In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

Chiến tranh từ Gaza tới Ukraina, Mỹ tả xung hữu đột
Tác giả : Thụy My Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-11-19
Chiến tranh ở Ukraina chưa kết thúc, đã nổ ra cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Liệu xung đột có lan rộng khắp Trung Đông, nguy cơ thế chiến thứ ba, Mỹ có thể can thiệp một lúc hai cuộc chiến hay không ? Le Point The Economist tuần này cùng bàn luận.
Khói bốc lên sau một vụ nổ ở Gaza, nhìn từ miền nam Israel, trong bối cảnh cuộc chiến chống phe Hồi giáo Hamas, ngày 18/11/2023. REUTERS - ALEXANDER ERMOCHENKO
Một thế giới bất an với hai cuộc chiến tranh lớn được các tuần báo đề cập theo nhiều khía cạnh. L’Express đăng ảnh triết gia Élisabeth Badinter với lời phát biểu " Lần đầu tiên kể từ 1945, nhiều người Pháp gốc Do Thái sợ hãi đến nỗi phải ẩn trốn ". L’Obs chạy tựa " Du hành trong một nước Nga bị cấm đoán ". Courrier International quan tâm đến " Chuyển đổi sinh thái bị ngưng lại ". Le Point nói về " Phương Tây bị cô lập, các nhà độc tài phấn khởi : Tấm bản đồ mới của thế giới ".The Economist dự báo về " Thế giới tiến đến năm 2024 ".
Gaza : Israel làm chủ phía bắc, nỗi lo nhân đạo ở phía nam
Trước hết về cuộc chiến Gaza, The Economist nhận thấy trận đánh ở miền bắc Gaza gần như kết thúc, nhưng tình hình nhân đạo ở miền nam đang trầm trọng thêm. Một thành phố mới cách đây sáu tuần có gần 1 triệu dân, nay chỉ còn là một cái vỏ rỗng. Khi phóng viên tuần báo hôm 14/11 tháp tùng một đoàn xe quân sự tiếp tế đến trại tị nạn Al-Shati ở bắc Gaza, nhiều tòa nhà đã bị phá hủy, điện nước không còn, đa số các thành phố xung quanh cũng vậy. Israel nay kiểm soát khu vực bắc, đánh bật Hamas ra ngoài.
Hai vấn đề được đặt ra, trước mắt là làm sao giảm nhẹ thảm họa nhân đạo vì 2,2 triệu dân Gaza nay chen chúc ở miền nam, thiếu thốn mọi thứ. Bên cạnh đó, không chỉ thường dân mà các tay súng Hamas cũng bỏ chạy về phía nam, và Israel vẫn chưa tìm được các đầu sỏ của phe này. Yahya Sinwar, thủ lãnh chính trị và Mohammed Deif, phụ trách quân sự được cho là vẫn đang ẩn trốn trong mạng lưới địa đạo chằng chịt. Quân đội Israel trong những tuần tới sẽ phải dò tìm từng nơi cho nổ tung những lối vào đường hầm, tìm kiếm vũ khí và địch quân, với sự hỗ trợ của quân khuyển và xe tăng.
Và sau đó Gaza sẽ được quản lý như thế nào thì chưa rõ. L'Express cho biết " Hamas được trang bị tận răng ", chiến binh được huấn luyện kỹ càng và kho vũ khí dồi dào, có thể gây thiệt hại nặng cho Israel. Theo The Economist, " Nhiều chính phủ Ả Rập muốn Hamas biến mất ". Hamas ngự trị như một nhà nước độc tài, độc đảng từ 2006 đến nay, nhiều người Palestine không giấu sự phẫn nộ, nhưng không có nghĩa là họ có cảm tình với Israel. Sinwar và Deif đều lớn lên trong các trại tị nạn gần Khan Younis, nơi phần lớn dân miền bắc Gaza đang sơ tán. Israel có thể giáng cho Hamas một đòn chí mạng, nhưng vẫn có khả năng những nhóm khác nổi dậy.
Vì sao có những người không muốn coi Hamas là khủng bố ?
