In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

Báo quốc tế: Vụ bắt 52 cán bộ VN 'cho thấy hạn chế của chiến dịch Đốt lò'
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2023-04-07


Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong giai đoạn phong tỏa chống Covid
Vụ bắt 54 cán bộ cấp lãnh đạo bộ, thành phố ở VN bị cáo buộc nhận hối lộ" liên quan đến việc tổ chức "chuyến bay giải cứu giá cao" thời kỳ đại dịch Covid đã được các báo nước ngoài nhắc đến.
Theo truyền thông VN trong tuần này, cựu Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao, bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 1 triệu USD để thu xếp cho những doanh nghiệp 'thân cận' thực hiện các 'chuyến bay giải cứu'.
Bộ Công an Việt Nam vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 54 bị can, gồm nhiều quan chức cấp cao trong vụ 'chuyến bay giải cứu' để trục lợi giai đoạn có dịch Covid-19.
Theo trang web Chính phủ Việt Nam thì: "Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã kết thúc, kết luận điều tra vụ án 'Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản' xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố."


Bị can Tô Anh Dũng, Nguyễn Thị Hương Lan và Vũ Hồng Nam (từ trái qua phải)
Tác giả Sebastian Strangio viết trên The Diplomat (06/03/2023) cho rằng vụ bắt 54 quan chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao, ngành công an và bộ máy chính quyền liên quan tới án "chuyến bay giải cứu" cho thấy hạn chế của công tác chống tham nhũng tại Việt Nam.
Ông Strangio viết rằng bảy năm sau khi TBT Nguyễn Phú Trọng tung ra cuộc thánh chiến chống tham nhũng (anti-corruption crusade), "sự kiện là các vụ scandal như vậy vẫn xảy ra, cho thấy đây không phải là vụ án cao cấp cuối cùng bôi xấu màu cờ đỏ của Đảng Cộng sản".
Tác giả ghi nhận có lẽ các quan chức Bộ Công an tuân lệnh ông Trọng muốn khóa sổ [đại án tham nhũng] để "hành quân về phía trước", bước vào một kỷ nguyên sạch sẽ hơn và nêu cao các quy tắc dưới thế hệ lãnh đạo ĐCS mới hơn.
Nhiều bài báo nước ngoài từ một thời gian qua đã nêu ra lo ngại của giới đầu tư về "chiến dịch đốt lò" làm ngưng trệ các dự án công.
Theo nhà phân tích Steven Westervelt viết trên trang Investment Monitor (21/03/2023), sự lo ngại của giới đầu tư là có cơ sở, vì ở Việt Nam, việc bắt ai, cầm tù, xử ai đều diễn ra tùy tiện (arbitrary). Vì về cơ bản, Việt Nam vẫn là "một quốc gia độc đoán, bị kiểm soát chặt".
Ông Westervelt trích báo Nhật, tờ Nikkei Asia nói rằng "việc bị quy kết là lừa đảo hay tham nhũng tại Việt Nam phần lớn tùy vào ý nghĩ riêng của người nắm quyền và việc có vẻ ngẫu nhiên (seeming randomness) của các vụ thanh trừng hẳn có hệ quả kinh tế rõ rệt".
Hai cách nhìn khác nhau
Tác giả David Hutt, trong bài viết trên trang The Diplomat (09/02/2023) nêu ra vấn đề "chống tham nhũng không bao giờ đủ" của Ban lãnh đạo ĐCS VN.
Bài "Vietnam's Anti-Corruption Drive Can Never Go Far Enough" nêu ra đánh giá rằng chính việc tập trung quyền lực để "chống tham nhũng" có thể lại là cơ chế khiến tham nhũng không bao giờ hết ở VN.
Điều nghịch lý, theo quan điểm của ông Hutt, là ông Nguyễn Phú Trọng "đã tạo ra một hệ thống khiến tham nhũng có cơ hội nở hoa hơn nữa khi ông ấy ra đi."
Ông Hutt đặt giả thuyết:
"Vì nếu chỉ các quan chức cao nhất trong bộ máy có quyền bắt người khác giải trình (hay các quan chức "đạo đức" đã leo được lên đỉnh cao quyền lực cộng sản đó), thì cái gì sẽ xảy ra nếu chính bộ máy đó trở nên tham nhũng?"
Toa thuốc của ông Trọng "có thể hóa ra lại nuôi dưỡng thêm căn bệnh mà nó muốn điều trị", nhà báo David Hutt kết luận.
Trải với các ý kiến trên, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam nói công cuộc chống tham nhũng được đẩy mạnh đã "tạo niềm tin" cho người dân vào hệ thống chính trị nước này.
Theo các cơ quan truyền thông VN việc tổ chức các chuyến bay để công dân VN hồi hương trong thời gian đại dịch là "chính sách nhân đạo".
Thế nhưng, việc trục lợi của các quan chức, công ty liên quan đã làm "biến đổi tính chất nhân đạo đó".
Được biết đây là một vụ án có quãng thời gian cần điều tra kéo dài, ít nhất từ 2021.
Hồi tháng 3/2022, lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam đã nói "cơ quan điều tra khẳng định "có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi trong vụ án này".
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết khi đó:
"Hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng cả trong và ngoài nước, gồm một số cơ quan, ban ngành của cả trung ương và địa phương."
Vẫn về chiến dịch Đốt lò, hồi đầu năm nay tuần báo The Economist của Anh nói chiến dịch 'Đốt lò' (báo dùng nguyên văn tiếng Việt - 'dot lo' - blazing furnace) đã góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chống tham nhũng quốc tế.
Năm 2021, Việt Nam đạt hạng 87/180 nước trên bảng cảm nhận về tham nhũng của Minh bạch Quốc tế, so với thứ 112 hơn một thập niên trước.
---------
Quy mô của sự thối nát
Tác giả : Võ Xuân Sơn Nguồn: Báo Tiếng Dân Ngày đăng: 2023-04-07


