In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

Buôn bán người là ngành công nghiệp vô đạo đức phát triển nhanh nhất thế giới
Tác giả : Katie Spence
Biên dịch : Xuân Hoa
Nguồn: The Epoch Times Vn Ngày đăng: 2023-08-19


Người phụ nữ này thường xuyên giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn bán tình dục, bang Baja California, Mexico, ngày 16/1/2021. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)
Ước tính có khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới đang bị buôn bán cho mục đích lao động hoặc tình dục. Người ta có thể dễ dàng tin rằng nạn buôn người chủ yếu là vấn đề của các nước thế giới thứ ba, nhưng trên thực tế, nó lại diễn ra phổ biến hơn ở các quốc gia giàu có như Hoa Kỳ.
"Tôi nghĩ mọi người sẽ thực sự ngạc nhiên khi biết rằng 52% những người bị buôn bán đang thực sự sống ở những quốc gia giàu có nhất trên thế giới — ở những quốc gia phát triển", ông Preston Goff - Giám đốc truyền thông cấp cao của tổ chức chống buôn người The Exodus Road - nói với The Epoch Times.
"Điều đó chắc chắn đang xảy ra ở những nơi như Thái Lan, nhưng ở Mỹ, ước tính gần đây nhất là có 1,1 triệu người [bị buôn bán]".
Exodus Road là một tổ chức "501(c)3" [tổ chức phi lợi nhuận được miễn thuế theo sắc luật 501(c)3], đặt trụ sở tại bang Colorado (Mỹ), bắt đầu hoạt động vào năm 2012. Tổ chức này sử dụng cách tiếp cận ba hướng để giúp chống lại nạn buôn người.
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ định nghĩa hành vi buôn người là việc sử dụng vũ lực, lừa lọc hoặc ép buộc để khiến người nào đó phải lao động hoặc thực hiện hoạt động tình dục thương mại.
Năm 2016, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính có 40,3 triệu nạn nhân của nạn buôn người trên toàn thế giới. Đến năm 2021, khi báo cáo mới nhất được công bố, con số đó đã tăng lên 50 triệu người — tăng 25%.
Tại Hoa Kỳ, mức độ gia tăng thậm chí còn lớn hơn. Ông Goff cho biết vào năm 2016, số lượng người bị buôn bán ở Hoa Kỳ được ước tính là từ 400.000 đến 500.000. Báo cáo “Ước tính Toàn cầu về Nô lệ Hiện đại” mới nhất cho thấy có 1,1 triệu nạn nhân của nạn buôn người ở Hoa Kỳ năm 2021 - tăng gấp đôi chỉ sau 5 năm.
Theo thông tin từ chiến dịch “50forfreedom” của ILO, hiện nay, số người bị buôn bán là nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử nhân loại.
50 triệu nạn nhân
Ông Goff nói: "Nạn buôn người tồn tại ở mọi quốc gia trên thế giới. Nó tồn tại ở mọi tiểu bang của Hoa Kỳ, và thường thì nó trông rất khác so với những gì mà hầu hết mọi người có thể tưởng tượng".
Ông nói thêm rằng, thông thường, khi các phương tiện truyền thông thảo luận về nạn buôn người, người ta nhấn mạnh đến nạn buôn bán tình dục. Tất nhiên đó là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng nó chỉ là một phần của câu chuyện.
Theo ILO, ước tính có khoảng 28 triệu người đang bị cưỡng bức lao động. Trong số đó, khoảng 21,56 triệu người bị bắt làm nô lệ trong các ngành công nghiệp như khai thác mỏ, nông nghiệp, dệt may và sản xuất hàng may mặc; và 6,44 triệu người rõ ràng là đang bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại, với khoảng 4/5 số đó là phụ nữ hoặc trẻ em gái.
22 triệu nạn nhân còn lại (trong tổng số 50 triệu nạn nhân) là những người đang sống trong cuộc hôn nhân cưỡng ép. Tuy nhiên, ILO lưu ý rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.


Một người đàn ông đi ngang qua hai phụ nữ đang đứng gần một câu lạc bộ thoát y ở Zona Norte, Tijuana, Mexico, ngày 16/1/2021. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)
"Tỷ lệ kết hôn cưỡng ép trên thực tế, đặc biệt liên quan đến trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, có thể lớn hơn nhiều so với ước tính hiện tại; những con số này dựa trên một định nghĩa hẹp và không bao gồm tất cả các cuộc tảo hôn. Tảo hôn được coi là kết hôn cưỡng bức vì một đứa trẻ không thể đồng ý kết hôn một cách hợp pháp", theo ILO.
Ông Goff cho hay, khi ai đó bị buôn bán, không phải lúc nào cũng có sự phân định rõ ràng giữa các loại hình.
