In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

LƯU DANH, LƯU XÚ !
Tác giả : Trúc Giang Cư Sĩ Người chuyễn bài: Nghiêm Nguyễn Ngày đăng: 2023-03-02
Hỡi ơi cũng một kiếp người
Kẻ thì lưu xú, người thời lưu danh!
*
Thời trước, mỗi khi muốn ghi lại một việc gì cho hậu thế, ngoài việc chép vào sử, người ta còn hay khắc vào đá. Ý hẳn tin vào sự bền vững của đá. Khắc sự tích hoặc lời văn vào đá thì sẽ lưu lại muôn đời. Đình chùa, lăng miếu thường có bia đá. Nổi tiếng về bia đá chắc không đâu hơn Văn Miếu ở Hà Nội. Kế là Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế. Những tấm bia đá đầu tiên ở Văn Miếu Hà Nội, khắc tên những người đậu các khoa thi Tiến Sĩ thời Lê.
Theo khoa chế thời Nguyễn, người có học muốn đi thi, phải qua kỳ khảo hạch ở Tỉnh. Rồi mới được đi thi Hương. Hương thí ba, bốn năm mới có một kỳ; lại chỉ mở ở các tỉnh thành lớn. Sĩ tử bốn phương phải lều chõng, cơm niêu nước lọ tới trường thi. Hương thí có bốn trường. Ai đậu cả bốn được gọi là Cử Nhân; thời Lê hay gọi là ông Cống. Ai đậu được 3 kỳ thi là Tú Tài. Ai chỉ qua được 2 kỳ thì dù bị coi như thi rớt, song cũng được người ta trân trọng gọi là ông nhị, tức nhị trường. Thường thì năm trước thi Hương, năm sau thi Hội. Hội thí chỉ mở ở kinh đô. Các ông Cử phải cơm ghe bè bạn, khăn gói quả mướp vào đấy để thi. Thường thì khi đi thi Hội, ông Cử nào cũng một hai người theo phục dịch tùy theo gia cảnh. Bề gì cũng là ông Cử mà. Ai đậu kỳ thi Hội được gọi là Tiến sĩ. Vượt qua cái chặng này mới được vào đình thí để phân cao thấp. Gọi là Đình thí vì khi ấy các ông Nghè tân khoa được vào hẳn trong điện Vua mà làm văn chứ không phải lều chõng ngoài trời nữa. Và Vua sẽ là Chánh Chủ Khảo.
Cụ Nguyễn Khuyến thời ấy đậu đầu Hương thí tức Giải nguyên, thi Hội cụ vẫn đậu đầu gọi là Hội nguyên, và Đình thí cụ cũng đứng đầu nốt, gọi là Đình nguyên. Có 3 cái Nguyên thì cụ chiếm tất, nên gọi là Tam Nguyên. Thơ phú của cụ thì chả phải bàn. Mấy ông Tiến Sĩ được Vua cho khắc tên vào bia đá dựng ở Quốc Tử Giám. Rồi vinh quy bái tổ, ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau. Oai ghê lắm! Vậy mà có ông còn dám làm hai câu đối để đùa:
“Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới
Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên”
.
Chả gì cứ ông Nghè, ông Cống; chỉ Tú Tài thôi mà cũng lắm ông văn hay chữ lỏng. Cụ Tú Xương đấy. Thơ của Cụ mà đọc lên thì cứ gọi là rung cả đùi.
Thi cử khó như vậy nên cả cái đất Nam Kỳ lục tỉnh, suốt hơn trăm năm triều Nguyễn chỉ có mỗi một người đậu được Tiến Sĩ. Đó là ông Phan Thanh Giản. Ông là quan đến chức Hiệp Biện Đại học sĩ, hàm Tòng nhất phẩm, từng làm Chánh sứ đi Tây. Năm 1865, vua Tự Đức phái ông vào Nam làm Kinh Lược Sứ, có nhiệm vụ giữ gìn 3 tỉnh Miền Tây chống âm mưu thôn tính của Pháp. Năm 1867, thành Vĩnh Long mất vào tay Pháp, ông tự sát sau khi căn dặn con cháu không được hợp tác với giặc. Vua Tự Đức ra lệnh truy đoạt tất cả chức tước phẩm hàm, đục bỏ tên ông trong bia Tiến Sĩ.
