In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 


Ăn chay thời nay
Tác giả : Tạ Phong Tần Ngày đăng: 2023-12-29
Tháng Bảy âm lịch là mùa ăn chay rộn ràng, thu hút nhiều người Việt tham gia nhứt trong năm. Không có gì lạ khi mà tín đồ Phật giáo trong người Việt đông đảo nhứt so với các tôn giáo khác, mà người không theo tôn giáo nào cũng nhân dịp này ăn chay theo bạn theo bè.
Ăn chay là khái niệm không xa lạ với người Việt. Từ lúc còn nhỏ xíu tôi đã thường nghe người ta thường nói với nhau: “Bữa nay đi chùa ăn chay,” “Đi chợ mua đồ về nấu chay.” Con nít thời chúng tôi, tới giờ ăn mỗi đứa bưng một tô bự nào là cơm, canh, thịt, cá,… (hầm bà lằn lộn xộn, có thức ăn gì cũng xụ hết vô một tô,) ra đường xóm vừa ăn vừa chơi, hoặc vừa ăn vừa đứng/ ngồi coi mấy đứa khác chơi. Lâu lâu tôi lại thấy có đứa bưng tô cơm ăn mà khoe rằng:
- Bữa nay nhà tao ăn chay. Thấy mặt nó rất hãnh diện, tôi tò mò hỏi:
- Ngon không?
Nó trả lời:
- Không ngon như ăn thịt, ăn cá.
- Vậy nhà mày nấu làm chi?
- Má tao nói ăn chay được phước nhiều lắm đó.
- Phước để làm chi vậy?
- Có phước thì sau khi chết Diêm vương cho đi đầu thai liền, không bị té xuống 18 tầng địa ngục. Dưới đó có nhiều đầu trâu mặt ngựa, quỷ sứ ghê lắm.
Tôi trợn tròn mắt, suy nghĩ ăn chay lợi ích lớn như vậy sao hổng thấy nhà tôi nấu đồ chay ăn cà??? Tôi hỏi bà ngoại, ngoại nói "giữ tụi bây mệt ná thở, rảnh đâu mà nấu chay rườm rà."
Hàng xóm tôi lúc đó có các bà, các cô, cứ ngày Rằm, mùng Một chùa có tổ chức đãi cơm chay thì kéo nhau vô làm công quả, đốt nhang, cúng dường rồi ăn cơm chay. Tôi hỏi cơm chay không ngon, ăn làm chi, đốt nhang xong sao không về nhà ăn thì mấy bà, mấy cô nói vô chùa coi học người ta làm đồ chay nhìn giống y chang đồ mặn, từ miếng thịt heo, con tôm, con cua, con cá… giống hịt như thiệt, đẹp gì đâu á. Hóa ra đây cũng là một cách học lóm nghề nấu ăn.
Ăn chay, hiểu nôm na là chỉ ăn thực phẩm chế biến từ nguồn gốc thực vật, không ăn động vật. Ở đây, tôi chỉ trình bày sơ về khái niệm ăn chay theo cách hiểu của Công giáo và Phật giáo, là hai tôn giáo người Việt tin theo nhiều nhứt, chớ không đi sâu vô chi tiết cách ăn chay của những tôn giáo khác. Ăn chay vì tôn giáo là tuân theo giáo luật của tôn giáo, khác với những người ăn chay vì lý do sức khỏe mà phải kiêng cữ tiêu thụ nhiều chất đạm, chất béo động vật.
Lúc nhỏ, tôi nghe sư thầy ở chùa gần nhà tôi nói Phật giáo ăn chay là “thứ gì nhúc nhích thì không ăn.” Tôi hỏi nhúc nhích là sao? Sư thầy trả lời cây cỏ thì nó đứng im một chổ không có bò lết chạy nhảy bay đi đâu hết, gọi là không nhúc nhích. Vì vậy, tín đồ Phật giáo ăn chay để “tạo phước” nên ăn chay quanh năm, ăn một tháng vài lần, hoặc một tuần vài ngày, hoặc rằm Tháng Bảy âm lịch (còn gọi là Tháng Cô Hồn) thì ăn chay hết tháng là học theo gương Bồ Tát Mục Kiền Liên để cầu phước cho cha mẹ, tránh đầu thai làm con vật nếu sát sanh (thuyết luân hồi.)
