In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

 

Tại sao nhập cư hàng loạt lại tốt cho các xã hội Phương Tây?
Tác giả : Gideon Rachman
Biên dịch : Nguyễn Thị Kim Phụng
Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế Ngày đăng: 2024-01-31
 
Tỷ lệ nhập cư cao là dấu hiệu cho thấy một xã hội lành mạnh và năng động.
Khi nhìn về phía trước, tôi chợt thấy có linh cảm. Giống như người La Mã, tôi như đang thấy sông Tiber sủi đầy máu…”
Đó là lời cảnh báo hồi năm 1968 của Enoch Powell về nguy cơ nhập cư ồ ạt vào Anh. Giờ đây, những người xem chính trị gia quá cố của Đảng Bảo thủ như một nhà tiên tri sẽ cảm thấy như mình được minh oan. Phản đối làn sóng nhập cư đang ngày càng trở thành vấn đề trọng tâm trong nền chính trị phương Tây.
Cuối tuần vừa qua, người ta đã chứng kiến biểu tình rầm rộ trên khắp nước Đức chống lại đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD), vốn là đảng đang có tỷ lệ ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò – và cũng là đảng bị cáo buộc đang xem xét việc trục xuất hàng loạt người nhập cư. Tại Mỹ, Donald Trump từng nói rằng những người nhập cư bất hợp pháp đang “đầu độc dòng máu” của đất nước. Về phần mình, chính phủ Anh cũng đang bị ám ảnh bởi kế hoạch thất bại nhằm trục xuất những người xin tị nạn đến từ Rwanda.
Phải chăng điềm báo của Powell đang được xác nhận – hơn 50 năm sau phát biểu về “dòng sông máu” của ông?
Có lẽ là không. Bởi vẫn có hai khuyết điểm lớn trong quan điểm cho rằng nhập cư hàng loạt là một sai lầm khiến xã hội phương Tây bị chia rẽ.
Đầu tiên, ý tưởng cho rằng đồng nhất sắc tộc sẽ đảm bảo hòa bình xã hội ở phương Tây rõ ràng là vô lý. Thứ hai, chúng ta sẽ phải trả giá đắt về kinh tế và xã hội nếu hạn chế nhập cư một cách đáng kể. Những người hiện đang phàn nàn về việc “có quá nhiều người nhập cư” rồi sẽ cảm thấy phẫn nộ trước cái giá phải trả khi có quá ít người nhập cư.
Nói như thế không có nghĩa là làn sóng nhập cư ồ ạt không tạo ra căng thẳng. Gần như bất kỳ thay đổi lớn nào trong xã hội cũng sẽ gây ra căng thẳng. Và căng thẳng xoay quanh vấn đề nhập cư ở châu Âu thường gia tăng mạnh mẽ sau các vụ khủng bố – chẳng hạn như vụ tấn công ở Pháp hồi năm 2015, do những kẻ cực đoan Hồi giáo thực hiện.
Tuy nhiên, việc cho rằng thế giới phương Tây không có người di cư sẽ có thể chung sống trong sự hòa hợp hoàn hảo là một suy nghĩ ngu ngốc nếu xét về mặt lịch sử. Khi tôi lớn lên ở Anh vào thập niên 1970, khủng bố là một mối đe dọa lớn. Nhưng kẻ đánh bom lại là những người da trắng đến từ Bắc Ireland. Lịch sử châu Âu từ trước khi có làn sóng nhập cư vẫn luôn tràn ngập cảnh đổ máu và hỗn loạn. Tại Anh, Pháp, Nga, và Tây Ban Nha, các cuộc nội chiến man rợ đã xảy ra từ rất lâu trước thời đại nhập cư ồ ạt. Đơn giản thì thời yên bình đã qua lâu rồi.
Giờ đây, một số người ở phương Tây lại tỏ ra ghen tị với các quốc gia khác, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia có quy định hà khắc hơn đối với việc nhập cư, theo đó có khối dân đồng nhất về mặt sắc tộc hơn nhiều. Nhưng vấn đề là các nước này cũng không tránh khỏi bạo lực chính trị. Shinzo Abe, cựu thủ tướng Nhật Bản, đã bị ám sát vào năm 2022, trong khi lãnh đạo đảng đối lập chính của Hàn Quốc vừa bị đâm hồi tuần trước. Và tất cả người dân Hàn Quốc đều đang sống dưới bóng đen hạt nhân từ những người anh em cùng sắc tộc với họ ở Triều Tiên.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Vì không có dân nhập cư để bù đắp, dân số của hai nước này đang sụt giảm và già đi nhanh chóng – và điều đó sẽ gây ra những căng thẳng lớn về kinh tế và xã hội.
