Đài Loan sẽ ngăn chặn cuộc xâm lược của Trung Quốc như thế nào?
Tác giả : Liên Thành Nguồn: DKN Ngày đăng: 2024-02-19
Bắc Kinh từng tuyên bố “Họ có thể đợi một trăm năm để giành lại Đài Loan”, nhưng giờ đây có vẻ như Chính quyền Trung Quốc có vẻ đang ngày càng mất kiên nhẫn với sự chờ đợi của họ. Vậy Đài Loan có thể có những cách gì để “ngăn chặn” một cuộc xâm lược vũ trang của Trung Quốc?.
Vào tháng 1/2023, Tướng Không quân Mỹ Mike Minihan từng viết một bản ghi nhớ cho các sĩ quan trong Bộ Tư lệnh Cơ động Không quân, gần như ngay lập tức bản ghi nhớ bị rò rỉ ra ngoài. Nội dung bản ghi nhớ cảnh báo: Mỹ và Trung Quốc đang dồn toàn lực hướng tới chống lại một biến động lớn sẽ sớm xảy ra – chiến tranh ở Đài Loan – và tướng Minihan viết rõ: “Trực giác mách bảo, tôi sẽ chiến đấu vào năm 2025”.
Minihan cho biết trong bản ghi nhớ: vì cả Đài Loan và Mỹ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2024, Mỹ sẽ “bị phân tâm” và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nhân cơ hội tiến đánh Đài Loan.
Điều đáng báo động là ông Minihan cũng không phải là nhân vật quân đội Mỹ duy nhất đưa ra những dự đoán về chiến tranh sắp xảy ra.
Vào năm 2021, Philip Davidson, lúc đó là đô đốc bốn sao của Hải quân Mỹ và là tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đã dự đoán: khả năng chiến tranh Trung Quốc và Eo biển Đài Loan có thể xảy ra vào năm 2027.
Ngay trong năm nay, năm 2023, cả Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân, Tướng Mark Milley đều cảnh báo: mặc dù chiến tranh với Trung Quốc không phải là sắp xảy ra và cũng không phải là không thể tránh khỏi, nhưng Trung Quốc đang tích cực tìm cách có được khả năng tấn công, chiếm đảo về mặt quân sự, chậm nhất là vào năm 2027.
Vào tháng 4/2023, John Aquilino, một Đô đốc khác và là Tư lệnh hiện tại của Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đã tuyên bố rõ ràng; Trung Quốc đang tăng cường xây dựng quân đội lớn nhất, nhanh nhất, toàn diện nhất kể từ Thế chiến II. Tính theo tổng số tàu chiến, Hải quân Trung Quốc đã nổi lên là lực lượng lớn nhất thế giới trong những năm 2020, vượt qua tổng số tàu của Hải quân Mỹ.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc gần bằng 1/3 chi tiêu quốc phòng của Mỹ và đã vượt quá ngân sách quân sự của Nga, Ấn Độ, Anh và Pháp cộng lại. Do đó, khả năng quân sự của Trung Quốc đã được mở rộng đáng kể trong vai trò mới, được cho là cường quốc quân sự mạnh thứ hai trên thế giới.
Vào tháng 8/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosy đã có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Đài Loan. Chuyến thăm đã gây ra cuộc khủng hoảng xuyên Eo biển lớn nhất trong một phần tư thế kỷ qua ở Trung Quốc.
Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc liên tục vượt qua “đường trung tuyến” ranh giới trên biển không chính thức giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan, thậm chí còn tuần tra quanh bờ biển phía đông của Đài Loan.
Tên lửa đạn đạo của Trung Quốc phóng ra ngoài khơi và rơi quanh hòn đảo với một số đã lao vào trong vùng lãnh hải của Đài Loan và một số khác bay thẳng qua không phận của hòn đảo và lao vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Những sự kiện này là mới, tính đến lúc đó là hoàn toàn chưa từng có.
Đồng thời, các sự kiện lúc đó phù hợp với dự đoán của các nhà hoạch định quân sự Mỹ xung quanh khả năng rất thực tế về một cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc vào hòn đảo, sẽ xảy ra vào thời điểm nào đó trong thời gian tới.
Một biến cố như vậy có thể dễ dàng lôi Mỹ vào cuộc chiến với siêu cường toàn cầu khác trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương rộng lớn và thảm khốc của thế kỷ 21.
Nhưng tại sao tất cả những điều này lại xảy ra đột ngột vào những năm 2020 và điều gì ở hòn đảo này khiến nó trở nên có giá trị đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Tại sao nó được cho là điểm bùng phát nguy hiểm nhất trong toàn bộ thế kỷ 21.
