NHỮNG CHUYỆN LẠ CÓ THẬT
Tác giả : Doàn Dự Nguồn: Thời Báo Canada Ngày đăng: 2024-03-29
Chồng đỡ đẻ cho vợ bên vệ đường
Thấy vợ đau bụng dữ dội, người chồng dừng chiếc xe Honda bên vệ đường, cởi chiếc áo sơ- mi trải cho vợ nằm rồi đỡ đẻ tại chỗ cho vợ. May mắn là “mẹ tròn, con vuông”.
Người chồng cho biết, hôm 20/2, vợ đau bụng từ nhà, đi được 20 phút thì phải dừng lại bên đường để sinh. Do đường vắng, không có người giúp đỡ, anh vừa ttrấn an vợ vừa gọi điện thoại di động tổng đài trực cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh cách đó khoảng hơn 10 km.
Nhận được cuộc gọi khẩn cấp, các y bác sĩ hướng dẫn người chồng và sản phụ cách hít thở sâu, thở đều và bình tĩnh trong lúc đợi xe cấp cứu đến. Cùng lúc đó, bệnh viện huy động một đội cấp cứu tới hỗ trợ. Mấy phút sau, một bé gái chào đời.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, trưởng khoa Phụ Sản Bệnh viện đa khoa Hưng Thịnh, cho biết đây là trường hợp khá hy hữu, người phụ nữ 34 tuổi, mang thai lần thứ ba, thai 39 tuần tức 9 tháng và 21 ngày, đang di chuyển thì có dấu hiệu chuyển dạ, được chồng đỡ đẻ tại chỗ mặc dầu anh không biết gì về y tế.
Khi bác sĩ đến nơi, người chồng đã đỡ “mẹ tròn con vuông”, bé gái nặng 3,1 kg. Các bác sĩ dùng ô che cho hai mẹ con, vệ sinh, ủ ấm, cắt dây rốn cho bé, sau đó chuyển hai mẹ con về bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Minh, chuyển dạ sinh con trên đường hoặc nơi công cộng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe mẹ và bé. Sản phụ rất dễ bị băng huyết sau sinh vì không có thuốc hỗ trợ co hồi tử cung, không cầm máu được nếu rách tầng sinh môn. Ngoài ra, người mẹ có thể bị sót nhau, xổ nhau muộn, gây băng huyết…
***
Sản phụ đẻ rơi trên cáng đi trạm xá
Tại bệnh viện, sức khoẻ hai mẹ con đã ổn định
Ngày 6/2, Vàng Y Cu, 18 tuổi, cư trú tại bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An)), chuyển dạ khi đã quá ngày dự sinh hơn nửa tháng. Anh chồng Xồng Bá Mài, 25 tuổi, muốn vợ sinh tại nhà nên không đưa tới cơ sở y tế.
Trưa hôm sau, sản phụ đau bụng nhiều hơn, chồng lo lắng gọi người thân, hàng xóm hỗ trợ đưa vợ tới trạm y tế xã cách nhà hơn 15 km. Họ dùng vải dù và cây gỗ tạo thành chiếc cáng để khênh sản phụ đi, do chị đau không thể ngồi xe máy trong khi đường xấu ôtô không thể tiếp cận tận nhà.
Gần 20 người chia thành từng cặp khênh cáng khoảng 50 mét thì đổi ca. Họ di chuyển hơn một giờ, cách nhà khoảng 4 km thì sản phụ đau dữ dội và sinh. “Chúng tôi quyết định dừng lại bên đường giữ nguyên cáng để vài người đi cùng hỗ trợ vợ tôi đẻ, khoảng 20 phút sau thì con trai lọt lòng cất tiếng khóc”, anh Mài xúc động kể.
Bé sau đó được mọi người cắt dây rốn, ủ ấm. Khoảng nửa giờ sau, anh Mài cùng người thân và hàng xóm khênh hai mẹ con trở về nhà. Theo anh Mài, về tới nhà, đặt bé lên bàn cân nặng 4,1 kg. Hiện hai mẹ con đều khỏe.
