In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

Phần Lan thoát khỏi lời nguyền địa chính trị, khi nào thì tới Việt Nam?
Tác giả : Jackhammer Nguyễn Nguồn: Báo Tiếng Dân Ngày đăng: 2023-04-09


Ngày 4-4-2023 lá cờ Phần Lan được kéo lên tại trụ sở Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels. Từ nay, bất cứ cuộc xâm lăng nào vào Phần Lan thì sẽ bị chống trả bởi 31 quốc gia có kỹ thuật và kinh tế hàng đầu thế giới.
Báo chí thế giới đưa tin này với sự nhấn mạnh đến sự thất bại chiến lược của tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin rất sợ chuyện biên giới NATO ngày càng ép sát vào nước Nga. Khi ông ta vô cớ tấn công Ukraine, ngoài tham vọng vĩ cuồng là tạo dựng lại đế quốc Nga (như thời Soviet) mênh mông, còn tiềm ẩn nỗi sợ NATO, theo như lý do ông ta nêu ra.
Thế nhưng, lợi bất cập hại là cuộc xâm lăng Ukraine lại đẩy đất nước vốn đề cao chủ trương trung lập là Phần Lan vào vòng tay NATO, giúp NATO có thêm một đội quân được đào tạo tinh nhuệ là quân đội Phần Lan, đứng ngay sát cửa nước Nga, cũng như giúp biên giới NATO – Nga kéo dài thêm 830 dặm (1.336km). (Biên giới NATO – Nga sau khi Phần Lan gia nhập là 1.584 dặm, khoảng 2.549km).
Tầm mức của cuộc chiến Ukraine cũng như tham vọng quá lớn, gần như phi lý của ông Putin, làm cho người ta quên đi một thay đổi vô cùng quan trọng, liên quan đến cả một khái niệm địa chính trị, đó là nước Phần Lan thoát ra khỏi một định mệnh kéo dài hàng trăm năm, mang tên Phần Lan, đó là khái niệm "Phần Lan hóa" (Finlandization) (*)
Phần Lan hóa là gì?
Phần Lan hóa có nghĩa là trở nên giống như Phần Lan, trong đó một quốc gia nhỏ và yếu như Phần Lan (thống kê dân số năm 2021 chỉ độ khoảng 5,5 triệu dân), đành phải chịu sự ảnh hưởng của một cường quốc bên cạnh (nước Nga) để giữ vững sự độc lập của mình.
Trong một góc nhìn nào đó, Phần Lan hóa cũng là khái niệm đu dây, khi nói về quan hệ của nước Việt Nam nhỏ và yếu, bị mắc kẹt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong Phần Lan hóa, Phần Lan đu dây giữa một bên là Nga Sô (bây giờ là Nga) còn bên kia là thế giới phương Tây. Khái niệm (hay chính sách) Phần Lan hóa chính thức xuất hiện sau thế chiến thứ II.
Cho đến năm 1917, Phần Lan chưa bao giờ là một quốc gia độc lập trên danh nghĩa, mặc dù bản sắc văn hóa và ngôn ngữ của Phần Lan rất mạnh mẽ, chưa bao giờ bị hai cường quốc lớn từng kiểm soát họ là Thụy Điển (trước thế kỷ 19) và Nga (sau đó là Nga Soviet) đồng hóa họ.
Thời Nga hoàng trị vì ở nước Nga từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, Phần Lan có tên là Đại Công quốc Phần Lan, với một viên toàn quyền được Nga hoàng bổ nhiệm. Lợi dụng sự rối ren của cuộc cách mạng cộng sản năm 1917, Phần Lan tuyên bố độc lập, và nước Nga Soviet phải chấp nhận điều đó.
Nhưng điều có thể đã làm cho Phần Lan trở nên… Phần Lan hóa sau thế chiến thứ hai, chính là Cuộc chiến mùa đông năm 1939, khi quân đội Nga Sô tràn sang tấn công sau khi Phần Lan từ chối cho đế quốc cộng sản này đặt căn cứ quân sự trong cuộc cạnh tranh với Đức Quốc xã.
Mặc dù gây cho kẻ địch tổn thất nặng nề, Phần Lan cuối cùng phải chịu một hiệp ước đình chiến bất lợi, mất nhiều lãnh thổ.
Kết quả phủ phàng của Cuộc chiến mùa đông 1939, trong đó các quốc gia phương Tây không có sự ủng hộ nào ngoài vài lời tuyên bố ngoại giao, có lẽ đã làm Phần Lan, như con chim sợ cây cong, tuyên bố đứng trung lập, chịu nhiều sức ép ngoại giao và chính trị của chế độ Soviet sau thế chiến thứ hai.
So sánh Phần Lan với trường hợp Việt Nam, đó là cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979, dù quân cộng sản Trung Quốc chịu nhiều tổn hại nặng nề trước đội quân cộng sản Việt Nam, đội quân vẫn còn thiện chiến sau cuộc chiến Việt Nam, và lúc đó vẫn còn tiến hành chiến tranh ở Cambodia, nhưng Việt Nam sau đó mất một số đất đai, cũng như ký một hiệp ước bình thường hóa quan hệ ngoại giao mà nhiều người cho là bất lợi.
