Mỹ đổi ý về việc cung cấp cho Ukraine vũ khí vượt lằn ranh đỏ?
Tác giả : Kiều Oanh Nguồn: CAFEF Ngày đăng: 2024-03-31
Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS từ năm 2021 và Nhà Trắng liên tục từ chối. Tuy nhiên, điều này có thể đang thay đổi.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ C.Q. Brown ngày 28/3 nhận định với báo giới rằng "rủi ro leo thang không cao như lúc đầu".
Những tuyên bố của Nga vào tháng 9/2022 cho thấy việc cung cấp những vũ khí như vậy cho Ukraine sẽ "vượt lằn ranh đỏ" bởi tầm bắn của chúng cho phép Ukraine tấn công Moscow. Tướng Mỹ Mark Milley nhận định với Defense One vào thời điểm đó rằng: "Những người trong giới học thuật, các tổ chức nghiên cứu gọi đó là 'chính sách tuyên bố, khi các quan chức cấp cao đưa ra các tuyên bố về những gì họ sẽ làm hoặc không làm nếu một số hành động nào đó diễn ra”.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ C.Q. Brown. Ảnh: Reuters
Các quan chức quân sự cấp cao đã chỉ ra học thuyết quân sự của Nga, đặc biệt liên quan đến cái gọi là rủi ro hiện hữu, theo đó nói rằng việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí như vậy có thể buộc Nga phải đáp trả hạt nhân hoặc thúc đẩy nước này tấn công các nước NATO.
Từ mùa thu, các báo cáo cho thấy Mỹ có thể đã thay đổi tính toán và có lẽ sẽ cung cấp một số lượng nhỏ các tên lửa tầm xa một cách bí mật, bất chấp thực tế Nhà Trắng trước đó nói rằng Washington không có đủ tên lửa.
Chính quyền Tổng thống Biden đã cố gắng tránh xác nhận hoặc phủ nhận báo cáo đó. Mới đây, ngày 20/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan tuyên bố: "Hôm nay tôi không có gì để công bố ở đây về vấn đề đó. Khi chúng tôi có điều gì đó để chia sẻ, chúng tôi chắc chắn sẽ chia sẻ".
Ông Brown cũng không chính thức xác nhận hay phủ nhận thông tin này nhưng ông nói rằng phản ứng im lặng của Nga đối với một loạt cuộc tấn công UAV gần đây của Ukraine vào trong lãnh thổ Nga đã cho phép Lầu Năm Góc điều chỉnh phân tích của mình về nguy cơ có thể xảy ra nếu cung cấp ATACMS cho Ukraine.
Các nhà quan sát và thậm chí một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã thúc đẩy Mỹ cung cấp tên lửa vì chúng sẽ cho phép Ukraine chiếm các vị trí sơ hở của Nga.
Ukraine gần đây đang bị mất lãnh thổ và một số chuyên gia cho rằng nếu Quốc hội không thông qua gói viện trở bổ sung trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine, Nga có thể giành thêm thành quả trong mùa xuân này. Ông Brown cũng một lần nữa khuyến khích việc thông qua nhanh chóng gói hỗ trợ bổ sung và cho rằng Ukraine sẽ phải đối mặt với các cuộc pháo kích liên tục trong tương lai gần.
Theo Kiều Anh (VOV)
----------