Chiếc áo chính trị của tiếng Việt
Tác giả : Võ Ngọc Ánh Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-04-15
Học sinh học Việt ngữ cuối tuần
Niềm mong ước con cháu có thể nói, nghe và hiểu được tiếng Việt là mối quan tâm của đa số người Việt ở hải ngoại. Tuy nhiên, cũng có nhiều người Việt tại Mỹ lại không chấp nhận chữ Việt mà gần 100 triệu người trong nước hiện đang sử dụng hằng ngày.
Cuộc nội chiến Quốc gia – Cộng Sản đã kết thúc gần nửa thế kỷ, nhưng sự hơn thua trong việc sử dụng tiếng Việt vẫn chưa thể kết thúc.
Con tôi học tiếng Việt
Con tôi năm nay bảy tuổi, đang học lớp 1 trong hệ thống giáo dục ở Mỹ. Vào cuối tuần, tôi cho con đi học tiếng Việt. Mỗi buổi học hơn hai giờ. Bé theo học tiếng Việt đã được 2 năm.
Sách học tiếng Việt con tôi đang học là cuốn Chúng em học tiếng Việt, do Trung tâm Việt ngữ Văn Lang, ở San Jose, California xuất bản. Trong sách này, để dạy ráp vần, phụ âm với nguyên âm và dấu (thanh sắc), tôi thấy nhiều từ, chẳng hạn như phị, hẽ, dỉ, xõ… Đây là những từ vốn dĩ không có nghĩa trong tiếng Việt, không còn được sử dụng, hoặc xa lạ trong thực tế hiện nay.
Tôi nghĩ, với trẻ mới bắt đầu học tiếng Việt, chúng ta nên dạy các từ đơn giản, được sử dụng rộng rãi mới là điều quan trọng. Không nên dạy các cháu những từ vô nghĩa, hoặc những từ đã không còn nhiều người sử dụng.
Giáo viên sẽ trả lời học sinh thế nào khi các em thắc mắc: “What does it mean?” - Từ này có nghĩa là gì?
Một giáo viên dạy Việt ngữ tại Mỹ nhiều năm chia sẻ, có khi gặp những từ khó hiểu các em hỏi mình không biết, phải hẹn lần sau. Về tìm hiểu không thấy nghĩa, nên khi gặp lại phải giả lơ cho qua. Bởi thật không hay chút nào khi nói với các em, cô không hiểu, hoặc từ đó không có nghĩa.
Với kinh nghiệm dạy Việt ngữ tại hải ngoại hơn 45 năm qua, và cũng là giảng viên dạy tiếng Việt tại khoa Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á, tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA), giáo sư Quyên Di cho rằng việc dạy tiếng Việt tại hải ngoại nên cập nhật từ vựng, tránh dùng từ không có nghĩa, hoặc từ hiện nay không còn mấy ai dùng.
Chữ đúng thì dùng
Cũng như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, tiếng Việt luôn có sự thay đổi để thích nghi. Một số từ sẽ bị mai một và mất đi, nhưng nhiều từ mới xuất hiện và thay thế sao cho thích hợp với hoàn cảnh và cuộc sống hiện tại.
Từ điển của một ngôn ngữ sống luôn cần phải cập nhật, dù đó là từ điển của Oxford hay tiếng Việt.
Thế nhưng, một số sách dạy Việt ngữ ở hải ngoại áp dụng cuốn từ điển “Việt Nam Tự Điển” do hội Khai trí Tiến Đức xuất bản năm 1931 tại Hà Nội, không hề được cập nhật. Với lý do cho rằng, cuốn sách này chuẩn mực. Điều này e rằng có vẻ không nên.
Trong 100 năm qua chữ Quốc ngữ đầy biến động, từ loại chữ hạng hai, đến được thừa nhận là ngôn ngữ chính thức, cùng các yếu tố của lịch sử. Cuốn từ điển được in gần một thế kỷ trước, nên dùng để nghiên cứu, đối chiếu hơn là áp dụng để dạy cho người mới học tiếng Việt hiện nay.
Các em nhỏ gốc Việt trong một hoạt động tôn giáo tại Garden Grove, California vào năm 2023
Đơn cử, vì áp dụng cuốn từ điển trên nên sách dạy tiếng Việt có kiểu quy định y dài (y) và i ngắn (i) đa phần ngược với thực tế số đông đang sử dụng hiện nay. Cách viết phổ biến của tiếng Việt hiện nay là lợn ỉ, lý do, địa lý, một tỷ đô… Thế nhưng, trong sách dạy Việt ngữ mà một số trung tâm Việt ngữ ở hải ngoại biên soạn lại dạy viết lợn ỷ, lí do, địa lí, một tỉ đô…
Có quá nhiều ưu việt trong dùng ký tự Latin (chữ Quốc ngữ) để ghi âm tiếng Việt. Vì thế chữ Quốc ngữ đã thay thế chữ Hán, chữ Nôm và trở thành chữ viết chính thức của dân tộc. Nó trở thành ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, từ giáo dục, đến hành chính, báo chí và sáng tác.