Khác với Phật giáo, trừ các linh mục, thầy, soeur, ăn chay hết mùa chay (40 ngày) thì tín hữu Công giáo bình thường chỉ cần một năm ăn chay hai ngày là đủ. Người theo Công giáo ăn chay để tưởng niệm cuộc thương khó tử nạn để cứu chuộc nhân loại trên cây Thánh giá của Đức Jesus, nên cùng với ăn chay là hạn chế những thú vui trần tục. Người Công giáo ăn chay không ăn thuần thực vật như Phật giáo, mà chỉ kiêng những động vật nào có máu đỏ (giống máu Đức Jesus đã đổ,) nên vẫn được phép ăn hải sản như là tôm, cua, cá, trứng gà công nghiệp. Tôi biết có những người là tín hữu Công giáo kinh tế gia đình khá giả, mùa chay họ không ăn thịt đỏ (có máu) nhưng lại mua tôm càng xanh, cua hoàng đế, lươn, cá con nào con nấy to đùng… chế biến thành món ăn thịnh soạn, hoặc đi nhà hàng ăn hải sản linh đình và… chụp hình khoe lên Facebook. Tuy nhiên, những tín hữu Công giáo kiểu này không nhiều.
Vài lần, tôi cũng mua hồ ky, đậu hũ, mì sụa (sợi mì làm từ đậu nành, món mì truyền thống của người Hoa) về nhà nấu đồ ăn chay. Tôi chỉ nấu theo cách đơn giản nhứt, tức là nấu xong ăn được, chớ không cầu kỳ làm thành những món chay có tên mặn (sườn non chiên, thịt kho, cá cơm, tôm, mực…) và bề ngoài cũng giống y chang món mặn. Chỉ có vậy thôi mà mất nhiều công đoạn, nhiều thời gian và mệt đứ đừ, thành thử nấu xong rồi tôi cũng thở hào hển, đi nằm nghỉ chớ ăn hết nổi.
Vậy là từ đó về sau nếu không ăn động vật, tôi ăn tương, chao, rau xào, trứng gà. Khu vực Little Sài Gòn (quận Cam) có hàng trăm nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ của người Việt, nhưng tôi đếm được đúng 10 nhà hàng bán thuần đồ ăn chay. Các nhà hàng, quán ăn chay này bán thức ăn chay thuần thực vật, không có bất cứ món nào được chế biến từ động vật. Sở dĩ bán thức ăn chay không phát đạt và khó phát triển rầm rộ như bán thức ăn mặn (động vật) vì thức ăn chay giá bán luôn cao hơn thức ăn mặn, chế biến phải qua nhiều công đoạn rất rườm rà, đúng với câu “Của một đồng mà công một nén.” Vì vậy, thức ăn chay tuy mùi vị không ngon hơn thức ăn mặn, nhưng không thể bán giá thấp được.
Ăn chay và chế biến thức ăn chay kiểu dáng giống đồ ăn mặn, đúng hay sai theo tinh thần tôn giáo thì người Việt đã tranh luận ầm ĩ trên mặt báo, trên mạng xã hội từ lâu rồi, năm nào cũng tranh luận và không có điểm dừng, bất phân thắng bại. Người theo “trường phái” chay giống mặn cứ mỗi năm “sáng tác” ra thêm nhiều món mới, món mặn có gì món chay có cái nấy, họ còn đặt thêm nhiều tên gọi cho món chay như chiêu thức kiếm hiệp. Công bằng mà nói, đó là nghệ thuật nấu ăn và câu khách của các nhà kinh doanh chớ người đi tu không tự đặt ra các tên thức ăn mặn cho món chay và cũng không nghĩ ra cách làm giả đồ mặn cho giống, nhưng bắt chước cách làm thì có. Và thông thường, món chay giống y thịt, cá xuất hiện trong chùa là do những tay đầu bếp “làm công quả” cho chùa “trổ tài” cho thiên hạ bái phục mình chơi. Cũng có người lợi dụng qua đó lôi kéo khách thập phương thích món “chay giống mặn” mua thức ăn chay của cơ sở kinh doanh thức ăn chay của họ. Trên mạng internet thì những đại công ty chuyên cung cấp nguyên vật liệu nấu đồ chay có hẳn những website đăng bài viết, hình ảnh, dạy tỉ mỉ cách làm đồ chay giống y đồ mặn, kiêm quảng cáo nguyên vật liệu nấu đồ chay nhập từ Đài Loan, Hồng Kông để lôi kéo khách hàng.
Cá nhân tôi đặc biệt ghét kiểu làm đồ ăn chay mà cố giả hình cho giống thức ăn mặn, nên quán chay nào chế biến thức ăn giả hình món mặn thì tôi không vô.
Người miền Nam không ăn món tiết canh (máu động vật chưa nấu chín) nên không có gì kinh dị hơn là nhìn thấy món chay mà giả tiết canh y như thật, lại là trào lưu “ăn chay” đang phổ biến hiện nay ở Việt Nam. Thật may mắn khi các quán ăn, nhà hàng chay ở Little Sài Gòn chưa chổ nào có bán món “tiết canh chay” hãi hùng này. Tôi cho rằng người ăn chay vì lý do sức khỏe có thể tùy nghi ăn món chay được bắt chước hình thức món mặn cho đỡ ngán, nhưng ăn vì lý do tôn giáo thì thật sự tâm chưa tịnh.
Tạ Phong Tần
----------