"Sự thật là [việc buôn người] hoạt động giống sơ đồ Venn. Một số người có thể bị ép buộc kết hôn, nhưng họ cũng phải phục vụ một gia đình lớn hơn với tư cách là người giúp việc trong nhà. Vì vậy, họ có thể bị khai thác về cả mặt lao động và mặt tình dục tại hộ gia đình”, ông Goff nói.
Yếu tố thúc đẩy nạn buôn người
Theo báo cáo của ILO, nạn buôn người ước tính tạo ra doanh thu khoảng 150 tỷ USD trên toàn cầu mỗi năm, khiến nó trở thành ngành tội phạm sinh lợi lớn thứ 3 sau buôn bán ma túy và vũ khí — nhưng điều này sẽ sớm thay đổi.
Buôn bán người là ngành công nghiệp tội phạm phát triển nhanh nhất và do đó, nó được cho là sẽ sớm trở thành ngành sinh lợi lớn thứ hai.
Ông Goff cho biết sự tuyệt vọng mà con người phải trả qua là yếu tố chính dẫn đến sự phát triển nhanh chóng này; đây cũng là điều mà cô Som (hóa danh) hiểu rất rõ từ trải nghiệm của chính bản thân.
Khi cô mới 12 tuổi, cha của cô qua đời, để lại mẹ cô, cô và hai anh/em trai. "Tính cách của tôi là muốn giúp đỡ họ [người nhà] nhiều nhất có thể", cô Som nói trong một cuộc phỏng vấn với The Exodus Road. Với môi trường sống là một khu vực đông khách du lịch của Thái Lan, mong muốn giúp đỡ người thân đã dẫn cô Som đi vào con đường bị bóc lột tình dục khi chỉ 14 tuổi.
"Công việc này sẽ gặm nhấm bạn dần dần. Nó sẽ làm thối rữa trái tim của bạn. Mỗi lần khách hàng đến với tôi, tôi cảm thấy như họ lấy đi thứ gì đó của tôi, rồi họ để tôi đi, như một vòng tuần hoàn".
Vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại cho đến khi con gái của Som, bé Pearl (hóa danh), bị một thành viên trong gia đình lạm dụng. Vụ việc thúc đẩy Som tìm một cách sống khác. Nó đã đưa cô đến một trong những cơ sở của Ngôi nhà Tự do (Freedom Home) do The Exodus Road điều hành ở Thái Lan.
"Tôi tự hào về bản thân rằng mình đã ra đi... nhưng điều đó không hề dễ dàng. Có những người đã giúp đỡ tôi", cô nói.


Chân dung 10 người đàn ông bị bắt trong một vụ buôn người, ở North Olmsted, Ohio, Mỹ, ngày 11/5/2023. (Ảnh: Văn phòng Tổng chưởng lý Ohio)
Theo ông Goff, một yếu tố khác góp phần làm nạn buôn người phát triển nhanh chóng là đại dịch COVID-19, vì cách mà nó tạo ra sự tuyệt vọng. Ông cho biết, khi mọi người đang tuyệt vọng, một lời mời làm việc đồng nghĩa với hy vọng cho tương lai, cho chính họ và gia đình họ. Và điều đó khiến họ dễ trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người hơn.
"Đại dịch làm gia tăng khả năng dễ bị tổn thương của những người vốn đã dễ bị tổn thương. Khi họ nghe thấy những điều như chiến tranh và thiên tai, thậm chí cả những điều như biến đổi khí hậu, nó khiến những người vốn đã trải qua những tổn thương đó trở nên dễ bị tổn thương hơn trong thế giới nghèo khó. Và điều đó tạo ra môi trường hoàn hảo cho sự tuyệt vọng mà bọn buôn người có thể lợi dụng".
Ông cho biết những kẻ buôn người thường gài bẫy những nạn nhân tuyệt vọng bằng cách hứa hẹn cho họ một cơ hội việc làm mà nghe có vẻ hoàn toàn tin tưởng được.
Đó là trường hợp của Kratay (hóa danh). Khi cô 13 tuổi, cha dượng và mẹ cô đã gây áp lực buộc cô phải tìm việc làm; vì vậy, khi bạn của cô nói với cô về một "công việc dễ dàng", Kratay đã chớp lấy cơ hội đó.
Theo chân bạn mình đến với một công việc có vẻ giống như công việc bình thường tại quán bar, Kratay bị ép ở một mình với một người đàn ông lớn tuổi, kẻ này đã cưỡng hiếp cô. Khi cô kể cho cha mẹ về chuyện đã xảy ra, họ nói: "Người đàn ông này trả bao nhiêu tiền cho con?". Cô trả lời là 30 USD. Cha mẹ cô sau đó buộc cô phải tiếp tục làm việc ở quán bar.
