In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

Tư cách nào để gọi nhau là đồng bào?
Tác giả : Tuấn Khanh Nguồn: rfavietnam Ngày đăng: 2023-04-09


Thật ra chuyện Hội An thu phí vào phố cổ, vốn đã manh nha từ lâu chứ không phải hôm nay. Có lẽ trong bối cảnh cái gì cũng có thể nghĩ ra cách làm tiền, Hội An đã mạnh dạn đi đầu, quyết làm gương cho một chủ trương lớn. Còn nhớ vài năm trước, trong một chuyến đi đến Hội An, lúc đó, quầy bán vé thu phí đã xuất hiện rồi và cũng làm không ít khách ngần ngại. Một người bạn ở Hội An dẫn đường đi dạo ở phố cổ, ngoắc nhóm bạn chúng tôi đi vào một ngõ khác, băng qua một lối mòn và vào thẳng. Vài người hơi ngơ ngác, hỏi, “Làm vầy có vi phạm gì không? Vì thấy có chỗ thu tiền vé…”, anh bạn Hội An cười “phải hỏi bên thu tiền có vi phạm gì không, gì nơi này từ lúc sơ khai hình thành đến bây giờ, có cái gì của họ đâu mà thu tiền?”.
Nghĩ lại, cũng thật đáng cười, mà buồn. Hội An ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI, thời nhà Lê. Từ sau 1570, chúa Nguyễn Hoàng trong việc xây dựng thành lũy, ra sức phát triển kinh tế Đàng Trong, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài và Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó. Nơi đây là thương cảng và là hội tụ các dòng văn hóa Nhật, Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Phi Luật Tân, Xiêm, Nam Dương… Sau năm 1975, Hội An bị bỏ quên, trong cái nhìn như là tàn tích của chế độ phong kiến.
Mãi đến thập niên 1980, Hội An bắt đầu nhận được sự chú ý của các học giả Việt Nam, Nhật Bản và phương Tây. Tại kỳ họp lần thứ 23 từ 29 Tháng Mười một đến 4 Tháng Mười Hai 1999 ở Marrakech, Morocco, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc đã ghi tên Hội An vào danh sách các di sản thế giới. Nhờ đó, đô thị cổ Hội An sống lại nhờ những hoạt động du lịch tự nhiên, bên cạnh đó, phải kế đến là tâm huyết của ông Nguyễn Sự (bí thư từ 1995-2015), người lãnh đạo hiếm hoi biết tôn trọng quá khứ và ra sức ngăn trở mọi can thiệp thô bạo của hiện tại. Phát biểu ở buổi từ chức 13 Tháng Sáu 2015, ông Sự nhấn mạnh “Quá khứ tôi chịu trách nhiệm nhưng tương lai các anh phải chịu trách nhiệm”.
Mọi thứ ở Hội An, cho thấy, đó là tài sản của một nền văn minh quần tụ dân cư từ tổ chức của nhà Nguyễn – một triều đại để lại nhiều dấu ấn thống nhất và xây dựng, mở mang đất nước – nhưng luôn bị nền giáo dục và tuyên truyền hiện nay bẻ cong sự thật, bị phỉ báng vô tội vạ và phủ nhận mọi công sức tạo dựng. Trong các ngõ phố cổ của Hội An, những ngã đường, then cửa, phố chợ, góc lầu… hầu hết thuộc về sở hữu dân cư và ý thức gìn giữ mang tính tập thể phối hợp đến đáng kinh ngạc. Những người có quyền ở Hội An lấy tư cách gì bắt người Việt hay thế giới phải trả tiền cho chính quyền, để được đến nhìn, thăm hỏi các căn nhà riêng ấy, để đến thăm những khu phố tự mỗi gia đình tận tụy gìn giữ ấy?
Không nghe nói số tiền bán vé trong kế hoạch “quản lý bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của Hội An” sẽ sử dụng chính xác như thế nào? Mỗi gia đình ở Hội An với giá trị di sản rất riêng, sẽ làm gì để nhận được tiền yểm trợ giữ gìn di sản từ tiền bán vé của cơ quan nhà nước, nếu có?
Suốt nhiều năm liền, Hội An liên tiếp đón các trận bão, lụt. Theo thống kê vào năm 2020 của Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, thì trong khoảng 8000 căn nhà cổ, có khoảng 1000 ngôi nhà được liệt vào hàng di tích phải bảo tồn. Những trận lụt lâu ngày, kéo theo cả bùn đất tràn nhà, tràn phố. Người dân ở Hội An đã chung tay làm lại tất cả để gìn giữ cho mình, và cho cả Việt Nam, mà không ai hối thúc chính quyền phải bù đắp. Kết quả kiểm tra tạm thời từ năm 2020, có 34 di tích xuống cấp, trong đó 9 di tích xuống cấp nghiêm trọng, cần được tiến hành gia cố, tu sửa hàng năm. Nhưng khi hỏi về chi tiết bảo tồn, và giúp đỡ, gìn giữ, báo chí trong nước chỉ nhận được một câu nói lơ lửng “công tác bảo tồn đối với một số di tích còn có những khó khăn”.