Giáo sư David Chilstein của đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne giải thích về vụ tấn công của Hamas trên phương diện luật hình sự. Tuy đảng cực tả Pháp LFI và một số tổ chức phi chính phủ không chịu coi là khủng bố, nhưng theo luật pháp quốc tế thì đúng là như vậy. Hamas chủ yếu nhắm vào thường dân, với một loạt hành động man rợ (hãm hiếp, phân xác, cưỡng bức tập thể, thiêu sống…) đã gây kinh hoàng cho cộng đồng quốc tế chứ không chỉ người dân Israel.
Khác với khái niệm tội ác chiến tranh, tổ chức khủng bố là tội phạm mà mỗi Nhà nước đều phải diệt trừ, chẳng khác một khối hoại thư. Nghị quyết 1500 do Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 11/03/2004 khẳng định " sự cần thiết phải chiến đấu bằng mọi phương tiện mối đe dọa mà hành động khủng bố đè nặng lên hòa bình và an ninh quốc tế ". Chính vì vậy mà một số tổ chức chính trị tránh gọi vụ thảm sát của Hamas là hành động khủng bố.
Song song với tội khủng bố, tư pháp quốc tế còn có thể cáo buộc thêm các tội khác. Tội ác chiến tranh thì không thể nào chối cãi, còn tội ác chống nhân loại được định nghĩa là phạm phải trong khuôn khổ một cuộc tổng tấn công hay cố ý nhắm vào thường dân, mà Hamas khó thể chối cãi. Chẳng hạn tòa án về Nam Tư cũ đã không ngần ngại cáo buộc quân đội Croatia ở Bosnia-Herzegovina tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại vì đã thảm sát 116 dân làng Amihci trong đó có phụ nữ, trẻ em, phá hủy nhà cửa…
Những cơ hội hòa bình bỏ lỡ
Ngược dòng lịch sử, Courrier International đăng lại bài viết của L’Orient-Le Jour, tỏ ý tiếc là đã bỏ qua nhiều cơ hội cho hòa bình tại Cận Đông.Trong khoảng thời gian từ 1993 trở đi, không khí rất thuận lợi cho hòa giải. Nhưng tháng 11/1995 thủ tướng Israel Yitzhak Rabin bị ám sát. Sau cú sốc, người ta trông cậy vào người kế nhiệm Shimon Peres vốn là " bồ câu ", tuy nhiên vài tháng sau, bốn vụ khủng bố tự sát do Hamas và Thánh chiến Hồi giáo tiến hành đã dập tắt mọi hy vọng. Đến tháng 5/1996, ông Peres bị Benjamin Netanyahou đánh bại, chính phủ Israel chuyển sang cánh hữu. Năm 1999, Ehud Barak của Công Đảng lên làm thủ tướng, cùng Bill Clinton cố cải thiện tình hình, nhưng lần này Yasser Arafat bác bỏ đề nghị của Mỹ và Israel.
Kế hoạch chia sẻ đất đai do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua tháng 11/1947, về mặt chính thức được Do Thái chấp nhận nhưng Ả Rập bác bỏ. Các nước Ả Rập tấn công vào Israel sau khi Nhà nước Do Thái được thành lập ngày 14/05/1948 nhưng thua trận, nhờ đó Israel có được diện tích đất rộng hơn so với kế hoạch cộng thêm Tây Jerusalem. Lãnh thổ còn lại cũng không thuộc về Palestine độc lập, nhưng không phải vì Israel, mà do phe Ả Rập. Transjordanie trở thành Jordanie sau khi chiếm Đông Jerusalem và Cisjordanie, còn Ai Cập chiếm Dải Gaza.
Các nước Ả Rập cũng không muốn thấy một Palestine độc lập và không thể kiểm soát bên cạnh, lôi kéo mình vào một cuộc chiến với Israel. Mãi đến 1974 họ mới công nhận Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện duy nhất cho người Palestine, tức 26 năm sau khi Nhà nước Israel được thành lập. Trước đó, từ ngày 05 đến 10/06/1967, thế giới Ả Rập đã lãnh một cái tát điếng người : chỉ trong sáu ngày Israel đã đánh bại ba nước Ả Rập : Ai Cập, Syria, Jordanie ; chiếm được Đông Jerusalem, Cisjordanie, Dải Gaza và thêm cao nguyên Golan.
