Hai năm chiến tranh Ukraine đã thay đổi nước Nga như thế nào?
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-02-23
Nữ nhạc sĩ Alexandra Skochilenko ở Saint Petersburg bị tuyên án 7 năm tù vào cuối năm 2023 vì các hoạt động phản chiến
Hai năm chiến tranh tại Ukraine đã làm thay đổi nước Nga và cho thấy một Vladimir Putin hoàn toàn khác.
Khi tôi đứng nhìn những người Nga đặt hoa tưởng niệm thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, một cậu thanh niên đã chia sẻ cảm xúc về cái chết trong tù của ông Navalny.
"Tôi bị sốc," cậu ấy nói với tôi, "giống ngày 24/2 hai năm trước, ngày mà cuộc chiến bắt đầu.”
Tâm sự ấy khiến tôi nghĩ về tất cả những gì đã xảy ra ở Nga trong suốt hai năm qua, từ khi Tổng thống Putin ra lệnh tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine.
Đó là một chuỗi bi kịch, đổ máu và đau thương.
Cuộc chiến tranh của Nga đã gieo chết chóc và sự hủy diệt lên đất nước Ukraine. Quân đội Nga cũng chịu tổn thất nặng nề.
Các thị trấn của Nga bị pháo kích và tấn công bằng drone.
Hàng trăm ngàn đàn ông Nga bị bắt nhập ngũ.
Đội quân đánh thuê Wagner nổi loạn và hành quân về Moscow. Sau đó, thủ lĩnh của họ là Yevgeny Prigozhin đã chết trong một vụ tai nạn máy bay.
Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt tổng thống Nga với cáo buộc tội ác chiến tranh.
Giờ đây, người chỉ trích Putin gay gắt nhất đã chết.
24/2/2022 là cột mốc mang tính bước ngoặt.
Tuy nhiên, khi nhìn lại, đã có những dấu hiệu báo trước rõ ràng.
Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine và lần đầu tiên can thiệp quân sự vào vùng Donbas.
Năm 2020, ông Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, rồi bị bắt giam vào năm 2021.
Đàn áp trong nước ở Nga đã diễn ra trước cuộc xâm lược Ukraine, nhưng nó đã leo thang kể từ khi chiến tranh khởi phát.
Hai năm chiến sự, ông Putin càng có vẻ tự tin và kiên định hơn trong việc đánh bại kẻ thù trong và ngoài nước.
Ông ta công kích Mỹ, NATO và EU, đồng thời mô tả cuộc chiến mà Nga gây ra ở Ukraine là cuộc chiến mà “các nước phương Tây” thực hiện để chống lại Nga và Nga đang chiến đấu để sinh tồn.
Bao giờ và bằng cách nào cuộc chiến này sẽ kết thúc? Tôi không thể dự đoán tương lai. Tuy nhiên, tôi có thể hồi tưởng quá khứ.
Mới đây, trong chiếc tủ ở nhà, tôi tìm thấy một tệp hồ sơ phủ bụi chứa các bài viết của tôi về nước Nga từ hơn 20 năm trước – những năm đầu cầm quyền của ông Putin.
Lần giở lại các bài viết ấy như đang đọc về một thiên hà xa xôi cách nhiều năm ánh sáng.
“Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây, 59% người Nga ủng hộ ý tưởng Nga gia nhập Liên minh châu Âu,” tôi viết vào ngày 17/5/2001.
“NATO và Nga đang tích cực tìm kiếm những cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn: một dấu hiệu cho đôi bên thấy rằng mối đe dọa thực sự đối với hòa bình thế giới không đến từ đối phương…” [ngày 20/11/2001]
Thế thì, đâu là thời điểm mọi việc đi chệch hướng? Tôi không phải là người duy nhất băn khoăn về điều này.
Bức tranh tường ở thị trấn Solnechnogorsk vẽ những binh lính Nga tử trận
“Ông Putin mà tôi từng gặp, từng hợp tác tốt đẹp và cùng thành lập Hội đồng Nga-NATO rất, rất khác so với vị lãnh đạo gần như cuồng vọng hiện nay,” cựu lãnh đạo NATO là Nam tước Robertson nói với tôi trong cuộc gặp mới đây ở London.
Người đàn ông đứng cạnh tôi hồi tháng 5/2002, đứng ngay cạnh tôi, đã nói rằng Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, có thể tự đưa ra quyết định về an ninh, giờ lại tuyên bố [Ukraine] không phải là một quốc gia.”
Nam tước Robertson thậm chí vẫn nhớ rõ lúc ông Vladimir Putin cân nhắc việc Nga gia nhập NATO.
“Trong cuộc gặp thứ hai giữa tôi với ông Putin, ông ta đã hỏi thẳng: 'Khi nào các ông mới định mời Nga gia nhập NATO?'.