Quê ông ở Bến Tre. Trước 75, tại bùng binh tỉnh lỵ này có tượng ông. Việt Cộng vào chúng gỡ đem đi đâu mất.
Năm 1981, tôi có dịp về lại Bến Tre. Trước 75, tỉnh ấy gọi là Kiến Hòa. Tôi về đấy làm một nhiệm vụ rất to là giữ dùm cái nhà cho vợ chồng thằng con nhỏ đi vượt biên. Nó mới ở tù ra, sợ cái thiên đường hạ giới này quá nên quyết định dẫn vợ con xuống tàu. Vợ nó tính già tính non: “Ba đến ở giữ dùm nhà, tụi con lỡ đi không được về cũng còn cái chỗ để ở.” Tôi ừ. Rồi tôi ở đấy hơn một tháng. Cũng ở đấy tôi gặp một người quen cũ. Ở đấy, tức là ở gần một chỗ gọi là Ngả ba Tháp, ngay cửa tỉnh lỵ. Có một cái công viên nho nhỏ. Mấy cây cau Tàu bụng bự, hai hàng phi lao cao vút. Gần đó có cái hồ gọi là hồ Chung Thủy. Thời trước 75, cả cái hồ với cái công viên đẹp ơi là đẹp. Ai có đến Kiến Hoà ắt là biết cái chỗ ấy. Nhưng đến năm tôi về lại đấy thì cả cái hồ với cái công viên đã trở nên tiêu điều lắm rồi. Hay là tại lòng người buồn nên cảnh chẳng vui? Tôi chẳng hiểu.
Người quen tôi gặp lại là một chú lính Nhảy Dù cụt mất hai chân lên đến đầu gối. Gọi là người quen cũ vì tôi đã từng gặp chú vài lần. Thằng con tôi ra trường, làm việc ở Kiến Hoà, rồi cưới vợ ở Kiến Hoà. Chú Phúc ngày ấy chưa cụt chân, diện bộ đồ bông đến ăn đám cưới. Trông oai lắm. Nhậu lữ cò bơ. Lần gặp thứ nhì là dịp thôi nôi cháu nội. Cũng gặp lại chú. Nhưng hỡi ôi, hai cái chân chú bây giờ là hai cái chân gỗ. Tôi chia buồn, chú im lặng ngó xuống đôi chân gỗ, không nói câu nào. Tội quá! Tôi mời chú nhậu, chú cũng nhậu nhưng không còn vui như ngày xưa; giọng chú buồn buồn tâm sự: “Chiến tranh mà bác... cũng hổng phải một mình con”. Phải! Nhiều! Rất nhiều người đã hy sinh như chú! Ôi cái giá máu của hai tiếng Tự Do!
Lúc ấy, dù mang chân gỗ, chú Phúc vẫn cao hơn tôi nửa cái đầu. Còn bây giờ thì chú thấp lè tè dưới nách tôi. Hai cái chân gỗ chắc là bể hay mòn đi theo năm tháng. Thay vào đó là hai bó vải vụn hay là cái gì đó mà chính tôi cũng không biết tên gọi bao giờ.
- Rồi làm sao sống?
- Đi ăn xin bác ơi. Ai cho gì ăn nấy. Lâu lâu cũng được cho chút đỉnh tiền...
- Rồi ở đâu?
- Tối con ngủ ở mé hiên cửa hàng ăn uống Phường 3, sáng cửa hàng mở thì họ đuổi. Con phải xuống ngồi ở bùng binh. Trưa một chút mới dám vô chợ xin. Xin sớm, chưa mở cửa hàng, người ta chửi chết.
Lúc ấy, trong bụng bồn chồn, không biết chuyến đi của thằng con lành dữ thế nào thì công an tới niêm phong nhà. Tôi khăn gói về quê, có giã từ chú Phúc Nhảy Dù cụt chân bằng một bữa cháo vịt và mấy xị rượu thuốc của bà bán cháo vịt ban đêm, cũng ngay dưới mé hiên cái cửa hàng ăn uống, nơi chú ngủ mỗi đêm, Đông cũng như Hè, lúc sáng trăng cũng như khi mưa gió.