Ông Goff cho biết sau khi hứa hẹn một công việc có vẻ hợp pháp, những kẻ buôn người thường đưa nạn nhân đến một địa điểm khác, rồi nói với họ rằng công việc được hứa hẹn không còn nữa. Sau đó, họ nói với nạn nhân rằng, vì họ đã trả tiền hoặc tạo điều kiện cho việc đưa nạn nhân đến địa điểm mới này, nên nạn nhân đã mắc nợ họ một khoản tiền, và do đó nạn nhân phải làm việc.
"Đó thường là hình thức ràng buộc về nợ nần - thứ sẽ giam cầm người nào đó vào tình huống đó, đi kèm là các hình thức vũ lực, lừa đảo và ép buộc khác. Tất cả thực sự có thể khiến ai đó cảm thấy bế tắc trong hoàn cảnh đó", ông Goff nói.
Một yếu tố chính khác thúc đẩy nạn buôn người là nền tảng kỹ thuật số mà một số hình thức buôn người sử dụng. Ông Goff cho hay, ở Philippines — một trong những khu vực mà The Exodus Road đặc biệt lưu tâm, có sự gia tăng đáng kể tội phạm trực tuyến, đặc biệt liên quan đến bóc lột tình dục trẻ em.
"Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên đang là nạn nhân của điều này. Và một trong những điều đáng sợ và bi thảm nhất là thị trường về nội dung tình dục gần như hoàn toàn ở bên ngoài đất nước, từ các quốc gia như Hoa Kỳ và các nước châu Âu", ông Goff nói.
"Không gian trực tuyến dẫn đến việc nạn nhân bị khai thác cả trực tuyến và cả trực tiếp trong việc sản xuất nội dung đó. Vì vậy, sự thật là, với sự phát triển của công nghệ trong thế giới chúng ta… việc tiếp cận những người dễ bị tổn thương trở nên dễ dàng hơn; và điều này thật vô cùng đáng buồn".
Tuy nhiên, ông Goff cho hay công nghệ cũng giúp việc truy tìm thủ phạm trở nên dễ dàng hơn.
"Nó cho phép chúng ta lập bản đồ và làm gián đoạn toàn bộ các hệ thống với tốc độ không thể thực hiện được nếu chỉ dựa vào trí thông minh của con người", ông nói.
Các biện pháp
Ông Goff cho biết mọi người thường nghĩ rằng chỉ cần xông vào và kéo ai đó ra khỏi tình trạng bị buôn bán là sẽ cứu được người ấy. Nhưng đó không phải là cách nó hoạt động.
Thay vào đó, hành trình tìm đến tự do của những người sống sót bắt đầu từ thời điểm họ nhận được sự can thiệp, giúp đỡ. Ông nói: “Sự ép buộc, những chấn thương mà những người sống sót này đã trải qua đòi hỏi rất nhiều sự chú ý, để tâm từ người khác”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đã gặt hái được nhiều thành công khi sát cánh cùng những người đàn ông và phụ nữ tốt bụng - những người quan tâm sâu sắc đến cộng đồng của họ và muốn thấy những người bị bóc lột được trả tự do. Khi chúng tôi làm điều đó, nó cho phép người sống sót tiếp cận các dịch vụ của chính phủ và phi chính phủ; nếu không nhận được sự giúp đỡ này, họ sẽ khó tiếp cận hơn".
Trong trường hợp của Som, sự an toàn và nền tảng giáo dục mà Ngôi nhà Tự do tại địa phương cung cấp cho cô ấy và bé Pearl là tấm vé giúp Som thoát khỏi nạn buôn người. Khi ở đó, cô tham gia các lớp học tiếng Anh và các khóa đào tạo về kinh doanh. Hiện tại, cô ấy đang bắt đầu nghĩ đến việc tự kinh doanh trực tuyến.
"Khi tôi hành nghề mại dâm, ai đó có thể dùng tiền để mua tôi. Còn bây giờ? Tiền không mua được tôi nữa", cô nói.
Trong trường hợp của Kratay, tự do đến với cô khi cảnh sát chìm đóng giả người mua dâm, giải cứu cô và đưa cô vào một ngôi nhà của chính phủ - nơi được xây dựng cho các cô gái bị bóc lột tình dục ở Thái Lan. Sau khi vụ kiện của cô được giải quyết, Kratay chuyển đến Ngôi nhà Tự do và bắt đầu tham gia các lớp học kinh doanh và tiếng Anh, đồng thời học cách đan và bán giỏ để kiếm thu nhập.
"Tại Ngôi nhà Tự do, tôi thực sự cảm thấy tự do", Kratay nói. Một ngày nào đó, cô hy vọng trở thành y tá ngành thú y.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch
----------