Tôi đáp, 'Chúng tôi không mời các nước tham gia NATO, họ nộp đơn xin gia nhập. '
Thế là ông ấy bảo: 'Chà, chúng tôi sẽ không đứng xếp hàng với một đống các nước không quan trọng đâu.'
“Ông ta muốn được mời gia nhập, bởi ông ta vẫn luôn nghĩ – và ngày càng tin tưởng – rằng Nga là một quốc gia hùng mạnh trên trường quốc tế và cần nhận được sự tôn trọng như Liên Xô từng có,” ông ấy nói với tôi.
“Ông ta sẽ không bao giờ chịu ở trong một liên minh bao gồm các quốc gia bình đẳng, nơi tất cả đều có thể ngồi quanh bàn tròn để tranh luận và thảo luận về các lợi ích của chính sách chung.”
Nam tước Robertson nói rằng việc Nga đánh mất vị thế siêu cường đã bào mòn cái tôi của Tổng thống Putin
‘Cái tôi ngày càng lớn’
Nam tước Robertson nhấn mạnh rằng dù Liên Xô từng được công nhận là siêu cường quốc thứ nhì thế giới, Nga hiện nay không thể đưa ra tuyên bố tương tự.
“Tôi nghĩ điều đó phần nào bào mòn cái tôi [của ông Putin]. Thử kết hợp điều đó với việc phương Tây đôi khi yếu kém, cộng với những khiêu khích mà ông ta đã đối mặt, cũng như với cái tôi ngày càng lớn của ông ta thử xem. Tôi nghĩ điều đó đã biến con người từng muốn hợp tác với NATO thành kẻ giờ đây coi NATO là mối đe dọa.”
Moscow lại nhìn vấn đề theo cách khác.
Các quan chức Nga cho rằng chính việc mở rộng sang phía đông của NATO đã làm suy yếu an ninh châu Âu và dẫn đến chiến tranh.
Họ cáo buộc NATO phá vỡ lời hứa với Điện Kremlin, được cho là đưa ra trong những ngày cuối của Liên Xô, rằng liên minh này [NATO] sẽ không kết nạp các nước từng nằm trong quỹ đạo của Moscow.
“Chắc chắn là không có gì trên giấy tờ cả,” Nam tước Robertson nói với tôi. “Không có gì được đồng thuận, không có hiệp ước nào có hiệu lực như thế. Nhưng chính ông Vladimir Putin đã ký Tuyên bố Rome vào ngày 28/5/2002. Cũng chính là tờ giấy mà tôi đã ký, trong đó thể hiện sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản về toàn vẹn lãnh thổ và cam kết không can thiệp vào nước khác. Ông ta chẳng thể đổ lỗi cho ai khác được.”
Đài tưởng niệm ở thị trấn Solnechnogorsk dành cho những người Nga thiệt mạng trong "chiến dịch quân sự đặc biệt"
Tại thị trấn Solnechnogorsk, cách Moscow hơn 64 km, hai năm lịch sử đầy biến động của Nga được trưng bày trong công viên.
Tôi bắt gặp những hình vẽ graffiti ủng hộ tập đoàn đánh thuê Wagner.
Có những bông hoa tưởng nhớ Alexei Navalny.
Và có một bức tranh tường lớn vẽ hai người đàn ông địa phương, là lính Nga, đã thiệt mạng ở Ukraine. Bên cạnh là một thiếu sinh quân người Nga đứng nghiêm chào.
Ở trung tâm thị trấn, tại đài tưởng niệm những người thiệt mạng trong Thế chiến II và chiến tranh Liên Xô-Afghanistan, một mục mới vừa được bổ sung:
“Dành cho những người lính đã hy sinh trong chiến dịch quân sự đặc biệt."
46 cái tên được khắc lên đá.
Tôi hỏi bà Lidiya Petrovna, khi đó đi ngang qua cùng cháu trai, rằng cuộc sống đã thay đổi ra sao sau hai năm.
“Nhà máy của chúng tôi giờ đây đang sản xuất những thứ mà chúng tôi từng mua từ nước ngoài. Điều đó thật tốt,” bà Lidiya nói.
“Nhưng tôi buồn cho các chàng trai trẻ tuổi, cho mọi người, những người đã bị giết. Hẳn là chúng tôi không cần chiến tranh với phương Tây. Nhân dân chúng tôi xưa nay thấy toàn chiến tranh là chiến tranh, chiến tranh suốt cuộc đời họ.”
Khi tôi nói chuyện với Marina, bà ca ngợi những người lính Nga mà bà bảo là “đang làm nhiệm vụ” ở Ukraine.
Sau đó, bà nhìn sang cậu con trai 17 tuổi Andrei và nói:
“Nhưng với tư cách là một người mẹ, tôi sợ cảnh con trai mình bị gọi đi chiến đấu. Tôi muốn hòa bình càng sớm càng tốt, để chúng tôi không phải lo sợ những gì sẽ đến vào ngày mai.”
----------