Nhìn lại lịch sử: Trung Quốc hiện nay là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với chính phủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Còn Đài Loan là chính phủ nối tiếp của Cộng hòa Trung Hoa cũ (hay còn gọi Trung Hoa Dân quốc).
Trong suốt đầu thế kỷ 20, hai bên đã tiến hành một cuộc nội chiến tàn khốc để giành quyền kiểm soát toàn bộ Trung Quốc. Đỉnh điểm là năm 1949, ĐCSTQ giành quyền thống trị trên khắp lục địa Trung Quốc, còn Chính phủ Trung Hoa Dân quốc rút lui về đảo Đài Loan.
Đài Loan, hòn đảo bị triều đại nhà Thanh của Trung Quốc sáp nhập từ nhiều thế kỷ trước, vào năm 1683, sau đó bị Nhật Bản sáp nhập vào năm 1895, cuối cùng quay trở lại dưới quyền kiểm soát của Trung Hoa Dân Quốc sau Thế chiến II vào năm 1945.
Mặc dù việc Trung Hoa Dân Quốc rút lui hoàn toàn về đảo Đài Loan năm 1949, đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc giao tranh trực tiếp giữa hai bên trong Nội chiến Trung Quốc.
Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một hiệp ước hòa bình chính thức nào để chấm dứt cuộc nội chiến này.
Như vậy, nói theo một cách nào đó, cuộc nội chiến Trung Quốc vẫn đang tạm dừng một cách hiệu quả trong suốt 74 năm, khiến nó trở thành một trong những cuộc xung đột “bị đóng băng” kéo dài nhất lịch sử thế giới đương đại.
Kể từ đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã liên tục khẳng định họ là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn bộ Trung Quốc đại lục và Đài Loan là một phần không thể tách rời.
Đây được gọi là chính sách Một Trung Quốc và đó là lý do tại sao Bắc Kinh không coi Đài Loan là một quốc gia độc lập mà là một phần của Trung Quốc, hiện đang nổi loạn và được lãnh đạo bởi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc.
Nhiều nước trên thế giới đã từ bỏ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan để quay sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc.
Tính đến năm 2023, chỉ còn 13 quốc gia trên thế giới duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, và hầu hết trong số đó là những quốc gia rất nhỏ, lớn nhất là các nước Guatemala, Haiti và Paraguay.
Kể từ năm 2018, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể nói, đã thành công trong việc thuyết phục các nước đồng minh của Trung Hoa Dân quốc từ bỏ Đài Loan.
Mặt khác, Trung Hoa Dân quốc cũng có “chính sách Một Trung Quốc”, nói Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, nhưng khẳng định nó không thuộc về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ngoại giới cho rằng, với cách nói này, Đài Loan có thể coi tất cả đại lục là một loạt các tỉnh rất lớn, đang trong tình trạng nổi loạn dưới sự lãnh đạo của chính quyền hà khắc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Qua đó cho thấy, quan điểm của Trung Hoa Dân quốc về chính sách Một Trung Quốc có thể coi là một vở diễn trên sân khấu.
Nhưng vấn đề là, nếu họ ngừng duy trì quan điểm đó và bắt đầu khẳng định, họ là chính phủ duy nhất của Đài Loan thì điều đó có thể được xem là một tuyên bố chính thức độc lập, tách khỏi Trung Quốc, và gần như ngay lập tức có thể gây ra phản ứng quân sự từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Đó là lý do tại sao Trung Hoa Dân Quốc chưa bao giờ thực hiện bất kỳ nỗ lực chính thức nào, nhằm từ bỏ chính sách Một Trung Quốc, để tìm kiếm độc lập chính thức.
Trong nhiều thập niên, chính quyền Trung Quốc chủ yếu cố gắng đặt Đài Loan dưới quyền của mình thông qua các biện pháp ngoại giao.
Năm 1972, Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông từng có câu nói nổi tiếng với Tổng thống Mỹ Richard Nixon rằng: Trung Quốc “có thể đợi một trăm năm” cho đến khi chiếm được Đài Loan, nhưng bây giờ, năm 2023, đã hơn 70 năm trôi qua, có vẻ như Bắc Kinh thực sự ngày càng mất kiên nhẫn với sự chờ đợi của họ.
Mục tiêu mong muốn từ lâu trong 74 năm qua, tính từ năm 1949 là điều mà Bắc Kinh gọi là “thống nhất hòa bình”, đã không xảy ra và hiện trạng vẫn được giữ nguyên.
Trong khi đó, triển vọng kinh tế và nhân khẩu học của Trung Quốc sau những năm 2020 được cho là đáng lo ngại.
Bắc Kinh hiểu rằng sau năm 2030, nhân khẩu học và nền kinh tế của họ sẽ bắt đầu ngày càng trở nên tồi tệ hơn, vì vậy họ biết rằng lựa chọn chiếm Đài Loan bằng vũ lực quân sự sẽ dễ dàng hơn trong thập niên này, so với thập niên tiếp theo, khi hiện tại họ còn tương đối mạnh.