Đôi vợ chồng trẻ người dân tộc Mông, cho biết theo tục lệ bản làng, ba ngày sau sẽ quyết định đặt tên cho con trai. Họ kết hôn năm ngoái, cuộc sống khó khăn nên nhiều tháng trước vào Bình Phước đi làm thuê, vừa về quê ăn Tết và sinh con.
Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lê cho biết, bản Huồi Mới nằm sát biên giới Việt Nam – Lào, có 87 gia đình, hơn 370 nhân khẩu đều là dân tộc Mông, cuộc sống rất khó khăn.
***
Chồng đạp xích lô, vợ bán hàng rong ở Huế, nuôi con đậu tiến sĩ tại Đại học Nhật Bản
Khi con gái đầu vào lớp 1, bà Gắn nói sẽ cho những đứa con học lên đại học, hàng xóm bật cười, nghĩ người phụ nữ học chưa hết lớp 4 viển vông.
Sau 28 năm, bà đã chứng minh mình còn làm được nhiều hơn thế khi con gái đầu Quách Mỹ Uyên Nhi (33 tuổi) đã là tiến sĩ chuyên ngành Vật lý tại ĐH Sokendai, Nhật Bản. Con trai thứ hai là thủ khoa thạc sĩ, hiện là trợ lý chuyên môn của một trường trung học quốc tế ở Huế. Con gái út vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Pháp, tiếp tục nhận được học bổng làm nghiên cứu sinh tại đây.
“Được học hành đầy đủ là giấc mơ tuổi thơ vợ chồng tôi không có được. Vì vậy, tôi gửi gắm vào các con”, bà Trần Thị Gắn, 55 tuổi, ở TP Huế nói khi nhìn các con trưởng thành sau những gian nan.
Vợ chồng bà Gắn, ông Sở và ba người con, chụp ảnh lưu niệm nhân dịp 30 năm ngày cưới của ông bà. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Gắn kể, năm bà 11 tuổi, người cha trước khi nhắm mắt cầm tay nói với con gái đầu là nghỉ học phụ mẹ nuôi đàn em. “Tôi khóc nhiều lắm, khóc vì vừa mất cha vừa phải nghỉ học”, bà nhớ lại. Năm 13 tuổi, bà đi bán nước rong ở chợ Đông Ba, lang thang khắp TP Huế bán vé số, bán chè, bán bánh canh… phụ mẹ nuôi em. Nhiều lần, nhìn bạn bè lên cấp ba mặc áo dài đạp xe đi học, bà Gắn quệt nước mắt vì tủi thân.
Đến tuổi lấy chồng, bà chọn người đàn ông hơn mình hai tuổi nhưng đồng cảnh để dễ cảm thông. “Anh học giỏi nhưng cũng vì nhà nghèo nên vừa đạp xích lô vừa đi học. Bị bạn chê cười, anh nản, bỏ khi học lớp 11”, bà kể. Đến với nhau tay trắng, nhưng họ thống nhất sẽ nuôi con ăn học thật đàng hoàng.
Chị Uyên Nhi, con gái bà Gắn vẫn nhớ, ba chị em chị, lớn lên trong ngôi nhà mái tranh thấp sát đỉnh đầu của cha, mảng tường tre trộn phân trâu chực sập bất cứ lúc nào. Cứ mưa cả nhà lại lục đục xếp thau hứng chỗ dột. “Mùa mưa lũ, bố mẹ chia nhau bế chúng tôi sang gửi hàng xóm”, chị kể.
Khi chị Nhi vào lớp 1, bà Gắn bảo với mấy người hàng xóm phải ráng nuôi con ăn học, họ chỉ cười vì ở xóm này, trẻ con đa số bỏ học, chọn mưu sinh từ niên thiếu.
“Mặc người ngoài khen chê, chúng tôi chưa từng rời bỏ mục tiêu đã đặt ra”, bà nói. Ngày nắng cháy da hay mưa lạnh thấu xương, vợ chồng bà chưa hôm nào nghỉ làm. Bà Gắn bán chè rong, chồng đạp xích lô, chở hàng. Một năm hai vợ chồng chỉ có vài ngày nghỉ Tết lo thờ cúng tổ tiên.
