"Cầu Thang Cứu Rỗi" : Hành động đẹp của cư dân cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo
Tác giả : Trân Văn (Blog VOA) Nguồn: Tiếng Dân Ngày đăng: 2024-02-15
Cầu Thang Cứu Rỗi. (Hình: Facebook Lê Thượng Tiến)
Ông Tiến giải thích tại sao ông muốn gọi cây cầu sắt tạm bợ, thô sơ ấy là “cầu cứu rỗi”…
Chỉ trong vài giờ, status giới thiệu về một hành động mà ông Lê Thượng Tiến khẳng định là “công đức vô lượng” đã có hơn 1.000 người khen hay hoặc cười tán thưởng (1).
Trong status không có tên trên trang Facebook của mình, ngoài ảnh chụp một cây cầu sắt tự chế để thiên hạ có thể bước qua hàng rào kẽm gai phân lập cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo với khu dân cư bên cạnh cao tốc này, ông Tiến giải thích tại sao ông muốn gọi cây cầu sắt tạm bợ, thô sơ ấy là “cầu cứu rỗi” cho những người sử dụng cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo.
Bỡi lẽ Cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo dài 200 km nhưng không có… nhà vệ sinh công cộng và đó là lý do thiên hạ phải… làm bừa khắp nơi khi có nhu cầu, bất kể xe cộ qua lại vùn vụt. cho nên một cư dân sống cạnh cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo, không đành lòng trước cảnh đó, đã “phát tâm” làm “cầu vượt” và dựng nhà vệ sinh bên ngoài cao tốc.
Cầu Thang Cứu Rỗi. (Hình: Facebook Lê Thượng Tiến)
Ông Tiến nhấn manh khi có nhu cầu đi vệ sinh thì sang hèn chẳng khác gì nhau và việc được hỗ trợ đúng cách chính là giúp cho “thế giới đại đồng”. Ông nửa đùa, nửa thật về chuyện có người tâm sự: Từ khi có 'cầu vượt' tôi ít vi phạm về tốc độ. Hay có bác sĩ phấn khởi, đùa: Nỗ lực cứu người của chủ nhà dựng cầu vượt, nhà vệ sinh đã giúp kéo giảm số lượng bệnh nhân sỏi thận, viêm bàng quang. Hai tháng nay số ca bệnh loại này vào bệnh viện chúng tôi giảm hơn một nửa ! Qua Facebook, ông Tiến nhắn với chủ nhà đã “phát tâm” cứu người: Đó là công đức vô lượng. Gieo nhân nào, gặt quả nấy, kiếp này cứu người cần đi vệ sinh, kiếp sau cần đi vệ sinh sẽ không gặp kẹt xe.
***
Thật ra chiều dài cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết chỉ chừng 100 km, phần tiếp theo của cao tốc này là cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài gần như tương đương. Từ khi khánh thành (tháng 5/2023) đến nay, hai đoạn cao tốc liền kề đó không có nhà vệ sinh và từ tháng 7/2023, dân chúng sống dọc cao tốc tự nguyện lập các “Nhà vệ sinh 0 đồng(2). Đến tháng 9/2023, VTC News tường thuật, suốt con đường cho phép chạy với tốc độ cao, dài khoảng 250 km chỉ có một trạm dừng nghỉ ở đầu phía Dầu Giây và thiên hạ rồng rắn để chờ đến lượt đi vệ sinh… Không chỉ thiếu trạm dừng nghỉ và nhà vệ sinh, phần lớn cao tốc ở Việt Nam thiếu làn dừng khẩn cấp.
Chuyện các cao tốc thiếu những yếu tố tối thiểu để bảo đảm an toàn và tiện nghi cho người sử dụng từng được đại diện Bộ Giao thông – Vận tải giải thích, đại ý là do không đủ vốn song cần hoàn thành chỉ tiêu (đến 2030, Việt Nam phải có 5.000 km cao tốc), thành ra chính quyền chọn giải pháp đầu tư phần chính, còn phần phụ (làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ – nhà vệ sinh, kể cả dải ngăn cách các dòng xe ngược chiều nhau) thì… từ từ mới… tính (3). Nói cách khác, sinh mạng đồng loại – đối tượng mà về lý, chính quyền phải tận tình bảo vệ, tiện nghi cho đồng bào – đối tượng mà về lý, chính quyền có nghĩa vụ phục vụ chu đáo đều là thứ yếu.
Các hệ thống đang dẫn dắt xây dựng CNXH tại Việt Nam xem cái chính yếu là kế hoạch, là chỉ tiêu và cả kế hoạch lẫn chỉ tiêu đều không màng đến dân sinh mà chỉ nhắm đến hoặc thành tích để “diễu võ, giương oai”, hoặc lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Cũng vì vậy, chẳng phải chỉ có lĩnh vực giao thông vận hành không vì con người, không đặt con người vào vị trí tối thượng! Bởi lĩnh vực nào cũng vậy nên mới có những khu đô thị chẳng có trường học (5), chảng có bệnh viện nào bên trong hay bên cạnh các rừng cao ốc, cư dân không có không gian cộng cộng, nước cho sinh hoạt vừa yếu, vừa thiếu, thậm chí hàng chục ngàn người không có nước ăn uống, tắm giặt trong cả tháng (6).
Chú thích
----------