Chính quyền Trung Quốc đã nói rất rõ rằng, họ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sử dụng vũ lực một ngày nào đó, để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình.
Nhằm cố gắng ngăn cản Trung Quốc sử dụng vũ lực, Mỹ và Đài Loan đang ngày càng chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến với siêu cường, cho dù họ không muốn nó xảy ra, vì nếu xảy ra, nó sẽ làm đảo lộn toàn bộ thế giới.
Bản thân Đài Loan cũng hiểu rõ tình hình địa chính trị bấp bênh, tồn tại trong nhiều thập niên với một nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày càng hung hăng, trong khi mối quan hệ ngoại giao và sự hỗ trợ nước ngoài dành cho họ ngày càng suy giảm.
Vì vậy Đài Loan đã đã áp dụng ba chiến lược tổng thể rất khác nhau, tất cả đều kết nối với nhau. Từ quan điểm của phía họ, họ hy vọng sẽ ngăn cản việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược.
Trong video hôm nay, chúng ta sẽ tập trung nói về 2 chiến lược về mặt ngoại giao và Kinh tế, tạm gác lại chiến lược về mặt quân sự.
Chiến lược ngoại giao cốt lõi của Đài Loan được áp dụng đối với cả Trung Quốc đại lục và với phần còn lại của thế giới bên ngoài, chính là: Trung Hoa Dân quốc tiếp tục cam kết chính thức với “chính sách Một Trung Quốc”, trao cho Bắc Kinh quyền khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Vào năm 1945, khi người Nhật trao trả Đài Loan cho Trung Hoa Dân Quốc, Quốc Dân Đảng đã kiểm soát hoàn toàn hòn đảo. Sau khi thua trong cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc Dân Đảng đã lui về Đài Loan.
Quốc Dân Đảng đã thiết lập chế độ độc đảng nghiêm ngặt trên hòn đảo, đó là một thời kỳ thiết quân luật kéo dài gần 4 thập niên, mãi cho đến năm 1987.
Trong thời gian dài đó, bản sắc truyền thống của dân tộc Trung Hoa đã được Quốc Dân Đảng duy trì và áp dụng thống nhất trên toàn bộ hòn đảo, người dân chỉ được phép nói tiếng Quan thoại.
Sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ vào năm 1987, quá trình chuyển đổi sang hình thức quản lý dân chủ của Đảo quốc, diễn ra đồng thời với quá trình tự xác nhận “bản sắc riêng”.
Một thời gian ngắn sau khi có chuyển đổi, vào năm 1992, một cuộc thăm dò cho thấy: chỉ 17,6% người dân trên đảo nhận mình là người Đài Loan, trong khi 25,5% nhận là người Trung Quốc và 46,4% nhận cả hai.
Chỉ ba thập niên sau, vào năm 2020, một cuộc thăm dò khác, được thực hiện bởi trung tâm nghiên cứu bầu cử của Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan – Chengchi, cho thấy: có 61% người được hỏi nhận mình là người Đài Loan.
Một chiến lược khác của Đài Loan nhằm ngăn chặn cuộc xâm lược của Trung Quốc liên quan đến kinh tế, trong bối cảnh ban đầu, không có sự quan tâm nào cùa thế giới bên ngoài.
Nhắc lại tình huống lúc bấy giờ, Đài Loan đã mất sự công nhận của Nhật Bản, Australia và hầu hết các nước châu Âu trong những năm 1970 và thậm chí mất đi sự công nhận của Mỹ.
Vào năm 1979, Đài Loan đã phải tìm đủ mọi cách để khuyến khích các cường quốc bên ngoài quan tâm đến việc can thiệp nếu một ngày nào đó Trung Quốc quyết định xâm chiếm Đài Loan.
Mỹ đã can thiệp chống lại cuộc xâm lược Kuwait của Saddam Hussein vào năm 1991, chủ yếu lo ngại việc nguồn cung dầu toàn cầu sẽ dần rơi vào tay Saddam.
Nhưng không giống như Kuwait, Đài Loan hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, để khiến các cường quốc bên ngoài quan tâm đến việc ai đang thực sự kiểm soát hòn đảo.
Hòn đảo này gần như không có dầu, than cũng như khí đốt. Trong nhiều thập niên, nền kinh tế trên đảo tương đối nghèo, cho đến khi xuất hiện một nhân vật góp một phần khá quan trọng trong việc thay đổi cục diện nền kinh tế Đài Loan.
Morris Chang, (Trương Trung Mưu) một doanh nhân huyền thoại của Trung Hoa Dân quốc, người sáng lập tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC.
