In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

'Mơ hồ chiến lược của Mỹ' về vấn đề Đài Loan liệu có thực sự 'mơ hồ'?
Tác giả : James Gorrie
Biên dịch : Huyền Anh
Nguồn: NTD vn Ngày đăng: 2023-04-09


Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (phải) bắt tay nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại Thung lũng Simi, tiểu bang California, hôm 5/4/2023. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)
Đài Loan, một đồng minh của Hoa Kỳ, không chỉ muốn biết liệu Hoa Kỳ có bảo vệ hòn đảo này trước một cuộc xâm lược của Trung Quốc hay không, mà còn muốn biết liệu Hoa Kỳ có còn đủ năng lực để bảo vệ họ hay không.
Ẩn ý đằng sau sự ‘mơ hồ chiến lược’ của Mỹ
Cốt lõi của “mơ hồ chiến lược” này nằm ở chỗ, quân đội và các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ tin rằng cách hiệu quả nhất là khiến Bắc Kinh và Đài Bắc “đoán già đoán non” về các kế hoạch phòng thủ của Hoa Kỳ liên quan đến Đài Loan. Sự không chắc chắn về việc liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan hay không, và nếu có thì trong những điều kiện nào và bằng phương pháp nào, sẽ gây khó khăn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc lên kế hoạch xâm lược quốc đảo này.
Đối với người Đài Loan, sự "mập mờ" của Mỹ giúp họ thận trọng và sẵn sàng về mặt quân sự thay vì trở nên yếu ớt về mặt phòng thủ như một số đồng minh châu Âu. Các quốc gia này đã trở nên “yếu kém về quân sự” dưới sự bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.
Sự mơ hồ cũng ngăn Đài Bắc tuyên bố độc lập khỏi Bắc Kinh, một động thái có thể gây ra phản ứng leo thang từ Trung Quốc.
Có thể nói rằng, cam kết mơ hồ này đã giúp ích rất nhiều cho Hoa Kỳ và Đài Loan trong vài thập kỷ qua. Rốt cuộc, Trung Quốc vẫn chưa phát động một cuộc xâm lược nào để chinh phục Đài Loan, ít nhất là về mặt quân sự. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các vấn đề kinh tế, chính trị và văn hóa ở Đài Loan chắc chắn đã tăng lên trong những năm qua.


Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)
Trung Quốc từ đối thủ cạnh tranh thành đối thủ toàn cầu của Mỹ
Tuy nhiên, thật thiếu khôn ngoan khi luôn lấy lịch sử làm tiền đề cho hiện tại. Trung Quốc ngày nay đã thay da đổi thịt thành một quốc gia có “chất lượng” khác hẳn 10, 20 năm trước. Xét cả về mặt chiến lược và quân sự, Trung Quốc hiện là đối thủ trực tiếp, nếu không muốn nói là kẻ thù của Hoa Kỳ. Chính xác thì Trung Quốc hiện là kẻ thù của Mỹ.
Hơn nữa, tham vọng của Trung Quốc là thay thế ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ dừng lại ở Nam Thái Bình Dương hay thậm chí ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc đang đi đúng hướng. Xét về triển vọng sức mạnh, Bắc Kinh hiện có lực lượng hải quân vượt trội so với số lượng tàu chiến của Washington. Mặc dù Hải quân Hoa Kỳ vượt trội so với Trung Quốc, nhưng ưu thế về quân số cho phép Hải quân Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới cùng một lúc. Rõ ràng, "chiến tranh tâm lý" đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Hơn nữa, Trung Quốc hiện kiểm soát hầu hết các cửa biển trọng yếu, đóng vai trò là những nút thắt chiến lược của các tuyến đường thủy then chốt trên thế giới.
Một trong ba trụ cột của sức mạnh hàng hải là kiểm soát các tuyến đường thủy của thế giới, và Trung Quốc đã thành công về phương diện này. Trong số các cửa biển này có Kênh đào Panama, Kênh đào Suez dẫn ra Biển Địa Trung Hải và Biển Đỏ dẫn ra Ấn Độ Dương qua Cảng Djibouti, cùng nhiều cửa khẩu khác.
Hơn nữa, kho vũ khí chiến lược của Trung Quốc bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân cũng như tên lửa hạt nhân và tên lửa chống hạm siêu thanh. Những vũ khí này được thiết kế đặc biệt để vô hiệu hóa sức mạnh hải quân và kho vũ khí chiến lược của Hoa Kỳ. Liệu quân đội Hoa Kỳ có thể thực hiện sứ mệnh tự vệ trước các lực lượng chiến lược của Trung Quốc hay không vẫn còn là điều gây tranh cãi.
Sự suy giảm rõ rệt của Hoa Kỳ
Mặt khác, thời đại hoàng kim của Hoa Kỳ đã qua. Song song với sự trỗi dậy của Trung Quốc là sự suy yếu rõ rệt và nhất quán về các năng lực quân sự của Mỹ. Các quyết định chính sách gần đây chắc chắn đã góp phần vào tiến trình lao dốc về vị thế thống lĩnh toàn cầu của Hoa Kỳ.
Quyết định hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực đẩy lùi quân xâm lược Nga đã làm cạn kiệt khả năng sẵn sàng của quân đội Hoa Kỳ về đạn dược, xe tăng và các phương tiện hỗ trợ khác cũng như trang thiết bị chiến tranh. Mỹ đơn giản là không thể sản xuất vũ khí nhanh hơn "năng lực sản xuất chiến tranh" của Nga trong ngắn hạn.
Các quyết sách của Hoa Kỳ làm hoen ố danh tiếng của mình
Hơn nữa, chính sách về Ukraine đang làm xói mòn vị thế của Hoa Kỳ với tư cách là một quốc gia nghiêm túc về mặt chiến lược. Chiến tranh Nga - Ukraine là một thảm kịch lẽ ra có thể tránh được bằng cách không biến Ukraine thành con rối của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mỹ đang tiếp tay cho một quốc gia tham nhũng cao. Trong nỗ lực chiến tranh của mình, Ukraine đang tiến gần hơn đến chủ nghĩa tân phát xít.
Việc quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan là một sai lầm chính sách khác. Cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan đã trao một món quà trị giá hàng tỷ USD cho kẻ thù của Mỹ là Taliban và Iran, bao gồm các thiết bị quân sự tiên tiến như máy bay tấn công tinh vi, xe tăng….
Cuộc rút lui vội vàng và không báo trước của Mỹ cũng làm lung lay niềm tin của các đồng minh và khiến nước Mỹ trông giống như một cường quốc đang suy tàn nhanh chóng.


Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ra hiệu từ chiếc máy bay chiến đấu F-16 V nâng cấp do Hoa Kỳ sản xuất trong một buổi lễ tại Lực lượng Không quân Gia Nghĩa ở miền nam Đài Loan vào ngày 18/11/2021. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)
Vì những lý do trên cùng nhiều lý do khác, bao gồm cả việc một Tổng thống Mỹ không gây dựng được niềm tin ở các đồng minh hoặc khiến các đối thủ của Mỹ khiếp sợ, cách tiếp cận mơ hồ chiến lược của Hoa Kỳ đối với an ninh của Đài Loan không còn hợp lý nữa.
Các chính sách an ninh của Hoa Kỳ không chỉ kém rõ ràng và kém tin cậy hơn trước, mà sự sẵn sàng và năng lực quân sự của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc và bảo vệ Đài Loan giờ đây cũng rất mơ hồ.
Mục đích, ý chí chính trị và năng lực của Mỹ đang suy giảm
Điều trớ trêu này vừa rõ ràng, vừa đáng lo ngại. Ba yếu tố chính của quyền lực trong quan hệ quốc tế là: mục đích của một chính sách, ý chí ủng hộ những mục đích đó và năng lực quân sự để thực thi chính sách của một quốc gia đối với quốc gia khác. Trong các kế hoạch an ninh của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, sự mơ hồ đang gia tăng trong cả ba lĩnh vực này.
Năng lực của quân đội Hoa Kỳ trong việc ngăn cản Trung Quốc thực hiện các hành động thù địch chống lại Đài Loan đang suy giảm từng ngày. Các máy bay quân sự của Trung Quốc thường xuyên xâm phạm không phận của Đài Loan, thậm chí họ còn ngang nhiên tập trận quân sự gần hòn đảo này mà không phải hứng chịu hậu quả gì. Những động thái này càng chứng tỏ rằng tuyên bố của Bắc Kinh về việc sáp nhập Đài Loan vào năm 2027 rất có thể sẽ trở thành hiện thực.
Bắc Kinh không còn ‘kiêng dè’ Washington
Ý định bảo vệ Đài Loan của Hoa Kỳ cũng mờ mịt không kém. Liệu chính quyền ông Biden có điều động thủy thủ và binh lính Mỹ tham chiến cùng Đài Loan để chống lại người Trung Quốc trong trường hợp Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) xâm chiếm quốc đảo này?
Với các quyết sách của chính quyền ông Biden tính đến nay, kịch bản này ít có khả năng xảy ra và ít mơ hồ hơn nhiều.
Nhưng điều rõ ràng nhất là năng lực quân sự của Hoa Kỳ đang suy giảm trong khi Đài Loan yêu cầu năng lực phòng thủ tuyệt đối. Sự vượt trội về số lượng của Hải quân Trung Quốc đã áp đảo Hải quân Hoa Kỳ. Đó cũng chính là lực lượng đóng vai trò quyết định trong một trận hải chiến. Trên thực tế, có rất nhiều nghi ngờ xung quanh việc Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan.
Căn cứ vào những giả định nêu trên, có lẽ lựa chọn ít mơ hồ nhất đối với Đài Loan lúc này là học theo một trang trong cuốn sách của Triều Tiên và trang bị cho mình một lực lượng phòng thủ hạt nhân càng sớm càng tốt.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch
----------