Quách Anh Tài, cậu con trai thứ hai, kể năm học cấp 2, trường xa nhà nên mỗi lần đạp xe đi học giữa trưa nắng gắt anh thấy nản vì quá cực nhọc. Nhưng có lần, đang đi cùng chúng bạn, Tài nhìn từ xa thấy cha cong lưng đẩy xe hàng chất cao gần tới mặt. Ông nặng nhọc tiến từng bước, không biết đứa con đứng phía sau rơi nước mắt.
“Hình ảnh đó cứ in mãi trong tâm trí tôi. Sau này, mỗi lần gặp khó khăn trên đường đời, tôi lại nhớ tới cảnh đó, làm động lực bước tiếp”, anh nói.
Nặng gánh mưu sinh, nhưng vợ chồng bà Gắn không để các con phải thiếu thốn. Ông bà luôn ưu tiên dành tiền nộp học phí cho con, chấp nhận nhịn ăn, nhịn mặc. “Con nhỏ nhưng cũng có sĩ diện. Nếu xấu hổ, các con sẽ chẳng muốn đến trường”, người vợ nói với chồng.
Có lần, con gái lớn bị điểm kém môn Hóa, ngồi khóc thút thít. 9 giờ khuya mới đi chở hàng về, mồ hôi đầy người, chồng bà Gắn vừa bưng chén cơm, vừa dạy con cách cân bằng phương trình hóa học. Cứ phấn trắng, ông Quách Sở viết trên nền nhà đất, miệng hướng dẫn con. Những buổi phụ đạo của bố giúp cô con gái thêm tình yêu với môn Hóa. Sau này, chị được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của thành phố, đạt 9,75 điểm trong kỳ thi đại học.
Dù bận buôn bán hay chở hàng, vợ chồng bà không bao giờ vắng bất kỳ buổi họp phụ huynh nào của các con. Họ thay nhau chở con đi thi học sinh giỏi các cấp bằng xe đạp. Đến tận bây giờ, người cha vẫn tự mình ra ga tàu, sân bay để đưa đón các con sau chuyến đi học, đi công tác, thậm chí đi chơi…
Với các con, bà Gắn còn là người bạn. Uyên Nhi, Anh Tài, Nhật Anh hay về kể chuyện trường lớp với mẹ còn bà kể về ước mơ được đi học của mình. “Chúng tôi hiểu đi học vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi. Cha mẹ chăm chỉ làm việc, thì chúng tôi cũng phải chăm chỉ học hành”, chị Uyên Nhi nói. Là con đầu, Nhi ý thức phải nỗ lực học để thay đổi số phận và làm gương cho các em mình.
Năm 2013, chị Nhi đỗ chương trình thạc sĩ kết hợp tiến sĩ tại Nhật Bản. Nhưng khó khăn bủa vây khi tiền học bổng của Nhi cạn dần. Vì thủ tục chồng chéo và rắc rối, chị không được nhận thêm học bổng. Áp lực tiền bạc dẫn đến bệnh nặng, Uyên Nhi đành quay về Việt Nam, tạm gác ước mơ học hành.
Ngày biết con gặp biến cố ở Nhật, người mẹ sốc, hoang mang và khóc rất nhiều. Nhưng sau đó, bà lại là người xốc lại tinh thần, động viên con gái. Cả gia đình giúp Nhi bình tâm, dần dần dìu dắt con gái trở lại với cuộc sống bình thường. Uyên Nhi quay lại Nhật Bản vừa hoàn thành chương trình tiến sĩ, vừa bán mỹ phẩm online để có tiền trang trải. “Các thầy cô ở Nhật bảo tôi có tinh thần võ sĩ samurai, nhưng tôi biết mình học được tinh thần không rời bỏ mục tiêu của ba mẹ”, chị nói.