Vai trò của các cường quốc khu vực
L'Obs nhận định " Chiến tranh Israel-Hamas : Thời điểm của các cường quốc khu vực Trung Đông ". Những nước trong vùng cũng có phần trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng, nên cần phải đóng góp vào việc tìm ra một giải pháp chính trị. Trong phương trình phức tạp về Gaza, có một nhân tố hoàn toàn khác với các cuộc khủng hoảng trước, đó là vai trò và sức nặng của các nước láng giềng.
Một trong những hình ảnh ấn tượng những ngày gần đây là cái bắt tay của thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salman và tổng thống Iran Ebrahim Raïssi hôm 11/11. Suốt một thời gian dài chỉ có một quốc gia Ả Rập duy nhất công nhận Israel, đó là Ai Cập của ông Sadate năm 1979. Rồi đến một nước thứ hai là Jordanie năm 1994, một năm sau hiệp định Oslo, và chỉ có thế. Mãi đến hiệp định Abraham năm 2020 mới có thêm nhiều nước Ả Rập thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
Tuy không phải là những nền dân chủ tôn trọng nhân quyền, nhưng các nước này có lợi khi cứu vãn cấu trúc an ninh đang được xây dựng tại Trung Đông, trên cơ sở quan hệ thực dụng với Israel. Các cường quốc Ả Rập không muốn thấy Iran và các đồng minh cực đoan tạo ra bất ổn thường trực. Nếu Hoa Kỳ đóng vai trò chính sau vụ khủng bố ngày 07/10 qua việc răn đe Iran, thì các nước trong khu vực có thể góp phần giúp ra khỏi khủng hoảng, đặc biệt là Ả Rập Xê Út.
Lần đầu Israel bắn chận hỏa tiễn của dân quân từ không gian
Hồ sơ 20 trang của Le Point phân tích, cuộc chiến tranh ở Cận Đông gây phấn khích cho một số nước theo đuổi những lợi ích khác nhau nhưng có chung một đam mê : sự thù ghét phương Tây. Hôm 31/10 đã diễn ra trận đánh đầu tiên trên không gian, một bước ngoặt trong lịch sử chiến tranh nhưng ít được để ý. Trong khi hệ thống Vòm Sắt của Israel, như thường lệ, ngăn chận những hỏa tiễn hàng ngày vẫn từ Dải Gaza bắn sang, thì một hệ thống lá chắn khác bắt đầu hoạt động. Đó là Arrow, đã tiêu diệt một hỏa tiễn không phải trên bầu trời Israel mà tận trên quỹ đạo, ở độ cao trên 100 kilomet.
Ai trong số những kẻ thù của Israel sở hữu công nghệ này ? Đáng ngạc nhiên, thủ phạm không phải là một trong những cường quốc Cận Đông, mà là Houthi, dân quân thuộc một nhánh hệ phái Shia ở Yemen, được Iran tài trợ, trang bị và huấn luyện. Từ bản doanh ở Saana cách Israel 1.800 kilomet, phe này bắn hạ được một drone Mỹ phía trên Hồng Hải. Khi kích hoạt lực lượng tay sai này, chế độ Iran đã tăng tốc, đe dọa phương Tây tại Cận Đông.
Iran, Nga, Trung Quốc : Những kẻ thủ lợi từ chiến tranh Gaza
Iran cùng với mạng lưới ở Yemen, Liban, Syria và Irak không phải là những kẻ duy nhất trục lợi từ vụ khủng bố ngày 07/10 của Hamas. Khaled Mechaal, một trong những thủ lãnh Hamas khoe trên một đài truyền hình Ai Cập : " Người Nga nói với chúng tôi là sự kiện ngày 07/10 sẽ được giảng dạy trong các trường quân sự (...) Người Trung Quốc cân nhắc một kế hoạch ở Đài Loan theo những gì lữ đoàn Al Qassam (nhánh quân sự của Hamas) đã làm ".