Rồi dòng đời lặng lẽ trôi. Quê nhà chẳng còn ai. Tôi qua Mỹ với mấy đứa con và lũ cháu. Chuyện chú Phúc Nhảy Dù đã chìm sâu trong ký ức.
Trên đất Mỹ này tôi lại gặp một ông Nhảy Dù khác. Ông này không phải là lính. Ông là quan ba. Từng là Đại úy Pháo binh Dù. Nhảy dù mà đánh giặc thì khỏi nói. Việt Cộng mà nghe đến là sợ xanh mắt mèo. Vậy thì ông này ngày xưa cũng không đến nỗi tệ. Một ông quan Năm Nhảy Dù vẫn hay đến nhà nhậu với thằng con tôi bảo rằng: “Cái thằng ấy nó lêu bêu bị đuổi ra khỏi binh chủng truớc 75 lâu rồi!” Đuổi thì đuổi chứ, ông vẫn là quan ba, lại có viết văn, viết sách. Đâu phải loại bở. Qua Mỹ ông lại vớ được cái bằng Tiến sĩ Sử học. Cũng là người cừ khôi đấy chứ. Tuổi ấy, bằng cấp ấy, phải thời xưa thì đã được người ta gọi là cụ Nghè rồi chứ có phải chơi đâu. Cụ Nghè Chiêu!
Thời trước, có nhiều ông Nghè không ra làm quan, ở nhà dạy học. Còn ở thời nay, lại ngay trên cái xứ đất tiền, đất bạc này, cũng không thấy Nghè Chiêu đi làm quan. Cũng không thấy mở trường dạy học. Chỉ nghe nói đi làm một chức lăng nhăng gì đấy ở trường dạy con nít. Nghĩ cũng tiếc. Tôi đem chuyện ấy hỏi ông quan Năm. Ông chửi thề: “Đéo mẹ, cái thằng này mà dạy ai? Tiến sĩ Sử học gì mà đi viết sử ca tụng công đức thằng cha Hồ Chí Minh. Học trò nó đấm cho vêu mõm có ngày.” Tôi nghe mà sợ xanh mặt. Khiếp cái ông nầy thời còn là quan Tư, năm 72, đã miệng ngậm ống vố, nhảy trực thăng vào An Lộc. Tới bây giờ mở miệng vẫn còn đấm đá với lại chửi thề! Cạn thêm cái “còm-xôm-ma-xông” rượu Tây, ông quan Năm Lữ đoàn phó lại lầu bầu chửi tiếp:
- Mẹ nó, người ta quyên tiền gửi về cho thương phế binh, nó đíu cho được cắc nào, lại chạy đi mách bu sở thuế. Đéo mẹ cái thằng...
Ông quan Năm bỏ dở câu nói, hai cái quai hàm bạnh ra. Ông đang nóng.
- Ồ, làm gì có chuyện ngược đời ấy. Quyên tiền gửi cho thương phế binh QLVNCH là một việc nên làm, và cần phải làm. Ai cũng nên góp sức. Kể cả cái thằng già cúp bình thiếc là tôi đây. Tôi cũng đã từng chịu ơn mấy người ấy đã bỏ xương máu ra bảo vệ miền Nam, cho mình được sống tự do hai mươi năm. Tri ân họ là đạo lý con người.
Đến đáp chút gì cho họ, là bổn phận của chúng ta. Nghè Chiêu là người có ăn học, đâu lẽ đi làm cái chuyện mẹ rượt như vậy. Tôi không tin. Thiên hạ lắm khi đồn nhảm. Với lại mách bu là chuyện của tụi con nít mới hay làm. Mà đứa nào hay đi mách bu cũng bị chúng bạn ghét, không chịu chơi chung. Nghè Chiêu tuổi cũng sáu mươi, người lớn ai lại đi chơi cái trò ấy. Mà lại mách bu Mỹ nữa. Kỳ quá! Tôi không tin. Con người chứ bộ con... gì sao mà làm vậy. Không, tôi không tin.
