Tướng công an Đỗ Hữu Ca lãnh án 10 năm tù
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-04-12
Chụp lại hình ảnh, Ông Ca bị tuyên án 10 năm tù sau ba ngày xét xử
Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh vào hôm nay (12/4) đã tuyên phạt ông Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng, 10 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từng chỉ đạo vụ cưỡng chế đầy tranh cãi tại Tiên Lãng mà ông tự gọi là “trận đánh đẹp”“cần viết thành sách”, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca trong những ngày qua đã hầu tòa với mái tóc bạc trắng cùng dáng vẻ được báo chí miêu tả là “gầy gò”, “tiều tụy” chỉ sau một năm bị bắt giữ.
Hai hôm trước, vào buổi sáng ngày 10/4, ông Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, ra tòa cáo buộc phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của hai vợ chồng "ông trùm hóa đơn" Trương Xuân Đước và bà Nguyễn Thị Ngọc Anh.
Xuất hiện ở phiên tòa sơ thẩm, không chỉ ngoại hình thay đổi, chân ông Đỗ Hữu Ca cũng bị đau nên được tòa cho phép ngồi nghe cáo trạng.
Công đường là chốn mà hơn 10 năm trước, bị cáo Đoàn Văn Vươn đã phải hầu tòa và nhận bản án tù sau một “trận đánh đẹp” của ông Đỗ Hữu Ca.
Giờ đây, chính bản thân Đỗ Hữu Ca, ở tuổi 66, lại trở thành bị cáo của một vụ án khác và phải tới chốn công đường với tư cách người bị xét xử.
Theo cáo trạng, vị tướng công an về hưu đã nhận 35 tỷ đồng để chạy tội cho vợ chồng ông Đước.
Trước đó, hai người này đã bị bắt và truy tố về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”“Đưa hối lộ.”
Ngày đầu ra tòa, tướng Ca phủ nhận cáo trạng.
Sau khi “suy nghĩ rất nhiều”, ngày hôm sau ông bất ngờ nhận tội.
Nhận tiền nhưng ‘không biết là 35 tỷ’
Trình bày trước tòa, thoạt tiên, ông Ca một mực phủ nhận việc mình bảo vợ chồng ông Đước, bà Anh mang tiền đến nhà để chạy án.
Theo ông, vợ chồng ông Đước tự mang tiền đặt vào phòng ngủ và phòng khách nhà mình, chứ mình thì coi ông Đước "như một người em", muốn gọi ông Đước về “để tư vấn khắc phục hậu quả và đưa đi đầu thú”.
"Tôi nói với Ngọc Anh rất kỹ, không hề bảo mang tiền chạy tội và không bảo mang tiền đến nhà tôi," ông Ca khẳng định.
"Ngọc Anh mang tiền đến không báo trước, không nói rõ tiền gì và bao nhiêu. Số tiền đó để trong nhà hơn một tháng mà tôi không biết cụ thể. Sau này khi giao nộp, cơ quan công an kiểm đếm, tôi mới biết đó là 35 tỷ đồng," ông Ca trình bày.
Ông Ca nói rằng sau khi nhận được tiền thì đều mang vào gầm giường phòng ngủ để tiện giữ thôi chứ không đếm.
Bịch tiền 35 tỷ đồng này nếu chỉ toàn tờ có mệnh giá 500.000 đồng thì trọng lượng cũng tới vài chục kg; nếu tiền gồm các mệnh giá nhỏ hơn thì con số còn lớn hơn nữa. Nhưng ông Ca bảo không rõ, không biết cụ thể.
“Tôi không ý thức gì về việc này nên thành mặc nhiên tôi chấp nhận chạy tội cho Ngọc Anh. Tôi không có ý đồ chiếm đoạt số tiền,” ông Ca nói.
Trong khi đó, phía bà Ngọc Anh khai rằng bà đã đến gặp ông Ca để đòi tiền nhưng “không được trả” và còn bị mắng đuổi về.
Khi Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát hỏi về vấn đề này, ông Ca khai rằng bà Ngọc Anh “ngồi gần bao tiền mà có nói gì đâu", nếu nói thì… "mừng quá, trả lại ngay".
Sau khi nghe lời khai của “người anh”, thì “người em” là ông Đước đã “bộc phát cảm xúc” và kêu rằng lời ông Ca là “vô cùng phi lý”.
"Có một người anh dám làm không dám nhận, khiến tôi bây giờ sống không được, chết không xong. Nếu anh ấy tư vấn tôi đầu thú thì đã không ra cơ sự thế này.
Ông Đước nói rằng ông không điên mà tự dưng mang tiền tới cho ông Ca và ngỏ lời “xin lại số tiền chắt chiu từ bé tới giờ”.
Về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông Ca nhiều lần khẳng định mình không thỏa thuận “chạy tội”. Ông từ chối trả lời khi được hỏi vì sao không tìm cách trả lại tiền nếu không có ý định chiếm đoạt.
Phiên tòa ngày 10/4 khép lại, không ai chịu ai.
'Một đêm suy nghĩ'
Đến ngày 11/4, ông Ca đã xin nhận tội đúng như cáo trạng truy tố và xin được tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
"Đêm qua tôi về suy nghĩ rất nhiều, bị cáo thấy nhận thức của mình chưa rõ, chưa tương xứng với hành vi của mình. Tôi nghỉ hưu đã lâu, suy nghĩ pháp luật lỗi thời, tuổi già nua nên tiếp cận cái mới khó khăn.”
