In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

Viết tiếp về sự suy tàn của Phật giáo Việt Nam
Tác giả : Nguyễn Khoa Nguồn: Báo Tiếng Dân Ngày đăng: 2023-07-06


Năm 2022, tôi có một bài viết về vấn đề này trên trang Viet-Studies: Sự suy tàn của Phật giáo Việt Nam. Người chủ trang là giáo sư Trần Hữu Dũng qua đời, trang Viet-Studies chấm dứt hoạt động. Tôi xin chân thành cảm ơn trang Tiếng Dân cho phép tôi lên tiếng về chủ đề này lên trang của quý vị.
Phật giáo Việt Nam hải ngoại trăm hoa đua nở
Trong bài viết trước, tôi có đề cập đến sự tàn phai của Phật giáo Việt Nam trong nước, cũng như nói đến một số điều liên quan đến Phật giáo Việt Nam hải ngoại, đó là xa rời giới trẻ, thiếu tăng ni,… trong bài viết này, tôi xin đi sâu hơn vào Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại.
Vào khoảng năm 2015-2016, tôi đi cùng một người bạn đến một ngôi chùa Việt Nam ở vùng Portland, Oregon. Đây là lần “đi chùa” đầu tiên của tôi sau hàng chục năm không đi bất cứ một ngôi chùa nào, trong cũng như ngoài nước, dù rằng tôi vẫn tự nhận mình là một Phật tử.
Lúc đó vào ban đêm, bước đến cổng chưa, tôi giật mình trước cảnh một “lâu đài” tráng lệ và đặc biệt là đèn đuốc sáng choang. Người ta nói với tôi rằng, đây là đám tang của mẹ vị thầy trụ trì và đám tang kéo dài như thế suốt ba ngày đêm liền.
Theo những gì tôi hiểu về đạo Phật thì cái chết là một sự chuyển hóa, và hơn hết là đạo Phật chủ trương diệt cái tôi “vĩ đại” trong từng con người. Cớ sao cái “tôi” của bà cụ, và qua đó của vị trụ trì, lại được rầm rộ như thế kia?
Tôi không bước vào chùa, mặc dù có một vị sư còn trẻ, béo tốt, lạch bạch đi ra mời chúng tôi vào. Tôi từ chối, ngồi ngoài chờ bạn.
Quyền lực của các thầy
Phật giáo Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, phần nhiều theo tông phái Tịnh Độ. Trong bài viết lần trước trên Viet-Studies, tôi có nhắc đến sự thích hợp của tông phái này trong văn hóa Khổng Mạnh của Việt Nam và Trung Hoa, trong đó lễ nghi, trật tự rất được đề cao.
Lễ nghi, trật tự, hay lời niệm Phật lặp đi lặp lại, được xem như một tha lực (lực bên ngoài) giúp đỡ các Phật tử tu tập. Với cái tha lực đó, hiển nhiên quyền lực của các vị thầy, nhất là thầy trụ trì, trở nên rất lớn, vì chính các vị thầy tượng trưng cho tha lực.
Một lần nọ, tôi chứng kiến quyền lực ấy một cách rất khôi hài. Một vị hòa thượng từ Việt Nam, được một hòa thượng khác ở Mỹ mời sang giảng pháp. Trong một buổi lễ, trước công chúng khá đông đúc, vị đến từ Việt Nam lớn tiếng yêu cầu (ra lệnh) một số Phật tử quỳ xuống trước vị ở Mỹ để… xin ảnh của vị này về thờ.
Không nơi nào trong kinh luật nói rằng, Phật tử phải thờ phụng ảnh của các hòa thượng như thế.
Cái cảnh khôi hài mà vị hòa thượng đến từ Việt Nam … đạo diễn, chỉ có thể hiểu là để làm vui lòng người “gia chủ” ở Mỹ, mà nếu không có vị “gia chủ” thì lấy ai bảo lãnh vị hòa thượng từ Việt Nam sang Mỹ… “hành đạo”?
Tại một số chùa ở Mỹ, quyền lực của các thầy trụ trì biến thành một loại nepotism (gia đình trị), khi các thầy đưa con cháu, người thân của mình, giữ những chức trách trong chùa. Có một ngôi chùa lớn vùng California, các vị thầy trong chùa là anh em ruột với nhau. Trong một chùa khác, các tăng ni cấp thấp là cháu xa, cháu gần của thầy trụ trì.
Trong tình hình ở Việt Nam hiện nay, với hệ thống đảng Cộng sản kiểm soát và câu kết chặt chẽ với hệ thống tăng lữ Phật giáo, quyền lực của các vị thầy hầu như tuyệt đối, không chỉ có thần quyền, mà còn là thế quyền, và tài (tiền) quyền.
