In bài này
Diễn Đàn Độc Giả
 

Chiếc Đòn Bẩy của Năm Mới
Tác giả : Nguyễn Văn Thông Ngày đăng: 2024-02-06
Thánh Elizabeth Seton
Vừa qua năm mới Tây được ba ngày, Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ mừng một trong số hiếm-hoi các vị thánh của nước Mỹ: Thánh Elizabeth Seton. Hiếm-hoi vì Châu Mỹ là đất di-dân mới so với các châu khác, và con số tín-hữu Công Giáo ít hơn ở các giáo-phái Tin Lành mặc dù cũng là Kitô giáo. Để minh-họa cho gương sáng của thánh-nhân, trước hết Cha Michael (của nhà thờ chỗ tôi) kể chuyện một người không phải là thánh. Trong khi tai nghe bài giảng mà lòng tôi lại nghĩ đến chiếc đòn bẩy!
Bây giờ hãy nghe chuyện của cha Michael cái đã. Cha hỏi cộng-đoàn: Ai đã thấy Nhà Thờ Chính Tòa Richmond? Nhiều người giơ tay. Tôi không giơ vì chưa thấy, chưa biết. Mình hơi mắc-cỡ vì là cư-dân của Richmond, năng đi nhà thờ mà chả biết Nhà Thờ Chính Toà ra làm sao! Đâu ai cần biết chúng tôi là cư-dân mới. Cha hỏi câu thứ hai: Ai là người cho tiền xây? Chỉ có một hai cánh tay giơ lên, kèm theo cái tên gì đó. Ông cha gật-gù cảm ơn và nhắc lại: Ông Thomas Ryan ký một tấm check trả trọn-vẹn cho ngôi thánh đường nguy-nga, cả trong lẫn ngoài.
Thomas sinh ra năm 1851 trong một gia-đình thuộc giáo phái Tin Lành Baptist Church. 17 tuổi bước vào đời với $100 trong túi. Ông phấn-đấu và thành-công trong nhiều ngành kinh-doanh về giao-thông, thuốc lá, và ngân-hàng… Tên lót của ông là Fortune nghĩa là giàu. Một lần đi xe lửa gặp người soát vé tầu đạo Công-giáo, ông nói chuyện để tìm hiểu, và bị đánh động. Về sau, ông xin gia-nhập Công Giáo. Việc này khiến ông phải trả một giá đắt cho cuộc đời chính-trị. Vì là Công Giáo, ông không được ứng-cử tổng-thống Mỹ! Chịu vậy, ông xây ngôi thánh đường ở thủ-phủ Bang Virginia, và làm những công việc công-ích khác.
Thomas Fortune Ryan
Câu chuyện một gương sáng giúp thay đổi cuộc đời và xã-hội của Ông Thomas Fortune Ryan giống cuộc đời của vị thánh được nước Mỹ mừng kính - Thánh Elizabeth Seton. 200 năm trước, Elizabeth Seton sinh ra ở NewYork trong một gia-đình giàu có thuộc giáo-phái Episcopal rất tốt đạo. Là hoa-khôi, có địa-vị, và giàu có nhưng chẳng may chồng cô mắc bệnh lao phổi là thứ bệnh khó chữa thời ấy. Nghe lời khuyên của bác sĩ, cô cùng chồng và hai con về Ý nơi có khí-hậu tốt với mong ước chồng được khỏi bệnh. Trên tầu biển về Ý, chồng cô qua đời. Đến Ý ba mẹ con được tá-túc trong một gia-đình Công Giáo. Họ cố gắng xoa dịu nỗi đau đớn của Elizabeth và hai con bằng cách chia-sẻ về tình yêu thâm-sâu của họ trong đức tin Công-giáo. Elizabeth trở về New York với ý định sẽ trở nên một tín-hữu Công-giáo. Gia đình và bạn bè của cô không hiểu được điều đó nên họ rất lấy làm khó chịu. Nhưng với quyết tâm, Elizabeth đã gia-nhập Giáo hội Công-giáo năm 1805 khi cô 31 tuổi. Cô tiếp-tục các công việc bác-ái với một số chị em, săn-sóc người già, dạy học trẻ nghèo, nuôi trẻ mồ-côi theo tinh-thần các Nữ Tu Bác Ái, rồi thành-lập nhóm nữ tu trong đó có hai con gái và em dâu tham-gia phục-vụ. Cô là người thành-lập trường tư công-giáo đầu tiên, sau đó là hàng trăm trường ở Bắc Mỹ Châu, và nhiều viện mồ-côi. Cô lập bệnh-viện cho người nghèo nhưng chưa kịp khánh-thành thì qua đời ở tuổi 46. Dân chúng gọi cô là Mẹ Seton. Giáo Hoàng Paul VI tôn-vinh Mẹ lên bậc hiển-thánh ngày 14/9/1975.
Các bạn chắc đã thấy lí-do tôi nghĩ tới hình-ảnh chiếc đòn bẩy trong hai cuộc sống do Cha Michael kể lại. Có hàng trăm, hàng nghìn người tài giỏi xung quanh chúng ta đã làm được những việc phi-thường hay khác thường. Họ có nhiều điều bình-thường như chúng ta nhưng điều khác thường là động-lực khiến họ có thể làm điều khác thường. Động-lực ấy có thể ở nội-tâm, có thể ở ngoại-tại, hoặc cả hai.
Nhà khoa-học Archimede người tìm ra sức đẩy của nước thách-thức: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất này!” Ông ấy nói về nguyên-tắc đòn bẩy nhưng chú-trọng vào điểm tựa trong khi hiểu ngầm về độ dài của chiếc đòn và lực động đối xứng với lực cản.
