In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

Tự do quan trọng như thế nào?
Tác giả : Thái Hạo Nguồn: Báo Tiếng Dân Ngày đăng: 2023-04-13


Tại sao con người phải được quyền nói ra suy nghĩ/quan điểm của mình? Đây là một câu hỏi hệ trọng mà việc trả lời nó sẽ ảnh hưởng lớn lao đến tương lai xã hội.
Nhà triết học John Stuart Mill viết trong cuốn “Bàn về tự do” rằng “Nếu toàn nhân loại cùng một ý kiến và chỉ có một người có ý kiến ngược lại, thì khi bắt người đó phải ngậm miệng, nhân loại cũng không được biện minh hơn người đó, khi người đó có quyền bắt toàn nhân loại phải ngậm miệng lại”. Vì sao?
Có hai trường hợp. Hãy giả sử, ngay cả khi cái suy nghĩ của một người kia là Sai, thì xã hội (mà đại diện là nhà nước) có nên bắt anh ta câm miệng? Không. Vì cái chân lý mà nhà nước đang sở hữu, nếu không được cọ xát, kiểm chứng, va đập với những ý kiến phản bác nó, thì chân lý ấy trở thành giáo điều, tức chân lý chết. Một chân lý không được thảo luận là thứ chân lý vô ích, nếu không nói là có hại. Vì một khi nó đã trở thành giáo điều thì không ai còn cảm nhận được tính chân lý cũng như các giá trị của nó nữa. Đầu óc con người có quy luật riêng, nó sẽ bị giết chết bởi những niềm tin không kiểm chứng, làm tê liệt trí não, biến cộng đồng thành bầy đàn vô tri.
Tại sao các tôn giáo ở thời kỳ đầu đều rất hưng thịnh và luôn xuất hiện các bậc thánh, mà khi sự chiến thắng đã được đặt định thì theo thời gian sẽ ngày càng suy vi, đồi bại? Vì, không ai chất vấn nó nữa. Ngay cả những người sùng đạo nhất cũng sẽ bị chết chìm trong vũng lầy của đức tin ấy, vì rốt cuộc, các giáo lý chỉ còn là thuốc ngủ. Một học thuyết chính trị hay các quan điểm xã hội cũng thế, nền dân chủ nếu không được thường xuyên tra xét thì cũng sẽ chung số phận. Nhưng may mắn, những định chế của các xã hội ấy đã lường trước và bảo vệ đến cùng quyền tự do quan điểm và tự do biểu đạt, để nó không bị tan rữa sau vài chục năm như trong các xã hội chuyên chế. Như vậy, ở đây, quyền tự do ngôn luận là người hậu vệ cho chân lý, mà nếu không có nó, tất cả những điều tốt đẹp dù đến mức hoàn hảo cũng sẽ bị tiêu diệt hoặc tự hoại theo phương thức han rỉ hoặc mục nát.
Lý do thứ hai cho việc không được bịt mồm bất cứ ai đó là nguyên lý “có thể sai”. Lịch sử nhân loại nhiều nghìn năm đã chứng kiến những điều tưởng như chân lý chắc nịch không còn phải băn khoăn. Nhưng không, nó bị phủ định, và liên tục phủ định. Con người vốn không sở hữu chân lý, càng không làm ra chân lý – nó chỉ tiệm cận với chân lý theo thời gian (nếu được tự do tư tưởng và tự do biểu đạt).
Những cuộc đàn áp và tàn sát những người có ý kiến trái chiều đã diễn ra cả ở Đông lẫn Tây suốt nhiều nghìn năm, ngay cả khi các nhà nước ấy đại diện cho số đông. Nhưng rồi, có những điều tưởng rằng mặc nhiên đúng thì nay đã trở thành đáng cười bởi sự ấu trĩ, mà nhân loại chỉ muốn quên đi.
Vì thế, khi bắt một ý kiến phải ngậm miệng lại, sự thiệt hại cho cộng đồng bao giờ cũng lớn đến mức không thể đong đếm được. Một xã hội không có tự do, xã hội ấy đã tự tước đoạt cơ hội tiến lên nấc thang văn minh bằng cách tự giam mình trong các tín điều cổ lỗ hoặc sai lầm. Trong ý nghĩa này, sự tước đoạt tự do chính là phản động. Hãy nhớ lại những Bruno, Galilei đã bị đưa lên giàn thiêu hoặc bị tống vào tù, và bây giờ các tri thức đã từng bị coi là dị giáo của họ đã trở nên thường thức ra sao, thì rõ. Ngay cả Einstein, một nhà bác học lớn nhất thế kỷ 20 cũng không thể giữ được vị trí của mình trước các tri thức mới mà nhân loại đã và đang khám phá ra. Và ngay cả những nhà nước đã từng nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số dân chúng, rồi cũng bị vượt qua. Nhân loại chưa bao giờ đứng im, vì chỉ có đi tới mới mong ra khỏi rừng và gặp được hạnh phúc lớn hơn, mỗi ngày.
Bất cứ một sự bịt mồm nào cũng được đặt trên nền tảng của lòng tự tin tuyệt đối rằng “ta không bao giờ sai”, nhưng lịch sử hoàn toàn không chứng minh cho niềm tin ấy khi nó chỉ trưng ra các bằng chứng ngược lại. Bởi thế, vì sự tiến bộ xã hội, vì lợi ích quốc gia, không một nhà nước tử tế nào không ra sức bảo vệ cho người dân được quyền “mở mồm”, như Hồ Chí Minh từng xác nhận.
Trong tác phẩm lừng danh đã nhắc ở trên, Mill khẳng định: “Con người cá nhân là chúa tể đối với chính bản thân anh ta, đối với thân thể và tâm hồn của riêng anh ta”. Và chỉ có đảm bảo cho con người cá nhân tất cả các “quyền bình đẳng, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc” thì xã hội ấy mới có tương lai. Và đến lượt mình, lúc đó, tương lai xã hội mới có ý nghĩa đối với từng cá nhân.
Với hai lý do căn bản đã nêu trên (Một là hủy hoại chân lý, và một là chặn đường đến với chân lý) thì sự bịt mồm cá nhân là đồng nghĩa với việc chắn lối vào thịnh vượng, tiến bộ và văn minh của một xã hội. Cũng có nghĩa là phá hủy tương lai quốc gia.
-----------
Ý kiến độc giả :