Từ Matxcơva, Vladimir Putin đáp lại bằng một màn trình diễn lâm ly. Kẻ đao phủ không ngần ngại gởi những thanh niên Nga sang mặt trận Ukraina khiến họ bị chết thảm, xuất hiện với nước mắt rưng rưng khi đề cập đến tình hình Gaza, nói rằng : " Đó là phản ứng của tất cả những người bình thường có trái tim không phải bằng đá ". Cuộc xung đột khiến thế giới không còn chú ý đến Ukraina, giúp Putin củng cố liên minh với tất cả kẻ thù của phương Tây, từ giáo chủ Ali Khamenei ở Iran, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho đến bạo chúa Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Sau chuyến thăm, Bình Nhưỡng đã giao cho Nga 1 triệu quả đạn, nhiều hơn số đạn của tất cả đồng minh chi viện cho Ukraina kể từ đầu cuộc xâm lăng !
Về phía Tập Cận Bình kín đáo hơn, nhưng cho báo chí đồng loạt tố cáo phương Tây đạo đức giả. Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ và đồng minh chừng như bị cô lập, ông tổng thư ký Antonio Guterres có những phát biểu thiên vị khiến đại sứ Israel đòi hỏi ông từ chức. Sự rạn nứt Bắc-Nam, bộc lộ từ cuộc xâm lăng Ukraina, lại càng sâu hơn. Nhà nghiên cứu Jorge Heine nhận thấy ngày càng nhiều nước " phương Nam " tuy không đứng về phía Nga và Trung Quốc nhưng giữ khoảng cách với phương Tây. Tuần báo đưa ra danh sách các nước có phản ứng khác nhau về Ukraina và Israel. Riêng Việt Nam vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu năm 2022 lên án Nga xâm lăng, nhưng năm 2023 không tố cáo việc Israel đáp trả Hamas như Nga và Trung Quốc.
Nguy cơ thế chiến thứ ba ?
Có nên lo sợ xung đột sẽ lan rộng khắp nơi, xảy ra Đệ tam Thế chiến ? Chuyên gia Bruno Tertrais trên Le Point phân tích, nguy cơ này rất thấp, phương Tây vẫn có những ưu thế chiến lược mang tính quyết định. Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO) thống kê có 55 cuộc xung đột vũ trang trên thế giới trong năm 2022, trong đó có 8 xếp vào loại " chiến tranh " (trên 1.000 người chết trong năm), đa số là nội chiến. Những cuộc chiến tranh lớn tuy hiếm hoi nhưng mức độ bạo liệt rất cao.
Bốn nước độc tài Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách mở rộng ảnh hưởng và lãnh thổ, chưa kể những cuộc đối đầu trên bốn chiến trường mới là thế giới mạng, truyền thông, không gian và đáy biển. Khi Nga xâm lăng Ukraina với sự giúp sức của Iran, Azerbaijan tấn công Armenia với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, Hamas khủng bố Israel nhờ sự trợ lực của Iran, ba dân tộc trên đối phó với mối đe dọa diệt chủng ; chưa kể nguy cơ chiến tranh ở châu Á.
Tuy nhiên phương Tây có mạng lưới đồng minh rộng rãi, còn các nước độc tài thì không có hoặc rất ít. Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể ngày càng lỏng lẻo; Nga, Iran, Trung Quốc liên kết với nhau nhưng không phải là liên minh quân sự. Sự lệ thuộc kinh tế lẫn nhau cũng làm giảm nguy cơ chiến tranh.
Sức sống phương Tây
Vì sao phương Tây vẫn có sức nặng trên thế giới ? Le Point cho rằng phe độc tài có những khuyết điểm trầm trọng.Thổ Nhĩ Kỳ có tỉ lệ lạm phát 61,5 %, thâm hụt thương mại lên đến 109 tỉ đô la, đồng licra mất 35 % giá trị so với euro kể từ đầu năm và 80 % từ 5 năm qua. Kinh tế Iran cũng u ám, một phần do cấm vận nhưng nhất là các giáo sĩ chỉ lo đàn áp biểu tình thay vì xóa nạn nghèo đói mà 1/3 dân số đang chịu đựng. Kinh tế Nga thụt lùi vì cuộc chiến đẫm máu của Vladimir Putin và chỉ dựa vào bán tài nguyên. Còn Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng dẫn đến địa ốc đóng băng, tiêu thụ giảm sút, và sâu xa hơn là phương trình khó giải " mác-xít + tư bản ", dân số giảm, bị Ấn Độ cạnh tranh.