Nếu không có giấy bút hoặc máy tính, chắc chỉ có chủ nhân của các giải thưởng Siêu trí tuệ mới có thể tổng hợp nổi đường dây của hệ thống “giải cứu” mùa dịch.
Hơn 100 doanh nghiệp chi hơn 170 tỉ đồng cho 21 cán bộ của 5 bộ để họ được tham gia “giải cứu”. Cái này đủ nói lên sự nhạy bén trong chống dịch của các cán bộ trong hệ thống cầm quyền của chúng ta. Không biết từ đâu mà họ có những “nhạy bén” đó? Có phải họ thấy “kết quả” quá đẹp của việc cách li tập trung, và ứng dụng ngay vào việc “giải cứu” và lập ra combo giải cứu + cách li?
Đấy là mới chỉ kể đến việc giải cứu và cách li liên quan đến giải cứu thôi, chưa kể đến việc phá cửa xông vô bẻ tay công dân bắt họ đi ngoáy mũi, và những việc còn chưa được đưa ra ánh sáng. Chúng ta đã thấy các công chức và cán bộ của hệ thống cầm quyền nhạy bén như thế nào với việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi trên sức khỏe và cả sinh mạng của người dân. Việc trục lợi trên sức khỏe và sinh mạng của người dân được thực hiện trên qui mô lớn, từ trung ương tới địa phương, từ những cán bộ rất cao cấp đến thấp cấp hơn.
Họ không hề ngu. Rất nhiều người trong số họ được đào tạo ở những trường danh tiếng, được gắn mác thạc sĩ, tiến sĩ… Họ không dùng những kiến thức họ học được để phụng sự nhân dân, mà ngược lại, để lừa dối người dân, để bòn rút tiền của người dân, bất chấp sinh mạng và sức khỏe của người dân. Trước khi bị bắt, họ là lực lượng cốt cán, là những cán bộ đắc lực và trung kiên của đảng. Và họ là những người nắm quyền lực. Trong thời gian dịch, quyền lực của họ là tuyệt đối.
Mặc dù thấy được những điều đó, nhưng hầu như tuyệt đại đa số dân ta, vẫn cứ như những con cừu ngoan ngoãn cúi đầu. Và chỉ im lặng trông chờ xem có ai đứng ra giải quyết các vấn đề của mình. Nếu như các thế lực có quyền yêu cầu họ chống lại người lên tiếng giúp họ (như nhiều thầy cô giáo được huy động để report trang facebook của tôi), thì phần đông họ cũng sẵn sàng nghe theo.
Có lẽ họ hi vọng, thế lực cầm quyền sẽ chừa họ ra vì sự trung thành của họ.
----------