Dù chưa thể đưa ra quy tắc nghiêm ngặt cho chữ y dài (y) và i ngắn (i), nhưng hiện nay trong sáng tác, trên báo chí tiếng Việt ở trong nước lẫn hải ngoại, người ta cơ bản đã đồng thuận được với nhau khi nào thì dùng y dài và khi nào thì dùng i ngắn.
Nói về vấn đề này, giáo sư Quyên Di phân tích, việc không thống nhất được về cách viết được I ngắn, Y dài có lịch sử từ những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Các nhà chuyên môn cũng cố gắng đưa ra quy tắc cho việc sử dụng Y dài, I ngắn khi nào, nhưng lại không thống nhất với nhau và hoàn toàn đúng để áp dụng như một công thức. Do đó, cần sử dụng cả quy tắc và thói quen dùng chữ I ngắn hay Y dài trong tiếng Việt. Để người Việt dù học tiếng Việt trong nước, hay ở hải ngoại dễ dàng hiểu nhau.
Người viết bài này thấy rằng, dạy tiếng Việt theo cách ở miền Nam trước đây, với nhiều từ khác biệt so với những từ đang được sử dụng rộng rãi và phổ biến hiện nay, sẽ tạo ra những khó khăn không cần thiết cho con em ở hải ngoại khi chúng tiếp xúc với cách viết khác biệt trong sách vở và báo chí đang dùng. Điều này chỉ tạo ra sự rối rắm không đáng có, cản trở trong việc tiếp nhận và hiểu tiếng Việt, dẫn đến việc yêu mến tiếng cha ông mà người Việt ở hải ngoại muốn gìn giữ gặp thêm khó khăn.
Là một người dạy ngôn ngữ, giáo sư Quyên Di cởi mở khi nói rằng: “Với tiếng Việt chữ nào đúng thì dùng, không nên phân biệt trong nước với hải ngoại. Ngay cả trong nước hiện nay cũng có nhiều từ được dùng không ổn cũng cần phải sửa.”
Nên dạy tiếng Việt có tương lai
Trước năm 1975, tiếng Việt tại miền Nam và cả miền Bắc sử dụng rất nhiều từ có gốc Hán-Việt. Điều này do chữ Quốc ngữ được sử dụng như cách viết chính thức của một dân tộc chưa lâu, đã quen với ảnh hưởng hàng ngàn năm trong việc sử dụng chữ Hán, giai thoại, điển tích có gốc gác từ Trung Quốc là điều dễ hiểu.
Ở miền Nam trước năm 1975, việc phiên âm các tên riêng nước ngoài qua trung gian chữ Hán như New York được gọi là Nữu Ước, thủ đô Washington gọi là Hoa Thịnh Đốn, Australia gọi là Úc Đại Lợi, Canada gọi là Gia Nã Đại… giờ thì nghe lạ tai và khó hiểu.
Điều này còn có thể tại miền Nam trước năm 1975 để phản ứng lại sự ảnh hưởng nhanh chóng, rộng khắp của văn hóa phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, nên nhiều trí thức đã phản ứng lại bằng cách dùng nhiều từ gốc Hán trong chữ Quốc Ngữ như giữ lại lề thói của cha ông.
Một cuốn sách học tiếng Việt tại Mỹ
Việc nhiều người Việt ở hải ngoại đã học và đã sinh sống ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 còn tình cảm với cách sử dụng chữ Quốc ngữ thời đó lẽ dĩ nhiên là điều nên được tôn trọng.
Tuy nhiên, chữ Quốc ngữ sử dụng trước năm 1975 với hiện nay đã có quá nhiều thay đổi. Đừng vì lý do tình cảm, hay yếu tố chính trị mà dạy cho con trẻ ở hải ngoại sử dụng tiếng Việt ở miền Nam trước năm 1975 và cho đây mới là tiếng Việt đúng và cần phải bảo tồn.
Tôi có thể nói, tiếng Việt trước năm 1975 ở miền Nam, giờ đã là ngôn ngữ không có tương lai. Không còn cơ quan công quyền nào sử dụng nó, không mấy ai dùng nó để sáng tác, và số người dùng nó ngày một ít đi.