Theo giải thích, phân tích trước tòa, tôi nhận thức hành vi của tôi đúng như cáo trạng, kết luận điều tra đã nêu," ông Đỗ Hữu Ca nhận tội.
Trong lời cuối cùng, ông Ca đã “gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, ngành công an và người dân Hải Phòng”.
"Cả đời công tác không sao, đến thời điểm cuối đời lại có hành động vô đức làm ảnh hưởng đến các cơ quan, đoàn thể. Một lần phạm tội lại vào thời điểm cuối đời khiến tôi vô cùng ân hận và đau khổ,” ông Ca nói.
Đến cuối cùng, ông Ca vẫn cho rằng mình phạm tội là do “lụy tình”, vì “thương đàn em”
Trong lời nói sau cùng của mình, bị cáo Đước bày tỏ: "Xin Hội đồng xét xử giảm tội cho anh Ca, còn tôi không cần gì cả."
Tướng công an Đỗ Hữu Ca bị đề nghị mức án 10 – 11 năm tù cho tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Và đến hôm nay (12/4), Hội đồng xét xử đã tuyên 10 năm tù.
Trước đó, các luật sư bào chữa cho rằng bản án đề nghị đối với ông Ca là quá nặng so với số tiền chiếm đoạt và cho rằng hành vi của ông Ca “không gây nguy hại cho xã hội”.
Nhóm luật sư đã đề nghị “không cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội”.
Tuy nhiên, đề nghị này đã bị bác bỏ.
“Pháp luật phải nghiêm minh, bất kể là ai. Chúng tôi đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, trong đó có cả các đơn xin giảm nhẹ của ông Ca,” đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm vào hôm 11/4, trước khi tòa tuyên án.
‘Trận đánh đẹp’ Tiên Lãng
Ông Đoàn Văn Vươn và em trai là ông Đoàn Văn Quý bị tuyên án tội "giết người" và "chống người thi hành công vụ" trong phiên tòa vào năm 2013.
Ông Đỗ Hữu Ca có lẽ được biết đến nhiều nhất với vai trò chỉ huy vụ cưỡng chế đất Tiên Lãng vào ngày 5/1/2012 khi còn đương chức Giám đốc Công an Hải Phòng.
Vụ cưỡng chế thu hồi đất với gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã trở thành sự kiện chính trị lớn và được xem là đỉnh điểm xung đột đất đai tại Việt Nam thời điểm đó.
Lúc thực hiện vụ cưỡng chế đất, ông Ca đã nói rằng: "Đây là một trận đánh đẹp, cần viết thành sách."
Ngày 10/1/2012, ông Vươn và ba bị can khác bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người.
Vào tháng 2/2012, Thủ tướng (khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng) đã kết luận rằng các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đều trái luật và yêu cầu sớm khởi tố, điều tra cán bộ đã chỉ đạo phá nhà ông Vươn.
Sau đó, tổng cộng đã có 50 cá nhân và 25 tổ chức liên quan đến vụ Tiên Lãng bị kiểm điểm, xử lý.
Khoảng hơn một năm sau, ông Ca được lên hàm thiếu tướng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ vài tuần trước phiên phúc thẩm của ông Đoàn Văn Vươn.
Trong một bài viết gửi đến BBC News Tiếng Việt vào năm 2020, Nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh bình luận:
"Một vụ tấn công trái luật, mà chỉ chính quyền huyện Tiên Lãng phải chịu trách nhiệm, còn lực lượng công an, quân đội tham gia thì vô can."
Hiện trường nhà của ông Đoàn Văn Vươn bị công an của Đỗ Hữu Ca phá hủy sau vụ cưỡng chế, ảnh vào tháng 02/2012
Một vụ án khác cũng liên quan tới ông Đỗ Hữu Ca và gây xôn xao dư luận là vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng xảy ra vào năm 2007.
Ông Đỗ Hữu Ca là một trong những lãnh đạo đã tham gia chỉ đạo phá án. Thời điểm đó, ông Ca là Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, thủ trưởng cơ quan điều tra TP Hải Phòng.
Năm 2019, ông Ca từng kể rằng ông đã mất ăn mất ngủ, có ngày chỉ ăn một gói mì tôm, "quyết tìm ra thủ phạm là Nguyễn Văn Chưởng chỉ trong 45 ngày".
Được xử lý nhanh là vậy, đây lại là một vụ án có nhiều chi tiết tranh cãi, với cáo buộc có dấu hiệu sai phạm tố tụng.
Bản án tử hình đối với Nguyễn Văn Chường vì thế đã gây ra nhiều sự phản đối.
Tháng 8/2023, khi có tin tử tù Nguyễn Văn Chưởng sắp bị xử tử, đã có gần 5.000 người ký kiến nghị gửi đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin hoãn việc thi hành án.
Cũng trong tháng này, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cho rằng:
"Chính quyền Việt Nam phải ngay lập tức chấm dứt bất kỳ nỗ lực nhằm thi hành án tử hình đối với người đàn ông trong một vụ án còn chứa những quan ngại nghiêm trọng về tra tấn và vi phạm quyền được xét xử công bằng.
----------