Chúng ta thử thách-thức lại ông ấy xem sao. Cứ cho là chúng ta tìm được một điểm tựa cho ông ấy thì ông ấy đào đâu ra cái đòn để kê vào điểm tựa mà bẩy trái đất nhúc nhích chứ đừng nói là nhấc bổng. Và cứ cho là cái đòn ấy cứng không thể gẫy thì nó phải dài cỡ nào để một trọng-lượng đè xuống ở điểm động có đủ lực để bẩy quả đất là lực cản lên?
Nhà khoa-học đó không dở, đương nhiên. Ý của ông chỉ muốn minh-họa lực bẩy vô song của nguyên-tắc đòn bẩy, chứ trong nguyên-tắc đòn bẩy, để chuyển-động một vật cản, tất cả các yếu-tố sau đây điều cần: điểm tựa, chiếc đòn, và lực động.
Khi có vật cản là một khối đá, nếu lực động là bắp thịt của ta không thay-đổi, và nó không thể nhúc nhích khối đá thì chỉ còn cách vận dụng đến chiếc đòn và điểm tựa. Với chiếc đòn chỉ dài cỡ nào đó, muốn tăng lực bẩy ta phải xích điểm tựa vào gần tảng đá, càng gần càng tốt, nghĩa là bẩy lên càng dễ. Rồi, nếu xích điểm tựa hết cỡ rồi mà tảng đá chưa chịu nhích nhích hoặc chưa lên cao đủ thì chỉ có cách tìm chiếc đòn dài hơn, càng dài càng tốt, nghĩa là để bẩy tảng đá lên càng cao. Vậy cho nên, lực bẩy có khi chỉ cần tác-động của một yếu-tố, mà có khi lại cần đến tác-động của tất cả.
Người ta áp-dụng nguyên-tắc đòn bẩy vào rất nhiều việc, từ trò chơi see-saw đến cần trục, và máy-móc xây dựng. Mấy bà mẹ quê gánh gồng cũng là thể-hiện nguyên-tắc đòn bẩy. Bà xê dịch chiếc đòn gánh trên vai là điểm tựa để cân bằng hai trọng-lượng tượng-trưng cho lực cản và lực động ở hai đầu chiếc đòn gánh. Mẹ đi chợ về, đôi quang gánh nhẹ tênh chỉ có nải chuối, mớ rau. Mẹ gặp đứa con đón mẹ ngoài cổng làng đòi mẹ gánh về. Thế là bà phải thu xếp nải chuối, bó rau vào một bên, đứa con một bên, và xê dịch chiếc đòn gánh bên dài bên ngắn trên vai sao cho hai bên cân bằng mà gánh về. Không phải các bà mẹ quê Việt Nam là những nhà khoa-học “tiềm-năng” đó sao?
Tuyệt vời! Thế nhưng chiếc đòn bẩy có ăn nhậu gì với năm mới hay cái Tết của mình? Thưa có đấy, Tết ăn nhậu là đương nhiên, mà Tết lại còn ăn nhập với nguyên-tắc đòn bẩy nữa đấy. Tết là khởi đầu của năm mới. Ai cũng cầu mong năm mới được may lành, tốt đẹp hơn năm cũ. Nhưng vận-hội không đến khi chính ta không tác-động gầy-dựng. Không tác-động thì làm sao có lực đẩy. Lực đẩy làm sao mạnh nếu không có chiếc đòn đủ dài, và điểm tựa tốt.
Năm mới nào cũng là thời-gian chúng ta cần lắng-đọng để tính sổ, không nợ-nần chuyện tiền bạc, thì cũng cần trang-trải tình yêu thương, bù-đắp những thiếu-sót, chỉnh-đốn lại bước đi đến mục-tiêu về sức-khoẻ, tinh-thần, nghị-lực. Các bậc hiền-nhân như ông Thomas Fortune Ryan và thánh-nhân như Mẹ Seton vốn có nội-lực dễ làm được những việc phi-thường, nhất là khi gặp thiên-thời địa-lợi. Bình-dân như chúng ta có thể cũng làm được việc lớn khi chúng ta biết sống đúng cách sống, đúng bổn-phận như người soát vé tầu lửa, và sống yêu-thương bác-ái như gia-đình người Ý nọ. Những cách sống đúng ấy tuỳ hoàn-cảnh, sẽ trở thành điểm tựa, là hợp-lực trên điểm động, hay cùng nhau nối dài chiếc đòn bẩy.
Năm nay bầu-cử tổng thống Mỹ, một cuộc bầu-cử quan-trọng nhất lịch-sử vì nó đã được dạo đầu bằng những điều kì-cục nhất lịch-sử, bằng những ứng-cử viên lì-lợm nhất lịch-sử, chịu đòn và chịu đấm ăn xôi nhất lịch-sử, những đòn chính-trị chưa từng được tung ra mới lạ nhất lịch-sử. Nó báo trước một tương-lai không bình-thường trong lịch-sử hiện-đại. Cuộc chiến thắng hay thua là vật cản nặng ngàn cân mà mỗi cử-tri là một lá phiếu góp lại thành lực động trên cái đòn cứng-cáp tài đức của ứng-viên phe mình. Khi vật cản không thể thay đổi, chúng ta có thể di-chuyển điểm tựa cho ứng-viên của mình thêm sức bẩy.
Và sự đầu-tư vào chiếc đòn bẩy về mọi phương-diện sẽ kéo chiếc đòn dài ra, biến thành lực bẩy nhấc bổng cả quả đất này hay ném nó xuống vực. Đầu-tư vào điểm tựa, chiếc đòn, và điểm động bằng cách nào hẳn chúng ta đã biết.
Nguyễn Văn Thông
Tết Giáp Thìn 2024
----------