Nhưng trong xã hội Mỹ, quyền lực ấy gặp phải những phản ứng đáng kể, mà không có phản ứng nào tích cực cho đạo pháp.
Có nhiều nhóm Phật tử lập ra các “chùa hội”, tức là không phải vị tu sĩ trụ trì có quyền tuyệt đối. Tại các chùa này xảy ra những cảnh dở khóc dở cười là các cư sĩ đuổi các tu sĩ, hay buồn cười hơn nữa là các cư sĩ bắt các vị thầy phải tụng những cuốn kinh mà họ muốn.
Giới trẻ người Việt ở Mỹ phản ứng lại quyền lực của các vị thầy, bằng cách không đến chùa. Một mặt, những tụng niệm kinh kệ ê a, nghi lễ rườm rà của Tịnh Độ tông làm cho giới trẻ không đến vì không hiểu gì. Mặt khác, giới trẻ cũng phản ứng lại thái độ “ông chủ nắm linh hồn” của các thầy, phản ứng lại sự cao ngạo không giấu giếm của họ. Một Phật tử trẻ nói với tôi rằng: “Tôi không đi chùa vì các thầy thấy ghét quá”.
Sự ngạo mạn của các thầy chắc chắn có một phần lớn đến từ tri kiến yếu kém của họ. Trong một bài viết, cũng về sự suy tàn của Phật giáo Việt Nam, luật sư Nguyễn Hữu Liêm, sống tại Mỹ, viết rằng: Các tu sĩ non nớt với vốn văn hóa khiêm tốn, nhân cách chưa trưởng thành, không thể là ngọn đuốc khai sáng cho mình và thế gian; trái lại, rất đông đã trở nên đầu mối hỏa hoạn cho làng xóm.
Hệ thống chùa Việt Nam ở Mỹ đã trở nên “đời” hơn. “Đời” ở đây không phải là sự dấn thân của Phật giáo để làm dịu nỗi khổ của người đời, mà cảnh chùa trở thành một xã hội thu nhỏ, có tranh giành quyền lực, rồi tiền bạc tài sản (tư bản mà). Hãy đến chứng kiến các buổi tiệc gây quỹ ở các chùa, chúng ta cũng thấy những câu đùa sống sượng như ở các tiệc cưới, rồi đấu giá tranh, ảnh Phật… loạn xạ cả lên. Rất đời.
Khi quyền lực trở nên tuyệt đối thì sự tha hóa cũng sẽ tuyệt đối.
Phật tử bình dân và dân túy Phật giáo
Quyền lực này càng ghê gớm hơn nữa trong bối cảnh thiếu tri thức của rất đông tín đồ Tịnh Độ tông.
Tại hải ngoại, nếu bạn đến các ngôi chùa Việt Nam, bạn sẽ thấy những đầu tóc bạc phơ. Khi các đầu tóc ấy hóa thân thì các ngôi chùa Việt Nam cũng sẽ chấm dứt tồn tại. Nhưng việc ấy hãy còn lâu, vì dòng nhập cư vẫn diễn ra. Người Mỹ gốc Việt tiếp tục bảo lãnh cha mẹ, ông bà của họ sang Mỹ. Mà không chỉ người lớn tuổi, người trẻ tuổi cũng đi. Điều đáng chú ý là thành phần trẻ người Việt di cư sẽ là thành phần ít học, phần đông sống ở quê nghèo, vì với hiện tình kinh tế Việt Nam hiện tại, bộ phận cư dân trẻ có học ở thành thị, cảm thấy rằng họ không cần di cư.
Vì thế “đại chúng” của các chùa Việt ở Mỹ tiếp tục là những đám đông lớn tuổi, hoặc trẻ nhưng thiếu kiến thức, không theo đạo Phật bằng con đường triết lý, mà bằng niềm tin. Đây chính là môi trường đầy rủi ro cho các kiểu Phật giáo dân túy phát triển. Tệ hơn, chính là nơi diễn dịch các điển tích ẩn dụ của Phật giáo theo chiều hướng mê tín, dị đoan, ma quỷ hoang đường.
Có thể tôi chỉ nhìn thấy một mặt của tình hình Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại hiện nay. Những gì tôi thấy không đại diện được cho Phật giáo Việt Nam hải ngoại.
Tôi mong rằng mình sai, sai càng nhiều càng tốt, vì nếu tôi đúng thì còn gì là Phật giáo Việt Nam!
----------