổ ra như pháo rang. Vâng. Làm sao người ta không thể không quan tâm khi tình hình Israel và Dải Gaza đang dấy lên những xung đột chết người. Và rồi câu chuyện đâu phải chỉ gần đây. Thực ra xung đột tại đây đã có một lịch sử nguồn gốc lâu dài. Vì vậy nếu không nhìn vào bức tranh một cách toàn diện tổng thể người ta dễ rơi vào những cái bẫy bình luận “chặt từng khúc”, kiểu nước dâng đến quãng nào, tính theo quãng đó; còn lộ trình toàn bộ câu chuyện không được nhắc đến (thay vào đó) chỉ được nhắc đến tại một vài ngã tư đèn xanh, đèn đỏ nào đó (mà thôi).
Vâng. Ngay trên đất Mỹ này chứ có bảo xa xôi gì cho cam. Nhớ hồi xung đột Hamas-Israel vừa mới xảy ra thái độ của người Mỹ đã không đồng quan điểm với nhau rồi, nói gì đến cái nhìn của người ngoài. Thế là không ít đã lo lắng những ảnh hưởng dư chấn cuộc xung đột này sẽ đem lại. Thiên hạ không thể vô lo. Miễn luận về chuyện giá xăng, giá nhớt tăng giảm ra sao. (Hiện nay giá xăng đang rẻ nhưng không biết hư thực diễn biến sắp tới?) Thị trưởng mấy thành phố lớn của Mỹ và nhiều nơi trên thế giới vội tính chuyện siết chặt an ninh hơn nữa bởi chẳng ai dám nói trước điều gì. Họ sợ làn sóng biểu tình ủng hộ Palestine biến thành những pha nổi loạn nguy hiểm chết người ngoài dự tính.
Còn chuyện chính trị chính em, tỷ như phát biểu của Cựu Tổng thống Donald J Trump trong câu nói ông tỏ ra khen ngợi nhóm khủng bố Hồi giáo Hezbollah với những hành động chống Israel là thông minh đã tạo nên những phản ứng chống đối lẫn nhau. Bởi, một lần nữa, những câu chuyện chính trị chính em chẳng bao giờ phân minh ngã ngũ một cách êm thắm, khoan hòa! Chuyện nội bộ Mỹ, người ủng hộ kẻ lên án những hoạt động trả đũa của Isarel xem ra chẳng có gì là khó hiểu.
Khi thủ lãnh Hamas ra lời kêu gọi toàn thể Thế giới Hồi giáo xuống đường biểu tình chống lại hành động hiếu chiến của Israel qua chiến dịch “Day of Rage” – Ngày nổi giận – lập tức nhiều cuộc chống đối biểu tình nổ ra khắp nơi tại Trung Đông cũng như trên thế giới hồi những ngày đầu xung đột Hamas-Israel nổ ra.
Với báo chí đây là một vụ xung đột. Tên gọi cụ thể là Israel-Hamas conflict. Tuy nhiên theo cách nói dân dã của quần chúng (vốn đã bị chính trị hóa, chưa nói đến những đụng chạm văn hóa, tôn giáo… vốn luôn hâm nóng câu chuyện rất nhanh) đây chính là một lần tính sai nước cờ của Hamas, kiểu: Hamas tấn công Israel nên Israel “dập” lại Hamas te tua. Thực ra nói kiểu nào cũng có lý nếu câu chuyện bị “chặt ra từng khúc” rồi gắp miếng mình thích vào đĩa rồi chừa miếng dở cho người khác! Thành ra để giữ được mối thân tình trong những lần trà dư tửu hậu, muốn giữ gìn câu dĩ hòa vi quý đôi khi cứ “ba phải” mới thực là thượng sách, không bị lạc đạn, đầu không phải lại phải tai! Tuy nhiên nếu quan sát kỹ, người ta có lý do tin rằng Hamas đã bị kẻ khác giật dây, chuyện họ tấn công Israel khác nào khỉ nhổ râu cọp, không bị cọp vả cho một cái vỡ sọ mới là chuyện lạ.