Ông Trương đã chuyển đến Mỹ khi còn trẻ và đã có quãng thời gian 25 năm làm việc tại Texas Instruments, một trong những tập đoàn hàng đầu trong thị trường bán dẫn. Ông từng giữ chức Tổng giám đốc tập đoàn này.
Chất bán dẫn, dùng để sản xuất các con chíp vi mạch, là một tập hợp các mạch điện tử trên một miếng silicon phẳng nhỏ.
Trên những con chip này, các bóng bán dẫn hoạt động như những công tắc nhỏ để điều khiển chuyển động của các electron.
Các chip tiên tiến nhất ngày nay được sản xuất bằng quy trình được gọi là quy trình sản xuất 7 nanomet. Số đo 1 nanomet là để chỉ đến con số một phần tỷ mét.
Các quy trình với số nanomet nhỏ hơn rất quan trọng, vì chúng tăng hiệu suất mạch và giảm tiêu thụ điện năng.
Vi mạch là một nguồn tài nguyên mới nhưng ngày càng quan trọng trong thế giới hiện đại, có mặt trong mọi thiết bị điện tử, từ máy tính đến điện thoại thông minh, từ máy ảnh cho đến máy bay không người lái, từ lò vi sóng đến máy điều hòa không khí… có những thiết bị quân sự quan trọng như máy bay chiến đấu, tên lửa dẫn đường và trí tuệ nhân tạo mới nổi.
Vào những năm 1980, ông Trương đã quay trở lại với Trung Hoa Dân quốc ở Đài Loan khi ông và chính phủ Trung Hoa Dân quốc đưa ra một ý tưởng mới táo bạo, thành lập một công ty tập trung nghiên cứu sản xuất vi mạch.
Ngay từ đầu TSMC đã là dự án của nhà nước Đài Loan với 48% khởi nghiệp cần thiết để vận hành đến từ chính phủ Trung Hoa Dân quốc, trong khi phần lớn số còn lại được gây quỹ từ những công dân Đài Loan giàu có, với sự vận động của chính phủ yêu cầu đầu tư vào công ty mới.
Theo thời gian, TSMC đã có thể quảng bá mình là một cơ sở sản xuất có chi phí thấp, để thuyết phục ngày càng nhiều công ty vi mạch lớn từ khắp Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, thuê họ gia công một số hoặc thay thế tất cả quy trình sản xuất.
Khách hàng của TSMC bao gồm các công ty lớn như AMD, Nvidia, Intel, IBM, Sony, Qualcomm và Apple.
Kết quả là TSMC đã có thể nổi lên không chỉ là một công ty bán dẫn lớn nhất thế giới mà còn là một trong những công ty có giá trị hàng đầu thế giới với vốn hóa thị trường hơn 450 tỷ USD tính đến tháng 10/2023, theo dữ liệu Nasdaq.
TSMC và tất cả các công ty sản xuất vi mạch khác của Đài Loan tính gộp lại, sản xuất tổng cộng khoảng 68% số vi mạch toàn cầu.
Vì vậy ngành công nghiệp vi mạch khổng lồ này được coi là “Lá chắn silicon” của Đài Loan.
Lý thuyết về lá chắn silicon cho rằng, các cường quốc bên ngoài phải dựa vào cơ sở sản xuất vi mạch của Đài Loan, trong đó có Mỹ, EU và Nhật Bản, do đó những nước này đều sẽ có sự khuyến khích mạnh mẽ về mặt tài chính nhằm bảo vệ những cơ sở sản xuất vi mạch ở Đài Loan khỏi bất kỳ cuộc tấn công nào đến từ Trung Quốc, thậm chí được khuyến khích cả về mặt quân sự trong việc bảo vệ chủ quyền của Đài Loan khi Trung Quốc xâm lược.
Nhưng việc khuyến khích các bên thứ ba bảo vệ Đài Loan chỉ là một nửa của chiến lược Lá chắn Silicon. Phần còn lại, chính là nó trực tiếp ngăn chặn Trung Quốc phát động một cuộc tấn công.
Bởi vì, giống như Mỹ, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc ngày càng trở nên phụ thuộc vào các công ty sản xuất chip của Đài Loan, mặc dù Trung Quốc đã đổ hàng tỷ đô la vào phát triển ngành công nghiệp vi mạch của riêng mình.
Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh thực sự trong lĩnh vực chip bán dẫn, dù trước đó đã đặt mục tiêu đạt được 70% khả năng tự cung cấp sản xuất vi mạch vào năm 2025.
Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thực sự mạo hiểm xâm lược Đài Loan khi mà họ có thể chứng kiến các công ty sản xuất chip mà họ rất phụ thuộc vào, bị phá hủy trong chiến tranh hoặc do chính Đài Loan sẽ tự phá hủy hay không.
----------