Ông quan Năm Nhảy Dù lại vô thêm 1 ly nữa, trừng mắt lên với tôi:
- Tôi mà láo với bác à? Thằng khốn ấy làm bậy, bị người ta mắng vào mặt, không nói lại được câu nào. Ức quá mới đi mách bu sở thuế. Định hại chết người ta. Mẹ kiếp cái thằng...
Cái ông này hay chửi quá. Nhưng thấy ông đang nóng, chất men lại quá nửa chừng xuân nên tôi không dám ho he gì. Tôi sực nhớ ra chú Phúc cụt giò. Bây giờ nếu gặp lại chú, nghe tôi kể chuyện này, chẳng biết chú nghĩ sao. Tội nghiệp, chắc chú buồn lắm. Trước 75, chú còn được trợ cấp chút đỉnh, cháo rau qua ngày. Đứt phim, Việt Cộng tràn vô, mất hết. Gia tài sự sản chỉ có 2 cái giò giả, mòn rồi cũng không có mà thay. Giá mà chú có được vài chục đô, sắm cặp giò mới. Nhưng mà cặp giò mới đâu chưa thấy, chú đã bị người ta đâm sau lưng một dao lút cán. Mà cái người đâm, chẳng ai đâu xa lạ, lại là đồng đội cũ của chú. Thế mới đau! Kẻ thù đâm thì cũng đã đành, đằng này... Tội nghiệp chú Phúc, tội nghiệp mấy anh em thương phế binh khốn khổ! Sau này đất nước yên hàn, Nghè Chiêu có về thăm lại quê cha, đất tổ hay không? Gặp lại mấy anh em thương phế binh này, Nghè Chiêu sẽ ăn làm sao, nói làm sao với họ?
Còn chuyện mấy ông bà quyên tiền gửi cho thương phế binh QLVNCH? Cứ quyên, cứ gửi. Chả sợ thằng khỉ nào. Định hại người ta cho chết? Chết thế quái nào được! Đức trọng quỷ thần kinh. Chuyện nên làm thì cứ làm. Sợ gì ai. Có sợ là sợ mấy anh em thương phế binh bên nhà khổ quá, mà sức mình thì không đủ. Chứ sá gì mấy đứa vô lương tâm đâm sau lưng đồng đội. Chích Khuyển phệ Nghiêu! Con chó của thằng cha đạo chích mà còn cương ẩu lên sủa cả vua Nghiêu. Sá gì!
*
Mấy cái bia trong Văn Miếu Hà Nội nhiều chỗ đã mòn. Có lắm cái tên đọc không còn rõ. Ấy là tôi nói hồi trào Tây, bây giờ hẳn còn mòn hơn nữa. Còn như cụ Phan, tên đã khắc vào; đến năm Tự Đức thứ 18 lại bị đục ra. Năm 1886, Đồng Khánh nguyên niên, mới được khắc lại. Bia đá coi vậy cũng không lấy gì làm bền lâu. Cũng như danh vị, chức tước con người, thấy đó rồi mất đó. Chỉ có tiếng thơm, tiếng xấu, tức cái bia miệng kia thì ngàn năm còn mãi. Có người lưu danh thiên cổ thì cũng có kẻ lưu xú vạn niên. Cũng sinh một thời mà Trần Bình Trọng thì lưu danh; Trần Ích Tắc thì lưu xú! Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Làm người mà không để được tiếng thơm cho đời sau thì cũng rán đừng lưu tiếng xấu. Ông Nghè Chiêu chắc tâm địa cũng không đến nỗi hèn hạ lắm đâu. Chắc chỉ vì một phút mất khôn mới sinh ra giận cá chém thớt. Thớt nào không chém lại chém ngay cái thớt thương phế binh vốn đã chịu không biết bao nhiêu là lằn ngang, lằn dọc, bầm dập đủ điều! Lưu xú, lưu danh gì thì cũng do tự ông ấy mà thôi.
Ông Nghè Chiêu ơi, ông đã có cái danh Tiến Sĩ, cũng bia đá bảng vàng như ai; giờ chỉ còn rán làm sao cho đừng để ngàn năm bia miệng.
TRÚC GIANG CƯ SĨ
----------