In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

Ankara ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO nếu Liên Âu mở lại đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ
Tác giả : Thu Hằng Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-07-10
Ngày 10/07/2023, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan gặp thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristensson tại Vilnius, Litva. Tại cuộc họp do tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg dàn xếp, ông Erdoğan tuyên bố sẽ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO nhưng với điều kiện Liên Hiệp Châu Âu mở lại các cuộc đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ trước.


Ảnh tư liệu : Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (P) và thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại dinh tổng thống ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 08/11/2022. AP - Burhan Ozbilici
Theo ông Erdoğan, hầu hết các nước thành viên NATO cũng là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị gia nhập Liên Âu từ năm 1999. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán song phương, bắt đầu từ năm 2005, đã bị đình chỉ từ nhiều năm qua do tồn tại nhiều bất đồng giữa hai bên.
Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết cản trở Thụy Điển gia nhập NATO vì muốn Stockholm nhân nhượng nhiều hơn về hồ sơ chống khủng bố Kurdistan, cho dù gần đây, tổng thống Mỹ không ngừng ủng hộ Thụy Điển. Ông Joe Biden đã điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ mong muốn « đón Thụy Điển vào NATO ngay khi có thể », theo thông cáo ngày 09/07 của Nhà Trắng.
Dù tổng thống Erdoğan công nhận hôm 09/07 là Thụy Điển đã « có những bước đi đúng hướng » chống đảng Lao Động Kurdistan - PKK nhưng ông vẫn cho là chưa đủ.
Thông tín viên RFI Anne Andlauer tại Istanbul cho biết thêm về chiến lược của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ :
Ông Recep Tayyip Erdoğan tiếp tục cáo buộc Thụy Điển bảo vệ những kẻ khủng bố, đặc biệt là để thành viên của đảng Lao Động Kurdistan (PKK) biểu tình, chiêu mộ và gây quỹ tại Thụy Điển. Tổng thống Erdoğan yêu cầu dẫn độ vài chục công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Thụy Điển đã nhiều lần nhân nhượng. Nhưng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chưa hài lòng. Ông tiếp tục mặc cả chừng nào còn có thể. Ông Erdoğan vẫn nổi tiếng là hay đổi ý và có thói quen ký các thỏa thuận vào phút chót. Cho nên có thể là ông sẽ bỏ quyền phủ quyết. Nhưng sau khi đã đối đầu với Stockholm và các đồng minh suốt một năm trời, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ nhân nhượng khi ông có thể coi việc bật đèn xanh là một thắng lợi ngoại giao cho Ankara.
Cuộc mặc cả này có lợi cho Matxcơva, nhưng không ngăn cản ông Erdoğan đưa ra quyết định khiến đồng nhiệm Nga Vladmir Putin tức giận. Thứ Bẩy (08/07), ông đã cho phép nhiều chỉ huy của binh đoàn Azov trở về Ukraina trong khi lẽ ra họ phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi hết chiến tranh.
Sự kiện này minh họa rất rõ cho khoảng cách lớn, thường trực của ông Tayyip Erdoğan giữa Ukraina và Nga, giữa NATO và Nga. Các nước thành viên NATO phải liên tục đối phó với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh khó khăn, nhưng cần thiết.
----------