Chùa Cầu
Chùa Cầu, trái tim của Hội An, được xây dựng cách đây hơn 400 năm. Đến nay, phần đê móng xây bằng đá xếp chồng lên nhau đã xuất hiện nhiều vết nứt. Ở bên trong những thanh xà gồ, mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh. Phần nền móng chùa Cầu đã nghiêng 45 độ về phía Bắc so với kết cấu ban đầu. Báo Pháp Luật Việt Nam trong một ghi nhận, ngậm ngùi nói “năm nào cũng vậy, vào mùa mưa bão, người dân lại phải chằng chống khắp nơi để giữ cho ngôi chùa đứng vững”. Cụm từ “người dân” xuất hiện rất khép nép, như sợ không vừa lòng giới lãnh đạo Hội An, như sợ nói thẳng là không có ai có quyền thu tiền, đã ra sức làm gì cho xứng đáng.
Cứ nhân danh được UNESCO gọi tên là lịch sử, là di tích thì trở thành cơ hội để vin vào thu tiền, ngoài ngân sách chính đáng của quốc gia. Nếu các 8000 hộ dân cư ở Hội An lập ra Hội Bảo vệ Di tích, tự thu tiền và tự trùng tu, liệu chính quyền có đồng ý không? Chắc chắn dân cư ở Hội An sẽ phải là những người hiểu, xót xa, và lo lắng nhất đến di sản của chính mình, và không bị điều tiếng như chính quyền tổ chức ra giá?
Trong những ngôn luận lòng vòng để chạy chữa cho phát kiến chặn cửa thu tiền, mới đây trong một câu hỏi trên báo Tuổi trẻ về chuyện làm sao tránh được việc người sống ở phố cổ ra vào cũng bị thu tiền, bà Trương Thị Ngọc Cẩm - giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thanh, truyền hình Hội An nói sẽ áp dụng phương pháp dùng người ở Hội An nhận diện nhau. Thật kinh hãi, khi chỉ vì vài mươi ngàn đồng thu phí mà chính quyền Hội An biến người dân ở đó trở thành mật thám tập thể, và học cách chỉ điểm nhau. Người Hội An hiền lành dễ mến, giờ đây vì khát vọng tận thu - cùng với những lý luận không hề thuyết phục của chính quyền – sẽ công khai tố giác nhau hoặc kín đáo là chỉ điểm không lương cho chính quyền. Có cái đau nào hơn cho người Hội An không, khi ngăn người Việt vào nhìn văn minh Việt. Làm như vậy, tư cách nào để gọi nhau là đồng bào?


Nhạc sĩ Tuấn Khanh
----------