Người chị cả là tấm gương cho Anh Tài và Nhật Anh nối bước. Đến giờ, cả ba con của vợ chồng bà Gắn đều có sự nghiệp vững vàng. Họ không còn cảnh dãi nắng, dầm mưa khắp phố phường để nuôi con ăn học. Ngôi nhà mái tranh năm xưa, sau bốn lần tu sửa, giờ chỉ giữ làm kỷ niệm. Hiện tại, gia đình năm người xây ngôi nhà mới hai tầng. Ở đó, đôi vợ chồng già trồng hoa hồng, trồng rau.
***
Bà cụ 119 tuổi ở Đồng Nai là người thọ nhất thế giới hiện nay?
Cụ Khơng năm nay (2024) 119 tuổi nhưng tóc còn đen
Đến nay cụ Khơng có tổng cộng 150 con cháu chút chít
Theo những giấy tờ liên quan được cơ quan chức năng xác thực, cụ Trịnh Thị Khơng (sinh sống tại xã Bình Lộc, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) sinh ngày 14-6-1905. Như vậy, đến thời điểm này, cụ Khơng đã bước sang tuổi 119. Theo Kỷ lục Guinness thế giới, cụ Khơng hiện nhiều tuổi hơn người đang nắm giữ kỷ lục cao tuổi nhất thế giới đến 2 tuổi. Hiện gia đình, chính quyền địa phương đang thực hiện các thủ tục liên quan để được công nhận cụ Khơng là người cao tuổi nhất thế giới.
Từ năm 2014 trở về trước, cụ Khơng khi đó đã 110 tuổi vẫn đều đặn đi xe đò từ Thanh Hóa một mình vào Đồng Nai thăm con cháu. Thường thì cụ ở chơi từ 3-4 tháng rồi về quê sống cùng con trai lớn năm nay đã ngoài 88 tuổi. Năm 2014, cụ quyết định vào Đồng Nai ở hẳn cùng con gái thứ hai, vì mẹ và con gái chăm nhau thuận tiện hơn. Từ đó, mỗi năm cụ lại đón xe đò ra Thanh Hóa chơi vài tháng rồi lại vào. Nhưng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, phần vì sức khỏe không tốt, phần vì con cháu cản do lo ngại cụ tuổi đã cao, đi lại mệt nhọc nên cụ Khơng không thường xuyên về thăm quê như trước.
Bà Đỗ Thị Ninh năm nay đã 81 tuổi, là con gái thứ hai của cụ Khơng và là người trực tiếp chăm sóc cụ. Bà Ninh cho hay, mẹ bà tuy lớn tuổi nhưng vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, để yên tâm, mỗi khi cụ Khơng muốn đi lại, gia đình luôn có người theo sát, dìu cụ. Riêng thức ăn phải nấu thành cháo nhừ để dễ tiêu hóa. Cụ ăn nhiều bữa trong ngày với khẩu phần được chia nhỏ.
Để cụ không chán ăn mà bỏ bữa, bà Ninh cùng các con đổi món liên tục. Khi đến bữa ăn, con cháu cùng quây quần ngồi bên tạo không khí vui tươi. “Nhờ vậy mà mẹ tôi hay cười lắm. Thấy mẹ vui mình cũng cố gắng thật nhiều để chăm sóc mẹ” – bà Ninh chia sẻ. Cũng theo bà Ninh, cha bà mất năm 1953. Một mình mẹ bà phải vừa làm cha, vừa làm mẹ, chăm sóc 7 người con. May mắn là tất cả 4 con trai, 3 con gái trong nhà hiện đều khỏe mạnh. Người anh cả sinh năm 1936; còn em út ra đời khi mẹ bà đã gần 50 tuổi.
Hiện cụ Khơng có đến 150 con, cháu, chắt, chút, chít. May mắn là phần đông sinh sống tại Đồng Nai nên có nhiều dịp gặp nhau dù cụ Khơng không nhớ được hết tên con cháu.
Mỗi khi có khách đến thăm, cụ Khơng luôn thay quần áo gọn gàng, ngồi cạnh mép giường để tiếp khách. Cụ Khơng cho hay, cụ rất vui khi mọi người đến chơi và vui nhất là khi được quây quần với đại gia đình.
Đoàn Dự
----------