Theo lời tác giả bản tin Meredith Deliso lời kêu gọi của thủ lãnh Hamas tạo ra được hiệu ứng khuấy động tinh thần bài Do Thái của thế giới Hồi giáo. Tất nhiên bạn không lạ gì trước thái độ cuồng nhiệt của thế giới Hồi giáo. Một lần nữa chuyện này liên quan đến lịch sử nhiều thập niên trước khi Do Thái càng lúc càng phát triển vững mạnh, trở thành cái gai trong mắt thế giới Hồi giáo, kẻ liên tục chật vật trầy truột mãi. Tệ lắm. Chết là chết ngay cái đoạn ấy.
Cơ khổ, nằm trong chăn mới biết chăn có rận; chúng ta, những công dân Mỹ gốc Giao Chỉ (hoặc những công dân Mỹ nguyên quán gốc gác từ xứ khác) không theo Đạo Hồi nên đâu hiểu họ nghĩ gì và có tâm tình nào đối với Palestine. Thành ra dù có sàng lọc kỹ lưỡng cách mấy chúng ta vẫn khó tránh những suy nghĩ rất đỗi chủ quan. Từ đây, những chi tiết của vụ xung đột lần này có thể nhuốm những gam màu tư tưởng, thậm chí từ những gì kẻ nhẹ dạ nghe được qua những nhận xét của người có vai vế. Tỷ như nếu họ nghe Biden nói thế này, nghe Pence nói thế kia, hoặc Netanyahu bảo thế nọ, Xi hay Putin bảo thế khác, lập tức nhiều người bị lôi kéo vào vòng khẩu chiến bởi trong thâm tâm họ (vốn dĩ) đã đầy thành kiến thiện cảm với nhóm này hoặc ác cảm với nhóm khác.
Hình ảnh những đoàn người biểu tình ủng hộ Hamas đông như kiến ai cũng nhận ra. Tại thủ đô Iraq, hàng chục ngàn người túa ra đường. Tại Iran và Yemen, hàng loạt biển người với những lá cờ Palestine phất phới bay trong gió. Thậm chí tại Iraq nhiều thành phần quá khích đã đốt cờ Israel và cờ Mỹ. Tình hình khó có thể dập tắt được. Ngọn đuốc đã thắp lên. Cứ thế, lửa truyền đi, cả một biển đuốc hừng hực châm nhau thổi lên thành cơn bão lửa chống Israel và Mỹ.
Không nói đến khác biệt văn hóa, những xung đột mang tính cục bộ, vùng miền, gà cùng một mẹ trong khu vực như Iran và Iraq còn không vượt qua được cái ải “gà cùng một mẹ vẫn đá nhau”, nhưng nếu như đứng dưới trướng của tôn giáo, họ không thể dửng dưng, càng không thể bỏ rơi Palestine trong cuộc xung đột lần này. Lọ phải bàn cãi những tiểu tiết vụn vặt hàng ngày, thế giới Hồi giáo nhất định phải chen vai sát cánh, mâm cỗ hội đình lần này to lắm, không đến dự hóa ra mặt mũi vứt bỏ đi đâu, không ra mặt e không thể nào chấp nhận được.
Tại Beirut, thủ đô của Lebanon các cảm tình viên của nhóm phiến quân Hezbollah đã tập hợp một cuộc diễn hành biểu tình chống Israel ủng hộ các thành viên anh em Palestine. Họ lớn tiếng những khẩu hiệu hô vang: Death to IsraelDeath to America. Đám đông ít nhất phải vài ngàn người (at least a couple thousand). Hành động thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó này xuất phát sau lời kêu gọi của các thủ lãnh nhóm phiến quân Hezbollah hạ quyết tâm ủng hộ sát cánh với nhóm vũ trang Hamas.
Tại Jordan, cờ Palestine và cờ Jordan tung bay phất phới. Tinh thần thể hiện lòng ủng hộ các anh em Hồi giáo Jordan dành cho anh em Hồi giáo Palestine quả thật rất đáng khâm phục thay. Cảnh sát nơi đây buộc phải sử dụng khói cay để giải tán hàng trăm biểu tình viên nhiệt huyết quá khích khi họ cùng nhau kéo về biên giới sát Bờ Tây (West Bank) của Palestine. Tất nhiên người ta không thể không lo cảnh lửa cả rơm khô, chuyện bé xé ra to, vô tình dẫn đến họa cháy lan.
----------