Từ cuộc chiến 1979 đến nay, Việt Nam nằm trong vòng cương tỏa về chính trị và ngoại giao của Bắc Kinh, từa tựa như Phần Lan thời chiến tranh lạnh, dưới sức ép của Moscow.
Nhưng điều khác biệt lớn nhất giữa Phần Lan và Việt Nam là chế độ chính trị. Phần Lan là một trong những quốc gia có nền chính trị dân chủ bậc nhất thế giới, trong đó tự do báo chí, cùng với các láng giềng Bắc Âu, lúc nào cũng đứng đầu thế giới. Thể chế chính trị và tự do báo chí ấy không có gì giống với nước Nga (trước kia là Nga Sô) bên kia biên giới. Việt Nam và Trung Quốc lại có cùng một chế độ toàn trị trong đó tự do báo chí hoàn toàn vắng bóng.
Một điều quan trọng nữa là bàn cờ chính trị thế giới đã thay đổi rất nhiều. Khi Cuộc chiến mùa đông 1939 nổ ra, không có NATO, các đế quốc châu Âu như Anh, Pháp đang đi vào khủng hoảng, yếu ớt, không thể đứng ra bảo vệ Phần Lan, nước Mỹ thì ở xa và vẫn còn đang trong vòng ảnh hưởng của học thuyết Monroe, không vươn xa ra thế giới mà chỉ quanh quẩn sân nhà ở Tây bán cầu.
Khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ, vũ khí và tiền bạc từ Mỹ và Tây Âu, Nhật Bản, lập tức đổ vào Ukraine. Chỉ trong vòng một đêm, tỷ lệ người Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO vọt lên từ 30% đến 80%.
Giả sử có một liên minh NATO ở phương Đông (thực sự là nó đang hình thành), thì tôi tin rằng tỷ lệ người Việt ủng hộ gia nhập liên minh ấy cũng sẽ rất cao. Trên thực tế thì tỷ lệ dân chúng Việt Nam không có cảm tình với Trung Quốc lúc nào cũng đứng ở vị trí hàng đầu châu Á và Đông Nam Á. Như thế, những người đang cai trị Việt Nam hiện nay rơi vô một thế lưỡng nan, một bên là chế độ chính trị thân Trung Quốc, bên kia là lực hút của thế giới phương Tây.
Tính lưỡng nan đó làm cho Việt Nam tuy không phải là Phần Lan, nhưng thật sự là một quốc gia Phần Lan hóa nhất thế giới.
Tình hình đó đưa đến lá phiếu trắng của Hà Nội tại Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến Ukraine. Hà Nội đứng về phe thiểu số vài chục quốc gia, trong đó có Trung Quốc, với lá phiếu y hệt như nhau.
Nhưng mặt khác, chính phủ Việt Nam biết rằng dân Việt Nam không ưa gì Trung Quốc và Nga, nên họ có những phát biểu lạ lùng và dở hơi như ông đương kim thủ tướng Phạm Minh Chính nói về lá phiếu trắng của Hà Nội, là Hà Nội chọn chính nghĩa (?) chứ không chọn phe (sic).
Thưa thủ tướng Chính, chính nghĩa hay không chính nghĩa là một khái niệm rất chủ quan, nhưng điều quan trọng hơn là lợi ích của dân chúng. Vì lợi ích ấy mà Phần Lan đã chọn phe, cũng là chọn chính nghĩa. Chính nghĩa đó chính là bảo vệ người dân Phần Lan khỏi những chiến binh man rợ người Nga của Putin, chứ không phải là một chính nghĩa chủ quan.
Trong tình trạng Phần Lan hóa của Việt Nam hiện nay, sẽ không có quốc gia NATO phương Đông nào ra tay, nếu Hà Nội bị Bắc Kinh tấn công.
Khi nhìn thấy lá cờ Phần Lan được kéo lên ở trụ sở NATO, tôi nhớ ngay đến một buổi sáng mùa đông lạnh giá, trước bức tượng kỷ niệm Cuộc chiến mùa đông 1939 tại thủ đô Helsinki, người phụ nữ Phần Lan kể với tôi rằng, có đến 200 ngàn quân Nga Sô tử trận trong cuộc chiến anh dũng của người Phần Lan.
Cũng đã có cả chục ngàn lính Trung Quốc tử trận trong cuộc xâm lăng 1979, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong lời nguyền địa chính trị Phần Lan hóa.
-----------
Chú thích :

(*) Finlandization = The process whereby a country is induced to favour, or refrain from opposing, the interests of a more powerful country, despite not being politically allied to it (originally with reference to the influence of the former Soviet Union on its neighbour Finland):
Google translation : Quá trình trong đó một quốc gia được khuyến khích ủng hộ hoặc không chống lại lợi ích của một quốc gia hùng mạnh hơn, mặc dù không phải là đồng minh chính trị với quốc gia đó (ban đầu có liên quan đến ảnh hưởng của Liên Xô cũ đối với nước láng giềng Phần Lan). Vậy chúng ta nên hiểu chữ Finlandization theo nghĩa bóng "Noi theo chủ trương trung lập của Phần Lan" chứ không phải theo nghĩa đen là "hóa thành Phần Lan" - (Trở về bài).
----------