Tuy bài viết trên nhắm vào chủ đề là sự cần thiết của Tự do tư tưởng trong xã hội ý thức hệ độc tài Cọng Sản, nhưng xem ra tác giả cũng nhắc nhở rằng sự cần thiết này còn quan trọng hơn đối với tôn giáo vì tôn giáo là tổ chức bị kiềm chế bởi một niềm tin mù quáng khiến trí tuệ của con người bị ru ngủ và bằng lòng ngủ yên với nề nếp đã được áp đặt.
Đức Tin của tôn giáo khiến tín hữu khước từ mọi lý lẽ của trí tuệ vì họ luôn cho rằng Đức Tin có mãnh lực làm những chuyện không tưởng vượt quá trí tuệ của loài người.
Nguời Cọng Sản rất muốn tạo một Đức Tin như vậy đối với đảng viên, nhưng Đảng chẳng thi thố được gì đáng tin cả cho nên Đảng khó đứng vững nếu không dùng bạo lực để đàn áp trí tuệ.
Vụ án của Nguyễn Lân Thắng chính là sự đàn áp tàn bạo lên trí tuệ của ngưòi dân và phản ảnh rõ nét sự suy tàn trí tuệ của chế độ Cọng Sản Việt Nam. Từ từ chúng nó biến thái thành súc vật.
Ngọc Hùng
----------