Các chính trị gia chống nhập cư thường nói rằng câu trả lời cho tỷ lệ sinh thấp là hãy sinh nhiều trẻ hơn, thay vì chào đón nhiều người nhập cư hơn. Nhưng các chính sách ủng hộ sinh đẻ lại có kết quả rất kém.
Những người phản đối việc nhập cư hàng loạt nói rằng nó gây ra những tổn thất kinh tế và xã hội nặng nề. Matthew Goodwin, một học giả và nhà hoạt động chống nhập cư người Anh, lập luận: “Gần một nửa tổng số nhà ở xã hội ở London thuộc về các hộ gia đình do người không sinh ra ở Anh làm chủ. Tôi không nghĩ đó là một tình huống bền vững.”
Nhưng con số này không có gì đáng ngạc nhiên vì có tới 41% người London sinh ra ở nước ngoài. Nếu tính cả những người như tôi, có cha mẹ sinh ra ở nước ngoài, thì số người London có “xuất thân nhập cư” (như cách gọi của người Đức) còn cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, London rõ ràng là thành phố thịnh vượng và năng động nhất nước Anh. Nó đang hoạt động tốt hơn rất nhiều so với phần còn lại của đất nước, đến mức mà việc “nâng cấp” để phần còn lại của Anh có mức sống và năng suất tương tự như London đã trở thành mục tiêu trọng tâm của chính phủ Anh. Các trường học ở London, nơi có rất nhiều người nhập cư mới, cũng đang hoạt động tốt hơn những trường học ở phần còn lại của đất nước.
Phải chăng mức độ nhập cư cao chính là một phần quan trọng trong câu chuyện thành công của London? Hãy thử loại người nhập cư khỏi London và thành phố này sẽ ngừng hoạt động. Mới hôm nọ, tôi đã được một anh chàng người Syria cắt tóc cho mình, sau đó đến cuộc hẹn với bác sĩ trên chiếc Uber do một người Nigeria lái. Tại bệnh viện, tôi đã được chụp chiếu bởi hai nhân viên người Tây Ban Nha, trước khi đến gặp bác sĩ chuyên khoa được đào tạo ở Delhi.
Thật vậy, Hệ thống Y tế Quốc gia (NHS) được đánh giá cao của Anh sẽ sụp đổ nếu không có sự đóng góp của người nhập cư. Khoảng 35% bác sĩ làm việc tại NHS là người nước ngoài. Nếu tính cả những người đến từ nước ngoài và đã nhập quốc tịch Anh, con số còn cao hơn nhiều. Giống như câu nói “chẳng có kẻ nào là vô thần khi phải ra chiến trường,” tôi cho rằng sẽ chẳng có bệnh nhân nào lại phân biệt chủng tộc khi phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Tất nhiên, tranh luận về mức độ nhập cư là hoàn toàn hợp pháp trong một nền dân chủ. Các cuộc vượt biên bất hợp pháp đặt ra một vấn đề đặc biệt vì chúng cho thấy nền pháp quyền đang bị phá vỡ. Nhưng ở cả Anh và Mỹ, đại đa số người nhập cư đều đến nơi một cách hợp pháp.
Cánh hữu thường nói rằng các chính trị gia nên nói sự thật về vấn đề nhập cư. Tôi đồng ý. Sự thật ở đây là mức độ nhập cư cao là dấu hiệu của một xã hội năng động và lành mạnh – chứ không phải là điềm báo về sự diệt vong hay “những dòng sông máu.”
Nguồn: Gideon Rachman, “In praise of mass immigration,” Financial Times, 22/01/2024
----------