Giới trẻ Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam chừng như không hề tin rằng phương Tây đang xuống dốc ; làn sóng sinh viên dồn dập đi du học Mỹ, Canada, Úc, châu Âu. Sinh viên ngoại quốc tại các nước OCDE lên đến mức kỷ lục là 1,92 triệu ; tăng 61 % kể từ 10 năm, trong đó 20 % chọn Hoa Kỳ. Đa số các nhà khoa học trẻ Ấn Độ, Trung Quốc không trở về nước mà ở lại làm việc cho các công ty lớn hay khởi nghiệp, góp phần giúp phương Tây luôn trên hàng đầu về sáng tạo. Đến 2050, GDP tính trên đầu người của Hoa Kỳ vẫn gấp ba Trung Quốc. Chẳng những phương Tây không suy tàn như những người bi quan dự đoán, mà sự giàu có của cư dân các nước này trong một thời gian dài sẽ còn gây ra nơi một số nước " phương Nam " sự ganh tị, và cả thù ghét.
Từ Gaza tới Ukraina, Mỹ tả xung hữu đột
Nguy cơ cuộc chiến giữa Israel và Hamas lan ra khắp Trung Đông, chiến tranh ở Ukraina – quy mô nhất ở châu Âu từ 1945 - chưa có dấu hiệu kết thúc, Trung Quốc đe dọa Đài Loan, xung đột tiếp diễn ở Mali, Sudan, Miến Điện…Trong lịch sử từng có những giai đoạn xảy ra hàng loạt khủng hoảng, chẳng hạn những năm 1978-1979 Trung Quốc xâm lăng Việt Nam, cách mạng Hồi giáo tại Iran, Liên Xô đưa quân sang Afghanistan. Nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh nay không thể can thiệp dễ dàng và ít tốn kém như trước đây.
Những đối thủ như Trung Quốc và Nga cứng rắn hơn và ngày càng liên kết với nhau, tương tự với những nước không liên kết như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Các cường quốc ngày càng phân cực hơn trong những vấn đề mà trước đó họ có thể đồng thuận ; chẳng hạn Nga ủng hộ Hamas, kết thúc những năm ngoại giao thận trọng với Israel. Mỗi cuộc khủng hoảng nay có nhiều nhân tố liên quan hơn, ví dụ cuộc phản công của Ukraina khó thể thực hiện nếu Hàn Quốc không cung cấp đạn.
Thế giới loạn lạc, Mỹ và đồng minh thấy đe dọa đang tăng lên, Nga và Trung Quốc thì coi là cơ hội. Hoa Kỳ đã điều hai hàng không mẫu hạm đến Trung Đông, nếu chiến tranh Gaza kéo dài, Hải quân Mỹ có thể ở lại đây, tạo chênh lệch với những nơi khác kể cả châu Á. Nhiều chính khách phương Tây cho rằng chiến tranh Ukraina có thể kéo dài thêm 5 năm, tình báo Mỹ dự báo Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan vào cuối thập niên này.
Năm ngoái, Mỹ lấy bớt dự trữ đạn cho Israel để vũ trang Ukraina, tháng Mười vừa qua chuyển ngược lại cho Israel. Hiện Washington có thể hỗ trợ cho cả hai nước bạn, nhưng nếu chiến tranh kéo dài sẽ khó. Từ năm 1992, các chiến lược gia quân sự Mỹ chuẩn bị cho việc tiến hành hai cuộc chiến tranh cùng lúc. Đến 2018, chính quyền Trump đổi thành " một cuộc chiến duy nhất ", và Biden nay phải theo hướng này. Nhà sử học Radchenko dẫn lời Chu Ân Lai năm 1964 : " Nếu có thêm vài Congo ở châu Phi, vài Việt Nam nữa ở châu Á, vài Cuba ở châu Mỹ la-tinh, Mỹ phải chìa mười ngón tay ra cả chục nơi…ta có thể cắt từng ngón một ".
----------