Tại Mỹ bây giờ, việc dịch tiếng Anh ra tiếng Việt trong các tài liệu của cơ quan chính quyền, trường học, bệnh viện… cũng được dịch theo cách tiếng Việt trong nước đang dùng.
Do dó, tiếng Việt được thể hiện như thế nào sẽ do người Việt trong nước quyết định chứ không phải vài triệu người ở hải ngoại đang loay hoay trong việc giáo dục với hi vọng chúng hiểu được tiếng của cha ông.
Bởi thực tế con cháu tại hải ngoại học tiếng Việt thường là do cha mẹ, ông bà ép thúc chứ không phải là sự tự nguyện, hoặc ưa thích. Ngay cả con tôi cũng không thích các lớp học tiếng Việt, vì nó không vui như học ở trường.
Tại hải ngoại, khi thế hệ đầu sử đụng tiếng Việt trước 1975 ngày một ít đi, thì đến đời con, cháu,… việc sử dụng tiếng Việt lại càng khó khăn nếu không muốn nói là hiếm hoi hơn.
Đành rằng tiếng Việt của gần 100 triệu người trong nước đang sử dụng có nhiều từ xa lạ với người miền Nam trước năm 1975, vốn do thực tế của xã hội ảnh hưởng và chi phối, nhưng không thể vì thế mà “mặc” cho tiếng Việt ở trên chính quê hương của nó là chữ “Việt Cộng”, hay tiếng Việt trong nước là sai, chỉ có tiếng Việt ở hải ngoại mới đúng.
Điều lớn nhất của người Việt ở hải ngoại lo lắng là con cháu có nói, đọc, viết được tiếng của tổ tiên, cha ông hay không chứ không phải là chữ Việt Cộng hay Cộng hòa.
Tâm huyết dạy, học và gìn giữ tiếng Việt ở hải ngoại là điều đáng trân trọng. Các cá nhân, tổ chức soạn thảo rõ ràng đã đầu tư, cố gắng hoàn thiện. Nhưng dạy một ngôn ngữ cần phải cập nhật, chứ không nên dựng những rào cản chỉ để bảo tồn.
Để con cháu có thể nói được tiếng Việt thì cộng đồng, các trung tâm Việt ngữ, giáo viên, phụ huynh cần thống nhất với nhau về ngôn ngữ được sử dụng (trong) ở thực tế.
Mong rằng chuyện chính trị chi phối việc tiếp cận tiếng Việt rồi sẽ qua đi… để chỉ còn người Việt với nhau trong ngôn ngữ của cha ông, cái nền tảng quan trọng nhất để nhận biết cùng một dân tộc.
---------
Ý kiến độc giả :

Đọc xong bài trên, cảm nghĩ của tôi là tác giả dường như bị ám ảnh nặng về chính trị cho nên mới phán có 2 loại TIẾNG Việt (2 vietnamese LANGUAGES): tiếng Việt trong nước đang dùngtiếng Việt trước năm 1975 ở miền Nam.
Xin nhắc tác giả rằng : CHỈ CÓ MỘT TIẾNG VIỆT THÔI. Đừng có tham vọng chèn tư tưỏng chính trị vào để phân hóa nền văn hóa của Việt Nam.
Cũng giống như 3 miền Bắc Trung Nam của Việt Nam, xưa nay họ vẫn có những "chữ", những "từ" (words) tuy cùng ý nghĩa nhưng cách viết và đọc khác nhau, và chưa từng có ai nói Việt Nam thời đó có 3 TIẾNG VIỆT cả !!
Nói tóm, tiếng Việt chỉ có MỘT, nhưng mỗi thời đại, người ta thêm hoặc bớt một vài từ khiến người khác thời đại khó nghe và khó hiểu thôi. Tuy nhiên cũng có vài từ không những khó nghe mà còn sai hẳn ý từ nguyên (etymological meaning) thì cần phải bỏ hoặc sửa đổi.
Người Việt hải ngoại về Việt Nam nói chuyện với người trong nước thì hầu như được hiểu dễ dàng vì người trong nước đã từng tiếp xúc với người của 3 miền Bắc Trung Nam của 2 thời đại nên họ cũng khá quen tai với từ xưa và nay, riêng người trong nước ra hải ngoại thì có thể bị cho là khó hiểu vì dùng những từ mới được chế tạo hay biến cải nên lạ lẩm với ngưòi Việt haỉ ngoại thôi. Đừng vì một chút lạ lẩm về một vài từ ngữ mà phán rằng có 2 loại tiếng Việt để kết tội rằng người Việt bị ám ảnh bởi chính trị nên trở thành kỳ thị với ngôn ngữ truyền thống của mình !
JB Trường Sơn
----------